Hình mẫu nào cho CEO Viêt? - Tạp chí Đẹp

Hình mẫu nào cho CEO Viêt?

Tin Tức

Giám đốc điều hành (CEO) là linh hồn của doanh nghiệp. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng hơn với thế giới và đứng trước sự cạnh tranh gay gắt, CEO Việt Nam càng phải thể hiện mình rõ nét hơn bao giờ hết. Hội thảo “Vietnam CEO Forum 2012” diễn ra vào cuối tháng 9/2012 tập trung vào vấn đề này.

Thời cuộc và thách thức với CEO


Theo sự “chia nhóm” của Ban tổ chức diễn đàn, có thể tạm xem thế hệ CEO đầu tiên là thế hệ CEO 1.0. Họ chủ yếu là giám đốc các doanh nghiệp nhà nước, nắm hầu hết các cơ sở vật chất kỹ thuật và vận hành, sản xuất, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thiết yếu nhất, thực hiện sứ mệnh đảm bảo cung – cầu cho nền kinh tế, giúp nhà nước thực hiện việc bình ổn giá, đảm bảo an sinh xã hội (sau khi đất nước giải phóng).

Thời điểm 1986-1989, nền kinh tế Việt Nam bắt đầu mở cửa, chuyển dần sang cơ chế thị trường, Luật Doanh nghiệp sửa đổi năm 2000 đã mở đường cho một thế hệ doanh nhân Việt mang trong mình sứ mệnh mới đối với nền kinh tế. Trong bối cảnh đó, cùng với việc gia nhập WTO, những luồng tri thức kinh doanh toàn cầu với sự tham gia thị trường của những tập đoàn đa quốc gia, những doanh nhân Việt uy tín, vừa có tâm vừa có tầm đã xuất hiện. Đây có thể gọi là thế hệ CEO 2.0.

Và hiện nay, đã hình thành thế hệ CEO 3.0, là những người đã mở đường, tạo dựng nền tảng vững chắc cho doanh nghiệp, cạnh tranh sòng phẳng và đủ năng lực “mang chuông đi đánh xứ người”. Trong bối cảnh kinh tế ngày càng phức tạp, như khủng hoảng tài chính, khủng hoảng nợ công, suy thoái triền miên ở nhiều nước và Việt Nam phải chịu ảnh hưởng nặng nề, đòi hỏi lớp CEO mới vững vàng hơn, giỏi giang hơn trong quản trị và điều hành.

Thế nhưng, dù thuộc thế hệ nào thì những thách thức mà họ đang và sẽ phải đối diện cũng giống nhau.

Tại cuộc gặp gỡ với các doanh nhân ở TP.HCM mới đây, bà Sandy Center, Phó Chủ tịch cao cấp Tập đoàn IBM nói rằng, trong nghiên cứu mới nhất của IBM về kỹ năng lãnh đạo của các CEO hàng đầu, có một kết quả thú vị, đó là: hiện tại có 16% CEO trên thế giới liên hệ trực tiếp với khách hàng thông qua mạng xã hội. Con số này sẽ là 57% trong 3-5 năm tới. Điều này cũng có nghĩa các CEO – không phân biệt 2.0, 3.0 – đều phải có những kỹ năng tương tác hiệu quả hơn. Đây chỉ là một trong rất nhiều xu hướng mà một CEO trong thời đại hội nhập toàn cầu phải có đủ tri thức, bản lĩnh, tài năng để nắm bắt.

Bà Nguyễn Thị Lệ Hồng, Tổng giám đốc DOFICO và Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty cổ phần Proconco từng nói, thế hệ CEO trước vừa làm vừa học, ôm đồm quá nhiều công việc nên chưa có điều kiện trang bị đầy đủ kiến thức của người điều hành doanh nghiệp. Thế hệ CEO 3.0 phải chuyên nghiệp hơn, ngoài yếu tố kỹ năng quản trị, họ cần phải học hành bài bản mới quản lý và điều hành tốt doanh nghiệp.

Thiếu người kế thừa

Có một thực tế, các thế hệ CEO ở Việt Nam đã được trui rèn qua từng thời kỳ theo sự thay  đổi của đất nước. Nếu những doanh nghiệp như: Đại Đồng Tiến, Minh Long 1, REE, ABC, Tân Hiệp Phát… đã may mắn tìm được những CEO kế thừa từ trong gia đình thì với nhiều doanh nghiệp khác, việc tìm kiếm CEO là nhiệm vụ vô cùng nan giải.

Một chuyên gia tư vấn cao cấp của Sacombank có lần đã nói rằng, ông nhận thấy thách thức đối với các chủ doanh nghiệp ở Việt Nam chính là sự thiếu hụt nghiêm trọng đội ngũ CEO kế thừa. Đã từng làm tư vấn ở nhiều công ty lớn, ông nhận xét các công ty Việt Nam phát triển nhanh, nhưng đội ngũ nhân sự cao cấp chưa theo kịp sự phát triển. Những CEO thế hệ cũ có nhiều kinh nghiệm, nhưng thiếu đào tạo bài bản và đến giai đoạn chuyển giao lại không có người tin cậy để trao quyền, dẫn đến “ôm đồm” nhiều và khó duy trì sự phát triển mạnh mẽ.

Ông Giản Tư Trung, Hiệu trưởng Trường Kinh doanh PACE, lại nhấn mạnh khát vọng đua tranh mạnh mẽ cùng thế giới của CEO, không phân biệt là CEO “con nhà nòi” hay CEO chuyên nghiệp. Họ phải có khát vọng dẹp bỏ những hình ảnh “doanh nhân Việt xấu xí” mà thay vào đó là khát vọng xây dựng hình ảnh đẹp đẽ cho cả cộng đồng doanh nhân và doanh nghiệp Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế… Họ là những doanh nhân có khả năng nhìn xa – không chỉ 3 năm, 5 năm, mà có thể là 20 năm, 30 năm… thậm chí là xa hơn nữa – và trông rộng – không chỉ giới hạn ở tầm nhìn Việt Nam, mà còn có khả năng nhìn thấy cơ hội ở khắp nơi trên thế giới.

Ông dẫn chứng, trong tình hình thị trường địa ốc đóng băng như hiện nay, Công ty Liên doanh Phú Mỹ Hưng vẫn bán được những căn nhà trị giá tới 3 – 4,5 triệu USD. Điều này chứng tỏ, những người điều hành Phú Mỹ Hưng đã nắm được xu hướng phát triển của kinh tế Việt Nam trong dài hạn, vì thế đã đầu tư cách đây 20 – 30 năm cho khu đô thị kiểu mẫu vào bậc nhất Việt Nam hiện nay.

“Vietnam CEO Forum 2012” – Diễn Đàn CEO Việt Nam 2012

Là diễn đàn do Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM, CLB Doanh nhân Sài Gòn, CLB Doanh nhân dẫn đầu; CLB Doanh nhân 20-30, CLB CEO TP.HCM, Hội Doanh nhân hàng Việt Nam chất lượng cao phối hợp tổ chức.

Bài: Minh Phương; Vĩnh Khoa
Ảnh: T.L

 

Thực hiện: depweb

21/09/2012, 11:41