Hình hài đất nước bao trùm màn ảnh rộng - Tạp chí Đẹp

Hình hài đất nước bao trùm màn ảnh rộng

Sống

Điện ảnh và lịch sử là đôi bạn già 

Mùa hè năm nay không thuộc về Hollywood mà về Trung Quốc và Ấn Độ khi hai nước đều có bộ phim ăn khách nhất mọi thời đại của mình. Với Trung Quốc là “Wolf Warriors 2” đoạt doanh thu gần 780 USD toàn cầu còn Ấn Độ là “Baahubali 2: Conclusion” với 142 triệu USD toàn cầu (tính đến tháng 8/2017).

baahubali-2-conclusion
Baahubali 2: Conclusion

Điểm chung của cả hai phim tuy là phần tiếp theo nhưng lại ăn khách hơn phần đầu tiên, và quan trọng nhất là lồng ghép tinh thần yêu nước sâu sắc. Đặc biệt bộ phim sử thi “Baahubali 2: Conclusion” có phần nhỉnh hơn khi vận dụng tốt chất liệu lịch sử giàu bản sắc từ hàng ngàn năm làm nền cho câu chuyện tranh quyền cai trị vương quốc Mahishmati của hai hoàng tử Baahubali và Bhallaladeva.

Sự thành công của “Baahubali 2: Conclusion” tiếp tục là minh chứng hùng hồn cho sự gắn kết giữa Điện ảnh và Lịch sử vốn đã se duyên hiệu quả từ rất lâu. Một mặt, phim ảnh giáo dục cho khán giả về cái giá của tự do, kích thích lòng tự hào trong tâm khảm mỗi cá nhân. Mặt khác, như một người thầy về lịch sử, các bộ phim ca ngợi tinh thần dân tộc khuyến khích người xem tìm hiểu về một thời đã qua.

battleship-island
Battleship Island (2017)

Điện ảnh song hành với lịch sử như những ông bạn già. Những thước phim lịch sử đậm tinh thần yêu nước đầu tiên của nhân loại có thể kể đến như “The Birth of a Nation” (1915) của DW Griffiths hay “Chiến hạm Potemkin” (1925) của Sergei Eisenstein. Tại đó, một quỹ đạo được vạch ra hướng khán giả tới cùng một nhịp đập trái tim. Những bộ phim thành công khơi gợi được tinh thần dân tộc nhất thường kể về các cuộc đấu tranh giành tự do, quyền tự quyết.

hacksaw-ridge

Trong khi đó, tại châu Á, dòng phim có yếu tố lịch sử cũng là một trong những thế mạnh của điện ảnh Hàn Quốc khi họ đã từng tạo nên cơn sốt với “The Admiral: Roaring Currents” (2014) kể về trận thủy chiến Myeongryang lừng danh, “Assassination” (2015) về nhóm người Triều Tiên yêu nước lên kế hoạch ám sát một tay sai theo giặc, hay gần đây là bộ phim đình đám “Battleship Island” (2017). Tương tự, hai “ông lớn” Trung Quốc và Nhật Bản mỗi năm đều tung ra nhiều bộ phim điện ảnh dựa trên yếu tố lịch sử như một cách khẳng định niềm tự hào dân tộc và gián tiếp “dạy” người dân nước họ về những trang sử hào hùng của cha ông.

Mơ về thời hoàng kim của phim Sử Việt 

Trở lại với điện ảnh Việt, dòng phim có yếu tố lịch sử vẫn là canh bạc khó của nhiều nhà làm phim. Rõ ràng chúng ta có dư chất liệu để tạo nên những bản anh hùng ca nhưng số phim khai thác thế mạnh dồi dào này lại chỉ đếm trên đầu ngón tay và phần lớn đều không đạt chất lượng tốt.

07-thoi-phap-1024x500
Bối cảnh thời Pháp thuộc trong phim “Người bất tử” (Victor Vũ)

Các khán giả có chung nhận xét rằng phim Sử Việt cũng như sách sử, đều khô khan, giáo điều và… chẳng giống sử chút nào. Nguyên nhân có thể một phần do hạn chế trong cách kể chuyện, chủ yếu là khâu kịch bản, kỹ xảo còn sơ sài và đặc biệt là cảnh trí cùng trang phục, vốn là huyết mạch chính cho một phim có yếu tố lịch sử, lại không được chú trọng đã khiến các tác phẩm này không thực sự neo đậu được trong tâm trí của người xem.

05-cho-1024x761
Khung cảnh chợ quê dân dã trong “Người bất tử” (Victor Vũ)

Từ đó có thể thấy làm phim có yếu tố lịch sử là “hố lửa” thật sự nhưng vẫn có những con người tâm huyết nhảy vào đó. Nhà sản xuất Minh Dofilm cùng cộng sự là một ví dụ điển hình khi theo đuổi dự án điện ảnh huyền sử “Hộ Quốc Vệ Thần” trong 3 năm (thực tế thì dự án này được khởi động từ hơn 10 năm trước). Theo thông tin từ Fanpage chính thức thì “Hộ Quốc Vệ Thần” ban đầu là một dự án phim truyền hình nhưng về sau được phát triển thành phim điện ảnh. Chưa có bất kỳ một thông tin chính thức nào về nội dung, bối cảnh phim, nhân vật nhưng từ những bản phối vẽ đầu tiên “Hộ Quốc Vệ Thần” đã “quật ngã” người yêu điện ảnh bởi sự chỉn chu trong tạo hình nhân vật cũng như bối cảnh hoành tráng.

12120505_456883714511107_882731529_n
Tạo hình nhân vật trong phim Hộ Quốc Vệ Thần

Đội ngũ đứng sau dự án đều là những nhân vật tên tuổi trong điện ảnh Việt tạo nên một “dream-team” mà bất kỳ bộ phim nào cũng mơ ước có được như biên kịch kiêm đạo diễn Ngô Vĩnh Hoàng, DOP K’Linh, nhạc sĩ Đức Trí, đạo diễn hành động Bùi Văn Hải, đạo diễn Charlie Nguyễn (tham gia với vai trò cố vấn), biên kịch Vincent Ngô… Vậy nhưng theo như chia sẻ của nhà sản xuất Minh Dofilm thì hiện nay đường ra cho “Hộ Quốc Vệ Thần” khá hẹp vì gần như nhà sản xuất nào cũng e dè khi nhìn thấy quy mô khủng khiếp của phim cũng như không tự tin về khả năng thu hồi vốn. “Dù thế tôi vẫn sẽ theo đến khi nào không nổi nữa thì thôi” – nhà sản xuất Minh Dofilm khẳng định.

May mắn hơn “Hộ Quốc Vệ Thần”, dự án “Mai Thị – Nhân Thần Truyện” lấy bối cảnh thời Mạc – Lê Trịnh vềChúa Bà Mai Thị Ngọc Tiến của Mai ThếHiệp đã hoàn tất phần kịch bản và đang chạy nước rút để có thể bấm máy vào năm 2018. Mai Thế Hiệp cho biết khó khăn và cũng là điểm tự tin nhất của anh đối với bộ phim này chính là phần phục trang “Tôi rất cẩn trọng với “Mai Thị – Nhân Thần Truyện nên đã chủ động liên hệ với nhiều nhà nghiên cứu lịch sử cũng như những cá nhân, nhóm nắm vững kiến thức, chuyên môn lịch sử nhằm đảm bảo tính chân thật, chuẩn xác cho phim. Về phục trang, tôi được sự hỗ trợ đặc biệt từ “Đại Việt Cổ Phong”, nhóm các bạn trẻ đam mê tìm hiểu về văn hóa cổ Việt Nam, nên cũng an tâm đôi phần” – Mai ThếHiệp nói. Anh cũng bộc bạch rằng sở dĩ chọn đề tài này vì bản thân cũng là người đam mê Sử Việt và giai đoạn Mạc – Lê Trịnh là một đoạn lịch sử tàn khốc của dân tộc có nhiều yếu tố để khai thác. Thông qua bộ phim, Mai Thế Hiệp không mong gì hơn ngoài việc có một bộ phim ý nghĩa, nếu không muốn nói là để đời, mà còn hy vọng sẽ ít nhiều giúp khán giả hiểu và yêu thêm một chút về Sử nhà.

mai-thi-nhan-than-truyen-poster-1024x378
Mai Thị

Một dự án phim khác dành hơn một năm tiền kỳ trước khi chính thức bấm máy vào cuối năm sau là phim điện ảnh dã sử hợp tác giữa nhà văn Nguyễn Đình Tú và đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh mang tên “Thái giám cuối cùng của Đại Nam Hoàng Triều”. Hiện phim đã hoàn thành kịch bản chi tiết và tiến hành đăng ký bản quyền. Đây là dự án được thai nghén từ khá lâu cũng như mang nhiều tham vọng của đạo diễn “Lô tô” khi dự kiến phim sẽ được gửi đi để tham dự các liên phim quốc tế.

mai-thi-nhan-than-truyen-mac-de-anh-phan-thanh-nam-768x886
Mạc Thái Tổ

Tuấn Anh cũng thừa nhận rằng làm phim có yếu tố lịch sử thời điểm này tại Việt Nam là vô cùng khó khăn, trong đó tồn tại lớn nhất vẫn là phục trang còn hạn chế và thiếu một phim trường tiêu chuẩn, “Nhưng 15 năm trước tôi đã xác định con đường về lâu về dài của mình là chỉ đi theo dòng phim dã sử, lịch sử Việt Nam. Bên cạnh đó với tư cách là một người làm nghệ thuật thì tờ giấy thông hành tuyệt nhất để đi khắp năm châu là làm ra những bộ phim có giá trị về lịch sử đất nước và truyền cảm hứng tự hào dân tộc”.

dao-dien-huynh-tuan-anh-683x1024
Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh xác định sẽ theo đuổi dòng phim dã sử dài lâu dẫu còn rất nhiều khó khăn

Bên cạnh “Hộ Quốc Vệ Thần”, “Mai Thị – Nhân Thần Truyện”, “Thái giám cuối cùng của Đại Nam Hoàng Triều” thì nhiều dự án phim điện ảnh có yếu tố lịch sử khác cũng đang được khởi động, hứa hẹn đây sẽ là mảnh đất màu mỡ trong tương lai gần để các nhà làm phim khai thác. Dẫu biết còn nhiều thử thách, khó khăn nhưng điều đó chưa bao giờ làm chùn bước những con người có tâm huyết với sử nhà và chúng ta có quyền mơ về thời hoàng kim của dòng phim điện ảnh lịch sử Việt Nam với những bộ phim chỉn chu, chất lượng và thật.

Danh mục bài viết trong chuyên đề Men & History:

Dũng Phan – Tay ngang viết Sử

Trần Văn Đại Lợi – Mong ước về một thế hệ trẻ yêu Sử nhà

Phan Khắc Huy – Lan tỏa tình yêu Sử Việt

Phạm Vĩnh Lộc – “Lịch sử là những bài học đắt giá cho tương lai”

Tóc xanh chấp bút Sử nhà

Thực hiện: depweb

23/09/2017, 07:00