“Hình ảnh mất tích” vực dậy điện ảnh Campuchia

Tiếng nói “lạ” mà “quen”

“Lạ” ở đây là vì “The Missing Picture” mang đến ngôn ngữ điện ảnh khác lạ, cách thể hiện thuộc dạng “chưa từng có”. Mang hình thức phim truyện – tài liệu, nhưng bộ phim vẫn không cần đến bất kỳ diễn viên hay hình mẫu nhân vật nào. Thay vào đó, đạo diễn Rithy Panh sử dụng hình ảnh tư liệu có sẵn đan xen những hình nhân bằng đất sét. Khi hình ảnh thực tế bị thất lạc, thiếu vắng, thì những búp bê nhiều sắc màu sẽ lên tiếng.

Với lối thể hiện độc đáo ấy, vị đạo diễn sinh năm 1964 vẫn có thể tái hiện lại giai đoạn đầy đau thương, mất mát của lịch sử Campuchia trong vòng 90 phút. Đó là thời kỳ những năm 1975 – 1979, khi chế độ độ diệt chủng Pol Pot gieo họa trên đất nước Campuchia.

Đã có quá nhiều phim ảnh, sách vở mang đề tài tương tự; bởi thế, nếu không có tiếng nói riêng, chủ đề này dễ rơi vào sự sáo mòn, đơn thuần mang tính tố cáo tội ác quen thuộc. Cách của Rithy Panh là ông bắt đầu câu chuyện bằng chính trải nghiệm thực tế của mình. Những điều này đã được ông viết trong cuốn hồi ký về cuộc hành trình tìm kiếm những hình ảnh mang dấu ấn lịch sử bị thất lạc vào những năm Khmer Đỏ thống trị Campuchia.

Trong phim, chỉ có giọng kể của người dẫn chuyện Randal Douc, như hiện thân của Rithy Panh, đưa khán giả trở lại với ký ức kinh hoàng về chế độ diệt chủng đến nay còn là nỗi tang thương với người dân Campuchia. Như Rithy Panh nói: “Nghĩa vụ của những người sống sót như chúng tôi là phải chuyển tải câu chuyện của người đã khuất”. Bởi vậy, “The Missing Picture” còn là sự tái hiện lại những gì đã “mất tích”, tưởng nhớ những người đã ngã xuống để bảo vệ những người còn sống.

Xem phim, găm vào trí nhớ khán giả nhiều nhất có lẽ không phải là những hình ảnh lịch sử còn lưu giữ được mà là những búp bê đất sét được tạo hình khá bắt mắt. Đó là những người dân bình thường, những gia đình bình thường bị cướp đi cuộc sống bởi nạn diệt chủng.

Một trong những thước phim khó có thể có được ở đâu khác, ngoài “The Missing Picture”, đó là cảnh những búp bê đất sét – tức người dân – chứng kiến chính những hình ảnh, thước phim tư liệu trên màn ảnh. Điều đó có nghĩa: cảnh thực mà người lại là “hình nộm”.

Ranh giới giữa tư liệu, tài liệu và dựng cảnh như được xóa nhoà. Chung quy lại, người xem đang chứng kiến một câu chuyện có thật, chỉ hình ảnh và cách kể là không giống thông thường. Sức mạnh của hình ảnh, của sự thật lịch sử được thể hiện rõ trong phim và chính bộ phim của Rithy Panh cũng đang truyền đi sức mạnh vô cùng lớn lao của phim ảnh.

Động lực hồi sinh của điện ảnh Campuchia

Nhờ có “The Missing Picture” và những tín hiệu khác phát đi mà năm 2013 vừa qua, không phải Thái Lan, Singapore hay Việt Nam mà điện ảnh Campuchia chính là tâm điểm chú ý ở khu vực Đông Nam Á. Cùng 4 bộ phim vô cùng xuất sắc và đáng xem khác là “The Broken Circle Breakdown” (Bỉ), “The Great Beauty” (Italia), “The Hunt” (Đan Mạch) và “Omar” (Palestine) thì “The Missing Picture” của Campuchia đang đứng trước cơ hội đoạt tượng vàng Oscar lớn hơn bao giờ hết.

Trước khi đến với Oscar 2014, tác phẩm điện ảnh của nhà làm phim người Pháp gốc Khmer đã đoạt nhiều giải thưởng quốc tế lớn, trong đó có có giải Un Certain Regard (Một góc nhìn) tại LHP Cannes 2013 dành cho các đạo diễn đang nổi. Đây chính là tiếng rung chuông quan trọng khiến công chúng thế giới đổ dồn sự chú ý đến nền điện ảnh của đất nước Angkor.

Với riêng đạo diễn Rithy Panh, ông đã được vinh danh là Nhà làm phim châu Á của năm tại LHP Pusan (Hàn Quốc) hồi tháng 10/2013. Tại LHP quốc tế Ghent 2013 của Bỉ, giải thưởng Ghi nhận đặc biệt (Special Mention) cũng được trao cho nhà làm phim danh tiếng nhất Campuchia.

Để gây nhiều ấn tượng thì nền điện ảnh của nước láng giềng với chúng ta không chỉ có “The Missing Picture” là điểm sáng duy nhất. Trong khi điện ảnh Việt năm qua không có lấy một tác phẩm đủ tiêu chuẩn dự tranh vào đề cử Oscar thì Campuchia còn có một tác phẩm độc đáo nữa là “Lost Loves” (Tình yêu lưu lạc) của đạo diễn Chhay Bora.

Đến đây, hẳn không ít người mới giật mình nhìn lại, hoá ra điện ảnh Campuchia cũng từng có giai đoạn được gọi là “Thập kỷ vàng” ở những năm 1960. Sau đó, cuộc chiến tranh ở Đông Dương và tiếp theo là giai đoạn thống trị tàn bạo của Pol Pot đã khiến rất nhiều tư liệu và những thước phim quan trọng của nước này bị tiêu huỷ, như những gì “The Missing Picture” đã thể hiện.

Chính bởi thôi thúc tìm lại những gì đã mất đó mà Rithy Panh rời Pháp, trở về nước. Bên cạnh viết sách và làm phim, “người viết sử Campuchia bằng phim ảnh” cùng đồng nghiệp thành lập Trung tâm nghe nhìn Bophana năm 2005 với mục đích sưu tập, bảo tồn văn hoá nghe nhìn của Campuchia.

Đóng góp của những cá nhân như Rithy Panh và những điều kiện khác đã góp phần “kích hoạt” cho điện ảnh Campuchia dần được “hồi sinh” như ngày hôm nay. Các phòng chiếu hiện đại đang tiếp tục mọc lên ở các đô thị lớn nước này để phục vụ người dân và du khách. Trong thực tế, đã có không ít khán giả Việt Nam tìm đến Campuchia để được xem một số bộ phim không chiếu hoặc bị cấm phát hành trong nước.

Bài: Bùi Dũng

Ảnh: CDP

logo

>>> Có thể bạn quan tâm: “Khi gạt qua tất cả những khái niệm thuộc về thời hiện đại như công việc, xe cộ, bổn phận, bạn sẽ chạm tới điều quan trọng nhất, đó là gia đình và bạn bè”, tác giả kịch bản kiêm đạo diễn Chris Sanders nói về “The Croods”, bộ phim vừa có tên trong danh sách đề cử của Oscar lần thứ 86.


Hãy gửi thông tin, bài viết và hình ảnh bạn có cho chuyên mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!

From the same category