Hiểu sai về hút mỡ tạo hình

Nguy hiểm


Không ít người dùng ngay cụm từ “cực nguy hiểm” khi nhắc tới hút mỡ tạo hình. Tuy nhiên, ngành giải phẫu thẩm mỹ phát triển, mức độ nguy hiểm của phẫu thuật hút mỡ đã giảm xuống; các chấn thương sưng bầm, chảy máu và biến chứng sau phẫu thuật đã được giảm thiểu đáng kể. Ngày nay, việc hút mỡ tạo hình trở thành một phương pháp phẫu thuật thẩm mỹ phổ biến.

Bác sỹ sẽ sử dụng máy hút mỡ có sóng siêu âm để xác định chính xác vị trí cần hút, tránh được tình trạng lồi lõm sau hút mỡ. Hơn nữa, trong quá trình phẫu thuật, ngoài hút “mỡ tầng sâu”, các bác sỹ còn đồng thời tiến hành hút “mỡ tầng nông dưới da” khiến hiệu quả phẫu thuật thu được càng cao.

Tất nhiên, hút mỡ tạo hình vẫn tồn tại các nguy cơ rủi ro. Vì thế, khi muốn tiến hành hút mỡ, bạn cần tìm đến các bệnh viện, trung tâm y tế uy tín, tuân thủ đúng những hướng dẫn trước và sau phẫu thuật.

Hút mỡ là giảm béo

Rất nhiều người lầm tưởng hút mỡ tạo hình là một biện pháp giảm béo vì số cân giảm. Tuy nhiên, hút mỡ và giảm béo lại là hai khái niệm hoàn toàn khác biệt. Tác dụng chủ yếu của hút mỡ là cải thiện hình thể. Nhiều người không hề béo nhưng sự tích mỡ cục bộ ở một vài vị trí trên cơ thể họ lại gây mất thẩm mỹ, do đó cần làm phẫu thuật hút mỡ.  Trong khi đó, phương pháp giảm béo chỉ nhằm vào những người thừa cân.


Dù bạn hút mỡ tạo hình hay theo đuổi một biện pháp giảm cân nào, chế độ ăn uống và vận động cũng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì mức cân nặng lý tưởng hoặc giúp bạn tránh được tình trạng tích mỡ cục bộ, gây mất cân đối cơ thể.

Hút mỡ hơn một lần?

Rất nhiều người cho rằng đã hút mỡ một lần thì sẽ phải tiếp tục thực hiện nhiều lần, nếu không cơ thể sẽ nhanh chóng trở về trạng thái ban đầu. Suy luận này dường như rất hợp lý nhưng lại hoàn toàn sai. Bởi sau khi hút, mỡ sẽ rất khó phục hồi lại như ban đầu. Điều này được dựa trên nguyên lý của phẫu thuật hút mỡ.

Tế bào mỡ trong cơ thể người vốn được chia làm hai loại: “mỡ tầng nông” và “mỡ tầng sâu”. “Mỡ tầng nông” có ở khắp cơ thể, tương đối mẫn cảm với việc chuyển hóa năng lượng. Thông qua việc ăn kiêng hay vận động thể thao… “mỡ tầng nông” rất dễ bị tiêu đi. Ngược lại, “mỡ tầng sâu” chủ yếu tập trung ở vùng bụng, eo, mông, đùi, bắp chân, bắp tay, cằm… Loại tế bào mỡ này tiêu hao vô cùng chậm chạp và rất khó loại trừ. Vì thế, phẫu thuật hút mỡ được tiến hành chủ yếu nhằm vào “mỡ tầng sâu”.

Người béo hay gầy chủ yếu là do kích thước và số lượng của các tế bào mỡ quyết định. Tế bào “mỡ tầng sâu” chỉ có số lượng nhất định. Sau phẫu thuật hút mỡ, “mỡ tầng sâu” bị lấy bớt đi, nên số lượng của nó giảm đáng kể. Về căn bản, các tế bào mỡ cũng không thể tự nhân đôi, sinh sôi và về sau có gia tăng kích thước cũng chỉ ở mức rất có hạn. Đây chính là lý do căn bản giải thích hiện tượng: nhiều người sau khi thực hiện phương pháp này nhận thấy, dù do họ ăn uống quá nhiều dẫn tới tăng cân rõ rệt, nhưng tại các bộ phận được hút mỡ lại thay đổi rất ít.

Do đó, hiện tượng cơ thể mất cân đối do tăng cân sau phẫu thuật hút mỡ hoàn toàn là do chế độ sinh hoạt chứ không do bất kì phương pháp thẩm mĩ nào gây ra.

Bài: Hạnh Kiều (theo Lady.163 )
Ảnh: S.T

From the same category