Hiểu nhau từ ...vị nước mắm trên mâm cơm nhà - Tạp chí Đẹp

Hiểu nhau từ …vị nước mắm trên mâm cơm nhà

Sống

Chuyên đề: Dưới một mái nhà

“… Bạn thử nghĩ xem, một năm chúng ta về thăm gia đình được hai lần, vậy mười năm nữa chúng ta sẽ gặp ông bà, bố mẹ được mấy lần. Bạn đổ lỗi cho đường xa, nhưng bạn vẫn với lũ bạn đi mấy trăm cây để đặt chân đến cái biển xanh cát trắng ấy; bạn đổ lỗi cho tiền bạc eo hẹp, thế nhưng bạn vẫn bỏ ra cả triệu để mua cho được cái váy yêu thích hay chi gần nửa tháng lương trả tiền chầu nhậu với bạn bè. Bạn đổ lỗi cho công việc bận rộn, dù công việc có thể sắp xếp…

Hãy về nhà khi còn có thể bạn ạ!”

Đọc các bài viết trong chuyên đề:

– Hãy về nhà khi còn có thể
– Nước mắm – “quốc hồn quốc túy” trong mỗi gia đình Việt
– “Ba muốn nuôi con bằng sữa mẹ”
– Bà lão 80 tuổi nuôi nấng “đàn con” mèo hoang
– Gia đình NSND Lý Huỳnh và những kỷ lục đáng nể
– Gặp người mẹ của 3 đứa con “lạc giới”
– Hiểu nhau từ …vị nước mắm trên mâm cơm nhà

1. “Mỗi sáng, người trong xóm đều thấy cô Hạnh xách tô ra đầu ngõ mua bún cho chồng. Những hôm mưa lâm thâm, cái dáng gầy của cô co ro, tay cô cầm chiếc nón cố che cho kín tô bún, chứ chẳng nhớ che đầu.

 Thầy Phương người nho nhã, mảnh mai, trắng trẻo. Vốn là con nhà dõng dõi, lại được cưng từ nhỏ nên thầy kén ăn, phải chăm từng li từng tí.

Nói là kén ăn, không phải là thầy đòi hỏi cao lương mỹ vị, mà chỉ cần những thứ đơn giản thôi, nhưng phải biết ý mới chiều được. Bữa ăn không cần thịt cá, đôi khi chỉ cần đĩa bông bí chấm nước tôm kho đánh, nhưng nước tôm phải thật sánh, thật thơm, đỏ rực.

Thịt bò thì nhất định phải nấu canh với hoa thiên lý, tô canh dìu dịu mùi hương ngọt ngào. Ðêm khuya ngồi đọc sách, chỉ cần ăn củ khoai bồi dưỡng, nhưng khoai phải ngọt, dẻo, hấp với lá dứa. Chiều thì vài lóng mía tiện thật sạch sẽ, ửng màu đỏ cầm rượu…”

Đấy là truyện. Nhưng nếu bạn xem phim (cũng vẫn giữ tên “Trăng nơi đáy giếng”), bạn sẽ còn được thấy thêm một thứ khác: bát nước mắm, bao giờ cũng được dìu dặt đặt bên cạnh tô bún hoặc mâm cơm đang bốc khói, và không quên kèm theo một đĩa ớt xanh – được riêng dành cho một người đàn ông Huế mà “mỗi cái nhìn của ông là mệnh lệnh” đối với người đàn bà hơn nửa đời coi ông là thần tượng. Và đó cũng là thứ mà người đàn ông gia trưởng kia cảm thấy khó chịu nhất khi thiếu nó, ấy là lúc ông rời cô Hạnh để đến ở với người đàn bà có thể sinh con cho ông. Một chén nước mắm, kèm mấy lát ớt xanh. Có gì đâu, nhưng với ông Phương, đó là cả một sự thấu hiểu nhau, một “kỷ cương phép nước”…

2.  Tận tới khi xem bộ phim ấy, tôi mới tin mình là một người đàn bà hạnh phúc. Chỉ vì sự khác nhau đó: bát nước mắm.

Không phải vì nó không bắt buộc phải kèm theo đĩa ớt xanh (trừ khi chồng bạn là người Huế), mà là vì, tôi, hay thậm chí bác giúp việc, đã luôn không phải là người phải đứng lên để rót thêm khi bát nước mắm cạn. Người đó, luôn là chồng tôi. Và anh làm điều đó một cách tự nhiên đến nỗi nó như thể là một lẽ đương nhiên, chỉ có tôi là chưa từng biết. Bởi chả cần đến khi “gặp” thầy Phương, bố tôi – lại cũng là một người đàn ông miền Trung, nơi mà hai chữ “gia trưởng” phải nói là ngấm sâu vào máu khối đức ông chồng, cũng đã từng dạy tôi “phép nước” đó. Rằng, đừng bao giờ nói chuyện để ông đứng dậy lấy thêm nước mắm, khi ông là người chủ gia đình. Và bát nước mắm mà bố tôi, cũng như nhiều người đàn ông miền Trung thích, thường phải là thứ nước mắm sống, nguyên chất, có độ đạm cao, thả thật nhiều ớt. Ngoài ra, không cho thêm một thứ gì khác, kể cả đó là nước mắm chấm nem hay rau sống…

Phải được sinh ra trong một gia đình miền Trung, rồi tới khi lớn, lấy chồng người Bắc, bạn mới có thể thấy rõ sự khác biệt đó, ít nhất là trong việc ai sẽ là người đứng dậy khi bát nước mắm cạn. Dù cái người đàn ông không bao giờ chịu đứng dậy lấy thêm nước mắm kia, họ có thể sẽ yêu và chiều vợ họ theo một cách khác, trong một câu chuyện khác…

3.
Cũng chính bởi nhiều năm quen với cách pha nước mắm đơn giản ấy mà tôi đã bị trượt thẳng cẳng trong kỳ thi “thử dâu” trước một “bà mẹ chồng tương lai” người Bắc. Vì nếu như ở miền Trung, người ta thường thử dâu bằng hai phép thử: lá chanh, hoặc gừng thái chỉ (tinh tế hay không chỉ cần nhìn vào đấy là biết), thì ở Bắc, thường người ta hay ra phép thử làm nước mắm chấm nem. Chua ngọt ra sao, xanh đỏ thế nào… là nguyên cả một thế giới được thu về trong bát nước mắm. Nước mắm chấm ốc lại càng căng hơn. Bởi nó còn là khẩu vị vùng miền.

Tới lúc, đã đủ hiểu để biết cách pha một bát nước mắm chấm nem theo đúng khẩu vị Bắc, thì tôi lại gặp được một ông chồng người Bắc chỉ chuyên ăn nước mắm nguyên chất hệt một gã miền Trung. Khác chăng là, khi hết nước mắm, thì sẽ tự đi lấy. Mà không, vẫn còn một điểm khác nữa. Đấy là ở miền Trung (nhưng chắc là phải trừ Huế), thường người ta hay rót nước mắm mạnh tay hơn, thà thừa hơn thiếu; còn ngoài Bắc, thì thường là ngược lại, thà thiếu hơn thừa. Vì thiếu gì chứ thiếu nước mắm, là hoàn toàn có thể đứng dậy rót thêm cơ mà, đâu có sao? Ngày mới về cùng nhà, chồng tôi hay giễu tôi: “Dân miền Trung mà hoang!”, là để mắng cái tội lúc nào cũng rót nước mắm thừa, tới cuối bữa, đổ thì phải tội, mà để lại, thì mất ngon. Mỗi việc nhỏ thế thôi, nhưng cũng phải sửa mãi mới chừa được.

Vợ chồng, đôi khi học nhau, hiểu nhau hơn, chỉ cần qua một bát nước mắm, là thế! Như cái cách cô Hạnh hiểu ông Phương vậy – người đàn ông đến là gia trưởng, nhưng tinh tế thì phải biết! Không thì làm sao mà được vợ mê đến thế…

4. Có bận nhà tôi có khách, là một người bạn sống từ nhỏ ở nước ngoài. Tới bữa, cô ấy cứ ngần ngừ mãi mới dám nói, là muốn xin một bát nước chấm riêng, chứ chấm chung vậy, cô không quen. Một yêu cầu không thể chính đáng hơn nhưng cũng khiến chúng tôi phải sững mất một vài giây, dù trên miệng đã phát ra câu cửa miệng: “Ồ, không sao!”. Bởi hàng bao năm nay, chúng tôi đã quá quen với việc cả nhà cùng chấm chung một bát nước mắm, như một phép kết nối vừa hữu hình vừa vô hình trong bữa ăn của bất cứ gia đình người Việt nào. Tới nỗi, khi nhà có thêm bác giúp việc (và của đáng tội, bác có hơi thở đến là… khó thở), buộc chúng tôi phải pha thêm một bát nước mắm nữa vào mỗi bữa ăn. Có thế thôi mà đến bữa, cứ cảm thấy cái mâm cơm tự dưng vướng vướng thế nào, áy náy là, cứ như đang làm một việc phải tội…

“… khi nhà có thêm bác giúp việc (và của đáng tội, bác có hơi thở đến là khó thở), buộc chúng tôi phải pha thêm một bát nước mắm nữa vào mỗi bữa ăn. có thế thôi mà đến bữa, cứ cảm thấy cái mâm cơm tự dưng vướng vướng thế nào, áy náy là, cứ như đang làm một việc phải tội…”
Lại có nhà, chả có ai lạ, chả có ai răng miệng ra làm sao, cũng không phải do thực đơn yêu cầu, nhưng tới bữa, vẫn thấy trong mâm lổn nhổn các loại nước mắm: loại nguyên chất nhiều ớt, loại pha loãng không ớt, loại pha loãng có ớt… Trăm phần trăm thì tôi không chắc, nhưng 70% thì tôi nghĩ là có thể: Những mâm cơm như thế, thường phần nào đó nói lên gia đình đó không thật sự gắn kết, khi họ khác nhau nhiều quá, tới nỗi, ngay có mỗi bữa ăn mà cũng không gặp được nhau…

Hoặc, có thể đó là một gia đình vô cùng hạnh phúc, vì có một bà nội trợ hiểu và chiều mỗi thành viên trong gia đình mình đến thế…

 

Ý tưởng: Hà Đỗ
Nhiếp ảnh: Monkey Minh
Sắp đặt: Hà An Lê

logo

Thực hiện: depweb

30/05/2015, 08:21