Hiểu con lần nữa - Tạp chí Đẹp

Hiểu con lần nữa

Sống

Bà vào nuôi con gái đẻ. Bà đã nuôi con gái 18 năm. Mất 4 năm nó học đại học trên thành phố, vài năm đi làm rồi giờ đây con gái đã trả ơn cho bà bằng việc lấy một người chồng tốt và sinh con hãnh diện đầy mà cũng gian nan đấy khi gần con mà bà thấy phải học cách hiểu con lần nữa bởi có nhiều thứ nảy sinh.

Không người mẹ nào lại không hạnh phúc khi nhận cuộc gọi của con gái, con rể nhờ đến ở chung nhà giúp nuôi cháu. Bà nào cũng khăn gói lên đường ngay. Thế nhưng có một điều mà các bà mẹ chưa nhận thức được là các bà đang lên đường để bước vào một hành trình khó khăn và chẳng kém nhọc nhằn.

 

Đứa trẻ sinh ra như một mắt xích để bà và mẹ hiểu nhau hơn 

Coi mẹ chẳng bằng tờ báo!

Bà Hảo (56 tuổi, quê Bình Định), vào Sài Gòn phụ con gái chăm sóc đứa cháu ngoại mới sinh. Theo bà, con gái của bà giờ kênh kiệu, kiểu cách và hỗn lắm. Cô tỏ ra vô cùng lạnh lùng và vô ơn dưới cái vẻ của một người đã trưởng thành.

Cô không nghe lời bà, trứng mà đòi khôn hơn vịt. Con là đứa sinh sau đẻ muộn, được học hành tí là cái gì cũng cãi lại. Đã bảo phải kiêng cữ mà cô cứ đòi tắm sau vài ngày sinh nở. Cô cứ lao đầu vào đọc các cuốn sách dạy nuôi con sau một tuần ra viện và bảo là tìm hiểu kiến thức để chăm bé đúng, tốt nhất. Bà nói con gái cứng đầu. Con gái lại bảo mẹ rằng nước ngoài họ còn đi tắm ngay sau khi sinh, miễn là cảm thấy khỏe mạnh. Phương Tây họ còn văn minh hơn ta gấp nhiều lần, chả nhẽ họ lại không biết bảo vệ sức khỏe hơn mình.

Bà ghét cái kiểu cứ động chuyện là con gái mang người nước ngoài, sách này báo kia ra để trả lời. Kiến thức từ những người ở cách xa đến hàng vạn cây số và những tờ báo xa lạ xem ra còn nhận được sự tôn trọng của con gái hơn là lời nói của bà. Trong khi những điều bà truyền lại đều là những thứ bà đã góp nhặt qua mấy lần sinh con. Người nào cũng lớn lên khỏe mạnh, học hành đến nơi đến chốn đấy thôi.

Ai mách gì, bà cũng làm cho cháu

Trong khi mẹ theo kinh nghiệm dân gian thì con gái tiếp cận với những xu hướng, kiến thức nuôi con hiện đại nên chuyện gặp bất đồng quan điểm là khó lòng tránh khỏi. Không khéo cư xử, con gái rất dễ khiến mẹ ruột phiền lòng. Không như cô con gái của bà Hảo, thường phải chịu sự nhắc nhở, kiêng này, cữ kia, Thanh Thúy (29 tuổi, Q.7, TP.HCM) thì khác. Cô không thể chịu nổi việc mẹ mình hễ cứ nghe mấy bác trong xóm mách gì là về nằng nặc đòi làm cho cháu. Mặt con trai cô bị dị ứng nổi mẩn đỏ, đi bác sĩ kết luận viêm da dị ứng, cho toa thuốc uống mãi không khỏi. Một buổi đi làm về, thấy mặt mũi cậu con trai xanh lè, cô hốt hoảng suýt ngất thì được mẹ giải thích là bà bôi nước rau ngót cho cháu, mấy bác hàng xóm chỉ, nhanh khỏi lắm. Chả biết có khỏi hay không nhưng cứ nhìn mặt con và áo quần xanh lè, toàn mùi hắc là cô xót hết cả ruột, chưa kể nỗi lo nhiễm trùng da nữa. Nhưng vì sợ mẹ tự ái nên Thúy chỉ nói: “Lần sau mẹ nên đợi con hỏi bác sĩ đã rồi hãy làm cho cháu, nhỡ có chuyện gì”.

Một tuần trôi qua, mặt thằng bé cũng không giảm. Lần này đi bộ buổi sáng với mấy bà bạn về, mẹ cô lại bảo: “Mua dung dịch vệ sinh phụ nữ về bôi, rửa mặt cho cháu là hết ngay”. Thúy nhất quyết không đồng ý. Tránh việc cứ bảo mẹ không làm thế này, đừng làm cái kia nữa khiến mẹ đâm tự ái và buồn lòng, chị Thúy vội xách xe, chở cả 2 bà cháu cùng tới gặp bác sĩ nhi khoa và nhờ tư vấn thêm cách chữa trị cho bé. Lời bác sĩ dù gì cũng nặng ký hơn, khiến mẹ chị thoải mái hơn so với việc con gái “ra lệnh, yêu cầu” mẹ thế này, thế khác. Đấy là kinh nghiệm chị Thúy rút ra sau vài lần làm mẹ “sung” lên rồi một hai đòi bỏ về quê cho yên phận.

Có con, ai cũng muốn những điều tốt đẹp nhất cho con. Nên dường như họ nhạy cảm hơn với những gì có thể ảnh hưởng đến thân thể, sức khỏe của bé. Nhìn đâu họ cũng lo vi khuẩn dễ gây bệnh cho bé yêu. Chị Mỹ Nhung (30 tuổi, Q. Thủ Đức, TP.HCM) cũng không nằm ngoài quy luật đó. Chị sinh bé thứ hai, mẹ cũng vào chăm. Bà làm gì chị cũng không vừa ý. Chị quan sát lúc bà rửa bình sữa cho cháu. Chị dặn tới, dặn lui việc mẹ phải tháo núm vú ra dùng cây cọ nhỏ rửa cả núm cao su, lúc pha sữa không được cầm trực tiếp vào núm vú, vi khuẩn nhiều lắm. Nhắc hoài đến nỗi bà “sợ”, nhiều khi đang làm cũng phải nhìn quanh xem con gái có quan sát không. Đỉnh điểm là có hôm mẹ vừa lau nhà xong mà nền nhà còn ướt sũng, loang lổ những vệt nước dọc ngang, chị Nhung đưa cháu cho mẹ bế, chờ bà vừa sang hàng xóm thì liền phân công cho chồng ra canh cổng còn mình loay hoay lau lại nhà cho kì sạch vì không muốn nghe mẹ nói lẫy.

Có lần, chị Nhung thấy rõ là mẹ quên không tráng bình trước khi pha sữa, cô quay lại bảo thì bà nói ngay: “Mẹ tráng rồi”, vừa bực vừa thương mẹ nhưng nỗi lo con ăn uống thiếu vệ sinh rồi bị bệnh vẫn khiến Nhung phản ứng thái quá với mẹ. Bà mẹ cũng cảm thấy con gái không tin tưởng mình, quan trọng hơn là sao nó khó khăn với bà đến thế. Không khí giữa hai mẹ con nhiều khi cũng căng thẳng.

Nỗi lòng ruột thịt

Chị Nhung cuối cùng cũng lẳng lặng thuê người chăm con. Vậy nhưng sau khi thuê người giúp việc thì Nhung nhận ra rằng mình đã quá vô tâm khi cư xử với mẹ. Với bà giúp việc, cô có sự giữ ý, phần vì cần đặt ra một khoảng cách. Quan trọng nhất là tâm lý lo sợ họ giận mà không hết lòng chăm sóc con mình. Quả đúng vậy thật. Hóa ra những thiếu sót của mẹ cô chẳng là gì so với tình cảm của bà dành cho cháu. Bà nựng nịu ẵm bồng, cả ngày lẫn đêm nếu Nhung mệt mỏi. Bà lo lắng cho cháu còn hơn mẹ của nó. Điều đó không có ở người giúp việc. Họ làm xong bổn phận là đã may mắn lắm rồi. Trong khi đối với trẻ con thì tình cảm âu yếm là rất quan trọng.

Bà Hảo trong câu chuyện kể trên cũng đòi về ngay khi cháu vừa được 9 tháng. Về mà lòng bà cứ bứt rứt. Bà thương và lo cho con, cho cháu đủ chuyện. Nhiều lúc tự mắng mình, biết thế cứ ở lại lo cho cháu. Giờ về rồi cũng chẳng vào lại nữa, vì… kỳ khôi quá.

Thật ra chuyện mẹ và con gái bất đồng trong việc chăm sóc và nuôi dạy bé là trường hợp hay gặp. Người thương con và người kia cũng thương cháu. Ai cũng muốn điều tốt đẹp nhất cho con, cho cháu của mình. Tuy nhiên, sự chênh lệch nhau trong nhận thức về vệ sinh, khoa học hay lối sống dẫn đến những điều chưa vui giữa con – mẹ là khó tránh khỏi. Dù vậy, điều này không thật sự quá nghiêm trọng nếu đem so với việc tình cảm mẹ con bị ảnh hưởng. Do đó, con cái cần cư xử khéo léo để không đụng chạm đến tâm lý dễ bị tự ái, tổn thương của người lớn tuổi. Sự kiềm chế bản thân lúc nào cũng quan trọng. Giữa hai mẹ con lại càng quan trọng hơn.

Ngoài ra, khi con cái xa nhà, đi học, đi làm rồi lấy chồng sinh con, khoảng thời gian đó mỗi người đã có những thói quen, cách sinh hoạt, nhận thức vấn đề đã khác trước rất nhiều. Do đó, để tìm lại được những góc nhìn chung về vấn đề chăm sóc, nuôi dạy con cháu, cả mẹ và con gái cần có sự cảm thông, chia sẻ với người kia để mọi sự góp ý đều phải thực sự nhẹ nhàng, khéo léo.

Con làm căng chỉ khiến mẹ tổn thương!

Theo Thạc sĩ Ngô Minh Duy, Chuyên gia Tham vấn và trị liệu tâm lý, Trung tâm đào tạo và Chăm sóc tinh thần Ý Tưởng Việt, phụ nữ sau sinh thường có những biến đổi về tâm lý, tính tình hay khó chịu, bực bội và khó kiểm soát cảm xúc hơn so với trước. Cộng thêm tâm lý thương con vì có khi lần đầu làm mẹ, họ đã phản ứng thái quá với cả mẹ ruột của mình. Trong lúc đó, người có tuổi đôi khi rất nhạy cảm, phản ứng thái quá của con dễ khiến họ bị tổn thương. Khi bất đồng cách chăm sóc cháu của mẹ mình, thay vì làm căng, con gái có thể nói nhẹ nhàng với mẹ: “Con hiểu mẹ thương cháu và muốn tốt cho cháu nhưng chăm sóc trẻ bây giờ không giống như ngày xưa, bác sĩ đã khuyên thế này… Con mong mẹ cũng làm như thế để tốt cho cháu”. Nếu các cụ vẫn không nghe, các bà mẹ trẻ nên cùng mẹ đến bác sĩ tham vấn để thống nhất cách chăm sóc trẻ.

Phạm Thủy
(Theo Thế giới Gia đình)

Thực hiện: depweb

26/07/2012, 14:32