Hai vụ việc xảy ra mới đây, một ở Bắc Giang và một ở Bình Dương khiến người ta giật mình thấy rằng khái niệm Nhà nước pháp quyền và quyền con người, từ lý thuyết đến thực tiễn còn có những khoảng cách khá xa không dễ gì khỏa lấp.
Vì sao “hiệp sỹ” xuất hiện?
Báo Tiền Phong đưa tin một phụ nữ ở Bắc Giang bị kết tội cướp tài sản chỉ vì chị ta có hành vi dùng vũ lực giữ lại tài sản của con nợ để trừ nợ.
Còn “hiệp sĩ” Nguyễn Thanh Hải xác nhận, nhóm “hiệp sĩ” Bình Dương đã bị công an quận 12 (TP. Hồ Chí Minh) triệu tập lên làm việc với lý do: Liên quan đến vụ cưỡng đoạt tài sản, xảy ra vào đêm 17/8.
Trong những tiếng xuýt xoa, tung hô rất hồn nhiên của dân chúng về chiến công của các “hiệp sỹ”, đã lác đác có những cảnh báo cho rằng hoạt động tự phát này sẽ đi ngược lại với các giá trị của xã hội có Nhà nước.
Trước hết, không thể phủ nhận thành tích của các “hiệp sỹ” đường phố bởi công việc nguy hiểm mà họ đã và đang làm.
Trong thời buổi tình hình tội phạm diễn biến ngày càng phức tạp, khiến cho phổ biến là tình trạng người ngay sợ kẻ gian, không dám tố giác tội phạm để an phận, không dám đấu tranh với cái xấu, thì hành động trên của các “hiệp sỹ đường phố” quả là điều đáng trân trọng.
Còn người phụ nữ ở Bắc Giang khiến người ta thương hơn là giận nếu mọi người đặt mình vào hoàn cảnh quyền sở hữu của mình bị xâm phạm.
Các hiệp sĩ đường phố trong một buổi giao lưu trên truyền hình. Ảnh: CAND
Và sự “tự xử” hoang dã
Trong nhà nước văn minh, với tư cách người nắm quyền lực nhân dân trao gửi và tiêu tiền thuế cho dân đóng góp, nhà nước phải có trách nhiệm đảm trật tự và duy trì trật tự xã hội vì lợi ích chung. Bắt cướp hay rộng hơn là phát hiện xử lý tội phạm là nhiệm vụ của các cơ quan công quyền.
Điều này không chỉ xét dưới góc độ trách nhiệm mà còn dưới góc độ thực tiễn. Chỉ có nhà nước với công cụ và sức mạnh vốn có mới có thể đảm đương được nhiệm vụ này. Nghĩa vụ của công dân trong việc bắt cướp chỉ phát sinh trong trường hợp cụ thể khi phát hiện tội phạm quả tang, hay cần tố giác những hành vi tội phạm mà họ biết.
Săn bắt cướp kiểu như các “hiệp sỹ đường phố” đang làm không phải là công việc dễ dàng. Họ đã phải gạt sang bên gánh nặng mưu sinh, thậm chí có người đã thiệt mạng khi thực hiện công việc nguy hiểm đó. Điều đó đáng trân trọng và đang đặt ra câu hỏi tại sao họ phải làm như vậy?
Trước hết là do hoạt động đảm bảo an ninh trật tự hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu khi tình trạng cướp giật vẫn đã và đang xảy ra ở nhiều đô thị. Không loại trừ đâu đó vẫn có những nhân viên công quyền thờ ơ vô cảm, thiếu trách nhiệm.
“Hiệp sỹ” L. ở Bình Dương than thở rằng, khi bắt được đối tượng tình nghi và tang vật giao nộp cho cơ quan chức năng thì nhận được sự lạnh nhạt đáng thất vọng.
Có thể thấy sự lộng hành của tội phạm, máu yêng hùng, sự thờ ơ vô cảm của một số người có trách nhiệm kết hợp với cổ vũ quá đà của dư luận sinh ra “hiệp sỹ” hiện đại
Từ việc cổ vũ các “hiệp sỹ” rồi nhân rộng điển hình thành phong trào, sẽ khiến cho người ta có cảm giác xã hội quay về thời kỳ chưa có nhà nước khi công lý và trật tự trông chờ vào cá nhân xuất chúng và rất gần với cách hành xử theo kiểu tự xử hoang dã
Chính quyền các cấp nên giật mình xem lại…
Thời La mã, khi nhà nước còn sơ khai việc xử lý tội phạm xuất phát từ việc tố cáo của cá nhân theo triết lý: Không có người tố cáo thì không có quan tòa. Nói cách khác vai trò của nhà nước là thụ động. Nhà nước can thiệp khi có tố cáo của người bị hại và người bị hại phải chứng minh mình bị xâm hại trước tòa.
Trong nhà nước văn minh người ta khẳng định rằng: Phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hay còn gọi là tố tụng hình sự là một hoạt động đặc biệt. Ở đó thế và lực giữa một bên là công quyền hùng mạnh với bên kia yếu thế hơn là người bị tình nghi không bao giờ quân bình.
Cũng trong lĩnh vực này, quyền con người của những người bị tình nghi có nguy cơ cao bị xâm hại nhiều nhất bởi thủ tục tùy tiện.
Chính vì vậy hoạt động tố tụng hình sự phải tiến hành bằng thủ tục chặt chẽ và chủ thể chính là các cơ quan nhà nước. Vừa phát hiện được tội phạm vừa bảo vệ được quyền con người là một mâu thuẫn mà giải quyết mâu thuẫn này nhiều khi phải ưu tiên quyền con người.
Từ đó mới nảy sinh các nguyên tắc như không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội có hiệu lực của tòa án hay trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về nhà nước. Đây là những giá trị mang tính nhân loại trải qua ngàn năm mới đúc kết nên.
Không biết đã có ai đặt câu hỏi rằng đã bao giờ “hiệp sỹ đường phố” bắt nhầm người chưa? Các “hiệp sỹ” và những người bị tình nghi đều bình đẳng với nhau về quyền tự do. Vì thế không thể có chuyện người này đi truy lùng bắt bớ, theo dõi, nghe trộm…người khác.
Việc hạn chế quyền tự do của người khác để duy trì trật tự xã hội theo nguyên tắc tự do người này không ảnh hưởng đến tự do người khác xin nhắc lại chỉ thuộc về công quyền. Mọi cách hành xử không chính danh của bất cứ cá nhân nào thì ranh giới giữa phúc và tội thật quá mong manh.
Nhưng nếu tình trạng tự xử trong dân chúng diễn ra phổ biến thì chính quyền các cấp cũng nên giật mình xem lại trên phương diện hiệu quả hoạt động và niềm tin của dân chúng.
Có thể thấy sự lộng hành của tội phạm, máu yêng hùng, sự thờ ơ vô cảm của một số người có trách nhiệm kết hợp với cổ vũ quá đà của dư luận sinh ra “hiệp sỹ” hiện đại Từ việc cổ vũ các “hiệp sỹ” rồi nhân rộng điển hình thành phong trào, sẽ khiến cho người ta có cảm giác xã hội quay về thời kỳ chưa có nhà nước khi công lý và trật tự trông chờ vào cá nhân xuất chúng và rất gần với cách hành xử theo kiểu tự xử hoang dã. |
Theo Vietnamnet