Hiện tượng phòng vé “Anyone but you”: Đơn giản chỉ là ăn may hay thật sự là đại diện xuất sắc của dòng phim rom-com? - Tạp chí Đẹp

Hiện tượng phòng vé “Anyone but you”: Đơn giản chỉ là ăn may hay thật sự là đại diện xuất sắc của dòng phim rom-com?

Review

Ra mắt vào dịp cuối năm, bộ phim lãng mạn “Anyone but you” tưởng chừng như là một cú trượt dài trên chặng đua phòng vé vì nội dung “xào đi nấu lại” từ mô-típ phim kinh điển “yêu đối thủ không đội trời chung”. Thế nhưng chỉ sau 3 tuần phát hành, phim bất ngờ lội ngược dòng ngoạn mục và mang về thành tích ấn tượng và trở thành tựa phim lãi nhất trong 10 năm trở lại đây của Hollywood. 

“Anyone But You” (2023) có kinh phí chỉ 25 triệu đô nhưng đạt doanh thu đến 207,5 triệu đô.

“Anyone but you” lấy cảm hứng từ vở kịch nổi tiếng “Much ado about nothing” (1623) của William Shakespeare. Được xây dựng lại cho phù hợp với thời hiện đại, bộ phim xoay quanh chuyện tình “oan gia ngõ hẹp” giữa Bea (Sydney Sweeney) và Ben (Glen Powell). Cả hai quen biết nhau từ thời đại học nhưng luôn coi đối phương không khác kẻ thù truyền kiếp. Nhiều năm trôi qua, họ vô tình gặp lại nhau trong một chuyến du lịch. Mặc dù như nước với lửa nhưng họ vẫn quyết định chọn đối phương làm người yêu giả. Vì cả hai đều không muốn hàn gắn mối quan hệ với người yêu cũ. Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén, từ vị trí đối địch, cả hai dần buông bỏ cái tôi. Đó cũng là lúc họ nhìn thấy tấm chân tình của đối phương và biến màn kịch che mắt người yêu cũ thành tình yêu thật sự. 

Bình cũ rượu cũ nhưng…

Vào thời điểm khởi chiếu, “Anyone but you” có doanh thu mở màn khá khiêm tốn, chỉ hơn 8 triệu USD ở phòng vé nội địa. Bởi bộ phim phải cạnh tranh với nhiều đối thủ đáng gờm như “Wonka”, “The Color Purple”, “Ferrari” và “Aquaman and the Lost Kingdom”. Sức hút mạnh mẽ từ các dự án bom tấn đã khiến bộ phim không được đánh giá cao, dù cho đây là thể loại hài – lãng mạn duy nhất độc tọa ở phòng vé. Tuy nhiên, trong tuần thứ hai được công chiếu, lượng bán vé tăng vọt lên đến 45%. Dù cạnh tranh khốc liệt với những đối thủ nặng ký, nhưng điều làm cho “Anyone but you” trở nên thu hút chính nhờ vào cách khai thác của câu chuyện khiến khán giả không thể bỏ lỡ loạt phân cảnh hấp dẫn bởi lối kể chuyện mới mẻ, hài hước, gây tò mò xoáy sâu vào câu chuyện “từ thù thành yêu”.

Đạo diễn Will Gluck xoáy sâu vào trạng thái đối lập trong mối quan hệ của hai nhân vật chính. Một mặt, cả hai diễn tròn vai đôi tình nhân mặn nồng trước mặt mọi người. Mặt khác, họ “chơi khăm” nhau bất cứ khi nào có cơ hội. Những phân cảnh “ăn miếng trả miếng” của Bea và Ben được đạo diễn Will Gluck cài cắm một cách khéo léo, tạo cho người xem cảm giác chân thật, không bị khiên cưỡng, mang đến cho khán giả những tiếng cười sảng khoái. Ngoài ra, bộ phim không chỉ tập trung vào câu chuyện của nhân vật chính, mà còn có sự phân chia đồng đều cho tuyến nhân vật phụ như chuyện tình giữa hai cô nàng Claudia (Alexandra Shipp) và Halle (Hadley Robinson), hay Margaret (Charlee Fraser) – người yêu cũ của Ben. Những mẩu chuyện nhỏ, bình dị đã giúp bộ phim ghi điểm trong lòng khán giả. 

Những thước phim nên thơ 

Xuyên suốt 104 phút, “Anyone but you” khiến khán giả không thể rời mắt trước những thước phim nên thơ tại Úc. Bộ phim đưa người xem du ngoạn đến Nhà hát Lớn – nơi Ben và Bea trao nhau nụ hôn say đắm cuối phim, bán đảo Pittwater trứ danh – địa điểm cặp đôi tái hiện tư thế bay kinh điển trong “Titanic”, hay tòa nhà Nữ hoàng Victoria – nơi cả hai cùng nhau tản bộ. Tất cả các góc quay đều được Will Gluck đặt để tài tình nhằm khắc họa rõ nét chuyện tình “oan gia ngõ hẹp” của hai nhân vật chính. 

Khắc họa chân thật các khía cạnh của tình yêu

“Anyone but you” đưa người xem đi qua nhiều cung bậc cảm xúc. Khi bật cười bởi những màn “ăn miếng trả miếng” giữa Sydney Sweeney và Glen Powell; có lúc thăng hoa, ngọt ngào đầy lãng mạn ở những ánh nhìn ấm áp, cái nắm tay trìu mến và cả nụ hôn say đắm các nhân vật dành cho nhau. Bên cạnh đó, bộ phim khắc họa rõ nét những khía cạnh của tình yêu. Đó là sự cộng hưởng của những mảnh ghép đối lập: ngọt ngào – cay đắng, mãnh liệt – dịu dàng và khuyết điểm – hoàn hảo.  

Mặc dù, “Anyone but you” đối diện với nhiều luồng ý kiến trái chiều vì nội dung thiếu mới mẻ, nhưng không thể phủ nhận bộ phim đã có màn bứt phá ngoạn mục trên đường đua điện ảnh khi mang về 100 triệu USD tổng doanh thu toàn cầu. Theo Collider, doanh số này đã giúp “Anyone but you” trở thành phim ngôn tình dán nhãn R thành công nhất trong vòng 10 năm qua, và được dự đoán sớm vượt qua “No hard feelings” của Jennifer Lawrence.

Tác giả: Khánh Duyên

07/03/2024, 22:51