Hiền Phan – “Vũ trụ không chỉ là những thứ ở trên trời”

#HIỀN PHAN

Anh tìm thấy sự kết nối giữa mình và vũ trụ như thế nào?
Đó là năm tôi 9 tuổi khi lần đầu tiên được tiếp xúc với một hiện tượng thiên văn học lý thú: Nhật thực. Lúc ấy, dù chỉ xem được Nhật thực một phần nhưng là sự kiện khiến tôi bắt đầu “nhìn cao” lên bầu trời để đặt câu hỏi về Mặt Trăng, Mặt Trời, về các vì sao. Sự thích thú dành cho những thứ “trên trời” ấy tỷ lệ thuận với số tuổi theo từng năm và biến thư viện thành nơi tôi lui tới thường xuyên nhất ở trường vì, như bạn biết đấy, ngày xưa sách về vũ trụ có nhiều gì chăng.

Tuy nhiên, cột mốc quan trọng đánh dấu con đường tiếp cận vũ trụ một cách nghiêm túc là lúc tôi tìm thấy Câu lạc bộ Thiên văn Đà Nẵng (DAC) năm 2007 khi đang là sinh viên của Đại học Bách khoa. Nói thế nào nhỉ, cảm giác như được trở về nhà ấy. Vô cùng thoải mái vì xung quanh đều là những người có chung đam mê ngắm trăng ngắm sao giống mình. DAC cũng là một trong những lý do khiến tôi quyết tâm theo học chương trình thạc sĩ Vũ trụ khóa đầu tiên tại Đại học Việt Pháp (USTH).

Xuất thân từ một gia đình bình thường lại đeo đuổi một lĩnh vực hơi… không thực tế tại Việt Nam. Tôi đoán anh cũng vất vả không ít?
90% mọi người đều thấy nó không ổn mà (cười). Rào cản lớn nhất và khó nhất chính là bố mẹ tôi. Trong suy nghĩ của hai cụ thì đây là một ngành quá cao quá xa như chính sự tồn tại của nó. Bố mẹ cũng băn khoăn về lựa chọn này và thật sự mà nói thì họ cũng chỉ mong tôi có một cuộc sống an yên như bao người khác.
Nhưng, sau tất cả may mắn là bố mẹ vẫn chọn con trai mình chứ không bị ảnh hưởng bởi tác động bên ngoài. Tôi vô cùng biết ơn điều này vì nếu không thì tôi cũng chẳng có đủ động lực để vượt qua giới hạn của bản thân. Chuyến đi thực tập trả lương tại Pháp năm 2014 là món quà ý nghĩa nhất tôi dành cho cả hai.

hienphan_do-4

Đã có ai chê bai, mỉa mai lý tưởng và ước mơ của anh chưa? Đại loại bảo rằng, “Hiền Phan “điên” lắm. Làm những cái chẳng ai làm!”…
Chưa có ai nói trước mặt tôi như thế nhưng cảm giác ấy thì tôi đã từng trải qua. Đó là lần còn sinh hoạt với CLB Thiên văn Đà Nẵng, tôi hay mặc áo đồng phục của CLB đến trường. Một vài người nhìn thấy chiếc áo rồi nhỏ to vài câu chẳng lấy gì làm tốt đẹp. Tôi vờ như không nghe nhưng quả thật nó ám ảnh tôi rất nhiều. Bạn có bình tĩnh không khi ai đó khinh miệt đam mê của bạn? Càng như vậy tôi càng quyết tâm sống chết với quyết định này để chứng minh cho người ta thấy tôi không sai, không dở hơi.

Từng hy vọng một ngày nào đó được đặt chân lên vũ trụ, chinh phục Mặt trăng và sao Hỏa. Bây giờ ước mơ ấy đang đến đâu rồi?
Vẫn rất xa vời dù tôi đã bước những bước rất dài. Biển học là vô biên, càng học nhiều, nghiên cứu càng sâu thì biển kiến thức lại càng rộng lớn. Lớn đến nỗi có lúc tưởng như mình hoàn toàn bị chìm sâu trong đại dương ấy. Nhưng tôi tin vào giấc mơ ấy. Chí ít hiện tại thì tâm trí của tôi cũng đang ở ngoài kia rồi (cười).

Sau khi kết thúc chương trình học tại Pháp anh sẽ làm gì?
Về Việt Nam.

Hơi có vẻ lạc quan nhỉ?
Lạc quan có căn cứ cả đấy. Thứ nhất vì công nghệ vũ trụ tại Việt Nam rất mới nên ít sự cạnh tranh. Thứ hai, khoa học và công nghệ vũ trụ được ứng dụng vào rất nhiều lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống. Do đó chúng tôi hoàn toàn có thể can thiệp và giải quyết dù không được đào tạo chuyên sâu.
Chẳng hạn các kỹ thuật viễn thám, cảm biến trong công nghệ vệ tinh có thể áp dụng trong các hoạt động sản xuất nông nghiệp, giúp giảm bớt khối lượng lao động cho nông dân; hay các cảm biến bức xạ mà tôi đang nghiên cứu hoàn toàn có thể ứng dụng trong các trang thiết bị máy móc y tế,…
Tóm lại, nghiên cứu khoa học vũ trụ không có nghĩa là lúc nào cũng phải nhìn lên trời, mà vẫn có nhiều thứ hoàn toàn áp dụng được ở dưới đất.

hienphan_do-6

Điều gì khiến anh giữ lửa đam mê đến tận thời điểm này?
CLB Thiên văn Đà Nẵng cùng các thành viên. Dù phần lớn mọi người vì nhiều lý do không tiếp tục cùng tôi đồng hành trên con đường này nhưng vẫn ủng hộ Hiền Phan vô điều kiện. Ngoài ra, tôi còn xây dựng một cộng đồng riêng tập hợp những người yêu thích thiên văn học thông qua dự án phi lợi nhuận Vật Lý Thiên Văn (gồm website vatlythienvan.com và Fanpage cùng tên). Việc truyền tải kiến thức khoa học vũ trụ đến nhiều người cũng là liều “dopping” giúp tôi kiên cường trong hành trình phía trước.

Q&A

Q: Quyển sách đang đọc?
A: Hoàng tử bé (Le Petit Prince).

Q: Thời gian rảnh sẽ dùng để?
A: Viết bài, duyệt bài cho vatlythienvan.com. Trời đẹp thì xách máy ảnh đi thăm thú hoặc ghé thăm bạn bè ở Paris. Trời mưa thì… ngủ.

Q: Ngoài vũ trụ và các chòm sao thì đam mê khác?
A: Chụp ảnh, đặc biệt là ảnh vũ trụ!

Q: Chòm sao yêu thích nhất?
A: Bò Cạp vì dễ quan sát và có hình giống với đất nước Việt Nam.

Q: Ngôi sao yêu thích nhất?
A: Sao Thiên Lang (Sirius) vì là ngôi sao sáng nhất trên bầu trời đêm.

hienphan_do-3

Q: Hành tinh yêu thích nhất?
A: Sao Thổ vì có vành đai hiện ra rất đẹp khi quan sát qua kính thiên văn.

Q: Câu chuyện vũ trụ đầy cảm hứng nhất với anh là gì?
A: Hai đài quan sát LIGO ở Mỹ dò được sóng hấp dẫn mà nhà khoa học thiên tài Albert Einstein đã đưa ra từ 100 năm trước.

Q: Phương châm sống của anh?
A: Người khác làm được, mình cũng làm được.

Q: Ba từ mô tả bản thân?
A: Liều lĩnh, đam mê, trẻ con.

Bài: MAX
Ảnh: NVCC


From the same category