Hẻm Sài Gòn, đi đến bao giờ mới trọn

Trong những mong đợi đan cài mâu thuẫn của lòng người, ta có thể thấy rõ suy nghĩ nửa muốn mở rộng, bê-tông cốt thép hóa để hẻm thành đường, trôi chảy xe qua; nửa muốn mãi giữ hang cùng ngõ hẻm như bao đời vẫn thế. Và trong nhịp sống của một Sài Gòn ở thì hiện tại, giữa nhiều đổi mới sống cùng xưa cũ, vẫn có thể nhìn thấy nhiều con hẻm đặc biệt mà có lẽ chỉ riêng Sài Gòn mới có.

Hẻm “miễn phí”

Tấm bảng nhỏ đầu con hẻm nhỏ giữa Sài Gòn tấp nập với dòng chữ khiến ai cũng thấy ấm lòng. Bắt đầu từ thùng nước miễn phí cho người nghèo và người đi đường, đến nay, hẻm đã có đến 6 dịch vụ hoàn toàn miễn phí.
Chỉ vỏn vẹn chừng vài chục mét, là ngõ tắt để băng từ đường Phan Đình Phùng ra Trường Sa, nhưng con hẻm 96 Phan Đình Phùng, quận Phú Nhuận lại có nhiều câu chuyện đặc biệt để kể. Đây là nơi có đến 6 dịch vụ miễn phí dành cho người nghèo và người khuyết tật: nước uống miễn phí; bơm vá xe miễn phí; xe ôm miễn phí; tủ thuốc miễn phí; cơm chay miễn phí 4 ngày trong tháng và giúp hòm từ thiện, trợ táng miễn phí. Điều đáng nói là những người làm chuyện tử tế này cũng toàn là những người nghèo, gắn bó cùng con hẻm nhỏ nhiều năm qua với công việc chạy xe ôm, bơm vá xe, bán thuốc lá, phụ quán cơm… Con hẻm này còn được gọi là hẻm Ông Tiên. Một người sống lâu năm trong hẻm giải thích cho tên gọi này: Trước đây, hẻm có nhiều tệ nạn. Người ta quen nhìn thấy những người phê thuốc ngửa mặt lên trời và tự cho mình là sướng như tiên. Giờ đây, tên gọi này có thể được giải thích theo cách khác: là nơi có những ông tiên, ông bụt thực sự giữa đời thường – niềm an ủi bé nhỏ nhưng đủ làm ấm lòng những người kém may mắn giữa một Sài Gòn rộng lớn.
Tủ thuốc miễn phí lúc đầu chỉ có vài loại thông thường để giúp người trong những vụ tai nạn thường xảy ra đầu hẻm, nay đã có thêm nhiều loại, nhờ sự đóng góp của các cửa hàng thuốc. Có vài người luân phiên giữ chìa khóa tủ theo ca, đảm bảo có thể giúp người 24/24 giờ.
Tủ thuốc dành riêng cho người bị tai nạn giao thông
Anh Đỗ Văn Út – làm nghề bơm vá xe và chạy xe ôm đầu hẻm – là người khởi xướng cho những dịch vụ miễn phí dành cho người nghèo và người khuyết tật ở đây.

Hẻm Tranh
Chưa đầy 100m, con hẻm rất lạ này có hai địa chỉ khác nhau ở hai đầu là 88 Nguyễn Huệ và 151 Đồng Khởi, quận 1 – hai con đường danh giá bậc nhất ở Sài Gòn. Trông như lối đi dưới tòa nhà chung cư xưa cũ nhưng đây thực sự là hẻm, và là con hẻm được trưng dụng để bán tranh. Chính vì vậy mà không có phương tiện xe cộ nào được chạy qua hẻm. Chung cư cũ trên con hẻm này cũng là một điểm rất thú vị khi tập trung nhiều quán cà phê và cửa hiệu thời trang độc đáo mà hầu như mọi du khách lẫn những người sinh sống tại Sài Gòn đều muốn tìm tới.

Con hẻm chỉ thấy toàn tranh treo hai bên đường và những món đồ thủ công mỹ nghệ. Mọi phương tiện xe cộ qua đây đều phải dắt bộ.

Hẻm graffiti

Nổi tiếng nhất là con hẻm 15B Lê Thánh Tôn, quận 1, dài chừng 110m. Bờ tường loang lổ cũ kỹ của nhiều năm trước đã được khoác lên mình chiếc áo nghệ thuật graffiti (vẽ tranh đường phố) khoảng hai năm gần đây. Không chỉ người dân trong khu phố này thích thú trước những bức vẽ đủ màu sắc, đầy phóng khoáng mà các bạn trẻ khắp Sài Gòn cũng không bỏ lỡ cơ hội đến đây quay phim, chụp ảnh.

Mảng tường với bức vẽ một người đàn ông đội nón lá trên chiếc xe đạp chở lỉnh kỉnh rất nhiều thứ là tác phẩm của một chàng sinh viên người Đức, ghi lại ấn tượng của mình về một người mà anh đã gặp ở Hàng Trống, Hà Nội. Cùng với sự trợ giúp của vài người bạn và cả người dân trong khu phố, anh đã hoàn thành bức vẽ trong vòng 8 tiếng đồng hồ…

Đã có thông tin rằng con hẻm graffiti này sẽ bị xóa sổ và tạm thời cấm quay phim, chụp ảnh vì nhiều bạn trẻ kéo đến nhưng thiếu ý thức và gây phiền nhiễu không ít cho người dân nơi này.

Cách hẻm 15B Lê Thánh Tôn chỉ vài bước đi bộ cũng có một mảng tường với những bức vẽ graffiti đầy ấn tượng ở đầu ngõ Ngô Văn Năm, ghi thêm một điểm đặc biệt cho khu phố Nhật giữa lòng Sài Gòn. Mảng tường này chỉ mới xuất hiện hai tháng trước, do một nhóm bạn trẻ ngoại quốc đến vẽ với đủ các bình xịt sơn trong vài tiếng đồng hồ. Không thể phủ nhận nghệ thuật graffiti đã biến những bức tường đơn điệu trở nên ấn tượng và khó rời mắt.

Những bức tường đặc biệt hơn so với vẻ cũ kỹ thường thấy nhờ các bức vẽ graffiti. Một số con hẻm đã trở nên nổi tiếng nhờ gắn với hình ảnh này.

Thêm một con hẻm cũng gắn với tên gọi graffiti là hẻm cư xá 288 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3 với mảng tường có những bức vẽ lạ mắt. Các tác phẩm này ra đời từ dự án “Vẽ graffiti lên tường hẻm” do nhóm Ga 0 và Click 9 thực hiện tại cư xá này. Cuối hẻm là quán phở Dậu nổi tiếng hơn 50 năm, không hề bán kèm với rau – giá như mọi quán phở khác nhưng lúc nào cũng đông khách. Và mảng tường graffiti góp phần tạo nên một điểm đặc biệt khó quên cho bất cứ ai khi đến con hẻm này.

Sài Gòn 2015


From the same category