Chuột nhắt Suariso rất buồn vì bố mình bé quá. Nhiều lúc cậu ước bố giống như Bố ngựa có thể phi rất nhanh thoát khỏi móng vuốt của mèo, có lúc chú ước bố mình là gấu có bộ lông ấm áp để chú có thể nằm cuộn tròn trong đó… Đây là nội dung truyện “Bố kính yêu” nằm trong tập truyện “Tò mò quá” mà mẹ kể cho các con nghe. Cuối cũng Suariso đã nhận ra rằng, bố mình thật tuyệt vời vì bố có thể làm cho cậu cười như nắc nẻ trước cảnh bà chủ nhà nhảy lên ghế khi bố chạy qua… Nghe xong, các con tự hào nói với mẹ: “Bố của chúng con cũng rất tuyệt vời”. Mẹ sung sướng hỏi “Vì sao?” thì các chàng đưa ra một lô một lốc lý do: Vì bố đưa con đi học, bố cho con ăn, bố chơi với con… Thậm chí cả việc… vệ sinh cho con sau khi ị các nhóc cũng được đưa vào danh sách những việc làm “vĩ đại” của bố.
Đối với trẻ con, bố mẹ không cần phải làm việc gì đao to búa lớn cho chúng, mà chỉ cần làm những công việc hàng ngày rất đời thường, rất giản dị… là đã có thể trở nên tuyệt vời trong mắt chúng. Trong khi đó, bố mẹ (và dĩ nhiên có cả tôi) lại có nhiều mong ước cao siêu hơn, luôn thầm mong, phấn đấu cho một tương lai sáng lạn. Dù đó là mong ước hết sức chính đáng, nhưng cũng vì những mong ước đó mà ngay từ khi còn là giọt máu bé xíu trong bụng mẹ, tất cả những nỗi sốt ruột và mọi kỳ vọng của bố mẹ đều đổ lên đầu những thiên thần bé bỏng.
Tình trạng chung hiện nay là trong đầu bà mẹ trẻ nào cũng chất đầy những chỉ số về sự phát triển, học gì, học như thế nào để có thể phát triển hai bán cầu não… Tôi cũng như các bà mẹ khác ngập lụt trong hàng mớ lý thuyết các phương pháp dạy con thành tài. Tôi tranh thủ nghiên cứu bốn tập “Em phải đến Harvard học kinh tế” để học cách dạy con từ lúc 0 tuổi của các bà mẹ Trung Quốc giữa các giờ nghỉ trưa ngắn ngủi. Hàng đêm sau khi chật vật cho con ngủ say, tôi ngấu nghiến bí quyết của người Do Thái trong cuốn “Vô cùng tàn nhẫn, Vô cùng yêu thương”, tôi ám ảnh bởi những câu chữ: “Người nào nuông chiều con cái, ắt có ngày người đó phải băng bó vết thương cho con. Mềm mỏng là hại, tàn nhẫn là yêu! Giáo dục con cái là một môn học, một nghệ thuật, mà tất cả mọi người đều phải học tập“. Đáng thương cho tấm lòng cha mẹ trong thiên hạ, nếu không học cách nuôi dạy con đúng đắn thì chắc chắn sẽ chuốc lấy hậu quả đáng sợ và đáng hận. “Con muốn học mà cha mẹ không dạy” cũng bi thương như “con muốn nuôi, mà cha mẹ chẳng còn”.
Tôi khao khát, tôi cố gắng hết sức để cho con một cuộc sống theo lời khuyên chung mà các bậc cha mẹ Trung Quốc vẫn tâm đắc: “Đừng để con bạn thua thiệt ngay ở vạch xuất phát trong cuộc đua tương lai”.
Nhưng hôm nay, tôi nhớ đến bố mẹ – và cách bố mẹ đã nuôi dạy mình.
Bố mẹ tôi rõ ràng là không dùng phương pháp mẹ Hổ rồi trong cuốn “Khúc chiến ca”. Tôi nhớ chưa bao giờ bị một áp lực nào từ bố mẹ. Quá quan tâm, quá chiều chuộng, quá yêu thương nên dù chỉ có thể đạt được kết quả hơi tốt một chút là bố mẹ rất tự hào. Và tôi với mong muốn làm cho bố mẹ được tự hào đã luôn luôn cố gắng trong một tâm thế thoải mái và một tuổi thơ hạnh phúc ngọt ngào.
Bố tự hào ngâm nga suốt với mọi người về bài thơ con viết cho nghề của bố khi học lớp ba. Bài thơ ngây ngô ấy mãi cho đến bây giờ những đồng nghiệp của bố vẫn nhớ. Bất cứ kỳ thi nào từ lúc học mẫu giáo đến khi học đai học, ba đứa con đều được bố đưa đi. Hơi duy tâm một chút nhưng tôi cảm thấy luôn có bố mẹ bên cạnh để vượt qua mọi kỳ thi trong trường và trên đường đời.
Hôm nay, một câu nói hồn nhiên của các con đã dạy tôi rằng, nếu tôi thực sự muốn giúp con, cách tốt nhất là tập nhìn thế giới bằng đôi mắt ngây thơ, tập nghĩ bằng trí óc non nớt, tập cảm bằng sự hồn nhiên của con trẻ. Tôi quyết định rằng, trong suốt nghề làm cha mẹ, tôi sẽ luôn tự hào nói với con rằng: “Các con thật tuyệt vời”, đơn giản vì con là con của bố mẹ.
Bài: Thu Huyền
Xem thêm: Mẹ chỉ cần yêu con thôi, là đủ