Hãy nói không với “Toxic Positivity” và học cách vỗ về nỗi đau từ thể xác đến tâm hồn

“Cuộc sống vốn dĩ là một thung lũng đầy nước mắt, song cũng là một thung lũng hoa hồng.” Từng phút giây trong cuộc sống, từng xúc cảm của chúng ta, dù là thăng hoa hay bất hạnh, cũng đều đáng được trân quý như nhau. Hãy lắng nghe và thấu hiểu bản thân ngay từ những tổn thương nhỏ nhất!

“Đừng buồn nữa! Hãy nhìn vào mặt tốt của vấn đề.” – Hẳn mỗi chúng ta đều đã từng được nhận những lời động viên với nội dung tương tự vậy, ít nhất một lần trong cuộc sống. Về cơ bản, sự động viên từ những người thân thương, hay chỉ đơn giản là một ý niệm tích cực le lói trong tiềm thức một người, đều có khả năng trở thành ngọn hải đăng soi sáng cả tương lai của người ấy. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp mà lời động viên hay những suy nghĩ tích cực lại vô tình khiến người ta chìm sâu hơn vào phiền muộn.

Đó là cách Toxic Positivity (tạm dịch: tích cực độc hại) làm đau chúng ta – không đao to búa lớn, không cắt da, xé thịt, nhưng vẫn đủ sát thương để khiến ta phải chếnh choáng, rối bời hay thậm chí là đánh mất bản thân. Toxic Positivity, theo định nghĩa phổ biến nhất hiện nay, là việc người ta bị ám ảnh bởi những suy nghĩ tích cực, đến nỗi mà họ đề cao suy nghĩ tích cực hơn cả, và xem nhẹ cảm xúc bi lụy của một người bình thường.

Tại Việt Nam, cụm từ “tích cực độc hại” chưa xuất hiện nhiều trong các tài liệu học thuật chính thống, các bài báo khoa học hay công trình nghiên cứu nói chung. Tuy nhiên, thế hệ thanh thiếu niên trong nước vào những năm gần đây đã có cơ hội tiếp cận với khái niệm Toxic Positivity và ngày càng đề cao nhận thức về chủ đề này.

Muôn hình vạn trạng của Toxic Positivity

Trong cuộc sống thường nhật, bất kỳ ai cũng có thể trở thành “nạn nhân” của Toxic Positivity. Những nạn nhân được xem xét theo nhiều khía cạnh, bao gồm những người đã thấm nhuần tư tưởng Toxic Positivity trong tiềm thức, những người bị tổn thương bởi tư tưởng Toxic Positivity từ cộng đồng, và cả những người cố o ép mình theo tư tưởng Toxic Positivity đến mức tự làm đau bản thân.

Sau đây là một số biểu hiện thường thấy ở các nạn nhân của Toxic Positivity:

1/ Che giấu cảm xúc thật của mình bằng những câu nói tích cực mà xã hội hay tuyên truyền.

2/ Né tránh các vấn đề khó khăn thay vì giải quyết chúng.

3/ Đánh giá thấp người khác khi họ không có thái độ tích cực.

4/ Cảm thấy tội lỗi khi rơi vào trạng thái bi lụy, tức giận hoặc thất vọng.

5/ Cố gắng trở nên lý trí, điềm đạm để khắc chế những cảm xúc đau đớn trong lòng.

5 lý do không nên “thần thánh hóa” sự tích cực trong mọi hoàn cảnh

Xóa nhòa bản sắc cá nhân: Ai cũng có lúc phải trải qua cảm xúc tiêu cực. Sự tích cực độc hại khiến người ta kiềm hãm và triệt tiêu cảm xúc của chính bản thân. Dù điều này có thể khiến họ cảm thấy mạnh mẽ hơn, song, nó cũng sẽ làm mất dần bản sắc cá nhân và những nét tính cách, những tình cảm tha thiết vốn có của một người.

Những mối nguy hại bị phớt lờ: Một bài báo khoa học được đăng trên International Journal of Wellbeing  (Tạp chí Quốc tế về Sức khỏe Lành mạnh), với 29 nghiên cứu về bạo lực gia đình, đã chỉ ra mối tương quan giữa thành kiến ​​tích cực và sự phớt lờ những hiểm nguy của bạo lực gia đình. Cụ thể hơn, những người bị bạo hành có thể xem nhẹ mức độ nghiêm trọng của bạo lực, và tiếp tục duy trì các mối quan hệ gia đình. Sự lạc quan và hy vọng làm tăng nguy cơ mà họ ở lại bên người thân có hành vi lạm dụng.

Sự cô lập: Người ta có thể tự cô lập mình khỏi cộng đồng, hoặc cảm thấy lạc lõng vì cảm xúc bi lụy của bản thân giữa một cộng đồng chỉ toàn người tích cực. Điều đó có khả năng khiến họ không muốn tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người khác khi rơi vào nghịch cảnh. Theo Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ, sự cô lập có thể ngăn cản một người tìm cách điều trị sức khỏe tâm thần.

Xem nhẹ nỗi đau mất mát: Đau khổ và buồn bã là cảm xúc bình thường khi chúng ta đối mặt với sự mất mát. Chính vì thế, người ta sẽ dễ dàng cảm thấy mất mát của họ không được tôn trọng và càng thêm đau buồn nếu phải liên tục nghe những thông điệp tích cực từ cộng đồng.

Giảm chất lượng các mối quan hệ: Toxic Positivity khuyến khích người ta gạt qua những chủ đề khó khăn và chỉ tập trung vào chủ đề tích cực trong giao tiếp. Điều này có thể hủy hoại chiều sâu của những cuộc nói chuyện, khiến cho mối quan hệ ngày càng phai nhạt.

Hãy thưởng thức nỗi buồn để biết lòng mình luôn da diết yêu thương!

Nhà văn, nhà triết gia nổi tiếng người Pháp Jean d’Ormesson từng phát biểu: “Cuộc sống vốn dĩ là một thung lũng đầy nước mắt, song cũng là một thung lũng hoa hồng.” Hiểu một cách đơn giản, cuộc sống của chúng ta được vun đắp từ tất thảy mọi khoảnh khắc, mọi xúc cảm mà ta trải qua dù là hạnh phúc hay đau thương. Cuộc sống mà chỉ toàn niềm vui thì sẽ thành ra vô nghĩa, bởi khi ấy ta sẽ chẳng còn lý do gì để đấu tranh, để tiến bộ.

Mặt khác, sự hiện diện của tâm lý tiêu cực cũng cho thấy tâm hồn chúng ta thật da diết và giàu lòng tự trắc ẩn – đó là điều đáng được tôn vinh và trân quý hơn cả. Trong khi đó, Toxic Positivity chỉ giúp ta quên đi nỗi u uất tạm thời, nhưng về lâu dài, ta sẽ luôn mắc kẹt mãi trong vấn đề cũ, những tổn thương sẽ còn âm ỉ đâu đó trong lòng ta nếu không được xoa dịu, không được vỗ về. Vì vậy, hãy cho phép bản thân đối mặt với cảm xúc tiêu cực vì đó là cơ hội để chúng ta thấu suốt bản thân hơn và tìm ra cách hóa giải những khúc mắc trong tâm hồn.

“La vie est naturellement une vallée de larmes. Elle est aussi une vallée de roses.” – Jean d’Ormesson

From the same category