Người Việt Nam có ham dịch chuyển không? Tôi cho rằng câu trả lời là Có. Cách đây không lâu, Phương Mai – tác giả nhật ký hành trình “Con đường Hồi giáo” kéo dài suốt 16 kỳ trên Đẹp có một cuộc gặp mặt nho nhỏ nhân dịp ra mắt cuốn sách nhỏ “Tôi là một con lừa” trong một quán cà phê nhỏ nằm trên một con đường cũng nhỏ của Hà Nội. Vậy mà lượng khách tới dự hôm đó đông bất ngờ, khiến cho quá nửa không có ghế phải đứng suốt 2 tiếng đồng hồ. Rất nhiều trong đó là những người tới bày tỏ công khai sự ngưỡng mộ đối với cô gái đã đi qua 80 nước – con số mà chính Phương Mai khẳng định là không hề to tát đối với những người sống và làm việc ở nước ngoài, nhưng lại là một cơn chấn động với số đông người Việt (thậm chí trên một diễn đàn còn nổ ra cuộc tranh cãi nảy lửa về việc Phương Mai kiếm đâu ra thời gian và tiền bạc để đi như vậy, bởi với họ điều này là không tưởng). Họ đồng thời bày tỏ tình yêu với thú dịch chuyển, nhưng khi hỏi chuyện thì những cái đích của họ vẫn là những cái chấm đã dày đặc dấu chân trên bản đồ.
Phong trào “phượt” lan rộng trong giới trẻ cũng phải gần 10 năm, nhưng thử điểm lại trong suốt 10 năm ấy, có bao nhiêu địa điểm mới lạ – trên chính mảnh đất hình chữ S thân thuộc này – được khám phá. Bao nhiêu năm vẫn thấy hết lứa nọ tới lứa kia rủ nhau “cày nát” Hà Giang, Mộc Châu, mũi Cà Mau, cao nguyên Lang Biang… Người trẻ – những người vốn được định danh là đầy nhiệt huyết và không bao giờ “cũ” – hóa ra lại hài lòng với việc quanh quẩn “khám phá” trong những lối mòn không thể mới.
Cách đây vài năm, tôi và mấy người bạn thử đi dọc miền núi phía Bắc theo đúng một hành trình được những người nước ngoài xây dựng và chuyền tay nhau. Và tôi bất ngờ vì những gì họ đã khám phá. Đó là một căn nhà sàn của gia đình ông Tâm nằm nép vào vách núi, nhìn ra cánh đồng trước mặt, nơi những chiếc xe kéo chở đầy trẻ em lăn bánh khấp khểnh trên con đường quanh co, khi khói lam chiều bay lên níu màn đêm buông xuống…
Đó cũng là một khu du lịch sinh thái nằm trong quần thể Hồ Thác Bà do một người Pháp xây dựng, nơi mà muốn tới đó bạn phải xuống thuyền đi xuyên qua những hòn đảo nhỏ bập bềnh như đang trôi trong sương, nơi có bà má dân tộc ra đón tận cửa, nơi người ta tắm trong một con thuyền và nằm quây quần bên bếp lửa. Tôi thử tìm trên mạng xem các bạn trẻ bàn luận gì về Hồ Thác Bà, kết quả đều là những chuyến đi thuyền trên hồ, ăn cá, gà nướng, rồi về. Tôi nằm đung đưa trên chiếc võng treo giữa hai chiếc cột nhà sàn, nhìn xuống lòng hồ, tự hỏi, tại sao vẻ đẹp bình dị mà lãng mạn đến vậy của Thác Bà, cũng như hàng chục, hàng trăm cái tên khác trên đất nước mình, lại thường được khám phá bởi những người ngoại quốc?
Khi bắt tay vào chuyên đề “Những vùng đất bị quên lãng”, thực sự tôi suy nghĩ rất nhiều về những vùng đất bị quên lãng trên chính quê hương mình. Tôi chỉ mong, bằng một nỗ lực nho nhỏ, sẽ khiến một ai đó, vì “nóng mũi” mà xốc hành lý, bước chân ra ngoài khám phá chính đất nước mình – KHÁM PHÁ một cách đúng nghĩa nhất.
Làm sao lại thế nhỉ? Dưới mặt trời này, trong thế giới phẳng này, làm gì còn cái gì bị quên lãng nữa? Làm gì còn những câu chuyện dường như phi thực, khi Henri Mouhot sững sờ trước phế tích Angkor Wat dần hiện ra giữa rừng già ngàn năm tuổi. Ấy vậy mà vẫn còn đó, những “miền quên lãng”.
Tổ chức: Vũ Thủy