Hãy nhẹ nhàng với cái dạ dày

 

 

Khổ thân vì thức ăn khó tiêu

Anh Nguyễn Văn Hòa ở phường 11, Q.8 Tp.HCM được bạn bè thân thiết đặt biệt danh là “tín đồ của đắng cay”. Bữa cơm nào của anh Hòa cũng phải có ớt, nếu không thì dù nó có ê hề sơn hào hải vị anh cũng xem là không ra gì. Mỗi bữa anh phải ăn đến 5 quả ớt, thậm chí vợ đi chợ mua ớt chín quá anh còn dặn dò lần sau phải mua loại ớt chỉ thiên vừa chín tới, thân ớt vẫn còn xanh thì ăn mới ngon, độ cay mới nồng.

Nhiều người nhìn thấy anh ăn ớt mà ái ngại khuyên bớt đi kẻo không tốt cho dạ dày. Nhưng anh không thể giảm được vì ăn ớt đã trở thành thói quen từ lâu, với lại, từ trước đến giờ anh vẫn khỏe như văm mà!

Ấy thế nhưng hơn 1 tháng nay anh thường xuyên bị ợ nóng và khó tiêu. Đi kiểm tra sức khỏe bác sỹ cho biết dạ dày của anh bị loét khá nghiêm trọng và khuyến cáo anh không được ăn ớt, cũng như hạn chế ăn món khô cứng khó tiêu, đồ chiên rán nhiều dầu mỡ… Chưa hết, anh còn phải chịu khó ăn các thức ăn ninh nhừ như súp, cháo… trong 3 tháng để dạ dày có thời gian hồi phục niêm mạc. Ngồi nghe bác sỹ dặn dò về chế độ ăn mới mà anh Hòa cứ ngơ ngẩn như người từ cung trăng rớt xuống. Anh vẫn không tin là thói quen ăn ớt gây hại đến thế?!

Cũng gặp rắc rối về tiêu hóa như anh Hòa nhưng chị Lê Thị Mai ở phường Ngã Tư Sở, Q.Đống Đa, Hà Nội lại bị chứng khó tiêu. Chị Mai có sở thích ăn những món nhiều dầu mỡ như khoai tây chiên, đậu rán, thịt rán… Vì khá gầy nên chị Mai tự cho phép mình ăn thoải mái các món trên mà không lo bị béo. Nhưng chị lại gặp phải chứng bụng ậm ạch, khó tiêu.

Cho là mình bị nóng trong nên chị rất chịu khó uống nước bột sắn mỗi ngày, nhưng chứng khó tiêu vẫn không đỡ. Đem vấn đề của mình với cô em gái là bác sỹ, chị được khuyên nên hạn chế ăn những đồ chiên,rán… vì chúng thường nhiều dầu mỡ gây hại đến dạ dày về lâu về dài.

Món ăn có nhiều ớt và dầu mỡ gây hại đến dạ dạ dày.

Món ninh tốt cho mọi người

Khoa học đã chứng minh sự khỏe mạnh của dạ dày phụ thuộc rất nhiều vào quá trình điều tiết dịch vị của nó. Sự điều tiết này liên quan chặt chẽ đến đặc tính của thức ăn. Những món ăn cay nóng, khô cứng hay nhiều dầu mỡ… đều là khắc tinh của dạ dày.

Nhờ những co thắt sinh lý nhẹ nhàng và sự hòa trộn với dịch tiết trong dạ dày mà thức ăn được ruột dễ dàng hấp thụ. Khi bạn uống không điều độ, lo âu, stress, hay dùng các thức ăn khó tiêu, cay nóng, thuốc kháng viêm, giảm đau… dạ dày sẽ tiết nhiều acid hơn (giống như acid trong bình ắc quy). Khi đó chất nhầy ở vách dạ dày không còn đủ sức để bảo vệ dạ dày, chất ít dư thừa này sẽ “ăn mòn” dần vách dạ dày. Kết quả là làm bạn bị khó tiêu, đầy bụng, đau thượng vị… thậm chí bị ổ loét ở dạ dày tá tràng.

BS. Vũ Đức Chung (BSCKII, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viên Quân Y 354, Hà Nội), cho biết, thói quen dùng những thức ăn được nấu nhừ, xay nhuyễn và thức ăn nhiều tinh bột như cơm, bánh mỳ, bún… sẽ tốt cho dạ dày hơn những món ăn nhiều dầu mỡ, món khô cứng hay cay nồng. Vì khi ăn những món đó, dạ dày sẽ phải làm việc nhiều hơn, dịch tiêu hóa sẽ không tiết đủ theo nhu cầu. Hơn nữa, thức ăn chiên, rán khá khô và cứng nếu bạn ăn vội vàng, nhai không kỹ, không nát thì càng khiến dạ dày khó trộn với dịch vị. Đó là nguyên nhân khiến nhiều người thường có cảm giác đầy bụng, khó chịu khi ăn.

Cơ chế sinh bệnh viêm, loét dạ dày đều do acid làm lở loét niêm mạc dạ dày. Những chất acid làm viêm loét này có thể vì do dạ dày phải tăng tiết dịch mà sinh ra hoặc do ăn những thức ăn bên ngoài đưa vào cơ thể dưới dạng khó tiêu, bắt buộc dạ dày phải hoạt động tăng tiết acid dẫn đến dạ dày bị đau và viêm loét. Bởi vậy, trọng tâm của dinh dưỡng trong điều trị viêm loét dạ dày là dùng những thức ăn giảm tiết dịch vị, giảm tác dụng của acid tiết lên niêm mạc dạ dày.

Đối với người bị đau dạ dày, tá tràng trong thực đơn của bác sỹ luôn lưu ý, với các loại thức ăn khi nấu nên thái nhỏ, nghiền nát, xay ra. Điều đó sẽ làm giảm được kích thích bài tiết dịch vị và vận chuyển thức ăn qua dạ dày nhanh chóng. Ăn thức ăn xay dưới dạng súp rất tốt cho những người có vấn đề về tiêu hóa, những loại thức ăn này sẽ được cơ thể hấp thụ tốt hơn.

BS. Chung cũng lưu ý thêm rằng, ăn đồ ninh nhừ là rất tốt, nhưng không phải tuyệt đối với người có bệnh dạ dày. Vì trong pháp đồ điều trị cho bệnh nhân dạ dày chỉ có lưu ý là nên ăn súp, ăn cháo, tránh thức ăn khó tiêu như đồ nướng, đồ sống, gỏi, xào, rán, lẩu… Thức ăn nấu nhừ như xương hầm, cháo, súp giúp cơ thể hấp thụ dễ hơn.

Chế độ ăn uống lành mạnh đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe và tuổi thọ của con người. Bạn nên cố gắng giảm sao cho lượng chất béo không quá 30% tổng số calorie cơ thể cần mỗi ngày và thay vào đó là các món ninh, hầm sẽ tốt cho sức khỏe của dạ dày.

 

5 thói quen gây hại cho dạ dày

– Ăn trước khi ngủ: Thành phần protein có trong thức phẩm sẽ kích thích quá trình tiết acid và dịch vị trong dạ dày. Ngay khi ăn xong đã vội đi ngủ, thức ăn chưa kịp tiêu hóa hết sẽ phân hủy và lên men trong dạ dày, dẫn tới đầy bụng và đau dạ dày.

– Ăn không đúng bữa: Đến một giờ cố định, dạ dày theo thói quen sẽ tiết acid để tiêu hóa thức ăn. Nếu bạn không bổ sung thức ăn kịp thời, lượng acid sản sinh sẽ “phản lại” chính chủ nhân của nó, từ đó gây ra căn bệnh viêm loét dạ dày thường gặp.

– Lạm dụng thuốc giảm đau: Các loại thuốc giảm đau đều có tác dụng kìm hãm sự sản xuất niêm mạc bảo vệ thành dạ dày, gây chảy máu dạ dày. Điều nguy hiểm là vết loét thường xuất hiện thời gian dài mà không biểu hiện triệu chứng nào.

– Hút thuốc quá nhiều: Chất nicotine trong thuốc lá có thể làm thu hẹp các mạch máu ở thành dạ dày, từ đó làm tổn thương lớp niêm mạc và làm giảm tính năng tiết dịch vị tiêu hóa thức ăn của dạ dày.

– Ăn quá nhanh: Khi lượng thức ăn được “nạp” vào quá nhanh, não bộ chưa kịp nhận tín hiệu. Kết quả là dạ dày không kịp tiết dịch và co bóp để tiêu hóa thức ăn. Thói quen ăn nhanh lâu ngày có thể dẫn tới bệnh đau dạ dày.

Theo Khoa học & Đời sống

From the same category