… hay người thứ 2 hạnh phúc

Thuở cắp sách đến trường, chắc chắn ai cũng bị không ít lần nghe phụ huynh xuýt xoa lườm nguýt: “Nhìn thằng (con) A,B,C, con ông (bà) XYZ kìa, tháng nào cũng xếp thứ nhất, con thế mới là con chứ, đẻ thế mới bõ công đẻ chứ…” cứ như thể mình là kẻ ngu dốt nhất trần gian, và khoảng cách từ mình đến cái thằng ABC con ông bà XYZ ấy thăm thẳm lắm…

Điệp khúc ấy kéo dài mãi, đến khi đi cắm trại mùa hè ở khu phố, đi thi chơi kéo co trong sân trường, thi đại học, thi kiếm một suất học bổng đi nước ngoài, ra trường kiếm một chỗ làm “ngon ăn”… Ai là kẻ “về nhất” sẽ là đích ngắm của bao cái nhìn thèm muốn và ghen tị, thậm chí của cả kẻ về nhì, vì có ai biết đến kẻ về nhì, người thứ hai thừa thãi.

Có lẽ, không ở đâu mà cái khoảng cách giữa kẻ thứ nhất là và thứ hai lại to lớn, bất công và vô lý như trong bóng đá. Cứ thử nhìn lại 24 kỳ World Cup mà xem, ai nhớ đến kẻ về nhì? Tiền thưởng của đội vô địch gấp bao nhiêu lần đội huy chương bạc?

Bao nhiêu danh vọng, hào quang, hợp đồng quảng cáo, tiền lương đổ ụp xuống kẻ giành Cúp trong một trận chiến duy nhất, mà khoảng cách chỉ mong manh như một quả penalty, trong đó chiến thắng lắm khi thuộc về kẻ chơi dở hơn suốt 90 phút thi đấu chính thức. Kẻ về nhì có kém cỏi không? Không hề, vì họ cũng vượt qua đúng chừng ấy chặng đường mà kẻ về nhất phải đi qua, lắm khi còn gian nan vất vả hơn vì đối thủ họ mạnh hơn rất nhiều.

Gần hơn nữa, hãy nhìn những giọt nước mắt nghẹn ngào ấm ức trên má những cô tú cậu tú về nhì chỉ vì bấm chuông chậm hơn 1/10 giây trong câu hỏi cuối cùng của “Đường lên đỉnh Olympia”. 1/10 giây có giá trị bằng 35.000 USD và 5 năm du học nước ngoài – vì kẻ về nhì chỉ nhận được vỏn vẹn 1.000 USD phần thưởng.

Cậu ấm cô chiêu con nhà đại gia nào có thể phẩy tay “không chấp”, chứ với những con nhà lành quanh năm nấu sử sôi kinh, cái sự “giỏi thứ nhì” lúc này mới đau đớn làm sao, nó có thể và rõ ràng đã thay đổi số phận của cả một con người. Tại sao chỉ là “giỏi thứ nhì” mà không phải là “người giỏi nhất”?

Kẻ thứ nhất được tất cả, nhưng kẻ thứ hai có mất tất cả không? Sự thực, cái đó phụ thuộc rất nhiều vào cá tính và thái độ sống của người về nhì. Có người về nhì coi mình là kẻ thua cuộc, và sẽ bị ám ảnh, thậm chí cay cú đến hết đời. Đúng là có những cuộc về – nhì – định – mệnh.

Không thể bắt lịch sử quay ngược bánh xe, như đội Hà Lan đã 2 lần nuốt nước mắt vì thua trận chung kết bóng đá thế giới trước Đức và Argentina, cũng như Á hậu trong cuộc thi Miss World không thể thi lại năm sau dù cô đã dạn dày kinh nghiệm hơn và thậm chí đã đẹp hơn.

Nhưng trong hầu hết những trường hợp khác, khiêm tốn hơn, ít được biết đến hơn, bên cạnh đó cũng đời thường và thiết thực hơn, người thứ 2 luôn tự khẳng định được mình: thua một chút so với người dẫn đầu, và khá hơn tất cả những người còn lại.

Nếu chịu khó theo dõi, sẽ thấy hầu như tất cả các cô cậu từng góp mặt trong trận chung kết đường lên đỉnh Olympia, dù không đoạt vòng nguyệt quế, đều có một con đường học hành rất thênh thang: có thể kiếm một suất học bổng khác đi du học, có thể trở thành một sinh viên xuất sắc ngay trong trường đại học ở Việt Nam.

Hơn cả một giải thưởng hay danh hiệu, vị trí thứ 2 cho họ một thứ cực kỳ quý giá mà thứ nhất không có được: kinh nghiệm của sự thất bại. Cũng như cảm xúc, kinh nghiệm là thứ khó có thể chia sẻ nếu không tự trải qua. Một thất bại ngọt ngào ngay lúc mới vào đời cũng là một hành trang quý giá.

Và, sát bên mỗi người, hãy nhìn kẻ thứ hai trong mỗi công sở, văn phòng. Nếu “sếp nhất” thường xuyên là kẻ ra lệnh, máy giục giã, người trừng phạt, lại còn hưởng thứ thu nhập cao ngất ngưởng từ trên trời rơi xuống, thứ thu nhập mà ta ngửa cổ ngóng mãi cũng không biết đến bao giờ mới đến lượt ta cái phần lẻ, thì, khôn ngoan thay là các ông chủ lớn, các sếp lớn, bao giờ cũng “ém” sẵn trong tay mình “kẻ thứ hai” chu đáo tỷ mỉ, nhẹ nhàng nhắc nhở đồng nghiệp tiến độ công việc, giúp đỡ kẻ có con mọn phải về sớm, nâng đỡ cậu sinh viên trẻ mới về, làm ngoài giờ thay cô thư ký đang hắt hơi sổ mũi.

Người số 2 tuy vẫn là sếp, chuyên môn giỏi hơn hẳn với ta nhưng lương cao hơn không đáng kể, chẳng hề gây ra bất kỳ sự ghen tỵ hay ấm ức nào trong văn phòng.

Làm số 1 thì rõ là nhất rồi, nhưng khó quá. Và mệt mỏi nữa. Sao ta không làm số 2 nhỉ? Nếu đó là số 2 hạnh phúc.

Măng


From the same category