Hãy khiến cho công việc nhà trở nên nhẹ nhàng! - Tạp chí Đẹp

Hãy khiến cho công việc nhà trở nên nhẹ nhàng!

Nhà Đẹp

Bạn chỉ cần dọn dẹp triệt để, một lần và duy nhất. Việc còn lại của đời bạn là quyết định giữ lại và từ bỏ thứ gì, chăm sóc những vật mà bạn quyết định giữ lại. Trừ phi bạn là Marie Kondo, người dành suốt cuộc đời để nghĩ về việc dọn dẹp và tìm thấy niềm vui trong việc dọn dẹp, bằng không nhiệm vụ của bạn là dành thời gian cho điều khiến bạn vui thích. Một cuộc sống thực sự sẽ bắt đầu khi bạn khiến ngôi nhà mình trở nên ngăn nắp và gọn gàng.

Nguyên tắc trọn đời: Chỉ giữ lại những thứ mang lại niềm vui

Phương pháp KonMari không dạy ta vứt bỏ đồ đạc thế nào, mà giúp ta xác định và giữ lại những thứ mang lại niềm vui cho mình. Điểm ưu việt của phương pháp này là giúp bạn không phải lo lắng thái quá khi tìm cách vứt bỏ đồ đạc của mình. “Thay vì tập trung vào việc vứt bỏ những thứ mang lại nỗi buồn cho mình, hãy tìm cách xác định vật đó có mang lại niềm vui hay không để giữ lại”.

Làm cách nào để xác định một vật nào đó nên hiện diện xung quanh ngôi nhà bạn?

Bằng việc cầm việc đó lên, lay chúng thức giấc dưới ánh sáng ban ngày, cảm giác sống động ngay lúc đó sẽ giúp bạn quyết định nhanh chóng dựa vào việc vật đó có mang lại niềm vui cho bạn không.

Vậy là việc dọn dẹp chỉ gắn với hai hành động cơ bản: từ bỏ vật dụng và quyết định xem cất giữ vật dụng đó ở đâu. Trong đó từ bỏ là việc bạn phải làm trước tiên. Không giống như thi đấu, bạn không cần so sánh thành tích với một ai đó. Việc dọn dẹp không cần phải chạy theo bất kỳ chuẩn mực nào, riêng bạn đã là chuẩn mực rồi. Chỉ cần xác định vị trí cho vật bạn cần cất giữ. Bạn chỉ làm việc này một lần duy nhất. Hãy khiến cho công việc nhà trở nên nhẹ nhàng hơn, trước hết là từ trong ý niệm của chính bạn.

Dọn dẹp theo nhóm: Mọi vật đều có chỗ của nó

Thay vì sắp xếp và dọn dẹp theo từng khu vực, phương pháp KonMari hướng dẫn chúng ta nên dọn dẹp theo nhóm. Cụ thể cần dọn dẹp 5 nhóm theo thứ tự sau:
– Trang phục, Quần áo
– Sách vở
– Tài liệu, Giấy tờ
– Đồ tạp loại
– Đồ kỷ niệm
Điều duy nhất mà Kondo nhấn mạnh là cần tuân thủ theo thứ tự này, trừ khi có một tình huống đặc biệt yêu cầu bạn xáo đổi. Việc dọn dẹp theo thứ tự từ dễ đến khó giúp bạn theo dõi được tiến trình và dễ dàng đưa ra quyết định vứt bỏ/giữ lại đồ vật hơn.

1. Trang phục, quần áo

Trước khi bắt đầu, hãy gom hết số quần áo bạn đang có ra sàn. Điều này giúp bạn xác định chính xác số lượng trang phục bạn đang có để quyết định nên vứt đi, giữ lại thứ gì.

Gấp quần áo: bạn nên xếp tất cả thành hình chữ nhật và gấp lại thành 3 phần để vải vóc không bị căng hoặc giãn ra, đồng thời sắp xếp trong tủ đồ cũng gọn gàng hơn. Bạn cũng sẽ dễ dàng tìm thấy đồ đạc khi chúng nằm gọn gàng trong từng ngăn nhỏ.

Treo mắc: Quần áo được treo, mắc nên được sắp xếp từ tối màu, dày nặng sang sáng màu, ngắn nhẹ về phía tay phải. Quan sát chúng theo chiều kim đồng hồ khiến ta có cảm giác các tế bào đang reo vui trong cơ thể. Phương pháp này không chỉ giúp tìm thấy loại quần áo cần dùng dễ dàng hơn mà còn giúp bạn không mua những thứ mình đã có.

Túi: Áp dụng nguyên tắc lồng túi trong túi giúp tiết kiệm rất nhiều không gian. Chỉ cần nhớ hướng phần tay cầm lên trên để biết xác vị trí của những chiếc túi bạn đang có.

2. Sách vở

Trước khi quyết định từ bỏ hay giữ lại món gì, hãy gõ nhẹ để đánh thức chúng sau giấc ngủ dài. Hành động này giúp bạn xác định được cuốn sách có còn mang lại niềm vui cho bạn không.

Có hai loại sách mà bạn cần loại ra: Sách đã đọc xong và những quyển bạn định đọc từ lâu nhưng vẫn chưa bắt đầu. Trường hợp thứ nhất, những quyển sách đó đã hoàn thành sứ mệnh của mình. Trường hợp thứ hai là những quyển mà bạn đã mất cảm hứng đọc chúng, chỉ nên giữ lại những cuốn sách thực sự yêu thích.

3. Tài liệu, giấy tờ

– Thanh lọc và cảm ơn những tài liệu đã hết phận sự của mình
– Phân loại thành hai nhóm: Cần chú ý và Cần lưu trữ.
– Nhóm “Cần chú ý” dành cho những tài liệu cần xử lý như hợp đồng, hồ sơ. Cất giữ chúng trong một vật lưu trữ hình thẳng đứng.
– Nhóm “Cần lưu trữ” được chia theo tần suất sử dụng. Sắp xếp chúng theo tần suất sử dụng ít và thường xuyên, yên tâm lưu trữ trong cặp nhựa hồ sơ mà không cần chia nhỏ thêm nữa.

4. Đồ tạp loại (Những vật nhỏ, đồ linh tinh)

Nhóm này bao gồm một loạt các vật đa dạng nên đừng cố phân loại và sắp xếp chúng. Marie Kondo khuyên bạn nên sắp xếp theo thứ tự sau: Sản phẩm dưỡng da, đồ trang điểm, phụ kiện, vật có giá trị (thẻ, hộ chiếu), thiết bị điện, dụng cụ gia đình (giấy, viết, văn phòng phẩm), vật phẩm gia đình (thuốc men, chất tẩy rửa, giấy ăn), dụng cụ nhà bếp, nhu yếu phẩm…

5. Đồ lưu niệm (Những đồ vật khó quyết định về mặt cảm xúc)

Đồ lưu niệm là thứ khó phân loại nhất vì chúng dính dáng đến giá trị kỷ niệm, cảm xúc của bạn. Đây là lúc để trực giác dẫn dắt bạn nên giữ lại những vật bạn trân trọng nhất ở nơi tinh tế nhất.

Nếu danh mục này trở nên quá áp đảo, hãy thay đổi không khí bằng cách mở cửa sổ hoặc thắp nến lên. Bạn cũng có thể tạm ngưng để bắt đầu lại vào ngày hôm sau. Không cần phải hoàn thành mọi thứ trong một ngày – đó là vẻ đẹp của phương pháp KonMari.

Tác giả: Đẹp Online

23/06/2022, 09:00