Con lúc nào cũng bé
Chị có hai đứa con và chăm sóc lo lắng cho con rất chu đáo, dù con út đã là sinh viên năm 2 của một trường đại học, còn con lớn đã ra trường đi làm. Đi làm về mệt, chị phải lăn vào bếp nấu nướng, nấu xong thì gọi con xuống ăn (con chị mỗi đứa một phòng riêng và về nhà thường chui vào phòng, mặc cho mẹ loay hoay việc nhà). Ăn xong, con gái út có khi phụ chị rửa chén, có khi không. Còn anh con trai thì chỉ biết…tự pha thêm sữa cho mình uống sau bữa ăn. Ngày chị bệnh, đến thăm chị, tôi chỉ thấy ông chồng chị lăng xăng ở bếp theo…chỉ đạo của vợ, còn con trai lớn của chị mải mê với cái iPad! Có khi con trai chị dẫn bạn gái về nhà, bọn chúng ăn xong cũng rút vào phòng riêng. Bực bội bảo chị sao chiều con quá, chị cười xòa: Mai mốt chúng nó lấy nhau, cho nhà ở riêng, khỏi mất công hầu hai đứa!
Chị hạnh phúc với cái tổ ấm lúc nào cũng có hai con quây quần bên cạnh, nói thân mình cực tí cũng không sao. Thỉnh thoảng, chị thuê người giúp việc theo giờ. Bà giúp việc ngoài việc phụ chị nấu ăn còn phải dọn dẹp phòng và giặt đồ cho cậu con trai của chị, vốn chưa biết tự giặt đồ bao giờ. Cậu con trai sống trong nhà của mình cứ như sống trong nhà trọ, việc gì cũng đến tay bố hay mẹ.
Một lần, con gái út chị đi chơi xa cùng bạn bè, chị đứng ngồi không yên, lúc nào cũng khư khư cái điện thoại trên tay chờ con gọi… cho đến khi cô gái trở về. Chị bảo: “Lần đầu tiên bé đi xa nhà nên lo quá em ạ.” Tôi gắt chị: “Cháu 20 tuổi rồi chứ có còn là bé nữa đâu? Chị lo thế thì đến chết cũng không yên đâu!“
Một cô gái 22 tuổi khác than thở cùng tôi: “Con là con một nên cha mẹ lúc nào cũng lo lắng khi con ra đường. Học năm cuối đại học rồi mà con chưa được phép đi xe máy, chỉ được đi xe buýt hay taxi. Đi đâu gần nhà thì ba hay má chở, bất tiện quá cô ơi. Con muốn học cái gì hay đi đâu ở đâu cũng nhất nhất phải hỏi ý ba má. Không ai tin con cả.”
Cô gái nói ba má ngày nào cũng đọc thông tin chỗ này cướp chỗ kia tai nạn và cương quyết không cho cô tham dự bất kỳ một hoạt động ngoại khóa nào của nhà trường nếu họ tổ chức ở nơi xa vài ba ngày. Mất niềm tin vào xã hội, họ không dám tin tưởng vào khả năng tự ứng phó của con gái và không cho cô cơ hội thể hiện bản thân.
Thói quen bao bọc khiến con không thể tự bay
Vì quá sung sướng khi ở nhà với ba má, không ít thanh niên rất ngại đi làm xa nhà hoặc đi du học nước ngoài. Chị bạn tôi kể tiếng Anh của con rất khá, vài lần chị đã gợi ý muốn lo cho con đi du học nước ngoài nhưng con trai chị đều lắc đầu. Nó bảo: “Ở Việt Nam sướng hơn”. Không những thế, nó còn xui em gái không nên đi học nước ngoài giống bạn bè vì “Ở Việt Nam sướng hơn”. Mà đúng là sướng thật: từ cái ăn đến cái mặc các con chị không phải lo, đi làm có tiền lương được giữ lấy xài riêng vì toàn bộ chi phí trong nhà đã có mẹ lo.
Kể ra thì con trai chị cũng tự biết nhu cầu của bản thân, chứ không ít cậu ấm, cô chiêu đua đòi du học nước này nước nọ cho giống bạn bè, ở được vài tháng đến một năm phá không biết bao nhiêu tiền của của gia đình thì nằng nặc đòi về. Lý do là ở nước ngoài cái gì cũng phải tự lo, dù có tiền cũng không thuê được người làm nấu ăn giặt đồ dùm nên “cực khổ quá”!
Do sống dựa vào gia đình, nhiều cậu ấm cô chiêu ỷ lại, đi học và đi làm đều chiếu lệ, không cố gắng hết sức mình nên cũng không biết khả năng của mình nằm ở đâu, cả đời cứ làng nhàng như thế cho đến khi xài hết tiền của của bố mẹ để lại.
Vì quen bao bọc con, không ít bà mẹ chỉ đạo cho con phải học trường gì, đi làm chỗ nào và lập gia đình với ai. Sự áp đặt này khiến những đứa trẻ có cá tính bị ngộp thở, còn những đứa trẻ vốn tính cam chịu thì sẽ mãi bị lệ thuộc, không dám tự mình quyết định điều gì.
Một chị bạn khác của tôi chỉ có một cậu con trai. Con trai rất ngoan, không bao giờ muốn rời xa mẹ là niềm tự hào của chị. Chị sung sướng hạnh phúc khi lo tất tần tật từ đám cưới của con đến việc sắm sửa từng món đồ cho căn hộ mới của đôi vợ chồng trẻ. Rồi sau đó mỗi lần chị sang nhà chúng chơi, chị phải mệt bở hơi tai vì dọn dẹp nhà cửa cho bọn chúng. Khi con trai được làm bố, chị mê mẩn cháu nội nên bỏ hết công việc sang chăm sóc cháu và ép con phải nuôi dạy con theo cách của mình. Mâu thuẫn nổ ra giữa chị và con dâu, đến mức có lần chị giận quá bảo sẽ không quan tâm gì đến bọn chúng nữa! Nhưng chị nói thế thôi, chỉ được một tháng “không thèm quan tâm” sau đó con gọi là mọi việc lại ào đến tay chị như cũ. Hết con rồi đến cháu, chị không còn thời gian cho người chồng của mình và cuối cùng tình cảm phai nhạt đến mức chồng chị phải tìm kiếm niềm an ủi nơi người phụ nữ khác.
Cha mẹ “sợ mất con”, con sẽ không yên tâm
Một trong những câu nói cửa miệng của nhiều bà mẹ Việt : “Cho nó đi xa rồi mất con à?”. Vì ám ảnh bởi nỗi sợ mất con nên các bà mẹ không bao giờ muốn xa con, nhưng mặt khác, tâm lý này cũng đè nặng lên đứa trẻ và sẽ khiến chúng không an tâm khi rời xa cha mẹ, lập nghiệp nơi vùng đất mới.
Khi tôi bảo với bạn bè mình: “Con có cuộc sống của con, mình có cuộc sống của mình, đừng ràng đời con vào đời mình, mà hãy tạo điều kiện cho chúng làm điều chúng muốn” – không ít bạn bảo tôi bị khùng, làm thế thì mất con à! Quan niệm lập gia đình phải có con, nuôi con khôn lớn rồi sau này về già nhờ con, sống với con… đã ăn sâu vào nếp nghĩ của nhiều gia đình. Không ai chấp nhận việc những đứa con đủ 18 tuổi thì có quyền ra khỏi nhà thu xếp cuộc sống riêng cho nó, ngoại trừ việc buộc phải cho con đi học xa. Mà ngay cả khi cho con đi học xa rồi có người vẫn muốn con mau mau trở về ở gần cha mẹ bằng cách thu xếp sẵn công việc cho con ở quê nhà.
Dạy con có khả năng sống tự lập phải được hình thành từ những thói quen giao việc nhà cho con ngay từ bé, để con có trách nhiệm chia sẻ nỗi vất vả với cha mẹ. Khi con lớn khôn, phải tôn trọng sự lựa chọn của con về ngành nghề, về người yêu (hay vợ – chồng sau này), kể cả tôn trọng quyết định sống riêng của con. Cha mẹ có thể giúp đỡ con bằng cách chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, thậm chí giúp vốn cho con làm ăn, nhưng không nên làm dùm con tất cả mọi việc.
Những đứa trẻ quen sống sung sướng và ỷ có cha mẹ bao bọc khi lớn lên sẽ không thể đi xa, trong tất cả mọi việc. Mặt khác, sự mạnh mẽ của cha mẹ khi tự lo cho mình được sẽ giúp đứa con an tâm làm điều chúng muốn.
Bài: Ami Nguyễn
Xem thêm: Ký ức của con – hạnh phúc của mẹ