Hãy cứ làm tròn vai diễn đời mình - Tạp chí Đẹp

Hãy cứ làm tròn vai diễn đời mình

Sống
Cô bạn gái thân đến nhà thăm tôi, lúc tôi vừa sinh con. Cô nựng con tôi, tặc lưỡi nói hài hước: “Thôi nhé, từ nay, mẹ nó chính thức phải đóng vai người tốt!” Tôi phì cười: “Tốt thật chứ đóng vai làm gì?”. Cô nhìn tôi, trực diện và nghiêm túc: “Không thể đột nhiên biến mình thành người tốt được đâu. Nhưng đóng vai dần dần thì có thể. Cứ làm đi, sẽ thấy, diễn tròn vai diễn mà số phận cho mình cũng chính là cải biến đời mình đấy!”.


“Diễn tròn vai mà số phận cho mình”.
.. Tôi nghĩ ngợi về câu nói ấy, tự hỏi có thực sự có cái gọi là “số phận” giữa cái thời mà con người có thể lên đến tận cung trăng? Và có chút nào giả dối, lọc lừa trong sự “diễn” của mỗi một thân phận và cuộc đời ấy không? Có lẽ nào những người sống cùng ta sẽ vui khi cảm thấy ta “diễn” suốt phần đời? Về sau, thì tôi thấy cô bạn mình thực ra rất đúng! Lý do mà con người ta sống một cuộc đời không tốt, bừa bãi, không thể khép mình vào kỷ luật và không thể chấp nhận nổi khó khăn… hình như là bởi họ luôn so sánh đời mình với một ai đó khác, trong một vai trò khác, trong một môi trường khác, mà không nhận ra những gì là của mình, cho mình, cần có mình hiện diện. Người ta, hoặc là đóng nhầm vai, hoặc là để lộ rằng, mình đang diễn. Mọi sự rắc rối, hình như bắt nguồn từ đó!

Người diễn viên nào đứng trên sân khấu đều như vậy, họ không có quyền thay đổi vai diễn đã chọn. Nhưng họ có quyền xử lý vai diễn tùy theo tố chất và năng lực. Ta cũng đâu biết điều gì sẽ đến ngày mai, oán trách hay so sánh cũng không thể làm cho mọi thứ thay đổi được gì. Nên “diễn” cho tốt, cho hay là việc rất nên làm. Lúc này, “diễn” không còn là sự giả vờ cho giống với tính cách nhân vật quy định trong kịch bản. Khán giả khôn ngoan lắm, khán giả cần người diễn phải sống bằng nhân vật. Bởi thế, lúc này, người diễn phải đau bằng cách mà nhân vật đang đau, khóc bằng giọt nước mắt ứa từ tim nhân vật của mình. Cười bằng nụ cười thật thà của chính nhân vật ấy. Không được mất tập trung, không được rời bỏ cái thân phận đang gắn vào đời diễn, không được xao nhãng nghĩ về những hào quang, không được chuyển sang làm khán giả…

Diễn trọn vai đời, là khi người ta biết, cái bản năng trong mình mong muốn nhiều hơn, nhưng với sự xác định thời gian ấy và không gian ấy, đời cũng chỉ cho ta thế được thôi! Nghĩa là đón nhận mà trân trọng, hay chí ít cũng là chấp nhận mà thu xếp. Ta chỉ có từng ấy quyền lợi thôi, không được quyền từ bỏ, dù muốn hay không muốn. Vậy nên mới nói, “diễn” sao cho tốt, cho hay, cho khỏi phải ân hận khi nhìn lại, cũng là một cách.

“Đóng tròn vai mẹ”, như người bạn tôi sáng suốt mở lời, ấy là khi tôi hiểu rõ cái vai mình đang nhận. Chắc chắn và chính xác là bản thể tự nhiên chỉ có thể giúp tôi cái bản năng sinh sản, như muôn vàn sinh vật thuộc giống cái trên đời. Nhưng không thể cho tôi nhân cách của một người làm mẹ. Không nhận mình đóng vai, sợ phải dùng từ “diễn” thì tôi cũng chẳng thể nào chuyển thể tự nhiên từ một cô gái chỉ quen sống cho mình, nghĩ cho mình, chỉ quen những ồn ào, sôi nổi tuổi thanh niên để thành một người làm mẹ, nhường nhịn yêu thương được. Không dám nhận mình đang “diễn” thì tôi giải thích ra sao về việc tôi đã chọn cho mình phương thức thở đều, để lẩn trốn, để “nuốt trôi” mà dằn lòng ham muốn được nổi loạn, ngông cuồng, ham muốn được trốn khỏi nỗi đau đớn, mệt mỏi về thể xác, trốn khỏi đứa trẻ bé bỏng và yếu ớt để trở về công việc, về những ngày rong chơi… Cho dù ham muốn ấy chỉ bùng lên chốc lát, nhưng nếu không phải là việc suy nghĩ về thân phận mà mình đang đảm nhận, tôi không chắc là mình có thể kìm lòng. Việc ấy, suy cho cùng, cũng chỉ là việc đóng tròn một vai diễn, không hơn… Cái khác biệt lớn nhất chỉ là ở chỗ, vai diễn này dài đến cả cuộc đời. Phông màn chỉ khép lại với ta đến ngày ta nhắm mắt lìa đời để lại mở ra những tấm phông màn khác cho đứa trẻ mà ta nuôi nấng…

Ai đó sợ phải nghe từ “diễn”, nhất là khi họ cho rằng đời không trả caste. Nhưng thực tình nếu ta sống trọn vẹn với những gì ta nhận, nếu ta dẹp đi tất cả những bản năng dại dột ngông cuồng mà cư xử cho tròn trịa với những người đang đi cùng ta, dù người ấy ở bên ta cho đến tận lớp phông màn cuối hay người ấy chỉ vô tình đi qua… thì ta sẽ cảm được caste của đời. Khi ấy tiền bạc hay những thứ thuộc về vật chất đôi khi không còn là điều lớn nhất. Nó có thể còn là nụ cười thanh thản và thấm thía khi ta tiễn biệt phông màn…

Ai đó bảo đời làm sao là một vai diễn được khi mà nhận vai có nghĩa là nhất nhất tuân theo kịch bản, còn đời sống thì mỗi con người đều có quyền cải số mệnh của mình. Nhưng làm mẹ, có nghĩa là đã sinh ra một đứa con thì vĩnh viễn không thể nào chối bỏ, không bao giờ và không ai từ bỏ được quyền làm mẹ của mình. Không có chuyện hoán đổi hay trì hoãn bao giờ. Nghĩa là, người ta đã nhận vai rồi, chỉ còn cách duy nhất, nếu mình không phải là nhân vật Mẹ, thì phải diễn thế nào cho ra nhân vật đẹp đẽ, trang trọng và đầy tính Người! 

Bài: Hương Ngân

logo

Thực hiện: depweb

06/10/2015, 13:26