Có một ông luật sư già, sau nhiều năm chứng kiến những cuộc hôn nhân thất bại cay đắng và kèm theo nó là những hậu quả đau xót đã phải thốt lên, tại sao người ta không nghĩ đến việc ly hôn sớm hơn để tránh những đau khổ kéo dài cho cả hai bên đến hàng chục năm trời? Tại sao người ta lại tự đeo cho mình một cái gông nặng nề đến thế khi cả hai không còn tình nghĩa? Và ông có một lời khuyên, hãy dám phá bỏ một gia đình không hạnh phúc để tạo ra hai gia đình hạnh phúc, điều đó tốt cho tất cả mọi người.
Cánh cửa này đóng lại thì những cánh cửa khác sẽ mở ra. Một câu nói nôm na khác, ông giời không tước đi của ai mọi cơ hội. Ai cũng biết điều đó, nhưng đàn bà đôi khi không bao giờ tự cho phép mình được có quyền có cơ hội. Đàn bà còn tự tước đi cơ hội của mình.
Hãy thay đổi suy nghĩ
Ly hôn không phải là sự đổ vỡ tồi tệ >> Ly hôn là biện pháp tốt khi hôn nhân không còn khả năng duy trì. Ly hôn đem đến cơ hội mới cho cuộc sống của bạn. Bỏ chồng không phải là điều xấu xa liên quan đến đạo đức hay phẩm hạnh. >> Bỏ chồng chỉ đơn giản là một sự thay đổi, thay người đàn ông này bằng người đàn ông khác tốt hơn với bạn. Gia đình tan vỡ không là một thất bại. >>> Đó là một sự trải nghiệm giúp bạn có cơ hội được nếm thêm mùi vị của cuộc sống. Người đàn ông mới chắc gì bằng người cũ? >>> Nếu bạn không tự cho mình thử cơ hội mới thì bạn đừng mất công nghĩ về câu trả lời. Nên nghĩ đến chuyện bạn sẽ chín chắn hơn khi chọn người mới thay vì lo lắng sự sai lầm lần thứ hai. |
Đôi khi là sự tự ti, là sự lo lắng, là sự sợ hãi, đàn bà luôn giữ chặt những thứ mà họ cho là đáng giữ, dù đôi khi nó đã mốc thếch. Một gia đình không hạnh phúc. Một người chồng bạo lực và vô trách nhiệm. Một cuộc sống bẽ bàng mà bao nhiêu cay đắng đều đổ lên đầu người đàn bà. Nhưng họ không dám chối bỏ nó, chấm dứt nó.
Những cánh cửa khác đối với đàn bà dường như là một sự xa xỉ. Họ ngại phải đi mở cửa, ngại phải đi tìm cơ hội mới. Họ chỉ đi tìm cơ hội khác hoặc ngồi chờ cơ hội khác khi đã bị đẩy đến thế cùng cực.
Đừng đóng kịch với đời
Đàn bà sợ nhất cái tiếng “con không cha”, rồi sợ dư luận xì xào tội “gái bỏ chồng”. Nhiều người không dám ly hôn vì nghĩ, để con có được mái ấm. Nhưng cái mái ấm giả tạo, nơi chồng không nhìn mặt vợ, vợ hận chồng ấy có thể đem đến hạnh phúc cho những đứa trẻ, nơi chúng cảm nhận rõ mùi vị của sự giả dối về tình cảm?
Một người đàn bà không còn tình cảm với chồng nhưng hàng ngày vẫn phải cười nói, phải tỏ rõ sự âu yếm với chồng trước mặt con cái, trước mặt họ hàng làng xóm. Rồi tối tối lại âm thầm ôm gối một mình. Người đàn bà ấy được gì trong sự “giả vờ” ấy?
Một người đàn bà bị chồng bỏ lửng hàng năm và đi với người khác. Nhưng chị nhất quyết không ly hôn dù ông chồng đề nghị. Chị ta cố ràng buộc chồng bằng tờ giấy đăng ký kết hôn mỏng manh vì nghĩ sẽ có ngày anh ta quay lại. Năm tháng mòn mỏi, người vợ ấy vẫn đợi chờ…
Nhưng cuối cùng, đàn bà vẫn có cơ hội cho mình
Nguyễn An Hà làm ở một tổ chức phi chính phủ tại Hà Nội. Cô vừa mới lấy người chồng thứ hai. Cuộc hôn nhân thứ nhất đánh dấu bằng tình yêu kéo dài 10 năm và cuộc sống vợ chồng kéo dài đúng 10 tháng. 10 tháng chung sống ngắn ngủi nhưng cũng đủ để cô nhận ra mình không thể sống với anh chồng nhà báo không có chí tiến thủ và nhu nhược.
Mọi chuyện chấm dứt khi người chồng trẻ bột phát đánh vợ. Mọi việc chấm dứt ngay lập tức. Với Hà, hành vi đánh vợ không bao giờ được tha thứ, dù chỉ một lần. Lần này anh ta dám giơ tay thì lần sau anh ta sẽ lặp lại, cô bảo thế, chưa kể cô còn đang hoạt động trong lĩnh vực phòng chống bạo lực đối với phụ nữ. Hai vợ chồng trí thức trẻ kết thúc hôn nhân chóng vánh vì chưa kịp có con và không có gì ràng buộc.
Cuộc hôn nhân thứ hai đem đến cho cô hạnh phúc với người chồng mạnh mẽ, yêu vợ, tâm lý. Họ chuẩn bị đón nhận đứa con đầu trong niềm vui dịu dàng của một gia đình tràn đầy niềm vui, với bố mẹ chồng tâm lý và thương yêu, thông cảm với con dâu.
Người phụ nữ mạnh mẽ như Hà giờ đây không còn là quá hiếm. Có những phụ nữ quên mình cả đời, chấp nhận bị chà đạp và cũng có cả những người biết tôn trọng giá trị bản thân đến từng centimet. Phụ nữ dám quyết định chủ động chấm dứt hôn nhân thường là những người cứng rắn, có cá tính. Cộng với đó, họ thường là những người có kiến thức, hiểu biết hoặc hoạt động trong những lĩnh vực mở, công việc mang đến cho họ sự hướng ngoại, đem đến cho họ sự tự tin để sẵn sàng vứt bỏ những thứ không còn giá trị để đón nhận những cơ hội mới, cuộc sống mới.