Hai lần xuất hiện tại Trung tâm Văn hóa Pháp (Hà Nội), cô gái bé hạt tiêu có cái tên lạ đã tạo nên một hiện tượng mà trước đấy chỉ có Thanh Lam và Siu Black làm được tại đây là vé bán hết veo chỉ trong vòng vài tiếng, khán phòng không một chỗ trống. Là một trong những nữ ca sỹ – nhạc sỹ hiếm hoi hiện nay tự sáng tác, biểu diễn và sản xuất, Lê Cát Trọng Lý (LCTL) đã tìm được con đường chinh phục khán giả bằng phong cách giản dị, hồn nhiên nhưng cũng già dặn đến khó hiểu.
Là hiện tượng độc đáo của năm 2008 khi đoạt giải bài hát Việt, cô gái nhỏ bé với chiếc đàn ghi ta unplugged và một giọng hát độc đáo, một lối biểu diễn hồn nhiên đã nhanh chóng xác định được vị trí của mình trong lòng khán giả.
Không ồn ào với những live show nhạc pop ăn khách, không tìm cách show off bằng trang phục hay những bài hát dễ dãi, Lê Cát Trọng Lý đã tìm thấy một mảnh đất mới: mảnh đất của những người trẻ thích những cảm xúc vu vơ, hơi triết lý nhưng vẫn dễ nghe. Phải nói là LCTL đã thành công khi chọn đúng con đường của mình.
Các bài hát của cô lập tức nổi lên khỏi một biển những ca khúc giông giống nhau của hầu hết các ca sỹ trẻ ăn khách hiện nay. Cô chọn sự giản dị, mộc mạc và chân thật. LCTL định hình thế giới âm nhạc của mình bằng những bài hát có cái tên độc đáo: “Mùa yêu”, “Ghen”, “Độc đạo”, “Hương lạc”, “Tịnh hóa”, “Lẩn thẩn”, “Du miên”… LCTL cũng thể hiện sự nhạy bén của thế hệ mình khi tự là nhà sản xuất của mình và tận dụng phương tiện mạng để truyền thông.
Chỉ cần gõ cái tên LCTL bạn đã có tới gần 14 triệu kết quả tìm kiếm trong vòng 0,14 giây và có thể nghe hàng loạt bài hát của cô. Cô cũng thành công khi chọn cho mình một lối tiếp cận khán giả thủ đô hết sức hợp lý với 5 lần xuất hiện trước công chúng, lần nào cũng là những buổi biểu diễn ở những nơi danh tiếng và có tính nghệ thuật cao như Nhà Hát Lớn Hà Nội và Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội.
Tháng 10 năm 2009, cô được chọn để biểu diễn bên cạnh ca sỹ nổi tiếng của Pháp là Francis Cabrel trong hai đêm nhạc ở Nhà Hát Lớn Hà Nội. Khán giả thủ đô đã có dịp thưởng thức tiếng hát độc đáo và đặc biệt là vẻ hồn nhiên, tinh nghịch của cô. Nhiều người đã tự hỏi, phải chăng cô bé này đã nghe nhạc Trịnh từ hồi chưa lọt lòng để có thể viết ra những lời hát ‘’già’’ đến vậy? “Người còn toan tính, người vừa mới chết, người thì đã ngủ bình yên” (Trời ơi), “Yêu tan mong manh, tan nhật nguyệt” (Chênh vênh).
Xuất hiện lần thứ hai vào tháng 3 năm 2010 tại Trung tâm Văn hóa Pháp, LCTL đã tạo nên một hiện tượng mà trước đấy chỉ Thanh Lam và Siu Black làm được tại đây là vé bán hết vèo chỉ trong vòng vài tiếng.
Khán phòng 250 chỗ ngồi của L’Espace dường như quá chật để đáp lại lòng mong mỏi của người hâm mộ thủ đô và họ đã có lý khi đến xem buổi biểu diễn của cô. Hai nghệ sỹ khách mời là Cao Hồng Hà và Lémy Benko Attila đã cùng cô cống hiến một đêm nhạc unplugged hết mình. Người ta mong đợi cô sớm quay lại để làm thỏa ‘‘cơn khát’’ của người hâm mộ.
Tháng 6 năm 2010, đúng ngày hội âm nhạc, một chùm 3 đêm diễn của cô đã được tổ chức cũng tại Trung tâm Văn hóa Pháp. 6 tiếng sau, vé của 3 đêm diễn không còn một chiếc. Lê Cát Trọng Lý đã quay lại và ‘‘đốt cháy’’ khán phòng với hai người bạn diễn, hai nghệ sỹ ghi ta Christian Bonaziz (Pháp) và Nguyễn Nho Trường Sa.
LCTL đưa người nghe vào thế giới âm nhạc nghê thường của mình. Vẫn là LCTL với những bài hát ‘‘già trước tuổi’’ như: “Giận anh, em ném niềm vui lên trời, Giận anh, em ném bình yên vào núi, Muốn bao la như biển cả, Khát tinh khôi ông già cười” (Ghen). “Thương em anh trèo non cao, mua mưa thâu mây tan mệnh bạc. Thương anh em lội sâu sông, trôi hương, trôi hoa tan phận ngọc…” (Chênh vênh). Có lúc phiêu diêu siêu thực:
Và gió ru tình ta mây đan gối êm dịu dàng…
Kìa nắng lên ngoài song, xin ta chút con tình nhạt
… Chân ta đi hôn mặt đất nồng ấm
Tim ta say yêu con gió lang thang
Và tóc ta khát mãi trời xanh tươi…
… Thương cho đêm không tan ngày không úa… (Mùa yêu)
Có lúc lại mang u uẩn và suy nghĩ của cả một thế hệ:
Thế hệ tôi, phút chốc vui, phút chốc buồn…
Cười một mình; khóc cũng một mình
Thiếu niềm tin, giàu hy vọng, nghèo hoài bão…
Anh tôi nghèo, Chị tôi nghèo,
Nghèo tất cả trừ tiền ra…
Tôi nghèo… nghèo một lòng tin!
Càng trôi về những phút cuối, sức nóng tỏa ra từ giọng ca cháy bỏng của LCTL và tiếng ghi ta lúc réo rắt, lúc gọi mời của Nguyên Sa càng làm cho người nghe khó ngồi yên mà không vỗ tay. Cô còn chơi bis một bản, một thói quen ít thấy trong các buổi biểu diễn của ta, cho khán giả.
Rõ ràng, những cái LCTL làm được cho khán giả là nhiều lắm. Cô mang đến một phong cách mới, lạ cả về âm nhạc lẫn ca từ và trên hết là một sự nhiệt tình pha lẫn hồn nhiên. Có thể nói cô đã tạo lập được một thế giới âm nhạc của riêng mình. Có cảm giác như những bài hát ấy chỉ có thể dành riêng cho cô và chỉ có cô hát được.
Những từ ngữ thô mộc ‘‘nhảy’’ vào khuông nhạc và đi qua cô, bàn tay, tiếng hát, để đến với trái tim người nghe. Thành công hay thất bại của thế giới âm nhạc ấy, giờ đây hoàn toàn phụ thuộc vào nỗ lực và khả năng tỏa rạng của riêng cô.
Người ta vẫn có thể trách âm nhạc của cô đôi lúc còn trúc trắc, ca từ có lúc còn ngô nghê vô nghĩa. Có khán giả khó tính đã nhận xét cô cần một người biên tập lời và bớt dễ dãi trong biểu diễn.
Cô cũng đã từng giải thích mình chịu ảnh hưởng chủ yếu của nhạc Phạm Duy và dân ca nhưng người ta vẫn thấy đâu đó dáng hình của nhạc Trịnh, tuy ca từ khó có thể so sánh được.
Âm nhạc của cô thoảng nghe như Trịnh Công Sơn nhưng sợi dây siêu thực để xâu chuỗi ca từ vẫn còn dày mỏng khác nhau. Cũng thật khó để một cô gái 25 tuổi có được những dòng thơ-nhạc-họa như huyền thoại của làng ca nhạc Việt Nam. Hãy cho cô ấy thời gian!