Hay cắn phải lưỡi và những bệnh dễ mắc - Tạp chí Đẹp

Hay cắn phải lưỡi và những bệnh dễ mắc

Sống
Nhồi máu não ổ khuyết

Lưỡi cũng có thể cho biết bạn mắc bệnh gì. Khi đã có tuổi, việc không cẩn thận cắn vào lưỡi lúc ăn hoặc nói chuyện là điều rất bình thường, nhưng nếu việc này thường xuyên xảy ra, bạn cần hết sức thận trọng. Bởi nó có thể là triệu chứng cho thấy bạn có thể đã mắc bệnh nhồi máu não ổ khuyết.

Các chuyên gia y học, qua nhiều năm điều trị lâm sàng cho những bệnh nhân về mạch máu não đã phát hiện, nhồi máu não ổ khuyết là một trong những chứng nhồi máu não tương đối đặc biệt và có tỉ lệ phát bệnh cao. Bệnh này đa phần phát sinh ở những người già mắc bệnh cao huyết áp, máu mỡ và tiểu đường với số lượng người mắc chiếm đến gần 20% tổng số người mắc bệnh về nhồi máu não.

Triệu chứng biểu hiện trong thời kỳ đầu của nhồi máu não ổ khuyết thường không rõ ràng,  như nói chuyện không  lưu loát, hơi sùi bọt mép, nuốt chậm và đặc biệt hay cắn vào đầu lưỡi khi ăn do vi huyết quản của não phát sinh tắc nghẽn cục bộ, mô não thiếu máu, hoại tử, khiến lưỡi mất đi sự linh hoạt vốn có.

Ung thư lưỡi

Khi có hàm răng không đều thường cắn phải lưỡi, bạn hãy cẩn thận với bệnh ung thư lưỡi!

Hàm răng không đều, răng hàm sắc nhọn thường nghiền vào bờ bên của lưỡi, lưỡi sưng tấy hay đột quỵ gây rối loạn chức năng thần kinh lưỡi đều là những nguyên nhân khiến bạn dễ cắn vào lưỡi. Trong đó, răng không đều là chiếm đa số. Việc sở hữu một hàm răng không đều không chỉ làm ảnh hưởng đến vẻ ngoài, mà còn có thể gây hại cho sức khỏe của bạn.

Ung thư lưỡi ban đầu thường phát sinh ở bề mặt niêm mạc miệng, thường gặp là ung thư tế bào vẩy, gây triệu chứng loét, có đốm trắng bất định hay sùi đỏ dạng vỏ quýt ở bờ bên của lưỡi, có thể đau hoặc không đau. Những yếu tố được xem là có liên quan đến ung thư lưỡi là ăn trầu, hút thuốc lá, uống rượu hay ăn nhiều đồ chua cay. Ngoài ra, nếu răng không đều, khiến thường làm tổn thương lưỡi khi ăn, lâu dần cũng có thể gây ung lưỡi.

Do đó, khi có hàm răng không đều, khiến bạn thường cắn phải lưỡi hoặc khoang miệng, thì tốt nhất bạn hãy đến bệnh viện kiểm tra và kịp thời uốn chỉnh lại. Còn khi lưỡi hoặc miệng đã bị thương loét hai tuần rồi mà vẫn không khỏi, hoặc vết thương có dạng đốm trắng bất định hay sùi đỏ dạng vỏ quýt, bạn cũng cần phải kịp thời đến bệnh viện để được khám chữa, tránh kéo dài thời gian phát triển của bệnh.

Bài: JiaoXing (theo diubao)
Ảnh: S.T

Thực hiện: depweb

18/03/2011, 17:35