Haute Couture: Những giấc mơ không bao giờ chết - Tạp chí Đẹp

Haute Couture: Những giấc mơ không bao giờ chết

Thời Trang

Đó không chỉ là đỉnh cao của sáng tạo, xa xỉ hay kĩ nghệ, mà còn là biểu hiện của văn minh, lối sống và tôn chỉ phong cách của hàng thế hệ tín đồ. Haute Couture tuyệt đối không dành cho tất cả, và đễ hiểu được sự cầu kì ngoa ngoắt đằng sau mỗi khối vải đụn tulle, cần lắm cái đầu văn minh lẫn trái tim nhiệt thành và tinh tế…

Tinh hoa của văn minh thời trang

Haute Couture là danh từ Pháp ngữ, với “couture” được hiểu là may đo cao cấp, tinh tế chuyên biệt, và “haute” là sang trọng, thượng tầng.

Với ý nghĩa đó, Haute Couture là những trang phục được cắt may riêng, dành cho một số ít đối tượng cao cấp trong xã hội, với yêu cầu gắt gao về chất liệu, kĩ thuật và tay nghề nghệ nhân, chỉ có duy nhất một chiếc mỗi mẫu trên khắp hành tinh. Đó là chuẩn mực cực đoan và khắc nghiệt nhất khiến cho Haute Couture trở thành tính từ đại diện cho xa hoa, đẳng cấp không gì sánh bằng.

Christian Lacroix Haute Couture – Christian Dior Haute Couture – Chanel Haute Couture

 


Quý ngài Anh quốc Charles Frederick Worth được xem là người khai sinh ra Haute Couture vào giữa thế kỉ XIX khi ông mang đến Paris khái niệm về may mặc cao cấp, nơi những nghệ sĩ của vải vóc và kim chỉ được tấn phong thành nhà thiết kế thời trang thay vì thợ may khiêm tốn trong nền văn mình cũ. Người “couturier” sẽ gợi ý cho thân chủ những bộ cánh lộng lẫy nhất, cho phép họ được lựa chọn chất liệu và điểu chỉnh kiểu dáng sao cho phù hợp và đảm bảo không có kẻ thứ hai nào mặc được tuyệt tác độc nhất này. Worth khéo léo nhào trộn nghệ thuật cắt may truyền thống cộng với những tiêu chuẩn trang phục và thẩm mỹ của thời đại mới, lấy lòng giới quý tộc Paris lúc bấy giờ đang phấn khích với những bộ trang phục khẳng định thân thế và địa vị xã hội tột bậc. Khi mà những người dân bình thường còn phải tự may quần áo và không đời nào chi trả nổi cho những thú chơi xa xỉ kia, thời trang của tầng lớp thống trị nghiễm nhiên được xem là tôn chỉ phong cách của xã hội thời bấy giờ.

Chính từ khởi thủy này, Haute Couture vĩnh viễn gắn chặt số mệnh với giai tầng xã hội cao cấp và hình thành nên những định kiến vững chắc bất biến: Haute Couture là đặc quyền trưng trổ của giới siêu nhà giàu, là tinh hoa của nghệ nhân bậc thầy và cuộc chơi không tiền khoáng hậu của những khối óc thời trang tài ba.

Ươm mầm tại Paris, Haute Couture được giới chức trách Pháp quốc coi như bảo vật quốc gia, đặc sản văn hóa của đất nước hình tinh tú, nhất là từ sau khi khai sinh, đã có biết bao đứa con sẵn sàng “tuẫn tiết” để tiếp tục truyền thống vinh hiển vương triều như : Patou, Poiret, Vionnet, Lanvin, Chanel, Balenciaga và Dior. Những năm 60, thế hệ hậu sinh xuất thân từ trợ lý hay học trò của những đại thụ như Dior và Balenciaga quyết định ly khai để gây dựng đế chế riêng, hòng thoát khỏi cái bóng của tiền bối và đã thành công rực rỡ có thể kể đến Yves Saint Laurent, Pierre Cardin, André Courrèges, Emanuel Ungaro và đến cuối thế kỉ XX là Christian Lacroix, Jean Paul Gaultier, Thierry Mugler. Đó là những kẻ xây đường, những anh tài góp phần quan trọng vẽ nên diện mạo thời trang Pháp và định vị sức ảnh hưởng lên toàn bộ ngành thời trang thế giới, để lại những ảnh hưởng sâu đậm cho thế hệ về sau kỉ nguyên vàng son của thời trang với những giấc mơ phù hoa lộng lẫy khó lòng quay trở lại một lần nữa.

Danh xưng “Balenciaga” được bảo vệ bởi Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp, và tuyệt nhiên không phải cứ muốn là có thể tự xưng là một “couturier”, mà để được công nhận là một nhà thời trang có tư cách làm ra Haute Couture, phải hội đủ những điều kiện được xác nhận bởi Nghiệp đoàn may đo cao cấp (Chambre Syndicale de la Haute Couture).

–    Thiết kế theo đơn đặt hàng chuyên biệt.

–    Có một xưởng may ở Paris với ít nhất 50 nghệ nhân làm việc toàn thời gian, có ít nhất 20 thợ lành nghề làm việc tại mỗi xưởng thiết kế (nằm ngoài Paris).

–    Mỗi một mùa phải giới thiệu 1 bộ sự tập gồm ít nhất 35 mẫu công khai với báo giới Paris, bao gồm cả trang phục ban ngày và dạ tiệc.

Đến năm 2012, danh sách những nhà thời trang Haute Couture chính thức tại Paris thu gọn lại chỉ còn 12 thành viên, trong đó đình đám nhất và nhẵn mặt với fashionista Việt Nam phải kể đến gồm có: Christian Dior, Chanel, Givenchy, Jean Paul Gaultier, Stéphane Rolland, Giam-battista Valli. Ngoài ra có các thành viên khách mời từ các nước ngoài cũng nằm trong lịch diễn chính thức của Tuần lễ Haute Couture như: Elie Saab, Giorgio Armani, Valentino, Versace, Alexis Mabille, Alexandre Vauthier, và Iris Van Herpen. Các thương hiệu này hầu hết đều có dòng ready-to-wear tách biệt, được xem là để cân bằng với Haute Couture, đồng thời cũng chính là lối thoát duy nhất cho bài toán kinh doanh sống còn, vốn gắn bó với những con số hao hụt trầm kha một khi những giấc mơ Couture thần thánh còn được dung dưỡng và kì vọng.

Alexis Mabille

 

Elie Saab – Armani

 

Givenchy

 Haute Couture: công thần hay tội đồ?

Thời trang được xem là tấm gương phản ánh chính xác nhất chân dung của thời đại cùng những sự vận động chuyển biến trong nhận thức của xã hội. Haute Couture từng được xem là hiện thân của thời trang nhưng nó phải chấp nhận một thực tế là mọi thứ đã đổi khác. Một khi thời trang đã phát triển đến một mức độ khổng lồ và nhu cầu của thị trường vượt xa sức đáp ứng quá đỗi cực đoan và hãnh tiến của Haute Couture, không thể tránh khỏi nảy sinh trường phái chống lại Haute Couture và giá trị phù phiếm không tưởng của nó đối với một ngành công nghiệp cần phải vận hành mà không thể không nhắc đến yếu tố lợi nhuận kinh doanh. Một bộ phận chỉ trích hay nhẹ nhàng hơn cho rằng may đo cao cấp không còn thiết thực nữa, nhất là khi ready-to-wear, thời trang may sẵn ra đời đã vĩnh viễn thay đổi cách thức ăn vận của thời đại. Từ sàn diễn cao cấp, các thiết kế trút bỏ dần lớp hào quang lộng lẫy và siêu tưởng để nép mình vừa vặn vào những chuẩn mực quy tắc chi phối phong cách của nhân loại với tag giá thân thiện và những cuộc thanh trừng lỗi mốt diễn ra nhanh đến chóng mặt.

Giữa vòng quay cuồng nộ của thứ thời trang fast-food, Haute Couture và những thiên tài quái kiệt có thể vẫn khoan thai và duy mĩ, cung phụng thú chơi nặng nghiệp, nhưng các tập đoàn cá mập hùng mạnh không thể ngồi yên để mặc cho thương hiệu thua lỗ với những cuộc viếng thăm của khách hàng đại gia ngày càng thưa thớt dần. Không phải ngẫu nhiên từ con số 104 nhà Haute Couture mà giờ đây trên bảng phong thần chỉ còn vỏn vẹn 14 cái tên kiên trung nhất quyết định không thỏa hiệp với thời cuộc. Chắc chắn số người lạc quan chi trả cho những tuyệt tác về thiết kế, chất liệu thượng hạng quý hiếm ngốn hàng nghìn giờ lao động thủ công tỉ mẩn sẽ luôn là một thiểu số đáng quan ngại nếu so sánh với những con số khổng lồ của thị trường đại trà, nơi thời trang được gọt sạch những giá trị mơ mộng phù phiếm chỉ để lại tính chức năng căn bản nhạt nhòa cùng những con số doanh thu lạnh lùng vô cảm. Haute Couture đã đến hồi suy vong và trở thành tội đồ phòng kinh doanh?

Thật ra Haute Couture làm được nhiều hơn là những gì người ta nghĩ về nó. Chức năng đầu tiên và tối quan trọng của Haute Couture: Nắm giữ chóp vàng kim tự tháp thời trang và định hướng phong cách thẩm mỹ cho ready-to-wear cả một mùa, thậm chí một giai đoạn. Khi mà Tuần lễ Couture là dịp duy nhất để các thiên tài thể hiện thẩm mỹ và tiếng nói sáng tạo riêng biệt, các nghệ nhân tìm tòi những cách thức xử lí vải vóc chất liệu tân tiến và đặc sắc nhất, các nhà phân tích xu hướng khôn ngoan tìm cách biến chuyển những “thông số hình ảnh bậc cao” xuống thành xu hướng cho sàn diễn bình dân, thì Haute Couture còn định vị và chi phối, dù ít dù nhiều, nền công nghiệp thời trang. Nếu chỉ mãi quẩn quanh với trang phục ứng dụng với sự tiết giảm ngoặt nghèo thiếu đầu tàu định hướng, thời trang sẽ mất dần đi bản chất sáng tạo vốn có của nó trong hành trình tạo tác không chỉ “lớp da”, mà cả nhận thức và phong cách của nhân loại. Đó cũng là điểm tương đồng giữa Couture và thời trang cao cấp (High Fashion) khi chúng cùng chung tác dụng điều phối sự vận động trong thẩm mỹ ăn mặc theo những cách rất khác biệt nhưng giống nhau về bản chất: Thúc đẩy sự sáng tạo.

Thứ hai, Haute Couture góp công trạng to lớn vào việc kiến tạo hình ảnh của thương hiệu. Đồng ý, người tiêu dùng thời nay rất thông minh, họ không dễ gì chi 30.000 mỹ kim cho một chiếc ball gown tinh xảo thay vì một con số bằng phần mười cho một chiếc tương tự và sẵn sàng bỏ qua cái gọi là giá trị cốt lõi thương hiệu. Nhưng cũng nhờ vào hình ảnh được bồi đắp hay “nhồi sọ” từ những màn trình diễn phong cách chấn động mà người tiêu dùng mới có sẵn những định kiến có lợi cho thương hiệu không dễ gì xóa nhòa. Hệ quả tất yếu là: Dẫu cả đời không bao giờ mặc nổi bộ cánh Haute Couture Chanel do chính ngài Karl chắp bút thiết kế riêng, người ta vẫn hồ hởi săn lùng một thỏi son hay lọ nước hoa có logo CC mới nhất, chỉ để thừa hưởng chút hương vị xa xỉ còn vương trên những siêu kiệt tác. Chắc chắn, không có nhà thời trang nào ăn nên làm ra từ Haute Couture, nhưng để ăn nên làm ra từ những thứ nhỏ nhặt thường tình hơn, công của Haute Couture không hề nhỏ. Việc lựa chọn tuẫn tiết hay từ bỏ dòng máu vương giả có thể được quyết định, nhưng tuyệt nhiên không thể thay đổi. Pierre Cardin không bao giờ có lại vị trí cao cấp thượng hạng ban đầu kể từ khi bất cứ ai cũng có thể mua và mặc đồ Cardin từ các khu mua sắm đại trà. Các đại thân chủ VIP sẽ không đời nào chịu chi trả một mảnh gia sản cho thứ sản phẩm hàng loạt đồng đẳng không gắn mác Haute Couture hay Privé (Private) cả địa cầu chỉ có một. Nhưng người ta cũng không thể quên bài học đắng ngắt từ Christian LaCroix với những khoản nợ khổng lồ, hậu họa từ những cuộc chơi ngông cảm tính, thiếu hẳn sự hoạch định tỉnh táo cho con đường phát triển dài hơi.

Jean Paul Gaultier – Christian Dior

Cuối cùng, tác động lâu dài và sâu rộng nhất của Haute Couture vẫn là kiến tạo nên những giấc mơ. Dù không tưởng hay quá khích, những giấc mơ vẫn có một vai trò không nhỏ trong sự vận động của sáng tạo và nghệ thuật mà thời trang là một trong những nhân tố liên hệ mật thiết nhất với phạm trù mơ ước. Haute Couture trong thời đại mới có thể không còn vẹn nguyên những cầu hình xa xỉ như nó đã từng, nhưng ảnh hưởng mà nó mang lại trong suốt lịch sử thời trang là vô cùng to lớn. Biết bao nhiêu hạt giống của thời trang đương đại từng ngồi cặm cụi nghiền ngẫm từng trang tạp chí ngập ngụa lụa là tung tẩy, trầm trồ trước những hình khối chi tiết đính cẩn siêu tinh vi và lẩm nhẩm hồn nhiên những cái tên đại thụ huyền thoại với khát khao một ngày nào đó sẽ chinh phục thời trang bằng những tạo vật lộng lẫy và vi diệu không kém.

Đành rằng để đi đường dài trong bối cảnh thời trang hiện tại chịu ảnh hưởng không ít từ cuộc đại suy thoái, các tín đồ non trẻ sẽ sớm buộc phải lựa chọn phương án an toàn đòi hỏi nhiều tiết chế và bản lĩnh, nhưng thực tế vẫn chứng minh, thời trang chỉ dung dưỡng những kẻ thông minh có trái tim sáng tạo, điên rồ, không sợ sệt và cái đầu lạnh tỉnh táo biết nắm bắt và dẫn dắt thị trường theo luật chơi của riêng mình. Bằng không, thời trang sẽ rất nhạt màu, và không còn vui như nó đã từng…

Lời kết

Chưa bao giờ bối cảnh thời trang lại biến động đến như vậy, kể từ sau khi John Galliano vạ miệng bị buộc phải rời khỏi ngai vàng danh giá Dior. Những cuộc thuyên chuyển, săn lùng siêu nhân sự để lấp vào chiếc ghế trống khiến cho giới thời trang được một phen xôn xao ồn ã. Đó là một tất yếu mà thời trang tự thân nó phải đối mặt, khi mà không sớm thì muộn, những nhân tố mới sẽ thay thế dần những vị trí tối quan trọng của thời trang, một khi các thiên tài của thế hệ vàng không thoát khỏi vòng đào thải tự nhiên và bị buộc phải nhường bước trước những làn sóng trẻ. Từ đó sẽ bắt đầu hành trình của những giấc mơ mới. Không ai dám đoán chắc lớp người sau có đủ hoài vọng để tiếp tục thắp sáng ngọn đuốc đam mê của tinh thần Haute Couture bất diệt hay không, hay họ thừa tân tiến và lạnh lùng để ra tay triệt tiêu vĩnh viễn, hoặc may mắn hơn là gò ép Haute Couture vào những xiềng xích tàn bạo của thực dụng, khuôn khổ và duy lý? Hơn ai hết, những tín đồ thực thụ của thời trang vẫn đủ tin tưởng để nuôi dưỡng những giấc mơ, những giấc mơ dù trắc trở, nhưng không bao giờ chết…


 

Chanel- Valentino

– Tuần lễ thời trang Haute Couture diễn ra 1 năm 2 lần tại Paris. Tuần lễ Xuân – Hè diễn ra vào cuối tháng 1 và Tuần lễ Thu – Đông diễn ra vào đầu tháng 7 hàng năm.

– Giá nhứng món đồ Haute Couture thường từ vài chục ngàn đến cả trăm ngàn đô tùy theo thiết kế và độ tỉ mỉ, hoành tráng của trang phục.

– Váy cưới của Hoàng gia, giới thượng lưu, quý tộc hay các nhân vật nổi tiếng hầu hết là các mẫu váy Haute Couture vì thế trong các bộ sưu tập Haute Couture luôn có ít nhất 1 mẫu váy cưới.

– Khách hàng lớn của Haute Couture giờ đây là 2 thị trường châu Á và Trung Đông. Đây là 2 thị trường đang phát triển mạnh mẽ với nhu cầu về thiết kế lộng lẫy và không đụng hàng ngày càng cao.


– Những thiết kế Haute Couture không được bày bán hay cứ có thật nhiều tiền là mua được mà nếu mốn mua bạn phải trực tiếp liên hệ với nhà Haute Couture để đặt may. Quy trình của quá trình này thường là bạn (trực tiếp hoặc qua các mối quan hệ) đặt hàng với nhà may – nhà Haute Couture sau đó sẽ xem xét xem có nhận may đồ cho bạn hay không (tùy vào các mối quan hệ và địa vị xã hội của bạn) – nếu được chấp nhận bạn sẽ được hẹn đến nhà may tại Paris, gặp nhà thiết kế chính để trao đổi, chọn mẫu (bạn có thể chọn mẫu trong bộ sưu tập hoặc đề nghị nhà thiết kế vẽ theo yêu cầu của bạn) và lấy số đo – nhà may tiến hành thực hiện và bạn sẽ phải đến thử và sửa trang phục vài lần nữa. Bạn đã sở hữu một tác phẩm nghệ thuật độc nhất vô nhị trong tủ quần áo.

Quốc Trung
Theo Người đẹp

Thực hiện: depweb

15/09/2012, 16:22