Hậu trường gian nan của "Ông tơ hai phẩy" - Tạp chí Đẹp

Hậu trường gian nan của “Ông tơ hai phẩy”

Giải Trí

Phim Ông tơ hai phẩy xoay quanh nhiều câu chuyện riêng biệt, những biến cố dẫn đến chuyện các cặp vợ chồng rạn nứt rồi đi đến ly hôn. Ý tưởng Ông tơ – bà Nguyệt lâu nay được coi là những người se duyên cho hai người xa lạ đến và gắn bó với nhau suốt cuộc đời bởi tình yêu thương, chia sẻ và cảm thông; thì Ông tơ hai phẩy lại là người hàn gắn những người đã từng là vợ chồng, nhưng vì những lý do rất không đâu vào đâu lại quyết định chia tay nhau.

Câu chuyện chính của phim xoay quanh cuộc sống của Ông tơ Thành Vinh – một người đầy hoài bão trong công việc, muốn được cống hiến nhưng lại rơi vào một cơ quan Nhà nước với lề thói làm ăn quan liêu bao cấp, thời gian làm việc thì ít, mà buôn chuyện xúc xiểm sau lưng người khác thì nhiều. Sự chán nản bởi không được làm việc, cộng với việc chứng kiến sự mâu thuẫn của đôi vợ chồng người bạn thân Huy (Viết Thái) – Hoài (Hồng Lê), quay lại làm lành do bàn tay hàn gắn thành công của mình. Thành Vinh đã bỏ cơ quan Nhà nước, nảy ra ý định mở công ty hàn gắn, chắp nối những cặp đôi đứng bên bờ của sự chia ly.

Trong khi Vinh càng lúc càng trở nên nổi tiếng lẫy lừng với các sự vụ, báo chí đăng bài về anh và công ty ầm ầm như là một hiện tượng thì tình cảm giữa anh và Nga (vợ Thành Vinh) ngày càng rạn nứt. Anh có thể là anh hùng của các cuộc hôn nhân khác, nhưng lại là kẻ phá hoại chính cuộc hôn nhân của mình.

Vợ chồng Vinh và Nga (do Trung Hiếu và Vi Cầm thủ vai)

Diễn viên… chạy sô!

Hai nhân vật chính NSND Trung Hiếu và Vi Cầm đều vướng nhiều lịch nên Trợ lý sản xuất phim Ông tơ hai phẩy luôn than thở rằng: “Chưa thấy một phim nào xếp lịch cho diễn viên khó khăn như phim này”.

Cùng thời gian quay phim Ông tơ hai phẩy, Vi Cầm phải tham gia phim Hai phía chân trời của đạo diễn Quốc Trọng nên việc sắp xếp lịch ghi hình của Vi Cầm trong mùa hè 2012 rất khó khăn, đặc biệt phim Hai phía chân trời phần lớn bối cảnh và nội dung phim lại quay tại Đức và Séc nên càng khó khăn hơn.

Trong vai một nàng dâu đảm đang hiếu thảo, mỗi lần về quê, Vi Cầm phải làm quen với việc đun bếp rơm, pha trà xanh, bắt gà, lợn làm thịt… điều này rất khó đối với một cô gái thành thị. Những ngày đầu làm quen với bếp rơm, cái nóng oi bức của mùa hè cộng thêm khói mù mịt từ bếp khiến Vi Cầm thấy oải, nhưng rồi riết cũng thành quen. Sau hơn nửa tháng làm quen với những việc như bắt gà làm thịt hay đun bếp rơm, Vi Cầm đã thành thạo như “gái quê” chính hiệu.

Diễn viên Trung Hiếu cũng vậy. Trong thời gian quay bộ phim, Trung Hiếu còn bận rộn với rất nhiều công việc khác. Đặc biệt là tham gia Giám khảo cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2012. Trung Hiếu vẫn phải đi đi về về Hà Nội – Phú Thọ – Đà Nẵng để vừa tham gia phim Ông tơ hai phẩy, vừa làm Giám khảo cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2012. Vai diễn “Ông Tơ” khá mới mẻ và hấp dẫn đối với Trung Hiếu. Chính vì vậy mà anh có vẻ “mê”. Trong suốt 3 tháng hè nắng gay gắt và mưa bất chợt, liên tục không kể sáng, chiều, tối, Trung Hiếu cùng đoàn làm phim lăn lộn đi nhiều nơi tham gia vai diễn nhưng lúc nào anh cũng thấy vui.

 

Trung Hiếu vui vẻ tâm sự rằng: Với người nghệ sĩ, cần có nhiều vai diễn khác nhau để thử sức. Đó cũng là cách để làm mới mình, để khán giả nhìn thấy hình ảnh mình với nhiều vai trò khác nhau. Nhận lời tham gia phim này, anh cũng mất nhiều thời gian tìm hiểu tâm lý các cặp đôi để tư vấn, để diễn cho “ngọt” nhất, và với anh đây là một vai diễn rất “độc đáo”.

Gian nan… thời tiết

Phim lựa chọn những bối cảnh khá xa như Đà Nẵng, Phú Thọ… lại khởi quay đúng cao điểm hè, nắng, nóng… điều này rất khó khăn cho đoàn phim và diễn viên. Đặc biệt để tạo được hiệu quả về hình ảnh, đoàn làm phim thường xuyên phải làm việc từ 7h sáng cho đến 10 – 11h đêm, thậm chí là 2 – 3h sáng, vì vậy khi ở nông thôn đúng dịp nắng, anh em ốm khá nhiều, từ quay phim, hóa trang, diễn viên… Không chỉ nắng nóng, vào thời điểm đoàn quay tại Hà Nội trời lại mưa nắng thất thường, đang nắng gay gắt, bỗng nhiên lại mưa xối xả khiến đoàn phim nhiều lúc “trở tay” không kịp. Nhiều cảnh quay phải đi đi về về 6 – 7 lần mới ghi hình được. Như cảnh chờ một chuyến tàu đêm chạy qua cầu Long Biên cũng rất khó khăn. Có hôm quay xong là 11h đêm, cả đoàn kéo nhau ra cầu Long Biên chờ cảnh tàu đêm chạy qua cho cảm xúc, nhưng chưa chờ được chuyến nào thì trời đổ mưa, cả đoàn lại lục đục kéo nhau ra về. Hôm không mưa thì chờ mãi không “bắt” được chuyến nào, đến khuya anh em mệt quá… đạo diễn đành cho anh em về, chờ hôm khác ra “săn” tiếp.  

Đạo diễn Danh Dũng thì khá cầu toàn và khó tính trong việc lựa chọn bối cảnh, lựa chọn diễn viên và thời điểm quay. Do vậy, có nhiều cảnh đoàn phim đã phải đưa toàn bộ trang thiết bị lên đỉnh núi để có được hình ảnh như mong muốn. Gian nan vất vả, nhưng anh em trong đoàn luôn nhiệt tình, hết lòng vì công việc. Có nhiều cảnh đạo diễn còn đề nghị phải dựng giàn giáo ra sông để lấy được những góc quay đẹp. Anh em quay phim phải làm việc như những chiến sĩ săn bắt “cảnh” bất kể nắng, mưa.

Cảnh quay tại vùng biển cũng không phải thuận lợi, cả đoàn phải chờ đón bình minh buổi sớm, trong khi đi đêm hôm trước đã phải làm việc đến 2 – 3 giờ sáng. Đồng thời, để có được những cảnh thật mát mắt vào mùa hè, đoàn phim đã hô anh em dậy từ 5h sáng để quay hình những giọt sương sớm còn đọng trên lá, quay di động dọc cả một đoạn đường ven biển với gió biển buổi sớm, và buổi chiều muộn…

Ngoại cảnh tuy đã khó khăn, nhưng ghi hình nội cảnh cũng khó khăn và nóng bức không kém. Vì làm phim gia đình, nên các cảnh quay nội khá nhiều, có những bối cảnh nhỏ, phù hợp cho cặp vợ chồng công chức mới cưới, nghèo mà phải chứa đến khoảng gần 50 người gồm đoàn phim, nhà sản xuất, diễn viên… đấy là còn chưa kể đến đèn chiếu sáng để ghi hình nên trên mặt diễn viên lúc nào cũng vã mồ hôi nhiều, vì vậy luôn phải có một trợ lý hóa trang đi theo để thấm mồ hôi…, việc chịu nóng của an hem mãi cũng thành quen.

Trong phim phản ánh nhiều gia đình khác nhau, nên phải chọn nhiều bối cảnh như gia đình khá giả, gia đình nghèo, gia đình buôn bán, gia đình nghệ sĩ… Chính vì vậy, đoàn làm phim liên tục phải di chuyển và mất rất nhiều thời gian cho việc chuẩn bị bối cảnh.

Tham gia diễn xuất trong phim là dàn diễn viên tài năng với những gương mặt đã đem lại thành công cho nhiều bộ phim truyền hình như: NSƯT Trung Hiếu, Vi Cầm, Việt Anh, Viết Thái, Hồng Lê, NSƯT Lan Hương… 30 tập phim “Ông tơ hai phẩy” ra mắt khán giả truyền hình Việt Nam vào 20h05, thứ hai, thứ ba, thứ tư hàng tuần bắt đầu từ ngày 11/12 trên kênh VTV1

Thu Hường
(theo Điện ảnh Việt Nam)

Thực hiện: depweb

28/12/2012, 13:06