Tháng Giêng bây giờ hình như dài hơn ngày xưa. Những hội hè đình đám liên miên cả tháng trời chuếnh choáng, trong cái cách dông dài ham chơi của chúng ta, có cái gì vô vọng trong sự sợ hãi nỗi đơn điệu của chuỗi tháng ngày còn lại. Chúng ta – dân văn phòng ai cũng ủng hộ ngày nghỉ cuối tuần, mắt thứ hai tai thứ bảy, ai cũng ngán ngẩm nghĩ đến ngày mai, ngày đầu tuần với đủ việc phải làm; thì với những ngày tháng dư âm năm mới còn đây, chúng ta phập phồng nỗi lo âu về một tương lai nhiều vẻ đe dọa phía trước. Chu kỳ sinh học của ta vẫn còn muốn xuân, nhưng đến ông Xuân Diệu còn chỉ biết làm mình làm mẩy trong thơ (“Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn”), chúng ta thực tế, lãn công vào những ngày đầu năm âm lịch và hậu Tết trở thành một bệnh lý đã ngự trị sẵn trong ta.
Tháng giêng được gọi là tháng ăn chơi, chỉ vì nó mở đầu bằng một cái Tết. Còn không, đấy chỉ là một tháng âm lịch lửng lơ xê dịch trong quý I, làm nháo nhào cả xã hội. Có biết bao hoạt động ngủ yên im lìm quanh năm, chỉ đến những ngày này mới ngóc đầu dậy làm mưa làm gió. Ví dụ như chùa Hương quanh năm vắng vẻ, chỉ đến mấy tháng sau Tết mới tắc đường chả kém gì Hà Nội. Lúc này, dân văn phòng cũng có thể biến cơ quan thành chùa Hương, đông vui tấp nập thơm lừng những nhang cùng khói với dầu thơm khuyến mại cuối năm con Chó vừa rồi. Rõ hơn lúc nào hết, đây mới là lúc ăn chơi hợp lệ nơi văn phòng.
Vậy những dịp khác không ăn chơi sao? Mười năm trước, ai biết ngày Lễ Tình nhân nó mặt mũi ra sao? Lễ Giáng sinh thì chỉ có ngươçi Công giáo đi lễ nhà thờ. Ngày 8 tháng 3 thì là ngày mang tính công cộng, công đoàn tổ chức liên hoan cho chị em một bữa rồi giải tán. Tinh thần bình dân bình quyền bình đẳng của ngày Quốc tế Phụ nữ đúng như không khí của câu vè “Hôm nay mồng Tám tháng Ba, chị em phụ nữ đi ra đi vào. Hai tay hai củ su hào, băn khoăn không biết nên xào hay kho”.
Bây giờ thì tất cả đều mang màu sắc cá nhân, đều là cơ hội thể hiện tình cảm của từng người với đối tượng nhắm đến. Của người trong nhà với nhau, của người yêu với người yêu, của cấp dưới với cấp trên. Tết Trung thu chẳng còn là Tết của riêng trẻ con, đêm Trung thu trăng sáng như gương, các cô các chú thanh niên ngắm cảnh nhớ thương nhau rượt xe máy chạy rầm rập đường phố. Bố mẹ lo mua bánh nướng bánh dẻo nhân ngũ vị đi biếu thầy cô, biếu sếp. Nhộn nhạo hết cả lên. Trừ những ngày lễ quá đặc thù đối với đối tượng, còn thì bất cứ cơ hội nào dính đến tôn vinh một bộ phận dân số trong xã hội là người Việt mình không ai bảo ai, cứ thế mà… chạy. Các nhà kinh doanh thì chăm chăm bới ra thêm hàng tá cái lễ để bơm ra những câu “nhân dịp…” mà thực ra là bán được hàng.
Hãy bắt đầu từ một ngày có vẻ rất thừa: ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam 20/10. Xin các chị các cô đừng vội giận, vì rõ ràng phụ nữ đã có ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 cơ mà. Nhưng đợi cho đến 365 ngày nữa mới đến lượt nhận hoa hồng tiếp theo… thì lâu quá. Cho nên cái ngày 20/10 này thật là đắc thời. Nào đã hết, phụ nữ còn ngày Lễ Tình nhân 14/2, tuy rằng bình đẳng cho hai giới nhưng mà các anh mới là những kẻ phải đôn đáo chạy đi mua cho được hộp kẹo sôcôla Bỉ có vị đắng xịn để các chị nhấm nhót trong tình yêu. Các chị tặng anh cái gì? Hình như người ta đang cố làm sao có thể tìm cách tặng được nhau trong cái thời buổi món quà là thứ đương nhiên, quan trọng là gói ghém sao cho thể hiện bản chất và đẳng cấp của mình nhất.
Nếu giáp Tết tiêu thời gian kinh khủng thì sau Tết còn tốn gấp bội. Ít ra áp Tết còn dồn việc vào hoàn thành kế hoạch, còn xong được ối thứ đóng cục cả năm. Trong khi đó cả tháng sau Tết thời gian như sợi dây cao su giãn ra mênh mông, công việc ậm ạch. Nói thời giờ là tiền bạc thì lúc này mới tốn tợn. Như thế giá của việc ăn chơi “ra giêng ngày rộng tháng dài” mới đắt đỏ làm sao!
Nếu giáp Tết tiêu tiền ác chiến, mua này sắm nọ, đổ lỗi tại Metro rồi hàng hiệu sale-off móc túi công khai thì ra Tết, những hạng dân văn phòng chúng ta rải tiền mới khiếp. Lúc này chúng ta có khác chi những bậc hào phú, đến đâu cũng lăm lăm phong bao, và đến lì xì cũng thể hiện đẳng cấp. Phong bì đám cưới tăng giá trị tiền mừng thì bao lì xì cũng theo đó mà lên, dứt khoát không có chuyện dưới một vạn đồng. Cứ vung vít lên rồi một trăm lần cái một vạn đó đã mất nghéo một triệu. Khi ấy đặt tay lên ví thấy nhẹ tênh đã là quá muộn.
Ra Tết, là dịp văn phòng thành sàn diễn thời trang. Năm nào cũng thế, quần là áo lượt ngắm nhau chán chê mê mỏi ở văn phòng, lại dắt díu nhau mồng sáu hội đền Ghềnh, mênh mông mồng tám hội đền Đô, a lô xô mồng bảy hội Phủ Giầy. Cả một đoàn xe nườm nượp những nhan sắc văn phòng như thế, du xuân í a, ta thấy Tết còn đượm muôn nẻo đường thành thị. Chỉ khi nào những băng rôn “Năm mới, thắng lợi mới” được hạ xuống khỏi biển các cơ quan, Tết mới chịu chấm dứt.
Sau Tết mới là lúc có thời gian nhằn hạt bí đọc báo Tết. Năm nào cũng có những bài dễ thương như “năm mới xông đất nghệ sĩ hài” hay “năm Tuất nói chuyện chó nghiệp vụ”. Nếu theo đúng trình tự, năm Hợi phải nói chuyện phim con heo mới xứng! Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay, thật lý tưởng để dân văn phòng đi xem ca nhạc. Dĩ nhiên không xem chèo làng Đặng, mà đi xem kịch hài, đi xem ca sĩ chạy sô, trong khi hang cùng ngõ hẻm cười phe phé trước màn hình đầu đĩa giọng Xuân Hinh hài Tết. Ra Tết là tất cả phải chờ, muốn xin con dấu, muốn chạy việc gì, biết điều thì tránh ra, vô phúc cả năm người mình nhờ có chuyện gì, mình mang tiếng cả đời. Còn chờ cái gì thì không rõ, chờ băng rôn khẩu hiệu hạ xuống đã đành, phải chờ khi kế toán hô nộp chấm công mới vội tra dầu mỡ cho bộ máy chạy lại.
Phú quý sinh lễ nghĩa, nhưng như ta đã thấy, chán làm việc cũng sinh hội hè. Ngày lễ mới có nhiều thời nay, cũng như tháng giêng bây giờ hình như dài hơn ngày xưa. Những hội hè đình đám liên miên cả tháng trời chuếnh choáng, trong cái cách dông dài ham chơi của chúng ta, có cái gì vô vọng trong sự sợ hãi nỗi đơn điệu của chuỗi tháng ngày còn lại. Chúng ta – dân văn phòng ai cũng ủng hộ ngày nghỉ cuối tuần, mắt thứ hai tai thứ bảy, ai cũng ngán ngẩm nghĩ đến ngày mai, ngày đầu tuần với đủ việc phải làm; thì với những ngày tháng dư âm năm mới còn đây, chúng ta phập phồng nỗi lo âu về một tương lai nhiều vẻ đe dọa phía trước. Chu kỳ sinh học của ta vẫn còn muốn xuân, nhưng đến ông Xuân Diệu còn chỉ biết làm mình làm mẩy trong thơ (Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn), chúng ta thực tế, lãn công vào những ngày đầu năm âm lịch. Hậu Tết trở thành một bệnh lý đã ngự trị sẵn trong ta.
Trong số chúng ta, nhiều người sợ Tết không phải vì sợ công thức đến phát chán của những thủ tục cổ truyền này nọ, không phải vì số tiền mua sắm, mà chúng ta sợ cái ngày vui vẻ trôi qua nhanh, vèo cái đã hết Tết, phải dọn dẹp cái dư âm mùa lễ hội là điều buồn nhất cho mỗi người. Chúng ta nấn ná, chúng ta sợ ngắm màu phai cánh đào, sợ suất cơm văn phòng nuốt không trôi dần thay cho miếng giò ngày Tết vốn cũng chẳng ngon gì hơn, thậm chí đã ngấy tận cổ. Chúng ta ngao ngán khi cái lung tung xòe của ngày Tết thay bằng cái gò gẫm của lịch làm việc. Cái cách mà các nhân viên câu giờ sếp mỗi khi đến cơ quan sau Tết, nào là bắt lì xì, nào là công đoàn đề xuất đi chúc Tết một vòng cơ quan, nào là đi lễ cầu lộc cho cả công ty, là kế sách hợp thức hóa ý đồ riêng tư của mỗi chúng ta. Chúng ta còn ngán hậu Tết bởi lẽ mua gì cũng đắt, làm gì cũng dễ vấp phải tình huống “còn về quê ăn Tết chưa ra”. Hết Tết là mồm miệng phải dọn dẹp cho cái tủ lạnh ê hề thịt bánh, là trí não phải tẩy rửa cái liên khúc xuân đầm đìa tâm lý chán việc và ham chơi.
Hết Tết cũng là lúc ta nhận ra mình đã già thêm một tuổi, ghét nhất là câu “cái tuổi đuổi xuân đi”, khác gì một lời bùa chú vô tình mà ác ý. Sau Tết là những kế hoạch đã đón lõng chờ sẵn ta, cứ thế ta chỉ còn nước mải mốt chạy cho đến một ngày báo hiệu cái Tết tiếp theo. Ta thấy ghét Tết, vì nó đặt ra cho ta một cái ngưỡng tiêu chuẩn, ta phải hơn thế này thế nọ, rồi hết Tết ta thấy mình chưa làm được bao nhiêu, tự dưng những ngày sau Tết trở thành một quãng thời gian nặng nề, một kỳ sát hạch đáng ngại.
Tết là thứ có ghét cũng chẳng tránh được, nên hậu Tết là thứ ai cũng phải đối diện. Dân văn phòng cũng không thể núp mãi được lý do dư âm dư chấn của Tết mà chơi xuân đến lúc quyên đã gọi hè. Ta mới hay, những ngày thường ta đã sống nhạt phèo, ta đã chẳng làm được bao nhiêu hào hứng, để rồi trông mong vào những ngày Tết ngắn ngủi lấy làm vui, kéo lê theo những ngày hậu Tết tưởng vui như Tết mà thực ra, chỉ còn là dư vị một miếng giò nguội ngậm.