Như vậy, bộ phim đã đi được nửa chặng đường, chứng kiến số phận trái ngược của hai vị hoàng hậu bên cạnh Càn Long (Hoắc Kiến Hoa): Phú Sát Lang Hoa (Đổng Khiết) qua đời, Nhàn phi (Châu Tấn) kế vị hoàng hậu. Để đón chào Như Ý, Càn Long mạnh tay tổ chức đại lễ phong hậu, tạo nên khung cảnh choáng ngợp chưa từng thấy trên màn ảnh nhỏ Hoa ngữ. Điều này là minh chứng cho thấy sự đầu tư, nghiên cứu kỹ lưỡng của đội ngũ thực hiện bởi Triều Thanh ở thời Càn Long trị vì là một trong những giai đoạn hưng thịnh nhất lịch sử Trung Quốc.
Đại lễ phong Hậu hoành tráng nhất trong lịch sử điện ảnh Hoa Ngữ
Theo quy định Hoàng tộc, Hoàng hậu sẽ được rước từ Đại Thanh Môn qua Thiên An Môn, Ngọ Môn đến tận Hậu cung. Và dĩ nhiên, chỉ có duy nhất Hoàng hậu mới được nhận vinh dự này, các phi tần khác phải đi qua cửa sau của Tử Cấm Thành (là Thần Vũ Môn) để vào Hậu cung.
Thảm hoa sẽ được trải dài Từ Đại Thanh Môn dẫn đến Hậu cung. Hai bên trái phải, lần lượt là các quan lại tiền triều, phi tần hậu cung và các mệnh phụ, quý tộc nhà Thanh nghênh đón hành lễ, và Hoàng đế sẽ đón Hoàng hậu tại điện Thái Hoà.
Trang phục vào dịp sắc phong hoặc đại lễ là điều quan trọng hàng đầu, vì không chỉ thể hiện sự vinh quang hưng thịnh của nhà Thanh mà còn cho thấy địa vị được sắc phong rất cao quý. Theo quy định nhà Thanh, một lễ phục cơ bản bao gồm: Triều quan, Kim ước, Nhị, Lãnh ước, Triều châu, Thải thuế, Triều quái, Triều bào, Triều váy, cùng Triều ủng, tất cả mười loại tạo thành. Chủ yếu quần áo từ ngoài vào trong, phân biệt là: Triều quái (áo khoác ngoài), Triều bào (áo mặt trong) và Triều váy (quần đi với triều bào).
Tuyên đọc sách văn (chiếu chỉ lập hậu), trao kim sách (sách văn bằng vàng khắc nội dung của chiếu chỉ) và kim bảo (phụng ấn)
Năm Càn Long thứ 15 (1750), ngày 2 tháng 8, lấy Đại học sĩ Phó Hằng làm Chính sứ, Đại học sĩ Sử Di Trực làm Phó sứ, tuyên sách lập Nhiếp lục cung sự Hoàng quý phi Na Lạp thị trở thành Hoàng hậu. Sách văn sắc phong Hoàng hậu của triều đại nhà Thanh thường được viết bằng cả tiếng Mãn lẫn tiếng Hán, chi tiết này cũng được đoàn làm phim thực hiện vô cùng tỉ mỉ.
Sách Văn viết rằng:
“Trẫm duy càn thủy tất lại hồ khôn thành kiện thuận chi công dĩ bị. Ngoại trị hằng tư vu nội chức. Gia bang chi hóa tư long. Duy trung khổn chi cửu hư. Nghi hồng nghi chi triệu cử. Viên kê mậu điển dụng hiệp di chương.
Tư nhĩ Nhiếp lục cung sự Hoàng quý phi Na Lạp thị. Tú dục danh môn, tường chung thế đức. Tảo tòng tiềm để, hàm chương nhi mậu trứ phương hình. Tấn tích vinh phong. Thụ chỉ nhi khắc nhàn nội tắc. Cầm cung thục thận tuân kham kế mỹ vu lan vi. Bỉnh đức ôn cung. Tín khả tự âm vu tiêu điện vãng giả thống lục cung nhi nhiếp chức. Tòng nghi nhất chuẩn tiền quy. Kim tư duyệt tam tái nhi giới kỳ. Thành lễ thức tuân từ dụ.
Cung phụng Sùng Khánh Từ Tuyên Khang Huệ Hoàng thái hậu mệnh, dĩ kim sách kim bảo, lập nhĩ vi Hoàng hậu.
Nhĩ kỳ chỉ thừa ý huấn. Biểu chính dịch đình. Kiền tu ôn sảnh chi nghi. Hiệp quan tâm vu trường nhạc. Miễn hiệu bình phiền chi chức. Đoan lễ pháp vu thâm cung. Đãi chung tư cù mộc chi nhân ân. Vĩnh tuy hậu phúc. Đàm kiển quán cúc y chi đức giáo. Kính thiệu tiền huy. Hiển mệnh hữu quang. Hồng hưu tư chí khâm tai.”
Tạm dịch: Nhiếp lục cung sự Hoàng hậu Na Lạp thị, hiền lương thục đức, hầu hạ từ thời tiềm để (nơi ở của hoàng tử trước khi đăng cơ), tư lịch lâu năm nên phụng từ dụ Hoàng thái hậu ban kim sách và kim bảo lập thành hoàng hậu.