Hầu chuyện anh Hoàng Cầm - Tạp chí Đẹp

Hầu chuyện anh Hoàng Cầm

Bộ Sưu Tập

Thi sĩ Hoàng Cầm với tôi là bậc đàn anh, một nhà thơ lớn, một trong những nhân vật làm nên lịch sử văn học Việt Nam hiện đại. Thơ anh có thể coi như một di sản tinh thần của người Việt. Không lừng lững tiên phong như Trần Dần, Lê Đạt, Đặng Đình Hưng, cũng không phải đại biểu cuối cùng của thơ lãng mạn như đánh giá của một số người trong giới văn nghệ, với tôi, anh là nhà thơ lãng – mạn – mới – đặc – sản – Việt Nam, trước anh không có ai như thế, sau anh cũng chẳng người kế tục, có chăng đương thời với anh chỉ có Phùng Cung.

Trần Dần, Lê Đạt, Đặng Đình Hưng, Phùng Cung lần lượt ra đi, còn lại anh rất cô đơn trong cuộc đời này. Cả đời thơ gặp nhiều hoạn nạn, nhưng anh đều vượt qua, vẫn làm thơ tình, vẫn là thi sĩ đa tình, vẫn đa tình ngay cả khi anh bước sang tuổi tám mươi, đa tình tới mức khiến ta lầm tưởng anh có thể yêu hết thảy những người đàn bà đẹp trên thế gian này. Nhưng cái tai nạn cuối cùng ở tuổi 81, anh đã không thể vượt qua. Chỉ vì một sợi dây xích vướng chân nơi cầu thang, anh đã vĩnh viễn nằm liệt giường bởi cái chân gẫy không thể nào hồi phục.

Cái chân không cho anh la cà các quán rượu để đọc thơ, để tán gẫu chuyện đời, chuyện văn nghệ, để nhìn ngắm phố phường Hà Nội, và nhất là những bóng hồng, mà thiếu họ anh mất luôn nguồn thi hứng. Cái chân đã cầm tù anh trên tầng bốn nhà số 47 phố Lý Quốc Sư.

Hầu chuyện anh trên căn gác nhỏ, tôi rủ thêm nhà thơ Dương Tường để anh có thêm bạn tri âm. Lần này không thể là “Cà phê Internet”, mà là trò chuyện “sống”. Thấy anh vui, không có cảm giác đang nói chuyện với một người bệnh nằm liệt giường. Vẫn là Hoàng Cầm thuở nào. Ngoài những thăm hỏi về sức khỏe, về bệnh tật, câu chuyện quẩn quanh về thơ, thế hệ thơ, về sức sống và tuổi già, về đàn bà và tình yêu, những chủ đề mà anh quan tâm, hứng thú nhất.

Tất cả những gì ghi trong bài này đều là dạng thô, không có biên tập, để đảm bảo sự trung thực. Tôi tin rằng bạn đọc sẽ trân trọng lắng nghe những gì anh nói, dù điều nói ra có thể có chỗ khó nghe, bởi anh là Hoàng Cầm, một nhà thơ đáng kính, người mà mỗi lời tâm sự đều đáng để chúng ta phải suy ngẫm, mặc dù chúng ta có thể có những quan điểm khác.

Viết lách, Thơ và thế hệ thơ

Dương Thụ: Thưa anh, bây giờ chắc anh chỉ đọc thôi, có viết không ạ? Chắc anh có thư ký?

Hoàng Cầm: Không (cười)

Dương Thụ: Nghe nóái anh viết hồi ký?

Hoàng Cầm:Có đấy, viết lâu rồi nhưng chưa xuất bản.

Dương Thụ: Viết hết về cả thời ấy hả anh?

Hoàng Cầm: Không phải là cả thời ấy, có từng đoạn thôi. Sau Nhân văn

Dương Thụ: Thế còn hồi chống Pháp?

Hoàng Cầm: Phải bỏ đi chứ nếu viết cả một cuộc đời này thì dài lắm.

Dương Thụ: Nhưng cái đó hay lắm, anh viết cái đó đi. Sao anh lại bỏ một khúc quan trọng nhất trong cuộc đời các anh là kháng chiến chống Pháp, rồi Nhân văn là cái đẹp nhất vì nó tạo nên tên tuổi các anh mà người ta ái mộ ghê gớm.

Hoàng Cầm: Hay thì đã đành rồi. Nhưng chỉ viết qua thôi.

Dương Thụ: Anh còn nhớ không ạ?

Hoàng Cầm: Nhớ thì còn nhớ. Nhưng viết lại nó mệt.

Dương Thụ: Anh giữ bao nhiêu thứ mà người ta không bao giờ biết được. Nhất là giới trẻ. Họ còn ít tuổi, không hiểu được những cái đó, như thế gọi là đứt dây. Các anh mang đi là mang cả một cái nhịp, không có các anh không nối được.

Hoàng Cầm: Mình có một cái bản thảo, ở nhà xuất bản Phương Nam ấy. Tuy không đầy đủ lắm, nhưng có từng đoạn đầy đủ.

Dương Thụ: Bao nhiêu trang hả anh?

Hoàng Cầm: Hơn trăm trang, có trăm rưởi trang.

Dương Thụ: Ít thế anh?

Hoàng Cầm: Mình cốt viết ngắn thôi mà. Mình biết thế, nhưng không muốn viết dài.

Dương Thụ: Những người như anh, anh Lê Đạt, sống như thế, mang cả lịch sử trong người, đi mà không để lại gì cả, tiếc lắm. Thơ thì các anh để lại rồi. Giá mà cuộc sống các anh, anh viết lại được thì quý lắm. Các anh viết hồi ký là sẽ bán hết ngay, người ta muốn đọc, nhất là thế hệ bọn em.

Có một vài bạn trẻ, em gửi bài viết về anh Trần Dần, Lê Đạt cho đọc, họ bảo em là họ muốn biết thêm rất nhiều thứ về các anh. Thế hệ các anh chỉ có mấy ông anh thôi, mà mấy ông anh cứ lần lượt đi, còn lại mỗi anh là vì yêu nhiều nhất nên cuộc sống nó nể, nó vẫn giữ lại để anh còn được yêu. Con người chỉ có chữ yêu để gắn bó với cuộc sống.

Hoàng Cầm: Thế mà bây giờ cũng thấy nhạt rồi. Tự mình thấy cũng nhạt rồi, không thấy hấp dẫn nhiều nữa. Nếu có thì chỉ là nhất thời, thoáng qua thôi.

Dương Thụ: Anh không còn hào hứng nữa?
Hoàng Cầm: Bản thân mình, cái hứng nó kém, chứ không phải là không có hứng nữa.

Dương Thụ: Hứng khởi là cái quyết định nhất trong việc viết lách… Bây giờ anh có một cô nào đó trẻ, nhiệt tình, ngồi nghe anh kể lại, rồi sắp xếp và đọc lại cho anh, chắc anh sẽ có hứng.

Hoàng Cầm: Ừ, nhưng phải nhiệt tình lắm, chứ không nhiệt tình không làm được.

Dương Thụ: Vâng, họ phải yêu quý anh.

Hoàng Cầm: Ừ thì kể cả họ yêu quý mình, nhưng mà cách xa thế, họ không thích. Ở đời mà, có những người như thế, khó lắm, chứ có phải cứ yêu quý mình là được đâu. Trước kia thì họ yêu quý rõ ràng, là người yêu hẳn hoi, đến bây giờ nhờ họ không được, không nhiệt tình nữa. Nghĩa là trước kia có yêu mình, lờ mờ thôi, chứ không phải là cái gì sâu đậm lắm. Có thể suy luận ra nhiều thứ, cái đó hơi khó.

Dương Thụ: Dạo này những bạn thơ trẻ có hay đến với anh không ạ?

Hoàng Cầm: Có mấy cậu mới, toàn những tên mới cả.

Dương Thụ: Anh có nhớ tên không? Anh có chấm được ai không?

Hoàng Cầm: Chưa chấm được cậu nào.

Dương Thụ: Họ khác, thơ họ khác, thái độ thơ của họ đối với lớp trước cũng khác.

Hoàng Cầm: Khác lắm.

Dương Thụ: Có rất nhiều người thơ đến với anh, từ bọn em đến bọn họ, nhưng chắc càng ngày càng khác.

Hoàng Cầm: Càng ngày càng nhạt trò đi. Chẳng hạn trước kia nói về thơ là một cái gì thiêng liêng, nhưng đến bây giờ nó không thế. Bọn trẻ không thế. Mình nói thế nào họ cũng không hiểu được. Thành ra làm thơ như viết một bài báo vậy. Cũng ký tên, cũng gửi đăng, nhưng mà cái hấp dẫn nhất là tâm hồn thì không có. Đến giai đoạn của thế giới hay của nước mình không biết, là thơ mất chỗ rồi.

Dương Thụ: Thế còn anh Dương Tường, anh nghĩ sao ạ?

Dương Tường: Nó phải chuyển hoá chứ, không đứng một chỗ.

Hoàng Cầm: Thì tất nhiên là trong cái đám ấy cũng có một ít, tương đối, nhưng mình lọc ra thì nó phải có những tín hiệu chứ.

Dương Thụ: Ngày xưa có rất nhiều người mê thơ anh Hoàng Cầm, nhất là giới trẻ.

Hoàng Cầm: Nhưng bây giờ nó cũng nhạt trò rồi.

Dương Thụ: Tức là tên Hoàng Cầm đối với bọn họ là không “thiêng” như đối với bọn em, đúng không ạ?

Hoàng Cầm: Cả cái lớp bọn em ấy, nó khác, chứ không như em. Cả một cái lớp ấy, nó đối với mình bây giờ khác trước. Trước kia, thí dụ mình bảo chủ nhật này đến chơi nhé, thì nó đến ngay. Nhưng bây giờ mình cũng nói như thế, nhà mình có tí việc, cậu đến chơi nhé, thì không thấy. Tức là các tác phẩm của mình, các bài viết của mình nó đọc cả rồi, nhưng bây giờ nó bận cái gì í.

Dương Tường: Không còn sự hấp dẫn nữa.

Hoàng Cầm: Hết sức hấp dẫn rồi. Mình bây giờ phải nói là, bản thân mình, cũng cảm thấy hết hấp dẫn. Thế còn chúng nó thì… tất nhiên (cười).

Dương Thụ: Thế thực ra bây giờ là thơ hết hấp dẫn, hay là vì bây giờ anh không đi lại được, anh phải nằm một chỗ, hay là vì gì?

Hoàng Cầm: Có thể. Có cả mấy thứ. Cách nghĩ của đám thơ trẻ bây giờ cũng khác. Nói hết hấp dẫn là nói nhiều mặt lắm. Con người hết hấp dẫn, thơ hết hấp dẫn, rồi thì… ở đời này mà, trước kia mình viết những bài viết nho nhỏ, ngăn ngắn, nó thích lắm, nhưng bây giờ cũng hết hấp dẫn. Mình thử mình biết ngay.

Dương Thụ: Bây giờ anh còn viết được không?

Hoàng Cầm: Không viết được nữa.

Dương Thụ: Anh có thể đọc cho họ ghi lại, nếu anh muốn.

Hoàng Cầm: Không phải là không muốn, mà là không viết được nữa. Bởi vì không hiểu làm sao ấy, cái xúc cảm của mình cũng bị… vẹt mòn đi rồi. Khi nó hiện ra trong mình, là mình không còn thích thú nữa. Chứ trước kia nó hiện ra một cái gì mà có thể làm thơ được thì người mình hào hứng lắm, rồi thì đi chơi, đi uống rượu nọ kia, khỏe lắm. Bây giờ thì chán hết, nó ở trong người mình, nó mòn đi, nó tự mòn đi thôi, chứ mình cũng chả làm gì, nó mòn tự nhiên.

Dương Thụ: Thế anh Tường, ở tuổi anh, tất nhiên là kém anh Cầm rồi, anh có cái cảm giác mòn tự nhiên ấy không?

Dương Tường: Có chứ, anh cảm thấy cạn kiệt chứ.

Dương Thụ: Anh Cầm này, trước đây độ 5 năm, anh vẫn còn viết được nhỉ?

Hoàng Cầm: Ừ, chính ra từ năm 2001 đến giờ là không còn viết được nữa. Nhiều lúc cũng thích lắm, cũng muốn lắm, nhưng không làm được.

Dương Thụ: Có thể cái này là tự nhiên, đến cái tuổi đó mà.

Hoàng Cầm: Ừ đến cái tuổi đó là không viết được nữa, cạn kiệt rồi.

Dương Thụ: Sức sống thơ với sức sống người nó liên quan với nhau. Khi mình yếu, mình bệnh, mình già quá…

Hoàng Cầm: Cạn mạch rồi. Thường các nhà thơ, kể cả các nhà thơ lớn thế giới, đến cái lúc cạn kiệt í mà, đành phải chịu thôi. Ông nào mà chả muốn viết nữa. Vì cái viết ấy, mênh mông lắm.

Dương Thụ: Thế như vậy có phải là suy nghĩ về thơ của những người thơ trẻ, anh thấy không được, ấy là do bản thân mình không làm thơ nữa, tự thấy mình cạn kiệt, nên cũng không còn hào hứng để mà nhìn nhận họ. Mình chán mình trước rồi mình chán họ, có phải thế không anh?

Hoàng Cầm: Có, nó có cả phần ấy. Mình chán cả thơ cơ mà.

Dương Thụ: Anh chán thơ à? Ông Hoàng Cầm chán thơ!

Hoàng Cầm: Chán cả thơ. Đầu tiên là chán mình. Có người nào đọc lên một tí, ca ngợi, mình cũng chẳng thấy thích. Nó đến cái lúc gọi là… điêu tàn của cuộc sống.

Dương Thụ: Coi như là mấy năm nay nàng thơ đã bỏ anh mà đi?

Hoàng Cầm: Nó không đi xa. Nó vẫn còn ở đâu đấy, nhưng nó không xuất hiện luôn, thi thoảng…

Dương Thụ: Nó đứng ngấp nghé ngoài cửa rồi lại chuồn phải không ạ?

Hoàng Cầm: Không.

Dương Thụ: Anh biết nó ở đâu đó…?

Hoàng Cầm: Biết nó ở đâu đó, nhưng mà không tìm. Bởi vì mình không tìm thì mình cũng chả nhớ.

Dương Thụ: (Quay sang Dương Tường):
Em dạo này không đọc thơ mấy, anh Tường ạ. Anh Cầm thì hoàn toàn thất vọng về thơ rồi, gần như anh ấy cảm thấy thơ giờ không còn là thơ nữa rồi…

Hoàng Cầm: Mình biết là nó cũng có những chỗ hay đấy. Nhưng mà giờ thì mình chán.

Dương Thụ: Do anh chán thơ đấy, chứ không phải…

Hoàng Cầm: Phải rồi, chứ không phải là thơ bỏ mình.

Dương Thụ: Thơ không bỏ anh nhưng anh bỏ nó, nên cái nhận xét về thơ trẻ nói chung thì anh không thấy vui?

Hoàng Cầm: Không thích

Dương Thụ: Không thích là vì anh chán thơ hay là thơ của họ đáng chán?

Hoàng Cầm: Vì chán thơ là một, và thơ bây giờ… chán, nó đáng chán lắm. Mình đọc mà không thấy gì cả thì phải chán thôi. Lổn nhổn, mới chẳng ra mới, cũ chẳng ra cũ.

Dương Thụ: Thế anh có nghĩ về sau, liệu…

Hoàng Cầm: Thơ thì chả bao giờ chết được, sẽ có những lúc nó phục hồi, nó rộ lên, cái đó là quy luật của thơ.

Dương Thụ: Bây giờ thì thơ hơi khủng hoảng phải không ạ?

Hoàng Cầm: Ờ, riêng với mình thì nó hơi khủng hoảng. Cũng vì nhiều lẽ. Ngoài cái việc bị què quặt không đi đâu được, mà thèm đi lắm, thèm nhảy xuống chơi với ông Dương Tường một tí, ngồi tán láo một lúc chẳng hạn, thèm những cái rất nhỏ như thế, mà không làm được. Ví dụ như hôm nay, là phải chờ ông lên đây. Như cậu chẳng hạn, tôi biết là cậu ở trong ấy, nên cậu ra là mừng lắm.


Sức sống và tuổi già, đàn bà và tình yêu

Dương Thụ: Chuyện thơ với chuyện người đẹp thường đi với nhau. Em nghĩ anh là người đa tình nhất trong các ông anh văn nghệ. Giờ nếu một cô thật xinh ngồi đây thì anh còn thích nữa không?

Hoàng Cầm: Bây giờ nói thật xinh là nói trừu tượng thế thôi, chứ thật xinh là như thế nào mình cũng không quan niệm được, mất cái quan niệm ấy rồi. Chỉ có là trong tình yêu, trong quan hệ nam nữ, có cái điện của con người. Nó mạnh hay yếu, hay nó thế nào ấy, rồi về gắn bó với nhau.

Dương Thụ: Hiện tại anh còn cái điện ấy không?

Hoàng Cầm: Còn, nhưng mà ít lắm, mong manh lắm. Nhưng mình là con người dễ yêu, chứ không phải yêu nhiều. Ví dụ cậu mang một cô ra đây, ngồi nói chuyện một tí, hay rủ nhau đi chơi đây đó một tí, rồi đến chiều lại về cũng được. Thì mình có thể yêu được, trong một ngày thôi.

Dương Thụ: Bây giờ, có thể yêu được trong một ngày, sau đó thì thôi, thì nhạt đi phải không anh?

Hoàng Cầm: Nó không vồn vã, không say sưa như trước nữa.

Dương Thụ: Nó cũng đi theo thơ phải không ạ? Anh vốn đa tình lắm, em đi theo anh em biết. Đó là cái vốn quý nhất của anh đấy, nó gắn kết thơ anh. Anh đa tình kinh khủng.

Hoàng Cầm: Bây giờ cái đó có thể còn, nhưng nó phải có điều kiện mới trỗi dậy được.

Dương Thụ: Điều kiện gì anh?

Hoàng Cầm: Điều kiện là người mình nó phải khỏe lên. Bởi vì người có khỏe lên thì cái đa tình mới hiệu nghiệm được, chứ không thì anh đa tình để làm cái gì (cười).

Dương Thụ: Thế là đa tình bây giờ phải có điều kiện (cười). Thế anh Tường, bây giờ các cô xinh xinh, phơi phới, liệu còn hấp dẫn anh nữa không?

Dương Tường: Hấp dẫn chứ.

Dương Thụ: Hỏi thế để biết thôi ạ. Sợ nhất đến tuổi nào đấy bỗng nhiên thấy đàn bà không ra gì nữa.

Dương Tường: Bây giờ mình thấy đàn bà đẹp, vẫn rất rất thích.

Dương Thụ: Bao giờ thì chúng ta không còn yêu được đàn bà nữa. Với suy nghĩ của anh Hoàng Cầm hiện tại, anh có nghĩ là đã đến lúc…

Hoàng Cầm: Tất nhiên, con người ta có từng giai đoạn sức khỏe. Cái giai đoạn cuối cùng của sức khỏe thì không thể yêu đàn bà được nữa. Thế thôi, chứ còn thì, đã là con người, mà nhất là nam giới, thì cái chuyện yêu đàn bà là cái chuyện rất thường, gần như là bó buộc. Thế nhưng mà đến cái lúc không yêu được nữa thì… hết đời rồi đấy.

Dương Thụ: Anh trước khi bị cái này (ngã gẫy chân, không đi lại được) thì anh vẫn còn yêu đàn bà dễ phải không ạ?

Hoàng Cầm: Còn.

Dương Thụ: Tức là từ năm 2001 trở về trước, thì anh vẫn nguyên là Hoàng Cầm, trông cô nào là thích ngay. Nhưng từ 2002, thì anh bắt đầu khác. Đàn bà trong anh chỉ là đàn bà trong tâm tưởng thôi, đúng không ạ? Những tiếp xúc trực tiếp, nó không còn…

Hoàng Cầm: Có chứ, nhưng cũng nhạt nhẽo.

Dương Thụ: Không còn chút rung động nào nữa?

Hoàng Cầm: Không đằm thắm được một tí nào nữa.

Dương Thụ: Vậy anh không chờ đợi một người đàn bà nào hết?

Hoàng Cầm: Không.

Dương Thụ: Thế anh nằm đây, có một cô, cô ấy đến rồi đi. Anh có mong cô ấy không?

Hoàng Cầm: Lấy gì mà nhớ mong mà chờ đợi. Chờ đợi trên cơ sở nào? Không có. Thế còn chờ đợi cái gì nữa, chờ đợi là phải có cơ sở.

Dương Thụ: Trái tim anh thổn thức thì nó cứ chờ đợi… Anh không muốn nó vẫn cứ chờ đợi chứ.

Hoàng Cầm: Đấy là trái tim mình nó bắt buộc vẫn còn phải thổn thức thì mới chờ đợi được. Trái tim mình bây giờ nó gần như chai rồi.

Dương Thụ: Không còn mong người ấy trở lại. Em thì cảm thấy anh vẫn mong con người ấy quay trở lại… (cười) Sao em lại không đến. Bao giờ thì em đến?

Hoàng Cầm: Con người có cái thời hạn của sức khỏe chứ.

Dương Thụ: Thế còn anh Tường, so với mười năm trước, lúc ấy anh bằng em bây giờ. Anh hơn em 10 tuổi mà. Thế khi ấy anh cảm thấy cái xung lực với đàn bà, sự hấp dẫn của họ đối với mình, có thay đổi không?

Dương Tường: Không thay đổi. Thậm chí còn mạnh hơn.

Dương Thụ: Thế thì tuyệt rồi. Vì Thụ ít tuổi hơn các anh, không biết lúc nào mình “xuống”, mình không còn mê đàn bà nữa, không còn chạy theo bóng hồng như anh Hoàng Cầm. Chạy theo bóng hồng một cách lãng mạn, chứ không phải vì thiếu đàn bà, có phải thế không ạ?

Hoàng Cầm: Tất nhiên rồi.

Dương Thụ: Với anh Hoàng Cầm thì thơ và đàn bà nó hơi dính vào nhau. Họ là chủ thể thơ anh. Tất nhiên người đàn bà có thể là người đàn bà ngày xưa, người đàn bà trong mộng. Nhưng anh cũng là người có rất nhiều người đàn bà có thật ở trên đời. Thụ vẫn thấy anh minh mẫn, vẫn còn khỏe đấy chứ. Sắc diện vẫn còn hồng, vẫn đẹp. Hy vọng trái tim anh thổn thức trở lại, dù là để yêu trong một ngày, để tìm thấy thơ mà như anh vừa nói là nó đang ngắp nghé ngoài cửa…

Hoàng Cầm: … (cười)

Hà Nội tháng 10/2008


Dương Thụ

Thực hiện: depweb

12/11/2008, 11:18