Haruki Murakami: Người đi giữa hai thế giới

Hầu hết các tác phẩm của ông đều được đón nhận nồng
nhiệt ở Việt Nam cũng như thế giới. Cuốn tiểu thuyết mới nhất, “1Q84”, một
best-seller tại Nhật Bản, kết quả của 3 năm ông “tự cầm tù” để viết – vừa xuất
bản tiếng anh và chuẩn bị có bản tiếng Việt trong thời gian tới.


Biểu tượng không chính thức…

Được xem như biểu tượng không chính thức của Nhật Bản nhưng bản thân Haruki
Murakami luôn tự thấy mình là một người lạc loài tại chính đất nước này. Trên
bức tường văn phòng làm việc, ông treo chân dung của Raymond Carver, áp phích
của Glenn Gould, bức vẽ các ban nhạc Jazz nổi tiếng. Ông là dịch giả của nhiều cuốn sách tiếng Anh
kinh điển. Tác phẩm của ông nhắc nhiều tới Nat King Cole, Bob Dylan, những tác
giả nhạc cổ điển châu Âu… mà vắng bóng những tên tuổi của văn hóa Nhật Bản. Ngay
từ những ngày mới bắt đầu sự nghiệp sáng tác, Murakami đã liên tục khẳng định
rằng mình không chịu ảnh hưởng bởi bất cứ tác giả Nhật nào, những người mà ông
cho là “lời nguyền Nhật Bản”. Thay vào đó, ông đề cập tới
các tác phẩm văn học cổ điển châu Âu và các nhà văn Mỹ nổi bật trong thế kỷ 20:
Raymond Chandler, Truman Capote, Kurt Vonnegut…

Không chỉ vậy, gần đây Murakami còn tiết lộ thêm: khi viết cuốn tiểu thuyết đầu
tay, ông đã phải viết đoạn mở đầu bằng tiếng Anh, sau đó mới dịch lại thành
tiếng Nhật. Bằng cách đó, ông tìm thấy tiếng nói của mình. Jay Rubin, người đã
chuyển ngữ nhiều tác phẩm của Murakami chia sẻ rằng ngôn ngữ do ông viết ra như
đã được dịch sang tiếng Anh sẵn rồi. Để lý giải cho điều này, có lẽ người đọc
phải quay về từ khởi nguồn của một con người có tên là Haruki Murakami.

Ông sinh ra vào thời điểm hậu chiến tranh thế giới thứ hai (1949) tại Kyoto, khi
quân đội Mỹ vẫn còn chiếm đóng tại đây. Khi miêu tả lại thời kỳ này, một nhà sử
học đã viết “Thật khó để có thể tìm được giai đoạn giao thoa văn hóa nào căng
thẳng, khó đoán, mơ hồ, phức tạp và kỳ thú đến thế”. Phải chăng đó chính là lý
do con người Haruki Murakami đã trở thành hiện thân của những sự giao thoa kỳ lạ và ông dành trọn sự nghiệp
sáng tác để diễn giải lại chúng.

Thời thơ ấu gắn bó với vùng ngoại ô Kobe, nơi bến cảng ồn ào với nhiều ngôn ngữ,
đưa Haruki Murakami lạc vào thế giới của văn hóa Mỹ, đặc biệt là tiểu thuyết
trinh thám và nhạc Jazz. Tới tuổi thanh niên, bất chấp ý muốn của cha mẹ,
Murakami để tóc dài, nuôi râu ria xồm xoàm và cưới vợ. Tiếp đó, ông vay tiền mở
ra một câu lạc bộ nhạc Jazz rồi dành 10 năm cho việc rửa ly chén, pha chế và
nghe nhạc. Câu chuyện cuộc đời này, vừa đặc biệt, vừa quen thuộc như hầu hết
những người Nhật khác trưởng thành trong thập kỷ 60, 70 – khi tinh thần tự do
bùng nổ trên khắp thế giới.

Có lẽ việc lớn lên văn hóa phương Tây đã góp phần tạo nên trong Murakami nhu cầu
được cô đơn như ông đã có lần bộc bạch: “Hầu hết những người trẻ đều muốn kiếm
được việc trong một công ty lớn, trở thành một nhân viên. Tôi chỉ muốn được ở một
mình”. Tuy nhiên, ông tự thấy rằng “Rất khó được một mình ở Nhật”. Phải chăng đó
là lý do khi đặt phương Tây và Nhật lên bàn cân tinh thần, ông đã nghiêng về cái
đầu tiên?

Tuy nhiên, dù chọn lối sống Âu Mỹ hay Nhật Bản thì sau 10 năm gắn bó với một câu
lạc bộ nhạc Jazz, ông đã đi tới khúc cuối của phần đời thầm lặng (hay có thể nói
một cách khác là chỉ một mình).

Số phận đã chọn Murakami theo đúng như cách ông vẫn miêu tả cuộc đời các nhân
vật. Một ngày nọ, ở độ tuổi 29, khi đang xem một trận bóng chày, Haruki Murakami
đột nhiên quyết định mình sẽ viết văn.

Ý nghĩ ấy rơi xuống lòng ông nhẹ nhàng mà dữ dội khi quả bóng được một cầu thủ
đánh bay lên không trung. Lòng ham muốn chưa bao giờ nghiêm túc trước đây, giờ
bỗng trở nên cháy bỏng trong ông. Ngay sau trận đấu, Murakami đi mua một cây
bút, một tập giấy và trong vòng vài tháng tiếp theo, truyện vừa “Hear the wind
sing” (Lắng nghe gió hát) đã ra đời. Tác phẩm đầu tay mang lại cho Murakami một
giải thưởng văn học dành cho tác giả trẻ, điều rõ ràng đã trở thành động lực để
ông tiếp tục con đường sáng tác. Sau một số tác phẩm được khen ngợi, “Rừng Nauy”
ra mắt và thổi bùng tên tuổi Haruki Murakami, biến ông thành thần tượng của hàng
triệu người Nhật. Thành công này cuối cùng lại trở thành nguyên nhân khiến ông
quyết định rời khỏi đất nước mình, đi du lịch khắp châu Âu và sống ở Mỹ suốt
mười năm.

Tuy nhiên, mười năm ấy không biến ông thành người Mỹ. Sự gắn bó với dân tộc luôn
là điều vượt quá sự hình dung trong mỗi người. Sau vụ đầu độc bằng khí sarin
dưới ga tàu điện ngầm làm rung chuyển cả nước Nhật xảy ra, tinh thần trách nhiệm đã thôi thúc Murakami quay lại quê nhà để thực hiện cuốn sách phi hư cấu đầu tiên: “Ngầm”. Cho tới lúc này, ông đã kết
luận rằng: “Tôi không nghĩ mọi người không còn coi Mỹ như một hình mẫu nữa.
Chúng ta chẳng có hình mẫu nào cả. Chúng ta phải tạo ra các hình mẫu mới thôi”.
Nước Nhật vào lúc này cũng không còn nước Nhật như trước đây, như ông tự nhận
thấy. “Tôi sống ở Tokyo, một nơi thuộc thế giới đã văn minh hóa – như New York,
Los Angeles, Luân Đôn hay Paris. Nếu bạn muốn tìm thấy một điều huyền ảo, một
tình huống huyền ảo, bạn phải đi sâu vào chính bản thân mình”.

Phải chăng đó chính là câu trả lời của Haruki Murakami cho câu hỏi ông là ai?
Ông thấy lạc loài giữa đất nước Nhật, nhưng không vì thế mà ông định nghĩa mình
như một người phương Tây. Sâu thẳm trong ông là thế giới của huyền ảo, nơi không
còn sự phân chia văn hóa, chỉ còn lại trí tưởng tượng của một cá thể về thế giới
để từ đó người Cừu, Quạ… được sinh ra. Và hơn tất cả, ông là một nhà văn đã sáng
tạo ra được những tác phẩm khiến độc giả khắp thế giới yêu thích, bất kể họ là
người Nhật, Á hay Âu.



Hầu hết các tác phẩm của Haruki Murakami đều được dịch ra tiếng Việt

“1Q84” – Kết quả của 3 năm “tự cầm tù”

Sau ba thập kỷ gắn bó với văn chương, Murakami dường như chưa từng nghỉ xả hơi.
Có một lần ông đã tuyên bố ngừng sáng tác, và kết quả của lời tuyên bố là tác
phẩm “1Q84” đã ra đời và tạo nên một cơn sốt khắp nước Nhật. Theo thời gian, các
tác phẩm của ông ngày càng dày hơn, lấy của ông nhiều thời gian công sức hơn,
riêng cuốn sách mới nhất này đã khiến ông phải “tự cầm tù” suốt ba năm. Khi nhìn
thấy bản tiếng Anh của “1Q84”, ông đã phải thốt lên: “Dày quá. Trông như danh bạ
điện thoại ấy” và nói thêm nếu biết cuốn sách sẽ dày chừng đó trang, có thể ông
đã không viết nó ngay từ đầu.





Bản tiếng Anh của 1Q84 là tác phẩm best-seller ở nhiều nước trên thế giới

Tác phẩm có vóc dáng đại thụ này được khởi đầu từ những hạt giống nhỏ. Theo lời Murakami, “1Q84” chỉ
là sự mở rộng của một truyện ngắn vốn rất nổi tiếng của ông, “On Seeing the 100%
Perfect Girl On Beautiful April Morning”. “Về cơ bản, chúng giống nhau. Một
chàng trai gặp một cô gái. Họ rời xa và mong mỏi hướng về nhau. Đó là một câu chuyện đơn giản. Tôi chỉ
viết dài ra mà thôi”.

Tuy vậy, có vẻ như đây chỉ là một cách nói khiêm tốn. Hàng thập kỷ qua, Haruki
Murakami đã nhiều lần nói về chuyện sẵn sàng lao động cật lực để tạo ra được một sản phẩm để đời, tương tự
như “Anh em nhà Karamazov” của Dostoevski, bộ tiểu thuyết ông đã đọc nhiều lần.
Dường như “1Q84” đã được sáng tác để hoàn thành mục tiêu đó. Không chỉ đồ sộ về
số trang, “1Q84” có lẽ còn là tác phẩm mang tham vọng ôm trọn cả nước Nhật vào
trong nó, với bóng tối, bạo lực, những biến động xã hội, ám ảnh tính dục và
những khám phá kỳ quặc về hiện thực. Thêm vào đó, cuốn sách, cũng như nhiều tác
phẩm khác của Murakami, là câu chuyện được kể ra từ ranh giới của sự thật và
giấc mơ.

Thế nhưng tác giả của các tác phẩm thuộc về thế giới mơ lại là một người hiếm
khi nhớ được giấc mộng của chính mình. Mỗi sáng ông thức dậy và chẳng còn gì ở
lại trong tâm trí. Giấc mơ duy nhất mà ông nhớ được mấy năm gần đây là một cơn
ác mộng được đặt tên là “thức ăn kỳ quặc”: thịt rắn tẩm bột, bánh sâu… Trong
giấc mơ, dù không hề muốn ăn chúng một chút nào, nhưng một nỗi thôi thúc lạ lùng
nào đó buộc ông phải ăn. Và ông kịp tỉnh giấc trước khi bắt đầu ăn những món
đáng sợ đó. Một giấc mơ nghe có vẻ “kỳ quặc” tương tự các tác phẩm của ông.

Dẫu vậy, bất chấp sự kỳ quặc, thế giới tưởng tượng của Haruki Murakami đã tìm
được cách len lỏi vào đời sống thực của người Nhật Bản. Người ta đã xuất bản
những cuốn sách nấu ăn giới thiệu các món xuất hiện trong các tiểu thuyết ông
viết. Bản nhạc không mấy nổi tiếng có tên “Sinfonietta” của nhà soạn nhạc Seiji
Ozawa, sau khi được Murakami đưa vào “1Q84” đã trở nên phổ biến khắp nước Nhật.
Chưa kể, một công ty Hàn Quốc còn tổ chức chuyến du lịch “Kafka bên bờ biển” tới
miền Tây nước Nhật và người dịch “1Q84” sang tiếng Ba Lan còn biên soạn một cuốn
cẩm nang du lịch lấy tên tác phẩm này. Mặt khác, khi Murakami tưởng rằng ông đã
“bịa” ra một khách sạn, một nhà hàng, một cái tên, thì độc giả viết thư nói với
ông rằng thực ra chúng có thực. Dường như đó là cách các tác phẩm của Haruki
Murakami được ra đời: hư cấu trở thành hiện thực, hiện thực trở thành hư cấu.
Ông luôn luôn kéo độc giả qua lại giữa hai thế giới, và họ hạnh phúc với điều
ấy.

Khi được hỏi về sự khác biệt của “1Q84” với cuốn sách “1984” của George Orwell
(thực ra, số 9 trong tiếng Nhật được phát âm như chữ Q trong tiếng Anh),
Murakami đáp rằng: “1984 của George Orwell là cuốn tiểu thuyết cận tương lai,
còn của tôi là cuốn tiểu thuyết cận quá khứ. Chúng tôi nhìn về cùng một năm theo
hai hướng đối lập”. Ngoài ra, ông nói thêm, “George Orwell một nửa là nhà báo,
một nửa là nhà văn. Tôi thì là nhà văn 100%… Tôi không thích viết ra những
thông điệp. Tôi coi bản thân là một con người chính trị, nhưng tôi không phát
biểu những thông điệp chính trị của mình với ai cả”.



“George Orwell một nửa là nhà báo, một nửa là nhà văn. Tôi thì là nhà văn 100%…
Tôi không
thích viết ra những thông điệp. Tôi coi bản thân
là một con người chính trị, nhưng tôi không phát biểu
 những thông điệp chính trị của mình với ai cả”.

Thế nhưng, mùa hè vừa rồi, tại một buổi trao giải tại Barcelona, ông đã lên
tiếng chỉ trích nền công nghiệp hạt nhân của Nhật. Ông coi vấn đề tại Fukushima
Daiichi là thảm họa hạt nhân lớn thứ hai trong lịch sử đất nước. Phát biểu của
ông đã được phần lớn người dân Nhật tán thành. “Sau năm 1945, chúng tôi đã lao
động chăm chỉ và trở nên giàu có. Nhưng giờ đây không còn như thế nữa. Chúng tôi
phải thay đổi quan niệm về giá trị. Chúng tôi phải nghĩ tới chuyện làm thế nào
để trở nên hạnh phúc. Tôi nghĩ đây là lúc chúng tôi phải trở nên lý tưởng hóa
lần nữa”.

Tuy phát biểu hăng say như vậy, ông vẫn tự cho rằng phần trách nhiệm công dân
chỉ chiếm 1% trong mình. Phần còn lại là của văn chương và sáng tạo. Ông muốn
thay đổi và hướng tới những cái mới, “Ở Nhật người ta ưa phong cách hiện
thực. Họ thích các câu trả lời và kết luận. Tôi chẳng có gì như thế. Tôi muốn
mọi thứ mở rộng cho mọi khả năng. Tôi nghĩ độc giả của mình hiểu được cách viết
mở ấy”. Dù đã nhiều năm chọn cách sống ẩn dật và tránh xa truyền thông và đám
đông, ông vẫn ý thức rõ những gì mình đã làm được với tư cách một người sáng
tạo. “Tôi không muốn làm nhà văn, nhưng tôi đã thành như thế rồi. Và giờ tôi có
nhiều độc giả, ở nhiều đất nước. Tôi nghĩ đó là một điều kỳ diệu. Tôi tự hào,
hạnh phúc và có lẽ là lạ lùng khi nói thế này, tôi trân trọng điều đó”.

Giờ đây, nhà văn nổi tiếng nhất nước Nhật vẫn sống một cuộc đời bình lặng tại
căn nhà hai tầng bên bờ biển. Ông khẳng định rằng khi không viết lách, ông chỉ
là một người bình thường. Khả năng sáng tạo là một “hộp đen” mà ông không thể
dùng ý thức mở ra được. Ông vẫn chạy bộ hàng ngày và không hết ngạc nhiên khi có
ai muốn bắt tay ông trên đường. Và một lần nọ, khi người khách từ nước Mỹ tới
thăm nhà ông kinh ngạc nói rằng có một con bướm to lớn lạ lùng mà anh chưa từng
thấy đã bay vào khu vườn, Murakami chỉ bình thản đáp. “Ở Nhật có nhiều bướm lắm.
Nhìn thấy một con bướm thì chẳng có gì lạ cả”. Phải chăng đó là cách nhìn cuộc
sống của Murakami, khi ông luôn bước trên khoảng giao của những điều đối lập,
nơi sự quen thuộc và lạ lùng đã không còn phân biệt.

Phương Thủy
AFP
, Lâm Vũ Thao


From the same category