Hào hứng, say mê với những điệu nhảy quyến rũ bên Hồ Gươm

Ảnh minh họa. (Nguồn: http: hanoitv.vn)

Trước đây, khiêu vũ chỉ dành riêng cho những quý bà, giới thượng lưu, thì nay bộ môn này đã thu hút nhiều đối tượng tham gia, từ người già cho tới giới trẻ, từ tầng lớp thượng lưu tới bình dân, sàn nhảy lan tỏa ra cả những nơi công cộng như công viên, vườn hoa…

“Sàn nhảy” ngoài trời

Một buổi sáng tinh mơ, tôi theo chân một thành viên của Câu lạc bộ khiêu vũ Lộc Vừng tới “sàn nhảy” của câu lạc bộ này. Nói là “sàn nhảy” nhưng chỉ là những khoảng trống trên vỉa hè xung quanh Hồ Gươm. Vì “sàn nhảy” nằm dưới tán cây lộc vừng bên Hồ Gươm nên những người sáng lập đã lấy tên cây để đặt tên cho câu lạc bộ. Sàn khiêu vũ không có đèn điện nhấp nháy xanh đỏ, cũng không có giàn âm thanh trầm bổng mà chỉ có một chiếc loa đủ để phát ra tiếng nhạc.

Sau phút giây say sưa dìu nhau trong tiếng nhạc, vợ chồng bác Ba quệt mồ hôi trên trán nói: “Những điệu nhạc êm tai tưởng nhẹ nhàng nhưng cứ đi lên, đi xuống vậy thôi mà cũng toát mồ hôi. Dù chỉ tốn 100.000 đồng/tháng nhưng chúng tôi có một chỗ tập vừa vui, vừa khỏe.”

Chị Hà, 38 tuổi, nhân viên văn phòng quận Hoàn Kiếm, sinh hoạt ở câu lạc bộ này được ba năm, cho biết thời gian của câu lạc bộ phù hợp với chị vì tranh thủ buổi sáng 15-20 phút tập luyện, đến 7 giờ 30 lên cơ quan vẫn kịp giờ làm.

Chị Lâm và Quỳnh Anh, đồng Chủ nhiệm Câu lạc bộ Lộc Vừng chia sẻ, ngoài lợi ích đem lại tinh thần sảng khoái, khiêu vũ còn mang lại nhiều lợi ích khác giúp người tham gia phát triển toàn diện.

Về sức khỏe, vận động khi khiêu vũ cải thiện hệ tuần hoàn, tăng cung cấp oxy cho não, làm xương chắc khỏe. Với những chuyển động lúc nhịp nhàng, lúc sôi động sẽ làm các khớp xương thêm linh hoạt, nhờ vậy nguy cơ các bệnh viêm khớp, nhức mỏi khớp giảm đáng kể. Về thể hình, khiêu vũ với sự di chuyển sẽ giúp thân hình thon gọn, săn chắc, dẻo dai, duyên dáng và lịch lãm, tăng khả năng cảm nhận, cảm thụ âm nhạc. Những bước nhảy nhịp nhàng, đồng bộ phối hợp với sự vận động của hai tay làm cho người chơi thêm năng động và sáng tạo. Khiêu vũ là bộ môn nghệ thuật đòi hỏi người chơi có kỹ năng, tuy nhiên, cũng không khó lắm, ai cũng chơi được miễn là phải say mê.

Ngoài việc rèn luyện sức khỏe, đối với nhiều thành viên trong câu lạc bộ, “sàn nhảy” còn là nơi để giao lưu, kết bạn. Chồng mất sớm, chị Hoa, một phụ nữ ngoài 50 tuổi sống ở phố Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm đã gặp anh Son, người đồng cảnh ngộ ở Câu lạc bộ và trở thành một cặp nhảy thân thiết.

Giờ đây, sớm tinh mơ hay chiều tối, đến bất kỳ công viên Lý Thái Tổ, Thống Nhất, Bách Thảo, Dịch Vọng, hay Tuổi Trẻ… ở Hà Nội không khó để bắt gặp những cặp đôi dập dìu trong những điệu nhảy quyến rũ.

Mon men lên “sàn”

Là một “thế giới” khác của sàn chứng khoán hay sàn bất động sản, đến với sàn nhảy là các chị, các quý bà ở độ tuổi U40, U50… thậm chí U80 cũng có, các cô gái trẻ chỉ chiếm số ít. Với các điệu Chachacha, Rumba, Slow hay Tango… dù nhiều tuổi nhưng họ khiêu vũ rất điệu nghệ.

Dân trên sàn gọi các cô, chị với cái tên rất ngọt “đào,” với nam được gọi “kép.” Theo chân một “đào” lên sàn Discovery (phố Tăng Bạt Hổ) ; dừng thang máy trên tầng ba, từ xa tôi đã nghe thấy tiếng nhạc xập xình. Khác hẳn với không khí buốt, lạnh bên ngoài, trong sàn nhiệt độ điều hòa dễ chịu, khung cảnh lịch sự và ấm cúng hơn. Sàn ở câu lạc bộ chỉ là chiếc loa nhỏ đủ phát ra âm thanh, còn sàn nhảy có hệ thống đèn phong phú, được trang trí khá cầu kỳ và có phục vụ đồ uống.

Một quý bà khoảng U60, váy đỏ dài, xếp bèo từng tầng, hở đôi vai trần ngồi bàn phía trước, nhờ ánh đèn điện mờ ảo trong sàn, chị tranh thủ chỉnh trang lại trang phục, đánh chút phấn, tô chút son, duyên dáng vén mái tóc xoăn xoăn, bồng bềnh. Điệu Tango cất lên. Trước đó vài phút, hơn chục “kép” với áo sơmi trắng, thắt càvạt đỏ đứng quanh rồi lần lượt, giống như quen thuộc, từng chàng giơ tay mời các quý bà điệu nhảy đầu tiên.

Ở một góc nháy khác, với mái tóc xoăn ngắn hoa tiêu, đôi chân uyển chuyển, nhịp nhàng theo điệu nhạc Tango, trong ánh đèn mờ ảo, nhấp nháy, nhìn khó có thể đoán bà năm nay ngoài 80 tuổi. Bà tên Tuyết, nhà ở Định Công là khách quen của sàn này hàng chục năm nay. Bà Tuyết chia sẻ, vốn gái phố cổ gốc (Hàng Bạc) theo chồng đi nhảy từ năm 30 tuổi, mặc dù ông nhà đã mất lâu nhưng đến nay bà vẫn say mê khiêu vũ. Đang dở câu chuyên, một “kép” ghé tai mời bà điệu Rumba. Theo thói quen, bà mở ví lấy ra tờ 20.000 đồng dúi vào tay nam dẫn.

“Lên sàn bà không chỉ nhảy với một ‘kép,’ mà nhảy với nhiều ‘kép,’ mỗi bài bà ‘boa’ từ 20.000 đồng hoặc 30.000 đồng, tùy vào kỹ thuật dẫn có vui lòng hay không,” bà Tuyết nói. Với mức “boa” như vậy cả buổi bà phải rút hầu bao từ 200.000-300.000 đồng, tính chi phí cả tháng lên tới cả chục triệu đồng không ít.

Đa số các chị, các cô đến những nơi này cho biết “boa” trai nhảy chủ yếu là vì để thưởng cho sự nhiệt tình của họ. Qua quan sát, sàn nhảy nào cũng xuất hiện đội nam “dẫn nhảy” rất chuyên nghiệp. Đội ngũ nhân viên nam này có dáng vẻ nho nhã, lịch sự làm cho sàn nhảy luôn có một không khí sôi động. Nhiệm vụ của họ là phục vụ bàn, quan tâm đến các khách nữ đi đơn lẻ và nhảy cùng với họ. Đồng thời, giúp những người mới tập vượt qua được sự e ngại ban đầu để đến với bộ môn này.

Hầu hết các sàn mở cửa 3 buổi/ngày. Tùy vào thời gian mà người dẫn nhảy làm một ca (hai tiếng), hoặc hai ca, ba ca một ngày. Hiện, dẫn nhảy cho các quý bà đang là một nghề hút rất nhiều nam thanh niên, họ coi đây là một nghề. Những nam dẫn này, đều thành thạo các bước nhảy trong khiêu vũ. Đặc biệt, một số điệu nhảy kỹ thuật cao, động tác mạnh mà đối tác nhiều tuổi không thể đáp ứng. Đó cũng là thế mạnh để làm vui lòng các quý bà và tùy vào sự phục vụ nhiệt tình của nam dẫn để quý bà “boa” theo tỷ lệ thuận.

Theo VietnamPlus


From the same category