Hành trình về cõi linh hồn - Tạp chí Đẹp

Hành trình về cõi linh hồn

Sống

Tháng 10 năm 2006, lần đầu tiên “hầu đồng” – nghi lễ quan trọng nhất của đạo Mẫu – được nhà nước cho tổ chức công khai tại đền Kiếp Bạc, Hải Dương đúng vào kỳ giỗ Cha tháng Tám. Còn gần một tháng nữa mới tới ngày “giỗ Mẹ” nhưng các cuộc hầu đồng đã khá rộn ràng ở mọi cửa đền, phủ, điện, tĩnh. Đẹp xin giới thiệu bài viết “Lên đồng – một sinh hoạt văn hóa” của giáo sư Vũ Ngọc Khánh và chùm bài viết, ảnh tư liệu như những khảo cứu sơ lược của nhà báo Xuân Bình về chầu văn, trang phục hầu đồng và một góc tiếp cận của mỹ thuật đương đại về đề tài đạo Mẫu.
 

 Lên đồng – một dạng sinh hoạt văn hóa

Ta tưởng tượng rằng cha ông dù mất đã lâu, nhưng vẫn nhớ đến cháu con, họ hàng, làng nước. Nhiều linh hồn xa đời nhưng vẫn nhớ và lo đời. Như thế là có nghĩa, có tình, chứ đâu phải là có hại. Vì thế nên người ta muốn có một sự thần giao thông cảm. Đó cũng là hợp lý.

 Chưa có cách gì để khẳng định được sự hòa hợp âm dương, người ta tìm sự viện trợ ở ông đồng, bà đồng, những người có được các thủ thuật giao lưu này. Việc này trong lịch sử nhân loại đã diễn ra từ rất lâu với nhiều cách thức. Họ gọi đó là phương thuật.

Còn lên đồng ở nước ta có đến 36 “giá”. Những người tham gia các giá hầu đều có những trang phục rất đẹp, những dụng cụ như đao, gươm, bút, quạt hoặc các đồ hóa trang khác, có khi là cả quang gánh.

Những giá chầu đều là sự tự thể hiện vai của một vị thánh mẫu (mẫu Liễu, mẫu Thoải, mẫu Thượng ngàn), của một vị quan (quan lớn Tuần Tranh), hay một cô tiên (cô Ba, cô Sáu, cô Chín…), một ông hoàng (Hoàng Bảy, Hoàng Mười). Họ phải múa lượn, phải phán bảo và phải cho lộc… Nhập vai trò vị thần nào thì người hầu đồng phải có những động tác, những khí cụ thích hợp cho đúng tư cách, bản sắc của vị thần linh mà họ phải thể hiện. Phụ họa với họ là cả một dàn nhạc, bài hát của các cung văn.

 Trong giây phút say sưa, họ đã kéo các vị thần linh về với cuộc sống trần gian, rồi lại đưa các vị thần đã giáng nhập ấy lên cõi siêu trần.

 Khuynh hướng tín ngưỡng, kiểu sinh hoạt văn hóa đẹp đẽ có mơ có thực, vừa thiêng liêng vừa hồn nhiên bỗng chuyển thành niềm say mê nghệ thuật giúp cho con người vượt khỏi chính mình.

 Chính vì thế, mà các đệ tử, các thiện nam tín nữ đều rất ngưỡng mộ các “giá đồng”. Nhiều đền miếu được xây dựng, cải tạo bề thế hơn, nhiều lễ hội đã được phục hồi. Giới nghiên cứu (cả trong nước và ngoài nước), các ngành khoa học như thôi miên, trường sinh, ngoại cảm đang rất quan tâm đến hiện tượng này.

Những tin liên quan

Căn tử tế
Nhạc… âm!
Lấy mây làm xiêm áo

Thực hiện: depweb

02/05/2007, 17:28