Bốn năm trước, tạp chí People đã bầu chọn anh là người đàn ông hấp dẫn nhất hành tinh. Hugh Jackman, với chiều cao xấp xỉ 1m90 và thân hình chữ V rắn rỏi, nhanh chóng thể hiện xuất sắc các vai diễn người hùng, mà đỉnh cao là nhân vật Wolverine. Ngay cả với các nhân vật có chiều sâu tâm lý hơn một chút, như vai chàng chăn bò Drover trong “Australia”, hay người cha trong “Real Steel”, “Huge” (khổng lồ) Jackman vẫn được xem như một diễn viên thiên về hành động, hơn là người có thể thể hiện những diễn biến phức tạp của nội tâm.
Nhưng giờ thì Wolverine đã có thể bẻ móng vuốt cất vào bảo tàng. Người tù khổ sai Jean Vanjean, vai diễn đã đem lại đề cử Oscar – Nam diễn viên chính xuất sắc nhất năm nay cho Hugh Jackman, một phiên bản tạo hình lần n của một nhân vật kinh điển, chân thật và giàu tính “người” hơn tất cả những người hùng mà Hugh từng vào vai.
Vai diễn ấy không phải để anh phô diễn nét đẹp hình thể, mà thể hiện một cuộc đời bị giằng xé giữa thiện và ác, từ bóng tối ra ánh sáng, đòi hỏi rất nhiều nội lực diễn xuất. Jean Vanjean thời làm tủ khổ sai nhẹ hơn Wolverine 9kg; rách rưới, khổ sở, không có một thợ cạo để tạo hình bộ râu cho “ra dáng” người hùng. Hugh mô tả nhân vật của anh “mang tính biểu tượng, như trong kịch của Shakespeare” và đòi hỏi khắc nghiệt cả về các diễn xuất hình thể, cảm xúc lẫn giọng hát.
“Thể hình cho vai diễn là một thử thách không kém gì vai diễn trong X-Men” – Hugh Jackman chia sẻ. “Tôi phải tập thể hình ít nhất ba giờ/ngày và trải qua chế độ ép xác bằng cách không hấp thụ nước dưới bất kỳ hình thức nào trong vòng 36 tiếng đồng hồ. Bằng cách đó, bạn giảm được 10 pound nước, má bạn hóp lại và mắt thì trũng sâu, trông thật sự đáng sợ”.
Nhưng đó chưa phải là thử thách lớn nhất. “Les Misérables” trung thành với tác phẩm nhạc kịch chuyển thể cùng tên của hai đồng tác giả Schoenberg – Boublil, bao gồm 49 ca khúc kéo dài suốt ba tiếng đồng hồ (lời thoại chỉ khoảng một chục). Tony Hooper, đạo diễn của bộ phim giành giải Oscar phim hay nhất 2011 “The King’s Speech”, yêu cầu các diễn viên phải hát và thu âm trực tiếp tại trường quay, nghe tiếng đệm piano qua một tai nghe nhỏ.
Hugh không phải là một ca sĩ. Nhưng giọng hát của anh là một phần quan trọng trong trường đoạn đáng xem nhất của phim: Tình cảm cha con nảy nở sau khi nhân vật Jean Vanjean cứu cô bé Corsette khỏi gia đình Thénardier.
Ca khúc Suddenly, một nhạc phẩm không có trong vở nhạc kịch, đã được sáng tác riêng cho phim mới nhất này, để mô tả cảm xúc bất ngờ trở thành một người cha của Jean Vanjean. Giọng hát mộc mạc và trầm ấm của Hugh cất lên: “Bỗng nhiên điều đó xảy ra/Hai trái tim bị tổn thương/Liệu có thể chung nhịp đập?/Hôm qua ta còn bước một mình/Hôm nay con đã ở bên cạnh ta…”
Anh đã hát sai một vài nốt, nhưng công chúng không cần nhiều đến thế. Không cần một giọng hát điêu luyện và tròn đầy, mà chính nhờ cảm xúc thô ráp, Hugh mới chạm đến trái tim của người xem (và nghe) anh giãi bày. Suddenly đã được đề cử tranh giải Oscar hạng mục Bài hát gốc trong phim, nhờ chất giọng còn thô mộc nhưng nồng nàn ấy. Trong vài phút ngắn ngủi, cuộc đời đầy những nỗi thống khổ và giằng xé của Jean Vanjean tươi tắn trở lại bởi những gia điệu và ca từ tràn đầy yêu thương và hy vọng khi có được Corsette.
Thành công của vai diễn này có hình bóng người cha của anh, Chris Jackman. Ông là người đã nuôi Hugh trưởng thành, sau khi mẹ anh bỏ nhà đi năm Hugh mới 8 tuổi. Hôn nhân với Chris tan vỡ, bà Grace, mẹ ruột của Hugh, đã trở về Anh cùng với hai người chị em gái. Cho đến giờ, Hugh vẫn còn bị ám ảnh bởi ngày ấy: “Tôi còn nhớ rõ ngày mẹ rời khỏi nhà. Tôi phải đến trường vào buổi sáng, nhìn thấy bà quấn một chiếc khăn tắm quanh đầu. Có lẽ là vừa gội đầu xong. Đến khi tôi về, bà đã đi. Không có ai ở nhà cả. Ngày hôm sau, có một bức điện tín báo tin bà đã trở về Anh. Đó là tất cả mọi chuyện”. Ông Chris, một kế toán viên, đã nuôi lớn Hugh và hai người anh em trai. “Không có cha thì không có tôi ngày hôm nay. Không có ông ấy, tôi không thể tìm thấy cảm hứng để vào vai này trong “Les Misérable”. Cha đã trải qua một cuộc đời tương tự với nhân vật của tôi trong phim”.
Jean Vanjean không còn là một nhân vật tiểu thuyết nữa, mà có thể là bất cứ người cha nào trên thế giới này, bao gồm cả người cha của Hugh: “Ông là một con người rất chân thành. Cuộc sống của ông dựa trên một nền tảng rất vững chắc, ông không chỉ là nguồn cảm hứng của tôi, mà còn là người hùng của tôi”. Dựa trên những chất liệu rất “đời” này, Hugh Jackman trút bỏ cái vỏ Wolverine tưởng chừng đã gắn chặt với anh. Công chúng bị thuyết phục bởi một Jackman hoàn toàn khác trên màn ảnh. Giờ anh đã không còn phải hối tiếc vì từ chối vai James Bond trước khi chấp nhận thử thách lớn với Jean Vanjean. Cơ bắp và đấm đá đã lùi bước, nhường chỗ cho những nếp gấp phức tạp của nội tâm.