Hành trình bầu bạn - Tạp chí Đẹp

Hành trình bầu bạn

Sống
Ở cùng chung cư nên Minh và Long thường qua nhà nhau chơi. Bố Long rất khoái chơi với hai cậu bé: khi đá cầu, khi chơi domino, lúc cùng bình luận về một trận bóng… Hai cậu bé cũng thích quanh quẩn giúp bố sửa quạt, rửa xe, sơn lại cửa… Dù hai nhóc có thể làm vướng chân, nhưng bố Long chẳng bao giờ xua đuổi chúng.

Ở nhà Minh thì khác. Mẹ Minh quan tâm nhất là làm món gì đó chiêu đãi hai cậu. Sau đó, chị xua chúng ra sân chơi và thi thoảng ngó ra trông chừng… Có lần, trước mặt Long, mẹ Minh đã mắng Minh rất ghê vì tội quăng quần áo bừa bãi. Từ đó, Long ngại sang nhà bạn. Long bảo: “Tớ sợ mẹ cậu…”.

Tất nhiên, bố Long và mẹ Minh đều muốn điều tốt cho con mình. Mẹ Minh không cùng chơi với hai cậu bé không có nghĩa là chị thờ ơ với con. Chỉ đơn giản là chị ưu tiên cho việc mà chị coi là quan trọng hơn: sức khỏe, nếp sinh hoạt, chế độ ăn uống.

Tuy nhiên, đấy không phải là tất cả những gì con trẻ cần. Tình bạn trong gia đình (cũng như bất kỳ tình bạn nào) phải được duy trì bằng cách cùng nhau trò chuyện, vui chơi, làm việc, chia sẻ cảm xúc… Dù con ở độ tuổi nào – còn đang ẵm ngửa hay sắp về nhà chồng – bạn cũng có cách để vun trồng cây tình bạn giữa mình và con.

Dưới đây là vài “bí kíp” để bạn tham khảo.

Từ 0 đến 2 tuổi

Ở tuổi này, trẻ cần nhất là cảm giác an toàn và được yêu thương. Bởi vậy, sự âu yếm, vỗ về rất quan trọng. Hãy bế ẵm bé nhiều hơn, hãy làm ngựa cho bé nhong nhong hay làm cần cẩu để đưa bé bay lên trong tiếng cười thích thú. Tuy nhiên, đừng ép bé, đừng nhào vào ôm ấp nếu bé không thích. Hãy học cách đọc ý nguyện của bé qua những biểu hiện nhỏ nhất. Ánh mắt bé háo hức hay lo ngại? Bé chìa tay ra hay quay mặt đi?

Cũng đừng quên trò chuyện với bé (cho dù bé chưa hiểu hết những gì bạn nói) và cho bé nhiều cơ hội để khám phá thế giới xung quanh. Mẹ của cu Tít 8 tháng tuổi chia sẻ: “Bất cứ khi nào có thể, bọn mình đều đem Tít theo. Lúc 5 tháng, Tít đã đến thảo cầm viên, 6 tháng đã vào cà phê Highlands. Còn đến chơi nhà cô, dì, chú, bác thì rất thường xuyên. Chuyện đem Tít theo không phải lúc nào cũng yên ổn đâu. Nhưng có Tít, mình có cảm giác bọn mình là một gia đình, rất là ấm áp…”.

Từ 3 đến 6 tuổi

Đây là lứa tuổi có rất nhiều điều bất ngờ đáng yêu. Vậy hà cớ gì bạn không thường xuyên nói với bé rằng bạn yêu bé biết bao, rằng bé thật thông minh, xinh đẹp, giỏi giang… Cũng cần nhớ đừng bao giờ so sánh bé với trẻ khác, đừng chê bai bé vì đã không có ưu điểm này, khả năng nọ.

Có lần chị gái tôi bảo cậu con trai 5 tuổi: “Bạn Na lúc nào cũng sạch sẽ, không bao giờ vất đồ chơi lung tung, gặp ai cũng chào hỏi lễ phép…”. Cháu tôi ngẩn ra nghe rồi hỏi: “Mẹ yêu bạn Na hơn hả mẹ?”.

Vâng, sự so sánh sẽ không khiến con trẻ hào hứng “noi gương tốt” như bạn tưởng đâu, mà chỉ khiến bé hoang mang, mặc cảm vì cho rằng mẹ không yêu mình nữa, bởi vì mình không tốt, không ngoan… Ở độ tuổi này, sự chỉ trích cũng như thái độ thờ ơ của cha mẹ khiến bé tổn thương ghê gớm. Dù thế nào cũng đừng chế nhạo con! Trẻ cũng cần được coi trọng như những người khác. Bởi vậy, hãy kiểm soát lời nói để không lỗ mãng với con và cũng đừng quên nói lời “xin lỗi”, “cảm ơn”, “làm ơn…” khi cần.

Từ 7 đến 10 tuổi

Đến tuổi đi học, trẻ sẽ phải đón nhận rất nhiều bổn phận mới. Ở trường, thầy cô giáo đã nói nhiều về các bổn phận ấy, về nhà cha mẹ lại rất hay “nhai lại”. Là một phụ huynh sáng suốt, bạn đừng nên đua chen với các nhà sư phạm.

Hồi lớp 3, con trai tôi từng hồn nhiên góp ý với cô chủ nhiệm rằng: “Bạn Lan làm phép tính chậm, cô lại hỏi dồn dập, bạn càng rối lên, càng tính sai. Cô nên hỏi từ từ thôi ạ”. Sững sờ vì bị “phê”, cô giáo bực mình bảo từ nay sẽ giao cho con trai việc giảng toán cho các bạn học yếu. Lo lắng trước nhiệm vụ “bất khả thi”, lại bị các bạn khác chế giễu, con trai về nhà khóc đòi chuyển lớp.

Ngay hôm sau, tôi đến gặp cô giáo. Trước là xin cô thông cảm cho sự hồn nhiên… quá đà của con trẻ. Sau là nhờ cô giải tỏa giúp nỗi niềm của con trai. Và quả là cô đã hóa giải được sau khi khiển trách những bạn đã chế giễu con trai. Chiều về con trai cười toe: “Hòa bình rồi mẹ ạ!”. Mối quan hệ của hai cô trò sau đó rất ổn. Thậm chí, con trai còn trở thành học trò cưng của cô.

Từ 11 đến 14 tuổi

Đây là độ tuổi khá… cam go. Dở người lớn dở trẻ con, các teen bắt đầu nghi ngờ uy tín của cha mẹ và thích giao du với bạn bè hơn (dù không phải bạn nào cũng đáng tin cậy). Để duy trì quan hệ với kẻ ẩm ương đang muốn “xổ lồng” này, bạn hãy ghi nhớ “3 đừng” sau đây:

– Đừng làm mất thể diện của con trước bạn bè. Nếu cha mẹ ép con mặc loại quần áo nào đó, buộc con đeo khẩu trang hay mang theo bình nước sạch từ nhà chẳng hạn và con nói rằng bọn bạn sẽ cười nhạo nó thì cha mẹ nên suy nghĩ lại.

– Đừng ghé thăm trường con liên tục mà không có lý do thật cấp thiết. Con sẽ coi kiểu giám sát như giám sát “bọn tiểu học” này là sự “hạ nhục”.

– Đừng trừng phạt, mà hãy đưa ra những lựa chọn: “Con muốn hè này đi Nha Trang tắm biển thì đừng để môn thi nào dưới điểm 7”, “Các bạn rủ con mai đá bóng? Thế thì con hãy hoàn tất bài vở tối nay đi”.

Từ 15 tuổi trở lên

Ở tuổi này, quan trọng nhất là bạn giúp con tìm kiếm “dung mạo” bản thân, giúp con hiểu được mình mong muốn gì trong cuộc đời và chia sẻ với con quan điểm của bạn về các vấn đề này.

Khi muốn cảnh báo hay khuyên răn con điều gì, tốt nhất bạn nên “đi đường vòng”. “Thời phổ thông, tôi rất mặc cảm về vẻ ngoài của mình” – Hương Liên nhớ lại – “Tôi ghét cái mũi quá dài, căm thù mấy cái mụn trên trán và xấu hổ vì đôi chân gầy nhẳng. Mẹ đã uổng công để thuyết phục tôi rằng tất cả mọi thứ đều ổn cả, rằng tôi chỉ khéo tưởng tượng.

Rồi một lần, bố đem về cho tôi cuốn tạp chí trong đó có bài viết về trẻ khuyết tật. Tôi đọc bài báo, xem ảnh và rất xúc động. Tôi hiểu rằng trên đời này có những con người thật sự thiệt thòi mà so với họ thì đôi chân gầy hay mấy cái mụn của tôi chẳng có nghĩa lý gì”.

Bạn cũng chớ ra mặt “tuyên chiến” với những sở thích của con. Thứ nhất, điều ấy là vô ích. Thứ hai, nó sẽ khoét sâu chiếc hố ngăn cách giữa cha mẹ và con. Hãy tôn trọng tình bạn, tình yêu, tôn trọng thị hiếu, quan điểm và cảm xúc của trẻ. Quả là đang quen bảo bọc con, chúng ta rất khó tin cậy con để thả chúng ra với đời. Nhưng ta đâu thể “ôm” con mãi, trước sau gì cũng phải tin, phải thả, phải để chúng tự lập. Mà khi giữa con và ta đã có mối quan hệ tri kỷ thì dù được thả ra, con vẫn luôn quay về để sẻ chia, trao đổi.

Cũng có những người đã sống cả cuộc đời dưới sự kiểm soát ngặt nghèo của cha mẹ để rồi mãi mãi là một đứa trẻ to xác thụ động đến nực cười. Bạn hẳn là chẳng muốn con mình có một số phận đáng thương như vậy?.

Bài: Bình Minh Mưa

Thực hiện: depweb

08/06/2011, 10:33