Anton vốn là một nhân viên ngân hàng tại Pháp, còn Ara là designer tại một tờ báo của Hàn Quốc. Cùng một đam mê dance, hai người đã gặp nhau trong một Liên hoan Dance tại Philipine, và từ đó, họ trở thành “a couple dancer” – một đôi bạn nhảy ăn ý với nhau, cùng nhau đi biểu diễn và dạy dance khắp nơi trên thế giới. Hiện tại, họ đang dạy Salsa và các điệu nhảy khác tại một số Pub, Câu lạc bộ, và tại nhà riêng của Anton trong một ngõ nhỏ phố Âu Cơ – Hà Nội
Câu đầu tiên, xin hỏi Anton và Ara, lý do gì khiến hai bạn đến Việt Nam để truyền bá Salsa?
Anton: Chúng tôi đều chung sở thích, đó là du lịch và nhảy. Trong đó, Salsa là niềm đam mê mãnh liệt. Chúng tôi đã đi nhiều nước và cảm thấy quá chán ngán với lối sống công nghiệp và những tòâa nhà cao bí bách ngộp thở. Tôi chưa biết nhiều về Việt Nam ngoài dư âm về chiến tranh, chính vì vậy, khi được mời, tôi đã nhận lời đến Việt Nam. Và quả thật, đây là sự lựa chọn khá tuyệt.
Ara: Chúng tôi gặp gỡ nhau cũng như duyên kỳ ngộ. Gặp Anton ở Philippin, lúc đó cũng gặp luôn Ý Ly. Rồi sau tới Liên hoan Salsa Hồng Kông, rồi Thượng Hải, và rồi chúng tôi cùng đến Việt Nam theo lời mời của Ý Ly.
Salsa đã đến với hai bạn như thế nào?
Ara: Năm tôi 24 tuổi ở Hàn Quốc, tôi làm designer cho một tờ báo của Hàn Quốc và xem một bộ phim của Pháp có hai người đứng tuổi nhảy Salsa trên nền nhạc Son. Tôi rất thích và muốn học Salsa ngay tức khắc nhưng thật không may, các lớp học ở Hàn Quốc dạy rất chán và vô bổ nên tôi không thể theo học nổi, đành phải tự học qua băng đĩa. Sau đó, tôi cảm thấy nhàm chán với công việc, cũng chẳng biết mình muốn gì nữa, nên quyết định đến Philipin sống và gặp Anton.
Tôi đã học ở anh rất nhiều điều mới lạ, và trở thành bạn nhảy cùng anh. Tôi từng bỏ làm ở Hàn Quốc, và lại làm design ở Philipin, nhưng cũng chẳng xóa đi được nỗi chán nản. Khi Anton hỏi: “Tại sao em cứ mãi chán chường vậy? Cái gì mới làm em hạnh phúc đây?” Tôi nói: “Chỉ khi em nhảy, em mới thấy hạnh phúc!” – “Vậy thì sao em không làm một dancer chuyên nghiệp nhỉ, em có đủ điều kiện làm điều đó!”. Vậy đấy, tôi đã bỏ việc, và trở thành một dancer chuyên nghiệp.
Anton: Vâng, mẹ tôi là một vũ công ballet khá thành công ở Nam Mỹ. Gia đình tôi gốc Chile, sau đó sang Pháp sinh sống năm tôi 6 tuổi. Khi mẹ tôi sinh con, bà không thể đi múa solo được nữa, chính vì thế, bà muốn truyền lại đam mê cho các con mình. Tôi đã học ballet từ năm 4 tuổi và khi đến tuổi thiếu niên, cảm thấy ballet hơi nữ tính, và mềm mại quá, bạn bè lại chọc là “ái” nên tôi không còn thích nữa và chuyển sang học các môn khác như Hip-hop, boxing, Việt vũ đạo, Karate, Taekondo… thậm chí, đã từng đi thi đấu boxing.
Từ nhỏ, bố mẹ tôi đã dạy Salsa, nhưng tôi chẳng quá quan tâm đến nó. Chỉ đến năm 18 tuổi, khi xem bộ phim “Dancing in the rain” tôi mới hoàn toàn bị thu hút bởi âm nhạc và quyết định bỏ boxing để quay lại học Salsa và Hip- hop, bearkdance… một cách nghiêm túc tại một bar có ban nhạc Columbia. Sau đó, tôi cũng quyết định bỏ việc tại Ngân hàng bởi tự thấy mình phải trở thành một vũ công chuyên nghiệp. Với số tiền đã kiếm được khi làm ở Ngân hàng, tôi đã thành lập Công ty Cachimpo với các chức năng quảng bá Văn hóa Latin, dạy các hình thức khiêu vũ…
Rời bỏ những chỗ làm kiếm tiền rất tốt và quyết định trở thành vũ sư chuyên nghiệp có bao giờ làm cho hai bạn thấy tiếc nuối không?
Anton: Không. Không bao giờ ân hận. Tôi bỏ cái tôi không thích, và theo đuổi cái tôi đam mê, và tôi nghĩ có rất nhiều người không đủ can đảm theo cái mình thích. Khi tôi bỏ việc tại ngân hàng, đây là điều gây khó khăn cho gia đình tôi. Mẹ tôi, cho dù là một vũ công ballet, quá thấu hiểu niềm đam mê nghệ thuật, nhưng bà cũng phản đối quyết định bỏ việc của tôi. Nhưng giờ đây, tôi luôn cảm thấy hạnh phúc, cho dù không còn kiếm được nhiều tiền như hồi đi làm ngân hàng nữa, và cho dù ngày mai tôi có tiền hay không, cũng không quan trọng bằng tôi đang được sống với niềm đam mê của mình.
Ara: Gia đình tôi khá giàu, nhưng tôi chưa bao giờ ỷ lại hay trông chờ vào gia đình cả. Tôi luôn tự lập trước mọi tình huống. Công việc design của tôi đòi hỏi sự sáng tạo, nhưng làm việc tại những tờ báo dù nổi tiếng đó, tôi lại không có cơ hội được tự làm theo ý thích của mình, tất cả phải theo quy tăëc riêng của nó. Điều đó làm cho tôi không còn thấy hứng thú gì trong cuộc sống vốn đã nhiều căng thẳng. Salsa đem lại cho tôi những giây phút thư giãn, thành vũ sư chuyên nghiệp cũng là bước tiến mới trong cuộc đời. Tôi yêu nó, nên không lý gì mà phải nuối tiếc.
Có một số ý kiến rằng, Salsa du nhập vào Việt Nam nhưng có một số vũ điệu sexy quá, gợi cảm quá khiến người ta e ngại?
Anton: Không có vũ điệu nào mà không gợi cảm, nếu không gợi cảm, nghĩa là không thành công. Nhưng với Salsa, quan trọng hơn thế là sự cảm nhạc bằng cả trái tim và tâm hồn, bằng sự thăng hoa, ứng biến thả lỏng cơ thể vào điệu nhảy. Còn ai quá chú ý đến trang phục sexy, hay thấy các động tác có gì đó khiêu dâm là hoàn toàn sai lầm, và có khi, chính là họ ghen tỵ đấy…
Nhảy Salsa đừng hiểu là phải mặc quần áo, váy đẹp lộng lẫy, ít vải, hay hở hang. Hãy hiểu nguồn gốc của Salsa, sẽ thấy nó là cả một nền văn hóa của đường phố, của những người nghèo. Bạn có thể nhảy Salsa với bất kì một trang phục nào đang mặc trên người, và với bất cứ một người bạn nào mới lạ, chứ không nhất thiết phải là bạn nhảy quen thuộc đã dày công tập luyện. Chính bởi Salsa là một sự thân thiện và hòa đồng, kết nối con người với nhau.
Ara: Khi đến Việt Nam, tôi thấy các bạn gái rất xinh đẹp, tự tin, thông minh và cũng rất sexy nữa. Salsa không hề là một vũ điệu khiêu dâm, mà nó là điệu nhảy để bạn tự thể hiện hoặc người ta thấy bạn sao mà quyến rũ đến vậy khi nhảy Salsa. Ấy nhưng điều đáng phải nói đến đó là người Việt Nam đa số đều sợ “mất mặt”, tức là khi nên bỏ vai trò giáo viên để trở thành học viên để học lại căn bản thì họ không thích điều đó, và sợ bị đánh giá thấp. Thực ra, họ quá kiêu hãnh để nhận ra mình.
Hai bạn có biết vừa rồi ở Hà Nội có vũ trường New Centu0ry bị đóng cửa vì có một số tệ nạn ở đó không? Và với các tụ điểm nhảy Salsa, liệu có điều gì đáng ngại không?
Anton: Vâng. Chúng tôi có nghe đến vũ trường New Century. Tôi nghĩ rằng, giải trí là một nhu cầu chính đáng, nhưng để xảy ra tệ nạn thì quả là điều đáng tiếc. Với Salsa lại khác. Bạn không thể uống ruợu, bia hay dùng bất kỳ một chất kích thích nào mà có thể nhảy được Salsa.
Chính vì lý do đó, nhiều quán bar có nhảy Salsa khó làm ăn được vì khách đến nhảy không uống rượu hay bia, là những đồ uống dễ sinh lời nhất. Bên Pháp, người ta hay sử dùng nhiều Canabis trong các bar hay vũ trường, tôi cũng thử, nhưng nhận thấy rằng không thể vừa dùng Canabis, hoặc rượu, hoặc bia, hoặc chất kích thích khác mà lại có thể vừa nhảy được.
Ara: Salsa là một điệu nhảy rất an toàn, vì nếu muốn nhảy thì không thể dùng chất kích thích bởi Salsa cần đến sự thăng bằng, tỉnh táo. Bản thân sự quay trong Salsa cũng làm cho ta say rồi. Học Salsa còn tăng cường sức khỏe nhiều, nhất là cơ bụng. Tôi nghe nói ở New Century, người ta dùng thuốc để lắc, để nhảy. Vậy tại sao họ cứ phải dùng thuốc để lắc thâu đêm, để quên, hay để đi tìm cảm giác nhỉ? Nếu muốn lắc để giải trí, hãy tìm đến lớp học của tôi, bạn sẽ biết lắc đúng nghĩa là thế nào, mà lại cực kỳ lành mạnh!
Xin cảm ơn hai bạn!
Codet |
Ảnh: Quang Bảo |