Hạnh phúc cũng có tiêu chuẩn

Cuộc sống hài hước, sôi nổi, thoải mái

Hài hước là một điều tự nhiên, và có được tự sự cộng hưởng. Những cặp vợ chồng có được điều này có thể do tính cách vốn hòa hợp một cách tự nhiên hoặc do cùng tạo dựng qua quá trình cộng hưởng hòa hợp lẫn nhau.
 
Trên thực tế, một số cặp vợ chồng dễ rơi vào trạng thái cãi vã, hời hợt, nhạt nhẽo, nên khó có được một cuộc sống vui vẻ, sôi nổi và thoải mái. Thay vào đó, giữa họ thường xuất hiện những phiền não về những mâu thuẫn, thất vọng về nhau, dần dẫn đến những trận đấu khẩu thường xuyên, những cuộc tranh cãi không ngừng.  

Quan tâm, hỏi han nhau thường xuyên

Theo dòng chảy của cuộc đời, bạn sẽ có thể phải rời xa bố mẹ, xa cách những người bạn thân, nhưng lại ở với người bạn đời của mình nhiều thời gian có thể gần đến cuối cuộc đời. Mà gia đình chỉ có thể hạnh phúc khi giữa vợ chồng có sự chân thành, hỗ trợ nhau.
 
Tuy nhiên trong cuộc sống thực tế, nhiều cặp đôi trong lúc yêu rất thắm thiết, không ngần ngại thể hiện tình cảm, sự ân cần chăm sóc giúp đỡ nhau, nhưng sau khi kết hôn dần lạnh nhạt. Tình yêu sẽ dần mất đi khi không còn được săn sóc vun xới thường xuyên từ người trong cuộc. Do đó, dù trong cuộc sống hôn nhân, bạn phải đối diện với rất nhiều vấn đề thực tế, thì cũng đừng để trái tim mình chai sạn.

Chăm sóc khi đau ốm, khó khăn

Vợ chồng là phải cùng đồng cam cộng khổ, cùng chung hoạn nạn. Đặc biệt khi một người đau ốm bệnh tật, người còn lại cần phải tận tâm chăm sóc, cứu chữa, không ngại vất vả và nề hà bất cứ việc gì trong quá trình điều trị. Ngoài ra, cũng phải biết yêu thương bạn đời.
 
Không làm tổn hại đến lòng tự tôn của nhau

Trong cuộc sống có đến tám, chín phần không được như ý. Do đó, đương nhiên những cặp vợ chồng hạnh phúc không phải là bởi họ luôn được thuận lợi như ý. Mà là bởi họ luôn hiểu rõ cần phải cùng nhau đối diện với những thất bại, những điều không như ý và những khó khăn hoạn nạn trong cuộc sống.

Là vợ chồng, khi một người không thuận lợi, gặp thất bại trong cuộc sống hoặc sự nghiệp, người còn lại phải biết thông cảm và nhìn nhận một cách khoan dung, lựa lời khuyên giải và cùng tìm cách giải quyết, tuyệt đối không nên chỉ trích, trách móc, thậm chí đe dọa, lăng mạ, bắt bẻ làm tổn thương đến lòng tự tôn của nhau.

Hài hòa những khác biệt, nhường nhịn và nhẫn nại

Nhiều cặp đôi sau khi kết hôn mới bắt đầu phát sinh nhiều điểm bất đồng, bởi vậy trong thời kỳ đầu của hôn nhân thường nảy sinh nhiều mâu thuẫn, cãi vã. Tuy nhiên, sau một thời gian cùng chung sống, họ bắt đầu biết cách cộng hưởng, hài hòa sự khác biệt của nhau.

Những cặp vợ chồng có tính cách khác biệt, khi biết cách tự điều chỉnh, và hòa hợp với nhau sẽ ngày càng hạnh phúc. Để làm được điều này, mấu chốt là cần nhận thức sâu sắc hơn về cuộc sống hôn nhân, dần chuyển đổi thái độ khi đối diện với cuộc sống gia đình thực tế, để đạt được đến mức nhận thức trong bất cứ việc gì cũng nhường nhịn, nhẫn nại và thông cảm cho nhau nhiều hơn, không dồn nhau đến bước đường cùng trong những lúc tranh cãi, giới hạn mức độ của lời nói, luôn lấy đại cục làm trọng và dùng tình cảm để hóa giải mâu thuẫn.

Thống nhất về tài chính, chuyện vặt

Giữa vợ chồng, đặc biệt là những cặp vợ chồng nghèo thường hay tranh cãi nhau vì những chuyện vụn vặt, kể cả vấn đề chi tiêu tài chính.

Những cặp vợ chồng hạnh phúc là những cặp luôn ưu tiên tiêu tiền cho bạn đời, vì thế mà tránh được những cuộc cãi vã. Phương thức tiêu tiền này thường làm cho bạn đời của họ cảm động. Ngoài ra, về những khoản chi tiêu lớn, họ cũng thường cùng bàn bạc với nhau. Cách này không những thể hiện rõ sự khoan dung của cả hai vợ chồng, mà còn khiến họ nhìn nhận cuộc sống hôn nhân một cách đầy tình nghĩa, từ đó thúc đẩy tính bền vững của một cuộc hôn nhân hạnh phúc.

Bài: Phượng Cát (theo b2conly)
Ảnh: S.T

From the same category