Hãng phim truyện: Đối thoại căng thẳng nhưng chưa có tiếng nói chung

Cuộc họp diễn ra căng thẳng trong mấy giờ đồng hồ nhưng hầu như hai bên chưa tìm ra tiếng nói chung.

Trước hàng loạt thắc mắc của cán bộ, nghệ sỹ Hãng phim truyện Việt Nam (nay là Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Phim truyện Việt Nam) và phóng viên các cơ quan báo chí, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Vận tải thủy Nguyễn Thủy Nguyên đã lần lượt trả lời các câu hỏi.

Tuy nhiên, cách trả lời cũng như cái lý của một người sành sỏi trong kinh doanh của ông dường như khiến cuộc đối thoại thêm căng thẳng, nhiều lúc đi vào bế tắc.

Điều đáng ghi nhận nhất có lẽ là việc ông Chủ tịch Hội đồng quản trị của đơn vị đầu tư chiến lược đang nắm 65% cổ phần tại Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Phim truyện Việt Nam khẳng định Công ty sẽ nỗ lực tìm việc và tiếp tục trả lương cho các nghệ sỹ.

Theo ông Nguyễn Thủy Nguyên, ông sẽ cho dọn dẹp gọn gàng sân trước, rồi làm một tấm biển cỡ lớn để quảng cáo cho việc Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Phim truyện Việt Nam sẵn sàng nhận những việc như làm phim, viết kịch bản hay cho thuê đạo cụ… để đảm bảo đời sống cho các nghệ sỹ.

“Chúng ta chưa thể có ngay được những sản phẩm vài chục tỷ thì có thể tìm những việc làm vừa sức trước, thậm chí cả việc làm phim lịch sử cho xã, cho huyện…”, ông Nguyên khẳng định.

20170207153352-hang-phim-truyen-viet-nam

Về việc trả lương cho nghệ sỹ, ông Nguyên cho biết, khoản tiền các nghệ sỹ nhận được trong tháng Tám vừa qua chỉ là tạm ứng, đến tháng Chín này, khi Công ty hoạch toán xong mọi thứ sẽ tiếp tục trả lương như bình thường, đúng luật cho họ.

Tuy nhiên, ông Nguyên cũng khẳng định việc trả lương sẽ thực hiện theo nguyên tắc “có làm có huởng.”

Cuộc đối thoại kết thúc trong khi nhiều nghệ sỹ vẫn còn chưa có cơ hội được bày tỏ, nhiều thắc mắc chưa được giải đáp thoả đáng.

Các nghệ sỹ hẹn nhau tiếp tục “có tiếng nói” tại cuộc gặp gỡ với Hội Điện ảnh Việt Nam dự kiến được tổ chức ngày 21/9 tới.

Hãng Phim truyện Việt Nam (VFS) là hãng phim nhà nước được thành lập năm 1953, trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch. Lịch sử tồn tại của Hãng gắn liền với dòng phim cách mạng và nghệ thuật. Hơn 50 năm qua, đơn vị có nhiều phim gây tiếng vang như “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, “Em bé Hà Nội”, “Bao giờ cho đến tháng Mười”, “Đời cát”,… Tuy nhiên, những năm gần đây, nhiều dự án của Hãng liên tục thua lỗ.

Năm 2016, Hãng Phim truyện Việt Nam chào mời cổ phần hóa và Tổng Công ty vận tải thủy hoàn tất quá trình mua lại Hãng vào tháng 6/2017. Hiện tại, Hãng mang tên Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Phim truyện Việt Nam./


From the same category