Nằm trong khu tái định cư được xây dựng đầu tiên trên địa bàn TP. Hà Nội, cư dân nhà B3,B4, B5 thuộc tổ 22 thị trấn Cầu Diễn, huyện Từ Liêm bắt đầu đón các hộ dân chuyển về từ khu nhà gỗ phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm từ năm 2006, nhưng đến nay nhiều hộ gia đình vẫn mòn mỏi chờ được xác nhận chủ quyền. Đại diện tòa nhà tái định cư B4 phản ánh, từ đầu năm 2008, các hộ dân đã làm đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận QSDĐ gửi lên Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội, đơn vị được giao quản lý khai thác các dự án nhà tái định cư của thành phố. Nhưng đã 4 năm trôi qua, quyền lợi chính đáng của người dân chưa được giải quyết. Ngoài việc không được xác lập chủ quyền căn hộ, hàng ngàn nhân khẩu khu tái định cư còn phải sống trong điều kiện ô nhiễm và các điều kiện dịch vụ thiết yếu xuống cấp nghiêm trọng. Rào cản lớn nhất đối với việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho các hộ dân nhà B4 thị trấn Cầu Diễn, huyện Từ Liêm là xuất phát từ những sai lệch diện tích các hộ đang sử dụng, so với phần diện tích ghi trong hợp đồng mua bán nhà của Công ty Quản lý và Phát triển nhà.
Anh Nguyễn Quốc Phong, chủ căn hộ 204 nhà B4 khu tái định cư thị trấn Cầu Diễn bức xúc cho biết: “Dựa trên kết quả bốc thăm, nhà tôi được nhận căn hộ rộng trên 50m2 nhưng thực tế khi đến tiếp nhận thì diện tích lại hẹp hơn nhiều. Khi phát hiện sự sai lệch chúng tôi đã làm đơn kiến nghị gửi Công ty Quản lý và phát triển nhà yêu cầu xác minh làm lại hồ sơ. Tuy nhiên, đã 6 năm trôi qua lời đề nghị của chúng tôi chưa được giải quyết, còn đề nghị được cấp giấy chứng nhận QSDĐ của người dân vẫn mịt mờ suốt từ năm 2008”.
Theo lời ông Tiến An, người từng giữ vị trí Tổ trưởng Tổ dân phố số 22 thị trấn Cầu Diễn những năm trước cho biết: Trong thời gian qua chúng tôi đã nhiều lần đề nghị Công ty Quản lý và Phát triển nhà xuống làm việc. Lãnh đạo công ty đã ghi nhận những vướng mắc, nhưng đến nay mọi việc vẫn rơi vào ngõ cụt. Việc cấp nhà sai diện tích là trách nhiệm của Công ty Quản lý và Phát triển nhà, trong khi Công ty lại đề nghị các hộ dân tự thỏa nhuận theo kiểu né tránh trách nhiệm. Đối với các hộ dân nhận thừa diện tích, Công ty yêu cầu hoàn trả theo đúng giá thị trường (khoảng 14 triệu đồng/m2), nhưng người dân chỉ chấp nhận trả theo khung giá nhà nước áp dụng năm 2006 là 4,8 triệu đồng/m2.
Ở khu tái định cư Nam Trung Yên, các hộ dân không gặp phải vướng mắc về diện tích sử dụng và hồ sơ gốc. Tuy nhiên, mong muốn được cấp giấy chứng nhận QSDĐ vẫn là vấn đề nan giải. Theo phản ánh của anh Nguyễn Văn Tuấn khu tái định cư Nam Trung Yên, cho đến nay Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội vẫn chưa tổ chức họp để bầu ra Ban quản trị tòa nhà nên rất nhiều quyền lợi của cư dân không được đảm bảo. Các hộ dân mong muốn được cấp giấy chứng nhận QSDĐ theo đúng trình tự quy định, nhưng người dân hoàn toàn không được hướng dẫn, hoặc được giải thích là số hộ chuyển về sinh sống còn ít.
Trước lời kêu cứu của hàng ngàn hộ dân đang sống tại các khu tái định cư trên địa bàn TP. Hà Nội, cuối tháng 9/2012, Thường trực HĐND TP. Hà Nội đã lập đoàn giám sát làm việc với Công ty Quản lý và Phát triển nhà về quyền lợi của các hộ dân thuộc diện tái định cư, đặc biệt là mong muốn được cấp giấy chứng nhận QDSĐ đối với ngôi nhà đang sở hữu. Lãnh đạo Công ty Quản lý và Phát triển nhà thừa nhận hiện có khoảng 4000 căn hộ/gần 10.0000 căn hộ đã được bàn giao cho người dân chưa được cấp giấy chứng nhận QSDĐ. Theo giải thích của Công ty Quản lý và Phát triển nhà, nguyên nhân chính dẫn đến chậm trễ là do các quận, huyện thụ lý giải quyết hồ sơ còn chậm chạp, việc xác định phần diện tích sử dụng chung và riêng chưa rõ ràng.
Thực tế cho thấy, vấn đề sổ đỏ luôn nhận sự quan tâm đặc biệt của bạn đọc và các cơ quan chức năng. Hàng ngàn các ý kiến của người dân, các luật sư được gửi về tòa soạn bày tỏ trăm ngàn nỗi khổ khi đi đi thực hiện quyền lợi chính đáng của mình.
Không ít bạn đọc có kinh nghiệm vượt qua các “cửa ải” trên đã “bật mí” chia sẻ “bí quyết” đến các bạn đọc khác, để công việc làm sổ đỏ của họ được “xuôi chèo mát mái” hơn. Theo gợi ý của nhiều bạn đọc, Dân trí đã mở đợt thăm dò về vấn đề làm sổ đỏ nên được khoán định mức cho các cán bộ phải hoàn thành, thay vì để dân phải đi “xin” cấp sổ đỏ như hiện nay. Tòa soạn đã nhận được tổng số 59.148 ý kiến của bạn đọc, trong đó có 52.389 (89%) ý kiến đồng tình với gợi ý trên; 4.252 (7%) ý kiến không đồng tình; 2.507 (4%) ý kiến khác. |
Theo Dân trí