Định kiến thường khiến chúng ta nghĩ rằng múa cột là một kiểu trình diễn thiếu đứng đắn, không “chuẩn mực”. Nhưng những màn múa cột trong các quán bar hay câu lạc bộ 18+ chỉ là một biến thể xấu xí của bộ môn này. Thực tế, múa cột vừa là nghệ thuật trình diễn độc đáo phù hợp với nhiều độ tuổi, cân nặng và giới tính, vừa đem lại nhiều lợi ích sức khỏe và hình thể. Dĩ nhiên, người tập sẽ phải “đánh đổi” khá nhiều khi theo đuổi bộ môn này.
Múa cột (Pole dance) là một bộ môn rèn luyện sức khỏe và giữ dáng đang chiếm trọn trái tim của phụ nữ trên khắp thế giới. Đó là lý do vì sao môn thể thao đầy thử thách này lại “đốn gục” hàng loạt gương mặt tên tuổi trong showbiz Việt như Quỳnh Nga “Về nhà đi con”, Lan Phương “Nàng dâu order”, Chi Pu, Hoàng Thùy, Angela Phương Trinh, Hồ Ngọc Hà… và các mỹ nhân “xứ sở kim chi” như Ji Yeon (T-ara), GaIn (Brown Eyed Girls), EunBin (CLC), Yuju (GFRIEND),…
Xu hướng thể thao giải trí phổ biến nhất
Múa cột được xem là một loại hình nghệ thuật với sự kết hợp hoàn mĩ của khiêu vũ và thể thao. Nó đòi hỏi người tập phải thực hiện các động tác bằng tất cả bộ phận trên cơ thể xoay quanh đạo cụ là một chiếc cột. Đối với những phụ nữ hiện đại, bộn bề với công việc, thường dành hàng giờ ngồi ở văn phòng thì môn thể thao này vô cùng hữu ích.
Không chỉ giúp bạn tập luyện các vùng cơ ở ngực, eo, mông, chân và cánh tay, múa cột còn giúp tăng cường sức mạnh, sự uyển chuyển, dẻo dai, vẻ đẹp hình thể. Hầu hết các động tác là sự kết hợp của nhiều kỹ thuật múa ba lê, múa bụng, nhảy tango và thể dục dụng cụ, thậm chí các điệu nhảy hiện đại cũng được đưa vào các bài tập. Các động tác đòi hỏi kỹ thuật, sự tập trung và biểu diễn chuẩn xác chứ không chỉ đơn giản là phô diễn hình thể như nhiều người vẫn nghĩ.
Để phù hợp với nhu cầu luyện tập của từng người, môn thể thao này được chia thành 3 phong cách khác nhau: múa cột rèn luyện sức khỏe (tập trung vào việc rèn luyện thể chất, giữ dáng, giảm cân; vì vậy nó chú trọng vào kỹ thuật và các màn nhào lộn nhiều hơn), múa cột nghệ thuật (tập trung vào biểu cảm, âm nhạc, sự sáng tạo các điệu nhảy để phù hợp với câu chuyện và nhân vật mà mình muốn kể) và múa cột gợi cảm (đòi hỏi người tập phải thể hiện được sự thu hút và gợi cảm trong từng bước nhảy).
– Đốt cháy lượng calories thừa trong cơ thể (từ 250-300 calories trong 30 phút tập)
– Giúp giảm cân khi kết hợp cùng các bài tập đốt mỡ khác.
– Giải phóng cảm xúc, giảm stress và lo âu trong cuộc sống.
– Sở hữu vóc dáng cân đối, khỏe khoắn.
– Cải thiện hệ xương khớp.
– Phát triển cơ lưng và cơ bụng giúp phụ nữ sinh con thuận lợi, ít đau đớn hơn.
– Điều hòa nhịp tim và giúp tuần hoàn máu tốt hơn.
– Tăng cường trí nhớ và tránh tránh đãng trí khi về già.
– Có giấc ngủ chất lượng hơn.
Múa cột có phải là một thể thao nguy hiểm và khó tập?
Tập múa cột sẽ nguy hiểm nếu bạn không tuân theo sự hướng dẫn của giáo viên, hoặc tự tập một mình khi chưa có đủ trình độ và kỹ thuật để tự kiểm soát cơ thể, cũng như không thể lường trước những hậu quả dẫn đến chấn thương. Thời gian đầu tập luyện, bạn sẽ thường xuyên bị đau nhức do dùng nhiều sức và có nhiều vết bầm tím ở chân do phải ma sát với cột. Tuy nhiên, sau khi đã làm quen với múa cột, thì đây không còn là vấn đề đáng lo nữa. Bên cạnh đó, độ khó của bộ môn này sẽ tùy vào nền tảng thể lực của mỗi người.
Những người chưa hề tập luyện qua bất kỳ môn thể thao nào, không có nền tảng vận động dĩ nhiên sẽ gặp phải nhiều khó khăn hơn. Bạn cần phải mất nhiều thời gian hơn để vừa làm quen với cường độ tập luyện, vừa rèn luyện thêm sức bền. Không chỉ chú ý rèn luyện thể lực, độ bền, độ dẻo dai trước khi tập mà người tập còn phải biết cách kiểm soát, siết cơ ở hầu như tất cả các bộ phận trên cơ thể nếu muốn thành thạo bộ môn này.
Tùy vào thể lực, huấn luyện viên sẽ tư vấn cho mỗi người những kiểu bài tập phù hợp, đồng thời gợi ý thêm các bài tập thể thao bổ trợ khác (nếu cần). Nói một cách khác, chỉ cần có sự kiên trì, quyết tâm, nhẫn nại và vượt qua cơn đau ban đầu, bạn sẽ có thể chinh phục được bộ môn này. Một lưu ý nhỏ với những người mắc các bệnh xương khớp và cột sống là hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi quyết định “làm bạn” với cây cột.
– Khởi động: các động tác căng cơ, một số tư thế khiêu vũ sử dụng tay, chân xoay vòng bên cột.
– Nhạc: lựa chọn bài hát phù hợp với trình độ để không bị quá sức.
– Trang phục: thoải mái, gọn gàng (ví dụ: áo bó sát và quần thun bó ngắn).
– Giày: đế mềm, đế phẳng hoặc giày múa ba lê.
– Phụ kiện: tháo ra để tránh bị thương trong quá trình luyện tập (như nhẫn, lắc tay, vòng cổ, khuyên tai,..)
– Không sử dụng: kem dưỡng ẩm, các chất gây trơn (vì nó có thể khiến bạn khó bám vào cột).