Hàng chục nhân khẩu đối mặt nguy cơ mất nhà ở phường Bách Khoa - Tạp chí Đẹp

Hàng chục nhân khẩu đối mặt nguy cơ mất nhà ở phường Bách Khoa

Tin Tức

Là đại diện của 6 hộ dân với hàng chục nhân khẩu đang sinh sống ở khu đất giáp ranh ĐH Bách Khoa và ĐH Xây Dựng trên phố Trần Đại Nghĩa, bà Vũ Thị Phước phản ánh: Ban Giám hiệu trường ĐH Bách Khoa đã ban hành các văn bản, thông báo và đơn tố cáo sai thực tế khiến hàng chục nhân khẩu rơi vào cảnh sống tạm bợ trong những ăn hộ ẩm mốc.Từ khi đường Trần Đại Nghĩa hoàn thành từ năm 2007 đến nay, trường ĐH Bách Khoa liên tục yêu cầu 6 hộ dân đang sinh sống ổn định rời đi nơi khác với lý do phần đất này thuộc diện tích quản lý của nhà trường, mặc dù UBND quận Hai Bà Trưng và nhiều cơ quan chức năng của TP. Hà Nội đã có ý kiến chỉ đạo cần xây dựng phương án bồi thường, tái định cư theo quy định pháp luật.
 
Đơn đề nghị bà Vũ Thị Phước gửi đến các cơ quan chức năng
Đơn đề nghị bà Vũ Thị Phước gửi đến các cơ quan chức năng

Đơn kiến nghị của các hộ dân cho biết, phần đất 6 hộ gia đình đang sử dụng có nguồn gốc thuộc Trung tâm Hỗ trợ phát triển khoa học kỹ thuật – trường ĐH Bách Khoa được thành lập từ năm 1990. Sau khi Trung tâm được thành lập, ĐH Bách Khoa bổ nhiệm ông Võ Trí Hào giữ chức giám đốc Trung tâm, ông Trịnh Văn Tiến (con bà Vũ Thị Phước) giữ chức Xưởng trưởng. Trung tâm có nhiệm vụ nghiên cứu, triển khai sản xuất thực nghiệm hóa chất nên buộc phải có nhà xưởng và chỗ ở cho người lao động. Được sự đồng ý của nhà trường, ông Trịnh Văn Tiến cho xây dựng 130m2 bằng vật liệu khung sắt, mái tôn làm nhà xưởng.

Trong quá trình xưởng hoạt động, ông Trịnh Văn Tiến có tờ trình gửi ĐH Bách Khoa xin phép được lấp phần ao hoang hóa, hố nước đọng phía sau khu xưởng, nằm giáp sông Sét và được nhà trường chấp thuận. Thời điểm các hộ dân tự bỏ tiền san lấp, khu vực này luôn trong tình trạng ô nhiễm nặng bởi nguồn nước phế thải bốc lên từ sông Sét. Đến năm 2000, trường ĐH Bách Khoa yêu cầu Trung tâm trả lại 130 đất ban đầu mở phòng thí nghiệm cho sinh viên. Thực hiện chỉ đạo của trường, Trung tâm đã trả lại toàn bộ diện tích 130m2 ban đầu và hiện phần diện tích này được dùng xây nhà C9.

Sau khi Trung tâm hỗ trợ phát triển khoa học kỹ thuật trả lại đất cho ĐH Bách Khoa, xưởng sản xuất chỉ nằm trên phần đất do ông Tiến và các hỗ dân tự khai hoang hóa năm 1992. Cùng lúc, trường ĐH Bách Khoa cũng cho xây tường rào cao gần 3m ngăn cách phần diện tích các hộ dân đang sử dụng với khuôn viên thuộc quản lý của nhà trường. Hiện phần đất mà 6 hộ dân đang sử dụng vẫn nằm ngoài khuôn viên và được ngăn cách bằng bức tường.
 
Các hộ dân chỉ bức tường ngăn cách giữa trường ĐH Bách Khoa
Các hộ dân chỉ bức tường ngăn cách giữa trường ĐH Bách Khoa
và khu dân cư do 6 gia đình bỏ công sức khai hoang (Ảnh: Ngọc Cương)

Tuy nhiên, mâu thuẫn bắt đầu phát sinh từ khi dự án mở đường Trần Đại Nghĩa hoàn thành, phần đất khai hoang ô nhiễm 6 hộ gia đình sử dụng nằm sau trường ĐH Xây dựng, nằm giáp ranh phần đất của trường ĐH Bách Khoa được ra mặt đường Trần Đại Nghĩa. Cho rằng phần diện tích trên thuộc quản lý của nhà trường, ĐH Bách Khoa liên tục ra thông báo yêu cầu các hộ dân sinh sống tại đây từ năm 1992 trả lại đất, đồng thời có đơn khiếu nại tố cáo gửi đến các cơ quan chức năng của TP. Hà Nội đề nghị xem xét cho thu hồi phần diện tích trên. Việc xảy ra khiếu kiện khiếu nại là nguyên nhân khiến các hộ dân không thể tu sửa dù phần lớn diện tích nhà ở đã xuống cấp và không còn đủ tiêu chuẩn vệ sinh.

Ông Trịnh Văn Tiến cho rằng: “Yêu cầu 6 hộ dân trả lại đất của trường ĐH Bách Khoa là không phù hợp, bởi đất này là công sức khai hoang và cải tạo từ những ao tù nước động ô nhiễm và khu cỏ dại của người dân. Trên thực tế, tại bản đồ hiện trạng thửa đất năm 1996 và 2009 đều thể hiện phần đất các hộ dân sử dụng nằm tách biệt với khuôn viên trường ĐH Bách Khoa và được ngăn cách bằng bức tường do ĐH Bách Khoa xây dựng để tách biệt với các hộ dân. Vào năm 2006, tôi và các hộ dân tại đây có làm các thủ tục xin cấp giấy chứng nhận QSDĐ phần diện tích trên thì mới biết thông tin ĐH Bách Khoa muốn lấy phần diện tích này. Sau khi đường Trần Đại Nghĩa hoàn thành, ĐH Bách Khoa lại làm đơn kiện các hộ dân đã lấn chiếm, trong khi đây là phần đất mồ hôi công sức của chúng tôi cải tạo”.

Nhận được đơn khiếu nại của trường ĐH Bách Khoa, UBND TP. Hà Nội đã chỉ đạo Sở TNMT, Sở Xây dựng, UBND quận Hai Bà Trương, UBND phường Bách Khoa rà soát thực trạng phần diện tích đất mà các hộ dân đang sử dụng. Ngày 14/3/2011, quận Hai Bà Trưng và Sở Xây dựng đã ký văn bản số 252/BC-UBNDHBT.SXD báo cáo chỉ đạo của TP. Hà Nội liên quan đến việc xử lý các công trình sai phép tại khu vực này.
 
Ông Tiến và các hộ dân khẳng định sẵn sàng di dời nếu được bồi thường,
Ông Tiến và các hộ dân khẳng định sẵn sàng di dời nếu được bồi thường,
hỗ trợ tái định cư theo đúng quy định ban hành (Ảnh: Ngọc Cương)

Văn bản số 252 xác nhận: phần diện tích gia đình ông Trịnh Văn Tiến và các hộ dân có nguồn gốc từ đất ao do Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển khoa học kỹ thuật xác nhận đồng ý để ông Tiến xây dựng. Công trình xây dựng của gia đình ông Tiến và các hộ dân nhận chuyển nhượng lại đã xây dựng từ năm 1992, quá trình cải tạo, sửa chữa, trường ĐH Bách Khoa, UBND phường Bách Khoa chưa xử lý kịp thời nên việc đề nghị xử lý công trình theo quy định đối với công trình vi phạm TTXD – ĐT để thực hiện thu hồi đất cho trường ĐH Bách Khoa là không có căn cứ để thực hiện.

Để tiến hành thu hồi của gia đình ông Trịnh Văn Tiến và các hộ dân nhận chuyển nhượng nhà đất, trường ĐH Bách Khoa phải lập dự án đầy tư trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt, có phương án sử dụng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư theo quy định pháp luật hiện hành.

Đại diện các hộ dân đang sinh sống tại đây cho biết người dân sẵn sàng chuyển đi nơi ở khác nếu khu đất này được lấy phục vụ các dự án công ích nhà nước, nhưng cần phải đưa ra mức bồi thường, hỗ trợ tái định cư phù hợp theo quy định của TP. Hà Nội, vì đây là nơi ở duy nhất của các hộ gia đình. Đưa ra văn bản yêu cầu thu hồi theo kiểu “thu trắng” mà trường ĐH Bách Khoa đưa ra là xâm hại quyền lợi chính đáng của công dân.

Theo Dân trí

Thực hiện: depweb

22/11/2012, 23:30