Hàng cấm tuồn qua cửa khẩu - Tạp chí Đẹp

Hàng cấm tuồn qua cửa khẩu

Tin Tức

Hàng cấm “mang tên” đậu nành

Gần đây, lực lượng hải quan liên tục phát hiện các vụ buôn lậu, vận chuyển lậu ngà voi rất táo bạo, tang vật vi phạm lên đến hàng tấn. Theo ông Vũ Hoàng Đồng, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cảng Sài Gòn khu vực 4, ngày 30.7, đơn vị này đã phát hiện một vụ nhập lậu ngà voi cực lớn, tang vật vi phạm là 158 ngà voi, trọng lượng lên đến gần 2,5 tấn, chứa trong một container. Trị giá lô hàng khoảng 4,9 triệu USD. Lượng hàng này do Công ty xuất nhập khẩu Thái Minh mở tờ khai là 24 tấn da bò muối có xuất xứ từ Mozambique, trị giá 1,2 tỉ đồng. Do có dấu hiệu khả nghi, Hải quan cảng Sài Gòn khu vực 4 đã đưa vào kiểm tra và phát hiện toàn bộ là ngà voi nhập lậu. Đêm 18.7, Hải quan sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất cũng đã phát hiện 2 hành khách quốc tịch Việt Nam vận chuyển lậu hơn 137 kg ngà voi, tổng trị giá khoảng 217.900 USD, từ Angola qua Kenya, Thái Lan và giao hàng tại TP.HCM. Ông Võ Minh Tuấn, Phó chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1, cho biết: “Có trường hợp chủ hàng khai nhập lô hàng đậu nành nhưng kiểm tra thực tế phát hiện gần 300 kg ngà voi, 2 kg vảy tê tê, một chùm lông đuôi voi”.

Hàng cấm tuồn qua cửa khẩu
Vận chuyển lậu kim cương từ nước ngoài vào TP.HCM bị hải quan ngăn chặn – Ảnh: Hải quan TP.HCM cung cấp

Trước đó, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn 1 đã bắt được 66 ngà voi (trọng lượng 282 kg), 2 kg vảy tê tê (trị giá khoảng 7 tỉ đồng) do Công ty H.S ở Phú Nhuận nhập khẩu. Trong tháng 6, Công an Q.Đống Đa và Trạm Cảnh sát ga Hà Nội đã phát hiện một nhóm người khả nghi, khi tiến hành kiểm tra tại chỗ đã phát hiện hàng chục con tê tê được giấu trong hành lý. Các túi hành lý đều được chèn khoảng 3 – 4 con tê tê, mỗi đối tượng mang theo 2 túi hành lý cồng kềnh với khoảng hơn 30 kg tê tê chứa bên trong. Lực lượng chức năng xác định có 204 kg tê tê được chứa trong 12 túi hành lý này, trị giá khoảng 560 triệu đồng.

Trong khi nhập lậu ngà voi, tê tê thì gỗ là mặt hàng “nóng” về xuất lậu. Cục Hải quan TP.HCM cho biết vừa phát hiện vụ xuất lậu gỗ số lượng cực lớn, trị giá hơn 17 tỉ đồng. Lô hàng chứa trong 16 container, doanh nghiệp khai hàng xuất là quần áo nhưng chỉ có 1 container áo quần, 15 container còn lại là gỗ giáng hương, thuộc hàng hạn chế khai thác, thương mại. Tương tự, Công ty Hồ Nam (P.Bình Trị Đông, Q.Bình Tân) xin mang container 15,4 tấn gỗ tràm hoa vàng ra khỏi cảng vì lý do phía nước ngoài gặp khó khăn trong thanh toán nên không thể giao hàng nhưng  lại đóng bên trong toàn gỗ sơn huyết, thuộc danh mục hàng cấm xuất khẩu. Tháng 7 vừa qua, Hải quan TP.HCM cũng đã phát hiện Công ty Nhất Tâm mở tờ khai hải quan, khai xuất lô hàng hơn 17 tấn thạch dừa hỗn hợp ép khô sang Malaysia nhưng kiểm tra thực tế phát hiện toàn bộ là gỗ nguyên khối.

Siêu lợi nhuận

Một lãnh đạo Cục Hải quan TP.HCM cho biết các thủ đoạn vận chuyển hàng cấm luôn ngụy trang dưới những mặt hàng ít gây chú ý, thuế suất rất thấp như cá khô, giấy vụn, gỗ vụn, gỗ xẻ. Sau đó vận chuyển lòng vòng từ cảng này sang cảng khác nhằm tránh sự chú ý của cơ quan chức năng nước sở tại. Các cảng biển lớn ở Việt Nam như Hải Phòng, Cái Lân, TP.HCM được xác định là điểm tập kết đường biển và đích đến cuối cùng là Trung Quốc. Việc lợi dụng khai báo, làm thủ tục hải quan để “qua mặt” cơ quan chức năng nhằm buôn lậu, trốn thuế cũng hết sức phức tạp. Đơn cử như việc cất giấu ngà voi vào thùng sắt hàn kín rồi để lẫn vào các bao ngô, đậu tương; hay vảy tê tê để lẫn trong các bao cá đông lạnh… để che mắt cơ quan chức năng.

Hàng cấm tuồn qua cửa khẩu
Ma túy bị Hải quan TP.HCM phát hiện – Ảnh: Hải quan TP.HCM cung cấp

Trên thế giới, hiện chỉ có 2 nước được phép nhập khẩu ngà voi là Trung Quốc và Nhật Bản. Đây cũng là 2 thị trường lớn nhất tiêu thụ loại hàng này. Trong đó, Việt Nam là điểm trung chuyển hết sức thuận lợi. Theo ước tính của Traffic, tổ chức chuyên theo dõi việc buôn bán động vật hoang dã quốc tế, mỗi năm có khoảng 4.000 tấn sản phẩm từ động vật hoang dã bất hợp pháp và không rõ nguồn gốc được trung chuyển qua Việt Nam. Sở dĩ buôn lậu ngà voi ngày càng tăng là vì lợi nhuận lớn. Cách đây hơn 10 năm, giá ngà voi chỉ khoảng 90 – 100 USD/kg, nhưng hiện tại đã tăng gấp hàng trăm lần. Tại Tokyo, Nhật Bản, những cặp ngà khảm được bán không dưới 130.000 USD. Một cặp ngà voi có trọng lượng khoảng 7 kg có giá khoảng 5.600 USD. Với mức giá cao như vậy, các hoạt động săn bắn voi trái phép đang diễn ra ngày càng nhiều với những thủ đoạn tinh vi. Đại diện Tổ chức Traffic cho biết các đường dây chính buôn lậu ngà voi là từ châu Phi đến châu Á, trong đó các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á như Malaysia, Campuchia, Việt Nam là những khu vực đóng vai trò trung chuyển chính trong đường dây này, bởi đây là một trong những địa điểm thuận lợi trong hải trình từ châu Phi sang các thị trường Trung Quốc và Nhật Bản.

Uớc tính số vụ buôn bán trái phép bị phát hiện, bắt giữ chỉ chiếm khoảng 10% tổng số vụ buôn bán trong thực tế, còn 90% là… lọt lưới. Các vụ vi phạm hầu hết đều chỉ xử lý hành chính, một số vụ việc số lượng tang vật thu giữ đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng không chứng minh được các đối tượng, đến nay mới khởi tố điều tra một vụ và đề nghị truy tố một đối tượng. Kể cả sau khi tịch thu được, việc xử lý số lượng ngà voi này cũng rất phức tạp vì chủ nhân lô hàng… biến mất hoặc không hợp tác với cơ quan chức năng.

Theo tính toán của một số tổ chức quốc tế, lợi nhuận từ buôn bán động vật hoang dã hiện nay ngày càng gia tăng, giá trị ước tính từ 5 – 20 tỉ USD mỗi năm, đứng thứ hai chỉ sau buôn bán ma túy. Trong đó, nạn buôn lậu trái phép ngà voi đang diễn ra phức tạp và ngày càng lan rộng. Traffic cho biết 2011 là năm có số lượng ngà voi bị thu giữ nhiều nhất từ trước đến nay, nhiều hơn bất kỳ năm nào kể từ năm 1989, khi lệnh cấm buôn ngà voi được ban hành để cứu loài voi khỏi cảnh tuyệt chủng. Các chuyên gia cho rằng tệ nạn buôn bán ngà voi gia tăng cho thấy nhu cầu tại châu Á cao và mức độ ngày càng tinh vi của các băng đảng tội phạm tiến hành buôn lậu sản phẩm này. 

Theo Thanh Niên

Thực hiện: depweb

04/08/2012, 09:00