Hằng Artdoll: Muốn lan tỏa cảm giác hạnh phúc đi khắp nơi - Tạp chí Đẹp

Hằng Artdoll: Muốn lan tỏa cảm giác hạnh phúc đi khắp nơi

Sao

Mỗi tác phẩm của Trần Thu Hằng là những khám phá nho nhỏ về đời sống, về con người, và được kể lại trong những chi tiết bé xinh. Càng nhìn tác phẩm của chị càng thấy đáng yêu. Và nữ tính vô cùng!

Hằng Artdoll

Nghệ thuật cần gì phải gắn với những điều to tát

– Tôi có đọc nhiều bài viết về chị. Nhìn chung các bài viết không có gì khác nhau, họ viết rằng chị muốn chơi…

– … Và họ cũng nói rằng tôi đang chơi như một đứa trẻ con chơi đồ hàng, rồi mọi người thấy đồ chơi của tôi đáng yêu quá, vậy là tôi thành công phải không? Tôi thấy đây là một cái nhìn khá đơn giản. Thật ra, khi làm tác phẩm, nếu mình đủ yêu nó, dồn đủ tư duy, đủ mỹ thuật thì dù là cỏ rác cũng là nghệ thuật, chứ không phải tôi là đứa trẻ con gặp may, mọi thứ đến một cách tự nhiên.

Có những điều tôi chiến đấu trong nó, nhưng vì chiến đấu trong sung sướng, trong hạnh phúc nên tôi không coi là chiến đấu. Ví dụ như tôi cũng phải lặn lội trong một con đường mới, rồi phải lập nghiệp khó khăn, phải làm những việc khác để nuôi sống nghệ thuật của mình… đó là những trận chiến của tôi đấy chứ?

– Bảy năm làm búp bê, chị đã thay đổi thế nào?

– Có vẻ búp bê cũng lớn dần theo tư duy của tôi. Những ngày đầu tiên làm búp bê, tôi muốn diễn tả lại những ký ức sống nung nấu trong lòng, tôi muốn kể lại tuổi thơ với sự ngọng nghịu và không sợ hãi nhất. Lúc đó, búp bê có hồn nhưng còn nguyên những thô ráp. Giai đoạn thứ hai, tôi đã có tay nghề hơn, bắt đầu để ý chi tiết kỹ hơn, nhưng lúc đó cảm xúc bị nhạt. Tác phẩm lúc đó ảm đạm hơn, không còn màu sắc rực rỡ và sự ngô nghê như trước. Sau đó tôi tạm dừng, chỉ làm những búp bê đặt hàng và tiếp tục đào sâu học hỏi.

Gần đây, mới năm ngoái, tôi làm một con búp bê gỗ, bản thân tôi cảm thấy có bước nhảy vọt, tác phẩm vừa có độ sâu, vừa mềm mại, sống động hơn, và tôi làm ra nó cũng đơn giản hơn, giống như mình đã làm chủ được kỹ năng để thể hiện những gì mình muốn. Hành trình với búp bê của tôi có lẽ như thế này: lúc đầu, tôi là một đứa trẻ con làm búp bê, sau đó, tôi giống như người lớn nhìn về trẻ con nhưng không tự nhiên. Bây giờ, tôi làm búp bê là làm về chính tôi.

– Tôi thấy mọi thứ chị làm đều có phảng phất tinh thần Nhật Bản trong đó…

– Có thể vì tôi rất thích nước Nhật, văn hóa Nhật chăng? Tôi thích cảm giác trong trẻo ấy. Tôi thích sự kìm nén (kìm nén cảm xúc trong con người) Nhật Bản, tôi nhìn thứ gì cũng thấy đẹp, cái đẹp tinh giản, thanh tao, chắt lọc tuyệt đối, lắng đọng chứ không phô bày, nghệ thuật có mặt ở từng chi tiết nhỏ trong cuộc sống của họ.

Nhưng với tôi, giống cái gì cũng không quan trọng lắm, vì ai cũng vậy, có cố gắng bắt chước đến mấy đi chăng nữa thì cũng không trở thành người khác được.

– Sau khi đi thiền về, chị có thay đổi gì trong sáng tạo không?

– Có. Từ sau đó, tôi thấy sao nghệ thuật đơn giản thế! Như khi làm một khối vuông, đen, phẳng phiu này, tôi tạo hình nó giống như một cục thạch, gợi cảm giác mát mẻ, trong lành, và tôi đặt tên nó là Mùa Hè. Hay như những con cá vàng này, chúng làm tôi nhớ hồi bé hay đi mua cá, 500 đồng một con, bỏ trong túi ni lông bé xíu. Bản thân mỗi vật đều gợi cảm giác, đều đã là nghệ thuật rồi, đâu cần phải gắn thêm tư tưởng to tát.

Hằng Artdoll

Không thể mãi làm con bé ngồi gọt gỗ

– Bây giờ chị không muốn làm búp bê nữa à? Từ 2011 đến  giờ không thấy chị có triển lãm cá nhân về búp bê.

– Thực sự tôi đang chờ đợi một cái gì gây hứng thú cho tôi đến mức không làm không chịu được. Có thể những thứ đó điên rồ, ngông cuồng, nhưng phải thuyết  phục được chính tôi. Tôi quan điểm làm nghệ thuật phải để cho mình hạnh phúc trước đã, chứ không phải để lấy những tiếng khen. Tôi phải tôn trọng cảm xúc của mình trước.

Tôi từng nghĩ mình chỉ làm được búp bê thôi – những thứ bé xinh, nhưng rồi tôi thay đổi quan niệm: nghệ thuật không nên bó hẹp, gói gọn trong một hình thức nào cả, mình nên thử sức để được chơi và phát triển hơn. Chứ mãi mãi tôi chỉ là một con bé con ngồi trong góc gọt gỗ thì cũng không nên.

– Tôi thì thấy mỗi lần thay đổi chất liệu, chị sẽ rất vất vả. Ví dụ như những khám phá của chị với gỗ sẽ không có ý nghĩa khi chị bắt đầu với chất liệu khác.

– Nhưng tại sao tôi lại phải quan tâm tới việc có ý nghĩa hay không? Vì tôi làm nghệ thuật là tôi đang chơi, có bao giờ bạn thấy cực nhọc với việc làm quen với một trò chơi mới đâu? Tất nhiên, cách chơi của tôi cũng không đơn giản là chơi trò của trẻ con. Tôi đã chơi là phải chơi đến cùng, phải có ý thức tuyệt đối về những gì mình đang chơi. Tôi phải làm búp bê kỹ tới mức chính bản thân tôi cũng phải sung sướng, trầm trồ với nó. Có nhiều thứ càng nhìn mình càng thấy lộ ra cái xấu, nhưng có những thứ càng nhìn mình càng thích thú vì có nhiều thứ để nhìn. Tôi muốn đẩy tác phẩm của mình tới mức không thể làm gì thêm được nữa.

– Hoặc có thể áp dụng kinh nghiệm 10.000 giờ – như một nghiên cứu đã kết luận rằng thứ để phân biệt một nghệ sĩ đỉnh cao với những người khác chính là anh ta đã làm việc chăm chỉ đến đâu. Hay nói như Haruki Murakami, cứ tiếp tục đào giếng thì mạch nguồn sáng tạo sẽ chảy.

– Tôi không có nhu cầu trở thành một người chuyên nghiệp. Nếu cứ đào mãi thì tôi sẽ có cảm xúc, có hứng thú để làm việc, nhưng tôi cũng có một phương châm khác: không trở thành người chuyên nghiệp, vì đằng sau nó luôn có cảm giác của một người thợ. Tức là làm nhiều, làm quen, tay mình sẽ trở nên rất “khôn”, tôi biết nhấn vào chỗ này thì mọi người sẽ thích, chọn màu này đi với màu này thì sẽ nịnh mắt…

Tôi luôn muốn bước vào cảm giác thử thách, mới mẻ, và chính việc phải đánh vật với công việc, phải làm hỏng liên tục mới mang đến cảm giác kích thích.

– Vậy là chị đã đủ mạnh để không còn bị ảnh hưởng bởi khen chê nữa?

– Sở thích đặc biệt của tôi là không bao giờ cho ai xem tác phẩm, từ khi nó mới chỉ là một khúc gỗ. Sau khi tác phẩm đã hoàn thành, mọi người có quyền nhận xét, lúc đó tôi có thể tiếp nhận ý kiến nếu thấy đúng. Tất nhiên, khi tác phẩm được triển lãm, tôi thích mọi người khen, và tôi cũng buồn khi mọi người không thích, nhưng việc đó chỉ có ý nghĩa cộng thêm thôi.

– Đó là vì tác phẩm của chị vẫn tìm được đồng cảm.

– Có những người bạn cảm thấy tôi có một bước nhảy vọt, nhưng có nhiều người thì bảo: Cái này nghệ thuật ở chỗ nào? Đẹp ở chỗ nào? Tôi không quan tâm tới mọi người đến mức như thế. Tôi sẵn sàng nhận lời chê, sẵn sàng bị cô lập, thậm chí, từ nhỏ đến lớn tôi sống trong sự cô lập mà không hề biết mình bị cô lập. Bây giờ được mọi người thích, đi đến đâu cũng có người biết thì tôi lại thấy ái ngại, mất đi sự tự nhiên.

Tôi chỉ muốn âm thầm làm việc mình thích. Tôi chỉ muốn cảm giác hạnh phúc lan tỏa đi, chứ tôi không nghĩ rằng nghệ thuật của mình có gì cao siêu. Càng bước đi, tôi càng thấy mỗi con người đều có nhiều điều rất hay, dù nghe câu này thật sáo rỗng.

Hằng Artdoll

Tại sao phải xa xỉ hóa niềm vui?

– Làm nghệ thuật là hạnh phúc của chị. Vậy có khi nào chị sáng tạo khi buồn không?

– Có lẽ do quan niệm, tôi không thích nghệ thuật mang lại cho người ta cảm giác u ám. Có thể tôi luôn nghĩ tiêu cực, nhưng trong nghệ thuật, tôi muốn mang lại cho người xem cảm giác có chút le lói hạnh phúc, lung linh, lấp lánh, là sự ấm áp chứ không phải mệt mỏi. Chính vì thế, tôi biết nghệ thuật của tôi không mạnh như của người khác ở đường nét, màu sắc, mà mạnh nhất ở cảm xúc.

Thêm nữa, khi làm việc, đầu óc tôi tập trung 100% vào tác phẩm, tôi ăn cơm tại chỗ, bát cơm để ngay bên cạnh, cả một ngày không đứng lên, nếu mệt quá thì nằm lăn ra đất để ngủ. Tôi rất hạnh phúc như mình được thưởng thức tác phẩm của mình, trước khi biến nó thành hiện hữu cho mọi người xem, nên tôi không thể bị phân tán bởi nỗi buồn được.

– Tôi thì đang nghĩ rằng chị cần gì phải đi thiền ở đâu. Chị đang thiền khi sáng tạo còn gì?

– Nó giống một dạng thiền động, như có gì đó ùa về, mình được sống với cảm giác tràn ngập mọi thứ trong lòng, không còn bận tâm tới những gì xung quanh nữa. Tôi chỉ nhìn thấy một thứ tuyệt đối là tác phẩm thôi.

Tôi nghĩ cuộc sống rất đơn giản, tôi chẳng cần ép mình làm gì, giống như đói thì ăn mà buồn ngủ thì đi ngủ. Nhu cầu tự nhiên của tôi cũng thế, khi nào muốn sáng tạo thì tôi sáng tạo.

– Tôi từng thấy nhiều nghệ sĩ bức bối với không gian sáng tạo này, họ cảm thấy không được tự do. Chị thì sao?

– Có thể vì tôi thích những thứ quá nhỏ bé và quá đỗi bình thường nên tôi có bao giờ gặp giới hạn trong sáng tác đâu. Có nhiều người nhìn thấy nghệ thuật trong cái bức xúc và họ lên tiếng, đó là thiện ý của họ, còn tôi, tôi chỉ quan tâm đến con người, tới khía cạnh tâm lý của con người, để giúp họ hạnh phúc, chứ tôi chẳng làm điều gì to tát.

Nghệ thuật của phụ nữ, tạng của phụ nữ thường là những thứ nhỏ xinh, dễ đồng cảm, mấy khi phụ nữ làm những thứ to tát khủng khiếp. Ít khi tôi thấy phụ nữ chạm trần lắm. Nhưng tôi thích nghệ thuật của phụ nữ – mềm mại, dung dị và gần gũi.

Tiếng nói của phụ nữ tồn tại lâu vì ai cũng chạm đến và không ai từ chối, nhưng cũng có thể vì nó giản dị quá mà chẳng ai để ý thôi.

– Vậy theo quan niệm của chị, nghệ thuật của chị là việc đem những niềm vui nho nhỏ vào cuộc sống?

– Có người phải mua được cái gì rất hoành tráng mới thấy vui, còn như tôi, có khi chỉ thu hoạch một củ khoai con con là tôi cũng rất vui rồi. Tại sao mọi người cứ phải xa xỉ hóa niềm vui của mình? Sống và cảm nhận những vẻ đẹp bé xíu, tôi nghĩ chẳng cần phải theo đuổi những gì không tưởng. Bản thân tôi đôi khi cũng mơ hồ, cũng muốn làm cái gì bứt phá để có cảm giác mạnh, nhưng khi tĩnh tâm lại, tôi có thể cảm nhận những niềm vui nho nhỏ xung quanh mình.

http://tranthuhang.com/
www.facebook.com/artdolltranthuhang

 

  Chuyên đề: Made in Vietnam

 

Chuyên đề: Made in Vietnam

Tháng 4/2013, Đẹp thực hiện chuyên đề “Made in Vietnam” giới thiệu những gương mặt, những sản phẩm đầy sáng tạo của trí tuệ Việt. Đó vừa như một sự tự hào, vừa là lời khuyến khích những khối óc tư duy. Trong đó là những nhà thiết kế thời trang trẻ xây dựng thương hiệu theo định hướng chuyên nghiệp, những nhà thiết kế mỹ thuật đã nhận giải thưởng quốc tế danh giá, những thanh sô cô la được hai người nước ngoài thực hiện tại Việt Nam, với nguyên liệu hoàn toàn Việt Nam, và nay đã có mặt trong các menu tại các nhà hàng danh tiếng trên thế giới. Đó có thể là những sáng kiến nhỏ nhưng dựng thành một thương hiệu được ưa chuộng, như những chai sữa tươi được gửi tận tay người dùng với dòng nhắn gửi được viết bằng tay; đó cũng có thể là thương hiệu truyền thống từ đời này sang đời khác, được thế hệ trẻ dùng kiến thức và tư duy mới cải tạo thành một thương hiệu hiện đại…

Chuyên đề đó đã nhận được sự đón nhận đầy tự hào của đông đảo bạn đọc. Và đó chính là lý do để Đẹp một lần nữa, giới thiệu chuyên đề “Made in Vietnam” với những gương mặt sáng tạo đầy kiên định như một cách làm dầy thêm niềm tự hào Việt.

Đó có thể là một gương mặt mới trẻ trung đầy tiềm năng, nhưng cũng có thể là những ngành nghề thủ công mỹ nghệ hàng trăm năm tuổi như nghề vàng bạc trang sức, kết hợp cùng tư duy sáng tạo và thẩm mỹ độc đáo của các nhà thiết kế trẻ để tạo nên thương hiệu trang sức đầy tinh tế, mang theo giá trị của niềm kiêu hãnh “Made in Vietnam” như PNJ.

Mời bạn cùng bước vào thế giới của những tư duy, khối óc Việt.

– Dragon Shoes
– Mekong Quilts
– Bandit9
– Desino – Tình yêu cho từng tấm da đẹp
– Bò sữa
– Tò he
– Jelly Ear
– Work Saigon
– Printopia
– Hằng Artdoll: Muốn lan tỏa cảm giác hạnh phúc đi khắp nơi
– Gốm Amaï
– PNJ: Name card  “vàng” của Việt Nam

Tổ chức: Vũ Thủy –  Ý tưởng: Hà Đỗ
Sản xuất: Hellos
Ảnh: Ngô Nhật Hoàng – Mỹ thuật: Johnny Mạch

 Bài: Linh Hanyi – Ảnh: Tuấn Anh (Lieta Studio) – Sắp đặt: Phan Linh – Trợ lý: Lê Lai


logo

Thực hiện: depweb

15/07/2014, 16:26