“Hàn hóa” – Kỳ tích từ cổ tích dành cho người lớn

Chẳng cần phải đợi tới lúc Kim Soo Hyun lên kế hoạch sang Việt Nam quảng cáo cho một hãng mỹ phẩm và khiến giới trẻ háo hức ngóng đợi nhiều tháng trời; từ trước đó rất lâu, những thông tin như phim “Vì sao đưa anh tới” đạt hơn 2 tỉ lượt người xem tại Trung Quốc, kênh truyền hình StarWorld của Mỹ có hẳn một chương trình K-style hướng dẫn cách ăn mặc, trang điểm như sao Hàn; hay chuyện 90% sinh viên đăng ký vào chuyên ngành Hàn Quốc học tại trường ĐHKHXH&NV Tp.HCM là do đam mê âm nhạc và phim ảnh Hàn Quốc… cũng giúp những độc giả của Đẹp Online phần nào hình dung sức mạnh của làn sóng này.

Chùm bài “Câu chuyện kỳ tích Hallyu” của mục Giải trí, Đẹp Online không tham vọng có cái nhìn toàn cảnh về sức mạnh kỳ diệu của làn sóng Hallyu, nhưng muốn nhấn mạnh rằng Hallyu thành công chính là sự cộng hưởng của tư tưởng, tri thức và văn hóa đại chúng.

Các bài viết trong chuyên đề:

–    “Hàn hóa” – Kỳ tích từ cổ tích dành cho người lớn
–    Kim Soo Hyun – anh đến Trái đất để làm vui lòng các cô!
–    Những bong bóng từ làn sóng Hallyu
–    Alice ở xứ sở củ sâm
–    Chạy trời không khỏi làn sóng

Tổ chức: Đinh Phương Linh

Hiện nay, người dân Hàn Quốc không chỉ có niềm tự hào của một con rồng châu Á, mà họ còn tự hào nhắc đến sự trỗi dậy của một trào lưu, mới xuất hiện từ đầu thế kỷ 21 nhưng sức lan tỏa nhanh chóng không kém gì kỳ tích về kinh tế, đó là cuộc xâm lấn của văn hóa Hàn ra khắp khu vực và trên toàn thế giới, hay còn được gọi tên là “Làn sóng Hallyu”.

Cơn sóng này mạnh mẽ đến mức đã trở thành một trong những công cụ mang lại nguồn thu ngoại tệ khổng lồ đóng góp vào tổng thu nhập quốc dân của quốc gia này. Điều gì đã làm nên sức mạnh cho “Cơn sóng Hallyu”’ để một lần nữa người Hàn làm cho cả thế giới kinh ngạc vì những điều kỳ diệu mà họ có thể tạo ra?

***

Thời điểmnăm 1995, sau 40 năm, Hàn Quốc đã trở thành một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới. thu nhập bình quân đầu người ở Hàn Quốc là 10.000USD. Thu nhập cao, tất yếu dẫn đến nhu cầu về giải trí, văn hóa của người dân cũng trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Thời điểm đó, châu Á đang bị chiếm lĩnh bởi các làn sóng văn hóa từ Nhật Bản, Trung Quốc và Đài Loan.

“Vì sao đưa anh tới” – bộ phim thu hút hơn 2 tỉ lượt người xem ở Trung Quốc 

Mặc dù Trung Quốc chiếm lĩnh mảng điện ảnh cổ trang với hàng trăm bộ phim lớn nhỏ về các triều đại lịch sử, Nhật Bản chiếm lĩnh mảng truyện tranh và các bộ phim truyền hình dài tập mà nổi tiếng nhất tại Việt Nam là “Osin” (chiếu tại Việt Nam năm 1994); nhưng nói về độ lan tỏa mạnh mẽ nhất bấy giờ phải nói đến làn sóng văn hóa Đài Loan mà tiêu biểu nhất là âm nhạc và phim thần tượng.

Nhìn vào những tấm gương của Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan và Hong Kong đi trước, chính phủ Hàn Quốc thấy rằng đây đều là những quốc gia đã rất thành công khi kết hợp được yếu tố thời đại và truyền thống, phát triển văn hóa của chính dân tộc mình, có tiếp thu chọn lọc các yếu tố văn hóa tiến bộ của các dân tộc khác. Và đó chính là lựa chọn của Hàn Quốc khi bắt đầu con đường phát triển để xuất khẩu văn hóa.

Chủ trương “bành trướng” về văn hóa bài bản này của Chính phủ Hàn Quốc chính là một trong những đại diện thành công cho thuyết “quyền lực mềm” ra đời năm 1990 của học giả Mỹ Joseph Nye, và cũng là nguyên nhân chính tạo ra sức mạnh cho cơn sóng Hàn càn quét ngày càng mạnh mẽ trên toàn thế giới.

Có thể nói rằng ít quốc gia nào trên thế giới lại có hệ thống đào tạo “sao” bài bản như Hàn Quốc. Tại quốc gia này, mọi tài năng muốn tỏa sáng thường phải trải qua quá trình định hướng và rèn luyện ngay từ nhỏ. Có lẽ không cần phải nói nhiều tới những khổ luyện khắc nghiệt mà những đứa trẻ Hàn Quốc phải trải qua nếu muốn trở thành ngôi sao, nhưng một khóa đào tạo như thế thường kéo dài tới 2-7 năm, và do đó, các ca sĩ, diễn viên, người mẫu… khi ra mắt công chúng đã được chuẩn bị kỹ càng tất cả các yếu tố cần thiết để trở thành người đa tài, có khả năng tỏa sáng trên nhiều lĩnh vực, một hình mẫu hoàn hảo và chuẩn mực để người hâm mộ theo đuổi. Ngoài ra, các công ty quản lý của Hàn Quốc còn đại diện cho ngôi sao của họ trong mọi hoạt động, mọi phát ngôn, mọi sản phẩm văn hóa, thể hiện sự chuyên môn hóa rõ nét , nhờ đó, ngôi sao của họ sẽ có khả năng tập trung vào việc tiếp tục rèn luyện và cho ra đời nhiều sản phẩm văn hóa tốt hơn nữa.

Sự lan tỏa nhanh chóng của công nghiệp điện ảnh Hàn cũng không chỉ đến từ trình độ làm phim đã đạt tới mức cao không kém bất kỳ một sản phẩm của Hollywood nào, mà một phần còn do nội dung đa dạng, phù hợp với nhiều đối tượng khán giả khác nhau. Từ tình cảm lãng mạn đến hành động, điều tra, từ phim tâm lý đến phim kinh dị, từ thực tại xã hội đến giả tưởng không gian… đều là những đề tài đã được khai thác triệt để trên màn ảnh lớn, nhỏ của đất nước này. Nhưng dù là thể loại nào, điện ảnh Hàn Quốc đều hướng đến những giá trị gần gũi nhất với tất cả mọi người xem, đó là sự lãng mạn, lòng trắc ẩn,  quyết tâm cao… và tình yêu thương vô bờ bến. Những giá trị này được truyền tải khá bình dị, đan xen trong mọi tác phẩm, chứ không quá nặng nề như phim Âu Mỹ.

Xen lẫn trong các tác phẩm này luôn là các giá trị văn hóa được kết hợp khéo léo trong nội dung phim từ những món ẩm thực lâu đời, đến cách ngồi, cách ăn, cách chào hỏi người lớn, cách cúng bái tổ tiên, các cảnh đẹp, các công trình nghệ thuật…đều được biên tập kĩ càng vào từng câu thoại, từng cảnh quay, để từ đó văn hóa Hàn nhẹ nhàng lên phim, truyền bá đi rộng rãi mà không qua bất cứ một hình thức bắt buộc, cưỡng ép gay gắt nào.

 

Những người đam mê phim Hàn có lẽ không còn xa lạ gì với những mô típ phim làm trái tim bao người thổn thức khi mà anh chàng đẹp trai, giàu có, thông minh, quyền lực, giàu tình cảm, vô cùng chung thủy lại yêu một cô gái nhà nghèo, ngốc nghếch và chẳng có gì nổi bật; hay như chuyện một cô gái kiêu kì có chuyện tình vô cùng lãng mạn với một người ngoài hành tinh có siêu năng lực… Chính những hình mẫu của sự lãng mạn và hoàn hảo đó đã gieo vào trong tâm trí người xem ước mơ về một tình yêu đẹp đẽ và vĩnh cửu, về một cuộc sống xa hoa, một thế giới không có sự phản bội. Đó là lý do để các truyện cổ tích thời hiện đại này kéo người xem sống cùng nhân vật khi họ đang chán nản với cuộc sống đời thường nhàm chán.

Không chỉ có điện ảnh, K-pop ngày nay không chỉ dừng ở các thể loại truyền thống dễ nghe, dễ nghiền như pop, ballad mà còn lan rộng ra rất nhiều thể loại âm nhạc khác vốn được phát triển mạnh ở thị trường Âu Mỹ như rock, rap, hip hop, r&b, funk… Ngành âm nhạc của Hàn Quốc ngày nay tăng mạnh cả về quy mô và chất lượng. Ước tính hiện tại chỉ xét về đối tượng ca sĩ thần tượng, vốn được coi là dẫn đầu làn sóng Hallyu thì Hàn Quốc có trên 244 nhóm nhạc thần tượng (thực tế có thể lên tới 300 nhóm) trực thuộc hàng chục công ty quản lý lớn nhỏ với số lượng bài hát phát hành hàng năm là hàng nghìn bài.

Tuy vậy, điểm đặc biệt nhất phải kể tới hình ảnh mà những thần tượng Hàn xây dựng trước người hâm mộ: luôn xuất hiện với dáng vẻ tuyệt vời nhất, tài năng nhất, nhưng tuyệt nhiên không scandal, không có hành vi trái đạo đức, lúc nào cũng đáng yêu, thân thiện và tuyệt đối trung thành với fan. Vì thế, họ nghiễm nhiên trở thành hình mẫu lý tưởng để các fan mơ ước và khao khát có được. Bên cạnh đó, hình mẫu của sự nỗ lực đạt tới thành công của các ca sĩ khi họ cắn răng chịu đựng sự luyện tập hà khắc suốt 5-7 năm trời để đạt được ước mơ và đam mê của mình, tạo động lực cũng như khơi dậy lòng trắc ẩn của những fan hâm mộ, khiến cho họ thêm trân trọng, ca ngợi thần tượng, cố gắng học tập theo để theo đuổi đam mê của chính mình.

Ngoài ra, không thể phủ nhận rằng chính sự phát triển của Twitter, Facebook, Youtube…đã trở thành một công cụ thuận lợi cho việc truyền bá văn hóa Hàn ra khắp mọi nơi trên thế giới với mức chi phí thấp hơn rất nhiều, nhưng lại nhanh chóng hơn tất thảy. Trang Youtube của Đài truyền hình quốc gia Hàn Quốc KBS có trên 1 triệu 100 nghìn lượt theo dõi, hàng ngày nhận được hàng chục nghìn lượt xem từ khắp các nơi trên thế giới. Kênh Youtube của công ty quản lý SM Ent có gần 5 triệu lượt đăng ký với tổng số hơn 1 triệu lượt xem. Hay nổi tiếng nhất là Music Video “Gangnam Style” của Psy trên Youtube đã chính thức đạt 1,9 triệu lượt xem tính đến 15/4/2014. Có thể nói rằng thành công thần kỳ của bài hát này đến từ chính chiếc đũa thần kỳ – công cụ Internet này.

 
Bài: Hoài Phạm


logo


>>> Có thể bạn quan tâm: Sau “Những người thừa kế”bộ phim nổi đình nổi đám chủ yếu nhờ chiến dịch PR rầm rộ và đội ngũ diễn viên thần tượng đông đảo, màn ảnh nhỏ xứ Hàn lại tiếp tục một cơn “bão” nho nhỏ với drama “You Came From The Stars” (Vì sao đưa anh tới).

 

 

Hãy gửi thông tin, bài viết và hình ảnh bạn có cho chuyên mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!

From the same category