“Halabala: Rừng ma tế xác” – Khi ác quỷ đáng sợ nhất chính là lòng người

Điện ảnh Thái Lan từ lâu đã nổi tiếng với thể loại phim kinh dị dân gian, nơi những truyền thuyết ma quái là sự kết hợp của yếu tố tâm linh, văn hóa bản địa cùng yếu tố tâm lý, đạo đức con người. Tiếp nối truyền thống đó, “Halabala: Rừng Ma Tế Xác” không chỉ đơn thuần kể về cuộc đối đầu giữa người và quỷ, mà còn đặt ra một câu hỏi nhức nhối: Liệu ác quỷ có thực sự hủy hoại những tâm hồn yếu ớt, hay chính những dục vọng, sự tha hóa và mê tín từ con người mới là thứ gieo rắc nỗi kinh hoàng lên chính họ?

video
play-rounded-fill
Đâu là con quỷ đáng sợ nhất?

Trong Halabala, ác quỷ Bataya được xây dựng với ngoại hình gây ám ảnh: cao lớn, có sừng, đuôi ngắn như linh trưởng và hàm răng nhiều lớp đáng sợ. Nhưng điều đáng sợ nhất ở Bataya không phải hình dáng bên ngoài, mà là khả năng thao túng tâm trí con người, kích hoạt những góc tối và bản năng nguyên thủy bị chôn giấu sâu thẳm. Bataya là hiện thân cho dục vọng, cho sự lầm đường lạc lối, cho chính “con quỷ trong lòng người”.

Theo cốt truyện được khai thác, Bataya từng được bộ tộc Batow tôn thờ qua những nghi lễ hiến tế man rợ: chặt đầu nạn nhân, đặt lên năm cây cột tượng trưng cho năm giác quan của con người. Nghi thức này như một phép ẩn dụ tàn nhẫn cho việc con người có thể đánh mất lý trí, bị kiểm soát hoàn toàn bởi ham muốn và nỗi sợ, cho đến khi nhân tính cũng bị cắt lìa.

Cuộc đối đầu không chỉ là giữa người và quỷ

Nhân vật Dan (do Ter Chantavit thủ vai) – một sĩ quan cảnh sát nổi tiếng với sự cứng rắn và tin tưởng tuyệt đối vào lý trí, là nhân vật luôn giữ vững niềm tin vào chủ nghĩa duy vật. Tuy nhiên, khi đến khu rừng Halabala để truy bắt tên tội phạm khét tiếng Tup Ta Fai – một kẻ cuồng tín, tin vào ma thuật, tà đạo và sùng bái Bataya, Dan bắt đầu rơi vào cuộc chiến tâm lý khốc liệt. Đối mặt với Bataya, những vết thương trong quá khứ, những niềm tin cố hữu và cả nỗi sợ sâu kín trong lòng Dan dần bị quỷ dữ thao túng, khiến anh không còn chắc chắn vào những điều mình từng kiên định.

Vi – người vợ đang mang bầu của anh, do Wanwisa Thewarin đóng.

Sự hiện diện của Vi – vợ Dan (do Wanwisa Thewarin thủ vai) như một điểm sáng nhân văn giữa bức tranh tăm tối. Là một người phụ nữ tin vào tâm linh, Vi luôn cảm nhận được sự nguy hiểm mà khu rừng Halabala ẩn chứa và nhiều lần can ngăn chồng dấn sâu vào vòng xoáy nguy hiểm. Vi cũng là nhân vật tạo nên sự cân bằng giữa niềm tin duy vật và duy tâm – hai thái cực luôn hiện diện trong suốt bộ phim.

Hành trình vào rừng thẳm hay vào tận sâu tâm trí?

Không giống những bộ phim kinh dị chỉ tập trung vào các yếu tố giật gân bề nổi, “Halabala: Rừng Ma Tế Xác” cuốn khán giả vào một không gian rùng rợn sống động – khu rừng Halabala huyền bí, có thật ngoài đời thực. Nhưng ẩn sau đó, bộ phim đưa ra một hành trình khám phá nội tâm đáng sợ: cuộc đối đầu giữa con người với chính dục vọng, nỗi sợ, sự cố chấp và lòng thù hận của bản thân. Dan tưởng như đang truy bắt Tup Ta Fai, nhưng thực chất lại đang đối đầu với con quỷ trong chính lòng mình. Và Bataya có lẽ chỉ là hình ảnh phóng chiếu từ tâm trí con người khi lý trí bị lung lay.

Nhân vật phản diện Tup Ta Fai, thủ lĩnh băng đảng Ta Fai tàn bạo.

Điều khiến Halabala trở nên đặc biệt chính là cách phim lồng ghép khéo léo những chi tiết văn hóa Thái, tín ngưỡng dân gian vào mạch truyện hiện đại. Dưới bàn tay đạo diễn Eakasit Thairaat, Halabala hứa hẹn sẽ là một cú hích mới cho thể loại phim kinh dị châu Á, với bầu không khí đặc quánh nỗi sợ, hình ảnh ẩn dụ đa tầng và thông điệp nhân văn: Đôi khi, quỷ dữ không nằm ngoài kia, mà ở ngay trong lòng người.

“Halabala: Rừng Ma Tế Xác” được khởi chiếu tại Việt Nam bắt đầu từ 27/6 này, sẵn sàng đưa khán giả vào một chuyến hành trình rùng rợn, nơi ranh giới giữa con người và quỷ dữ trở nên mờ nhạt đến nghẹt thở.


From the same category