Theo thông tin được Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam đưa ra tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2 diễn ra chiều nay (28/2/2013), trong 2 tháng đầu năm, đã có tới 8.600 doanh nghiệp ngưng hoạt động.
Trong khi đó, số doanh nghiệp mới thành lập chỉ dừng ở còn số 8.000. Theo đánh giá của Bộ trưởng, điều này cho thấy, các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp và thị trường áp dụng thời gian vừa qua không những cần phải tiếp tục mà còn phải được chỉ đạo quyết liệt hơn.
“Điều quan trọng là chính sách phải cụ thể hơn, làm sao không để từ chủ trương đến thực tiễn là cả một khoảng cách dài như trong một số trường hợp vừa qua” – Người phát ngôn Chính phủ nói.
Ông cũng dẫn ví dụ đến các chủ trương giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu cá da trơn thời gian gần đây đã không được thực hiện như mong muốn.
Tình trạng phá sản và tạm ngừng hoạt động của doanh nghiệp diễn ra trong bối cảnh, tính đến 6/2, thời điểm trước kỳ nghỉ Tết Âm lịch Quý Tỵ 2013, dự nợ cho vay toàn hệ thống ngân hàng ở mức âm 0,16%.
Trước đó, dư nợ tín dụng hệ thống ngân hàng trong tháng 1 thậm chí còn âm đến 1,06%.
Con số này ở khoảng cách rất xa so với mục tiêu mà Ngân hàng Nhà nước đã đặt ra cho năm 2013 này: dư nợ tín dụng toàn hệ thống đến cuối năm ước khoảng 12%.
Để thực hiện được mục tiêu, NHNN đã có nhiều biện pháp, trong đó ban hành Chỉ thị 01 yêu cầu đảm bảo mở rộng biên độ tăng trưởng phù hợp với khả năng huy động vốn tại từng tổ chức tín dụng cũng như định hướng tín dụng cả năm.
Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, định hướng điều hành của Chính phủ không phải vì âm hai tháng đầu thì sẽ chia đều chỉ tiêu cho từng tháng, song để đạt được mục tiêu 12% này thì cũng phải dàn ra cả năm để không làm ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng.
Trong khi đó, theo số liệu Văn phòng Chính phủ tổng hợp, tính đến 21/2, tổng phương tiện thanh toán (M2) ước tăng 3,31% so với tháng 12/2012. Tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng ước tăng 1,84%.
Như vậy, tình trạng chung của ngành ngân hàng gần như chưa thoát được kịch bản năm ngoái: dòng vốn vào nhiều nhưng ách tắc đầu ra, thừa tiền song lại không cho vay được.