"Hai Lúa" – hài kiểu dễ dãi và luẩn quẩn - Tạp chí Đẹp

“Hai Lúa” – hài kiểu dễ dãi và luẩn quẩn

Review
Hình ảnh Hai Lúa đã rất quen thuộc với người dân Việt Nam, đó là đại diện của người dân Nam Bộ, thật thà chất phác, gắn đời với ruộng lúa, miệt vườn. Hai Lúa lên phim cũng đã nhiều, nhưng đến sau này, nổi tiếng nhất có lẽ là vai diễn của NSƯT Thanh Nam trong bộ phim truyền hình “Cuộc phiêu lưu của Hai Lúa”. Bộ phim này đã thật sự gây ra được tiếng vang lớn khi khai thác được hình ảnh người nông dân miền Tây Nam Bộ làm hài lòng người xem. “Hai Lúa” trong mùa Tết năm nay kể về cuộc hành trình của Hai Lúa ở xứ tháp Chàm, kết hợp với những tình huống hài hước chọc cười khán giả.

“Hai Lúa” được dựng theo kiểu hài hành trình (road trip comedy), một thể loại được ưa chuộng tại Mỹ và bắt đầu vào Việt Nam với đại diện là “Tèo em” vừa qua.

 

Hành trình được kể trong phim là cuộc phiêu lưu của Hai Lúa, ông nông dân nghèo phải bỏ làng quê vì nỗi đau “vợ đá”. Lý do vợ ông ra đi cũng chung quy trong chữ nghèo, “tham phú phụ bần”, thế là Hai Lúa quyết tâm phải đổi đời nhằm dằn mặt vợ. Với ý chí đó, Hai Lúa lưu lạc đến Tây Ninh rồi từ đó đi qua biên giới sang Campuchia. Trong cuộc hành trình này, ông gặp thêm hai gã đồng minh là Ba Trơn (Trấn Thành) và Tư (Tấn Beo), và cả ba bắt đầu lăn xả vào làm đủ thứ nghề để kiếm sống. Nhờ vào sự giúp đỡ của cô gái Campuchia xinh đẹp (hoa hậu Diễm Hương), cuối cùng thì Hai Lúa và hai người bạn cũng đã tìm được đường về nước, cũng như tìm được cho mình tình yêu đích thực.

Với vai diễn Hai Lúa, khán giả sẽ (lại) thấy hình ảnh của một gã nông điền chân chất của NSƯT Thanh Nam y chang như trên phim truyền hình hồi mấy năm trước. Với “Hai Lúa”, người coi cũng có cảm giác như đang theo dõi lại một phim truyền hình dài 90 phút.

 

Trấn Thành có lẽ đang là cái tên khá hot trong làng MC cũng như trong dàn diễn viên hài hiện tại. Tuy vậy, theo nhận định của nhiều người, Trấn Thành đang dần đi vào lối mòn, mất đi sự sáng tạo, đột phá cho bản thân. Trong phim “Hai Lúa”, điều đó càng thể hiện rõ hơn. Vẫn với lối diễn xuất biểu cảm bằng cách nhăn nhó khuôn mặt, những tràng mỉa mai bằng câu chữ, những lần liến thoắng không ngừng, những ai yêu mến Trấn Thành vẫn có thể cười một cách dễ dãi, trong khi những người khó tính hơn lại nhếch mép che tay ngáp.

Tương tự Trấn Thành, Thúy Nga và Tấn Beo cũng cùng chung lối diễn quen thuộc từ các tiểu phẩm hài nhan nhản trên truyền hình. Chính vì thế, để hình dung cho dễ, với “Hai Lúa”, mọi người có thể tưởng tượng rằng mình đang được xem một tiết mục tấu hài sân khấu của Trấn Thành – Thúy Nga – Tấn Beo được bưng lên màn ảnh rộng.

 

Những vai diễn chính là như vậy, dàn diễn viên phụ cũng không mấy khả quan. Hoa hậu Diễm Hương lần đầu tiên chạm ngõ điện ảnh với vai diễn cô gái Campuchia chẳng khác gì một bình hoa di động kiêm hướng dẫn viên du lịch. Ở vai trò bình hoa di động, Diễm Hương làm khá tốt vì với nét đẹp có sẵn, cùng vài ba động tác đi qua đi lại, nói mấy câu thoại thuộc lòng thì cũng không có gì đáng phàn nàn. Ở vai trò còn lại là hướng dẫn viên du lịch, Diễm Hương cũng làm tốt luôn, vì coi phim, mọi người cứ tưởng rằng đang được coi một chương trình giới thiệu văn hóa Campuchia dài dòng, lê thê, chán ngán.

Cái tên nổi bật nhất trong khoảng nửa năm qua, cô bé “thần đồng dân ca” Phương Mỹ Chi cũng có một vai diễn “đáng nhớ” trong bộ phim này. Điều “đáng nhớ” nhất của Phương Mỹ Chi chính là việc nhét cô bé vào bộ phim chỉ với một mục đích duy nhất là thu hút sự quan tâm của báo chí, khán giả, chứ còn về diễn xuất, mọi người đừng trông mong gì nhiều, vừa mất công lại vừa thất vọng. Và dĩ nhiên để không làm phụ lòng người hâm mộ của Phương Mỹ Chi, trong phim, cô bé cũng thể hiện chất giọng dân ca mượt mà trong những bài hát của phim. Tuy nhiên, những câu hát này được lồng vào phim một cách tùy hứng, nên đôi khi lại làm người coi khó chịu.

Kịch bản ban đầu của phim vốn định nhấn mạnh vào nạn cờ bạc, buôn lậu tại khu vực biên giới Việt Nam – Campuchia, nhưng do một số vấn đề khách quan, nên phim đã được gọt tỉa khá nhiều rồi mới ra rạp. Chính vì vậy, khán giả dễ cảm thấy chưng hửng do chuyển cảnh đột ngột, hay nhiều vấn đề được khơi lên rồi sau đó chìm nghỉm, không hề được giải quyết.

Làm phim bây giờ không khó, thậm chí phim Việt còn đang là mảnh đất màu mỡ cho nhiều nhà đầu tư. Điều này xuất phát từ những con số lợi nhuận khủng mà báo chí thường công bố, như phim của hãng phim này thu 25 tỷ, phim của đạo diễn kia về đích trên 50 tỷ. Một nhà báo nhận định, “phim Việt hiện nay, cứ mải chạy theo doanh thu và coi thường khán giả”. Sau thời kỳ hoàng kim của Phước Sang với những bộ phim thảm họa, năm nay Phước Sang có lẽ đang chật vật với việc nợ nần nên không kịp làm phim, nhưng chắc anh cũng yên tâm vì đã có hàng loạt sản phẩm kế nhiệm như “Năm sau con lại về”, “Cưới chạy” hay “Hai Lúa”.

Bài: Chú Hề
Ảnh: Galaxycine

>>> Có thể bạn quan tâm:  Năm ngoái, “Nhà có năm nàng tiên” lập được mức doanh thu phòng vé đáng nể là khoảng trên 60 tỷ trong khi chi phí sản xuất chỉ vỏn vẹn 8 tỷ đồng. Thành công đó nhờ vào sức hút của Hoài Linh, Việt Hương, cùng dàn bao diễn viên trẻ đẹp như Miu Lê, Ngân Khánh, Bảo Anh… Năm nay, ekip của “Nhà có năm nàng tiên” lại tái ngộ khán giả với Năm sau con lại về”, tuy nhiên, với nội dung lần này thì có lẽ doanh thu như năm ngoái của phim sẽ là điều không tưởng.


 

 

Hãy gửi thông tin, bài viết và hình ảnh bạn có cho chuyên mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!

Thực hiện: depweb

22/01/2014, 23:25