Hãi hùng cà phê “đểu”

Đậu nành + hóa chất

Trưa ngày 6.7, men theo con kênh nước đen bốc mùi trên đường Tô Hiệu, P.Hiệp Tân, Q.Tân Phú, chúng tôi tìm đến cơ sở rang xay cà phê Thông Phát (số 108 – lô 4 Tô Hiệu, P.Hiệp Tân, Q.Tân Phú). Cơ sở như một nhà kho, được xây dựng bằng sắt thép mái tôn cũ kỹ, trên diện tích hơn 500 m2. Bên phía tay phải cơ sở, chiếm 2/3 diện tích là nơi chứa hàng trăm bao tải đậu nành; phần còn lại đủ để 3 máy rang đậu và 1 căn phòng nhỏ chứa các thùng hóa chất.

Đối với những cơ sở chế biến thực phẩm, vấn đề vệ sinh phải được đặt lên hàng đầu, nhưng chỗ này thì chẳng có chút vệ sinh nào cả. Ngoài trời nắng nóng oi bức, bên trong càng nóng bức hơn bởi 3 lò rang hừng hực lửa hoạt động hết công suất. Cái lạ ở đây là mặc dù trong cơ sở và xung quanh không có một hạt cà phê nào nhưng mùi cà phê thơm lựng lan tỏa khắp khu vực… “Cơ sở chế biến cà phê nhưng đố anh tìm được hạt cà phê nào” – một công nhân ở đây vừa cười vừa nói một cách tự nhiên không chút e dè. Chúng tôi cứ ngỡ câu nói đùa nhưng sau một hồi quan sát, mới biết anh công nhân nói thật. Vậy mà, hằng ngày, cơ sở này vẫn cho ra lò hàng tấn cà phê “đểu” cung cấp cho thị trường.

 

Quy trình sản xuất mất vệ sinh – Ảnh: Đàm Huy    

Một công nhân cho biết, 3 cái máy rang tại đây có công suất 250 kg/mẻ/cái. Đầu tiên, đậu nành hạt được cho vào lò rang cho cháy đen, rồi đổ vào một thùng nhựa lớn. Sau đó, đổ vào thùng nhựa một hỗn hợp hóa chất màu đen đã được pha sẵn (tùy theo yêu cầu của khách hàng mà chủ cơ sở tẩm mùi vị đậm đặc hay nhẹ hơn).

Toàn bộ đậu nành và hóa chất được cho tiếp vào lò quay đều để hóa chất thấm vào từng hạt đậu. Đậu nành trộn xong được đổ ào ra một cái khay lớn làm bằng tôn đặt dưới nền đất, một số công nhân xúm vào dùng xẻng đập, trộn liên hồi; rồi dùng quạt sấy khô không cho dính cục. Lúc này, hạt đậu nành biến thành màu đen giống hệt màu hạt cà phê, dù không phải cà phê nhưng thơm mùi cà phê đến sặc cả mũi…

Tại cơ sở Thông Phát, có thể nói hãi hùng nhất là công đoạn pha chế các loại hóa chất không rõ nguồn gốc với nhau để tẩm vào đậu nành sau khi rang. Chúng tôi thấy công nhân dùng ca nhựa múc thứ nước màu đen pha sẵn đổ vào đậu nành. Để có được hỗn hợp màu đen này, chúng tôi thấy công nhân pha trộn nhiều loại hóa chất khác nhau, có những hóa chất lấy từ can nhựa không có nhãn mác.

Chúng tôi đã kịp ghi hình lại nhiều công đoạn chế biến đậu nành thành “cà phê”. Công nhân tham gia chế biến ở đây có người mặc quần đùi, có người cởi trần; hoàn toàn không bao tay, khẩu trang… Kể cả các dụng cụ sử dụng pha chế ở đây đã quá cũ kỹ, đóng nhiều lớp đen xì, trông rất mất vệ sinh. Chứng kiến cảnh nước, hóa chất, đậu nành vung vãi khắp nơi trên sàn đất suốt trong quá trình chế biến, chúng tôi không khỏi rợn người khi tưởng tượng đang cầm ly cà phê uống.

Lạnh người!

Sau khi điều tra, ghi nhận về cung cách chế biến cà phê bột của cơ sở  rang, xay cà phê, ngũ cốc Thông Phát, chúng tôi phối hợp với Thanh tra Sở Y tế TP.HCM để tiến hành kiểm tra cơ sở vào hôm qua 16.7. Tại thời điểm kiểm tra, có hàng trăm bao nguyên liệu là đậu nành, bắp để làm ra “cà phê” chất tại đây, nhiều nơi những nguyên liệu này đổ ngổn ngang ra sàn nhà đen kịt. Bên cạnh là các hóa chất, nguyên liệu để tẩm ướp đậu nành, bắp như: bột màu, đường hóa học, bơ, rượu… cũng để bừa bãi.

Nếu ai chứng kiến cảnh chế biến cà phê ở đây thì sẽ không bao giờ dám uống cà phê không rõ nguồn gốc nữa. Bởi, nhà vệ sinh thì đặt trong khu sản xuất; đậu nành, bắp sau khi tẩm ướp hóa chất, sấy… được cho ra những ô vuông dưới sàn nhà rất bẩn để các công nhân dùng bàn cào đảo qua lại. Đến nơi pha hỗn hợp hóa chất để tẩm đậu nành càng ớn lạnh hơn. Nhiều thành viên trong đoàn thanh tra khi chứng kiến phải thốt lên “từ nay hết dám uống cà phê bên ngoài; phải mua cà phê hạt về mà tự chế biến thôi!”.

Đại diện cơ sở, ông Lê Minh Thông không ngần ngại cho đoàn thanh tra biết: cơ sở rang, chế biến theo đơn đặt hàng của khách từ hai năm nay; khách đặt sao làm vậy. Phần lớn khách đưa nguyên liệu là đậu nành, tinh cà phê, và các hóa chất, hương, màu tẩm ướp. Nếu khách không đưa phụ gia thì cơ sở cho người ra chợ Kim Biên mua. Mỗi ngày cơ sở rang, chế biến khoảng 1,5 tấn “cà phê”. Đoàn thanh tra yêu cầu cung cấp hóa đơn, giấy tờ liên quan đến những khách đặt chế biến “cà phê”, thì ông Thông chỉ cung cấp được mỗi khách hàng là Công ty Nguyễn Thuấn (TP.HCM) và cho biết thêm còn gia công cho khách hàng lấy tên cà phê thành phẩm là An Phúc (ở miền Trung) và Cường Phát (ở TP.HCM). Đoàn yêu cầu cung cấp sổ sách ghi số lượng rang, xay chế biến “cà phê” cho các khách hàng, ông Thông cũng không đáp ứng được. Cơ sở này cũng không có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm; nhân viên thì không kiểm tra sức khỏe…

Đoàn thanh tra lập biên bản, buộc cơ sở Thông Phát ngưng hoạt động; niêm phong, thu giữ một số hóa chất, phẩm màu, “cà phê” thành phẩm… để kiểm nghiệm làm rõ. (Còn tiếp)


Lấy dung dịch màu đen “lạ” tẩm vào đậu nành rang


Đậu nành sau khi trộn các loại hóa chất, hương liệu và rang xong


Nơi pha trộn các hóa chất, phẩm màu để tẩm vào đậu nành chế biến thành “cà phê”


Nguyên liệu đậu nành, bắp, các hóa chất để ngổn ngang – Ảnh: T.Tùng – Đàm Huy

 

Không thể phân biệt thật giả

Khi chúng tôi vào gặp ông chủ cơ sở tên Thông đặt mua nửa kg đậu nành “cà phê”, nói là để về uống thử, nếu được sẽ lấy số lượng lớn; ông Thông mở nắp thùng nhựa màu xanh lớn trước cơ sở, xúc nửa kg cà phê đậu nành cho chúng tôi xem trước khi bỏ vào máy xay. Chỉ trong vài phút, nửa kg cà phê đậu nành nhanh chóng được xay mịn, biến thành nửa kg cà phê bột. Cầm nửa kg cà phê giả trên tay, tôi thầm nghĩ nếu “thượng đế” nào không tận mắt chứng kiến cảnh này thì đố ai biết đây là “cà phê” đậu nành.

Theo Thanh Niên


From the same category