Hai chú rể và lễ cưới xôn xao nước Mỹ - Tạp chí Đẹp

Hai chú rể và lễ cưới xôn xao nước Mỹ

Tin Tức

Lễ cưới kỳ quặc nhất chính giới Mỹ

Nghị sĩ Barney Frank (bên phải) và vị hôn phu trong đám cưới đồng tính đầu tiên của chính giới Mỹ

Al Green – nghị sĩ Đảng Dân chủ đến từ Texas, một trong những khách mời tại đám cưới – cho hay, sau khi trao lời thề nguyền, Barney Frank và Jim Ready đã dành cho nhau một cái ôm thật chặt. “Nó không khác gì so với những đám cưới khác mà tôi từng tham dự”, Al Green nói.

Cặp đôi đồng tính phát biểu rằng họ nhận thức rõ ý nghĩa lịch sử của lễ thành hôn giữa hai người dù buổi lễ chỉ kéo dài chưa đến 5 phút và không có sự tham gia của giới báo chí. Vị chủ hôn Deval Patrick giải thích với các khách mời rằng chú rể Barney Frank chỉ muốn có một lễ cưới “ngắn gọn và đi vào trọng tâm”.

Trở về con người thật sau cuộc trốn chạy bản thân

Với kỹ năng tranh luận và năng lực lập pháp ở trình độ cao, Barney Frank được đánh giá là một trong số những nhà lập pháp quyền lực nhất tại Washington. Ông còn được biết đến là một chính trị gia hài hước và khôn khéo. Bên cạnh việc đấu tranh cho các cải cách về tài chính và quyền lợi của ngư dân, ông còn là người ủng hộ mạnh mẽ cho quyền lợi của người đồng tính.

Vào năm 1987, ông Barney Frank, thuộc đảng Dân chủ tiểu bang Massachusetts, đã trở thành thành viên đầu tiên trong Quốc hội Mỹ tuyên bố mình là người đồng tính. Và giờ đây, ông được biết đến là người đầu tiên kết hôn với một người cùng giới trong lịch sử Quốc hội nước này. Theo cuốn tiểu sử về cuộc đời Barney Frank của tác giả Stuart Weisberg được xuất bản vào năm 2009 thì vị nghị sĩ đảng Dân chủ này đã từng có một thời gian hẹn hò với phụ nữ trong nỗ lực chối bỏ giới tính thật của mình. Và mối quan hệ lãng mạn cuối cùng của ông với nữ giới kéo dài gần 2 năm với một cô gái có tên là Kathleen Sullivan, con gái của ông chủ đội bóng New England Patriots – Billy Sullivan. Cuộc tình bắt đầu từ năm 1974 và kết thúc sau khi Frank thú nhận với người yêu rằng ông là người đồng tính, khi đó thông tin này vẫn chưa được công bố rộng rãi với công chúng.

Barney Frank từng tâm sự ông “nhận thấy thật sự là điên rồ” khi cố gắng xây dựng mối quan hệ tình cảm với một người mà ông không hề cảm nhận thấy bất kỳ một sự rung động giới tính nào bởi lẽ ông có thể che giấu phần nào con người thực sự của mình trước mắt những người khác nhưng không thể nào chối bỏ được sự thật với chính bản thân mình. “Bởi vậy, đó là nỗ lực cuối cùng của tôi để phủ nhận mình là người đồng tính”, Frank thừa nhận trong cuốn tiểu sử. Và từ đó trở đi, ông không bao giờ còn hẹn hò với “nửa kia của thế giới” nữa.

Barney Frank bắt đầu sống đúng với “thân phận” thật của mình trước khi trở thành thành viên Quốc hội và chính thức công bố về giới tính vào ngày 30/5/1987 trong một bài phát biểu thu hút đông đảo sự quan tâm của giới truyền thông vốn vẫn tò mò về đời sống cá nhân của vị nghị sĩ này. Ít lâu sau đó, người ta thấy Barney Frank gặp gỡ và bắt đầu hẹn hò với Herb Moses, một nhà kinh tế học và nhà hoạt động cho phong trào LGBT (phong trào của người đồng tính, song luyến ái và chuyển đổi giới tính). Mối quan hệ của họ kéo dài 11 năm cho đến khi tan vỡ vào tháng 7/1998. Herb Moses là bạn tình đầu tiên của một nghị sĩ Quốc hội công khai mình là người đồng tính và cả hai người được xem như “cặp đôi đồng tính quyền lực và có tầm ảnh hưởng nhất ở Washington”.

Mối tình làm thay đổi vị nghị sĩ nóng tính


Có lẽ là một sự hữu duyên đầy thú vị khi nghị sĩ Barney Frank đã gặp Jim Ready, người sau này là chồng tương lai của ông, lần đầu tiên tại một buổi gây quỹ cho các hoạt động chính trị vào năm 2005. Vào tháng 10.2005, Jim Ready – một thợ mộc và thợ hàn chuyên sản xuất mái hiên – đã xuất hiện tại một buổi lễ gây quỹ địa phương cùng Robert Palmer, người tình đồng giới lâu năm của Jim Ready có quen biết với nghị sĩ Barney Frank. Vào thời điểm đó, Jim Ready phải ở bên và chăm sóc cho người tình của mình gần như 24/24 bởi Robert Palmer đang mắc trọng bệnh và không còn sống được bao lâu nữa.

Cuộc gặp gỡ tối hôm đó không hoàn toàn là một sự trùng hợp ngẫu nhiên. “Robert nói muốn đưa tôi đi gặp gỡ với một ai đó. Ông ấy muốn tìm một người sẽ ở bên tôi khi ông ấy qua đời. Và sau khi giới thiệu tôi với Barney, Robert đã nói rằng đó chính là người có thể chăm sóc cho tôi sau này”, Jim Ready cảm động nói về tình cảm với người tình trong quá khứ khi kể lại cuộc gặp gỡ đầu tiên với người bạn đời hiện nay của mình. Về phần nghị sĩ Barney Frank, ngay từ giây phút gặp gỡ đó, ông cảm thấy thực sự xúc động trước sự tận tâm chân thành mà Jim Ready dành cho Robert Palmer. Ông nhớ lại: “Trước đó, tôi chưa từng bao giờ chứng kiến một tình cảm gần gũi thực sự đến như vậy giữa hai người đồng tính. Bởi vậy, tôi đã thầm ghen tị với mối quan hệ đó. Và tôi nghĩ có lẽ mình cũng sẽ có một mối tình tuyệt vời với một người đàn ông đáng ngưỡng mộ như Jim Ready.

Khi Robert Palmer qua đời vào năm 2007, Jim Ready vô cùng đau buồn. “Tôi đã gọi điện cho Jim. Lúc đó, anh ấy thực sự tuyệt vọng”, Barney Frank nói. Và sau đó, ông đã bay tới Maine để chia buồn và an ủi Jim Ready. Kể từ ngày ấy, mối quan hệ giữa hai người từ tình bạn đã phát triển thành tình yêu. Họ bắt đầu có những buổi ăn tối với nhau. Nhưng rõ ràng, chuyện hẹn hò cùng một người đồng tính với một nghị sĩ là điều vô cùng tế nhị và không hề giống như mọi cuộc hẹn hò giữa những người đồng tính khác. Barney Frank được bổ nhiệm làm Chủ tịch Ủy ban Dịch vụ tài chính nhà ở và đóng một vai trò mấu chốt trong hoạt động lập pháp nhằm nâng cao tính minh bạch trong thị trường tài chính. Bởi lẽ đó, thời gian rảnh đối với Barney Frank gần như là một điều xa xỉ và để được ở bên nhau, Jim Ready phải làm quen với lịch làm việc dày đặc của Barney Frank và nhiều khi phải di chuyển cùng ông tới nhiều địa điểm khác nhau khi vị nghị sĩ bận rộn phải tham gia vào các cuộc họp hành, hội nghị. Nhưng bên cạnh đó, việc Jim Ready đôi khi bị cho “leo cây” vì Barney Frank có cuộc họp đột xuất không thể vắng mặt và buộc phải hủy hẹn là điều không thể tránh khỏi. Có lần, vì chuyện này mà Jim Ready đã trách yêu bạn trai rằng ông ở bên những hành khách trên máy bay còn nhiều hơn là thời gian gặp gỡ với mình.

Nhưng đối với Barney Frank, ông cảm nhận ở người bạn đời của mình một lòng vị tha và yêu thương, chăm sóc có thể nói là bẩm sinh. Vì vậy, Jim Ready chính là nguồn động viên, ủng hộ và xoa dịu to lớn đối với một người luôn căng thẳng vì công việc như Barney Frank. Với hàng tá công việc chính sự bận rộn, Barney Frank thậm chí còn không có nhiều thời gian dành cho bản thân và Jim Ready những khi đó lại là người thẳng thắn nhắc nhở bạn trai nên chú ý chăm sóc bản thân nhiều hơn. Có lẽ vì thế mà nếu như các mối quan hệ trong quá khứ, Barney Frank không mấy quan tâm đến việc cố gắng dành nhiều thời gian ở bên cạnh bạn tình thì đối với Jim Ready lại hoàn toàn ngược lại. “Ngay lập tức, tôi cảm thấy rất buồn mỗi khi không có Jim ở bên cạnh”, Barney Frank chia sẻ.

Các nhà lập pháp ở đồi Capitol cho biết, họ bắt đầu nhận thấy những thay đổi tích cực ở người đồng nghiệp thường hay gắt hỏng. “Tôi biết ngay là anh ở đây mà. Barney hôm nay rất vui vẻ”, một nhà lãnh đạo của đảng Cộng hòa đã trò chuyện với Jim Ready như vậy khi bắt gặp ông đang chờ bạn trai ở hành lang bên ngoài phòng họp.

Phản ứng xung quanh đám cưới thu hút sự chú ý bậc nhất trong chính giới

Vào năm 2004, Massachusetts trở thành bang đầu tiên tại Mỹ cho phép các cặp đôi đồng tính kết hôn hợp pháp. Theo thống kê, hơn 18.000 cặp đôi đồng tính đã kết hôn tại Massachusetts kể từ đó. Ngoài ra, còn có 6 bang nữa ở Mỹ cũng hợp pháp hóa việc kết hôn đồng tính là Connecticut, Iowa, Vermont, New Hampshire, New York và Washington. Năm 2013 tới đây, gia nhập danh sách này sẽ có thêm bang Maryland.

Sau khi đám cưới diễn ra, nghị sĩ Barney Frank cho biết trong cuộc phỏng vấn trên tờ Bill Press rằng ông đã nhận được tin nhắn chúc mừng của một số thành viên trong đảng, còn những thành viên khác thì không có ý kiến tiêu cực nào về đám cưới. Qua đó, có thể thấy quan điểm về vấn đề hôn nhân đồng giới trong đảng Dân chủ đã có sự thay đổi.

Phát biểu về lễ cưới mang tính lịch sử này, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cho biết, thật thú vị và phù hợp khi lễ cưới diễn ra gần với ngày Quốc khánh Mỹ 4/7, “điều đó thể hiện cho một sự tự do đang rộng mở phía trước” và “sự kiện này đáng lẽ đã phải diễn ra từ lâu rồi”. 

Mai Châu (theo Đang yêu)

Thực hiện: depweb

01/08/2012, 14:58