Người mang những bất ngờ của kẻ thuộc về biển cả, người sở hữu bí mật của kẻ bay giữa những chân trời – Trần Tiến và Hà Trần là cặp đôi nghệ sĩ đặc biệt, là hai thế hệ tiếp nối trong một gia đình làm nghệ thuật mà ai cũng là những tên tuổi thượng thặng. Như tâm thất và tâm nhĩ của một trái tim, ở họ có sự đồng điệu đến mức đập chung một nhịp khó tách biệt. Tuy vậy, hai cá tính phức tạp ấy vẫn là những mảng đối lập, đối lập trong chính những tương đồng…
Thực hiện: Thục Khôi/Ý tưởng: Hellos./Nhiếp ảnh: Phục Nguyễn, Tuấn Anh/Trợ lý: Johnny Mạch/ Trang phục: Ngô Thái Bảo Loan
Đọc thêm:
– Trần Tiến – Hà Trần: “Âm dương có nằm ngang?”
– Nhạc sĩ Thanh Phương: Luôn có áp lực khi làm nhạc chú Tiến cho Hà hát
– Nhạc sĩ Trần Tiến: “Sáng tạo khó thế đấy bạn ơi!”
Cô cháu gái đã thay chú kể câu chuyện về kẻ độc hành đi tìm bản ngã, để một ngày nhận ra: “Tất cả là cuộc chơi của DNA. Không bao giờ biết trước mình lãnh nhận phần nào, từ ai trong gia tộc”. Sợi dây nối với Trần Tiến, dưới con mắt Hà Trần, là như thế.
Nhạc Trần Tiến làm điệu quá sẽ mất duyên
– Những chia sẻ đầu tiên về nghệ thuật của mẹ dành cho chị là thơ. Rồi khán giả lại được nghe những bài hát chị viết cho con. Chị có nghĩ nhiều không về sự gieo mầm nghệ thuật, cách sẻ chia của mẹ và chị với con cái?
– Thường thì con gái hay quấn bố hơn, nhưng có lẽ vì bố tôi hay đi biểu diễn xa nhà nên tôi gần gũi mẹ. Càng lớn tuổi càng thấy giống mẹ. Mẹ tôi thâm trầm, kín đáo, rất sắc sảo, rất thông minh nhưng luôn quan tâm chăm sóc mọi người. Tôi lớn lên trong môi trường âm nhạc, thường xuyên được tiếp xúc với các nghệ sỹ lớn, từ nhỏ đã bám đuôi xem bố và chú biểu diễn khắp nơi, nhưng người chắp cánh và chia sẻ ước mơ trở thành nghệ sỹ của tôi lại là mẹ. Hai thế giới khác biệt của một người “academic” kết hợp với một nghệ sỹ biểu diễn lừng danh tạo nên tôi. Máu biểu diễn của bố được bổ trợ thêm tầm nhìn bao quát, tính chuyên môn và sự thâm trầm của mẹ biến tôi thành một mẫu nghệ sỹ phức tạp không chỉ dừng lại ở việc hát – như bố. Mẹ tôi cũng hiện diện trong nhiều bài thơ tôi viết.
Có con gái đầu lòng tôi thấy mình đi đúng một vòng đời, nảy mầm, lớn lên trong tình yêu của mẹ và đang trao lại yêu thương đó cho con gái bé bỏng.
– Chị tìm đến với âm nhạc vì nỗi cô đơn mất mẹ, chị từng cho biết thế. Còn chú chị lại viết về mẹ rất hay. Đó có phải chính là điều khiến chị đồng cảm nhất ở âm nhạc Trần Tiến?
– Thông thường nhà đông con thì có đứa hợp bố, đứa hợp mẹ. Chú Tiến hợp bà nội của tôi, lại là con trai út nên được bà cưng hơn. Ông tôi mất sớm, chú càng gần gũi mẹ, có lẽ vì thế hình ảnh mẹ luôn hiện diện trong âm nhạc của chú.
Tôi cũng là đứa con chia sẻ với mẹ nhiều. Và hiểu những gì ông viết theo một kiểu máu thịt. Tôi hát nhạc Trần Tiến bắt đầu bằng nỗi áy náy sợ người khác không bày tỏ ông đúng. Nhiều người có thể hát hay nhạc Trần Tiến, nhưng hát sâu và hát đúng tâm hồn, tin là chỉ có mình tôi.
Nhạc Trần Tiến làm điệu quá thì mất duyên, xa hoa cầu kì thì mất nét mộc mạc du ca, hời hợt, trẻ trung lại thiếu từng trải và góc cạnh của người đàn ông phong trần đi qua đời sống. Tôi có thể bất chấp độ vênh về thời gian và kinh nghiệm sống để hát ra được, vì tôi có DNA Trần Tiến. Bố tôi cũng chỉ hát hay tùy bài của chú. Những bài nhí nhảnh, tếu táo, giễu cợt thì hợp, vì tính bố tôi là vậy.
– Rồi sự khuyết thiếu có được lấp đầy không?
– Âm nhạc là một loại vật lí trị liệu cho những khuyết tật tâm hồn, những chấn thương tâm lí. Nếu bạn có một đứa con cá biệt, ngỗ ngược, khó dạy bảo, nên cho con đi học nhạc. Không thành tài thì ít ra nó cũng thuần nết hơn, tôi đảm bảo. Nghệ sỹ lớn thường là những “con bệnh nặng”, họ sáng tạo trước hết để trị bệnh cho bản thân, dần trở thành thần tượng và lúc này, âm nhạc dùng họ làm “bác sỹ” để chữa trị cho đám đông. Bạn cứ để ý mà xem, khi mà nghệ sỹ trở nên đủ đầy, sung sướng, sống yên ổn thì lập tức sáng tác của họ nhạt hoét, vô cảm. Nếu định mệnh không lấy đi của tôi người tôi yêu quý nhất, không khiến cho gia đình tan tác thì rất có thể số phận tôi đã khác, tôi sẽ không rượt đuổi nghệ thuật mà có khi chỉ là một khán giả bình thường…
– Câu chuyện của chị khi ở trong không gian âm nhạc của Trần Tiến là gì?
– Là câu chuyện về kẻ độc hành đi tìm bản ngã, chuyện của những chiến binh, của những con người mạnh mẽ vượt lên chính mình. Chú Tiến thừa hưởng năng khiếu viết văn của ông nội, dù bà nội tôi mới là “nàng thơ” của chú. Tôi thừa hưởng nhiều tính cách và DNA sáng tạo của Trần Tiến, dù bố mẹ tôi cũng đều là ca sỹ, giảng viên thanh nhạc thượng thặng. DNA – tất cả là cuộc chơi của DNA. Không bao giờ biết trước mình lãnh nhận phần nào, từ ai trong gia tộc.
Đưa ra khái niệm chuẩn về nhạc Trần Tiến
– Tựa cách Trần Tiến đòi chia ngăn trái tim, chị chia âm nhạc Trần Tiến thành mấy ô? Có ô nào chị nghĩ mình không thể mở được, vì sao?
– Các nhà nghiên cứu sẽ chia ngăn theo từng giai đoạn, nhưng tôi chỉ quy gọn về hai mảng: tình ca và xã hội. Những bài hát về chiến tranh, về thời bao cấp, thời đóng – mở cửa, những chuyển giao thế hệ, công nghệ hay viết cho phong trào sinh đẻ có kế hoạch, về một cô gái điếm bên sông… thuộc về đề tài xã hội – mảng này Trần Tiến rất giỏi, rất lí tính và nhân văn. Tình ca là những bài viết về quê hương, gia đình, về nơi chốn, về con người, cho thấy một Trần Tiến giàu tình cảm, rộng lượng nhân ái và nặng nợ với đời. Mảng nào tôi cũng hát được hết, chỉ những bài quá đàn ông thì tôi không hợp vai, tỉ như mấy bài tán gái, tửu ca thì tôi hát sao được.
– Hà Trần được đánh giá là một trong số hiếm ca sỹ Việt Nam có tính tư tưởng. Tính tư tưởng có ý nghĩa thế nào, đối với sức sáng tạo của một nghệ sỹ?
– Tư tưởng là điểm cơ bản khác biệt giữa nghệ sỹ và một người biểu diễn. Ngôi sao chưa hẳn đã là nghệ sỹ. Nghệ sỹ đi theo tư tưởng, sống để giải trình những câu hỏi, những bí mật của chính họ, không quan trọng ai cổ súy, ai theo, không bị chi phối bởi đám đông, bởi dư luận. Người trình diễn (ngôi sao) thì khác, họ cần đám đông, làm việc để phục vụ nhu cầu đám đông, luôn đòi hỏi được công nhận, được vinh danh, thèm khát sự yêu thích. Từ những xu hướng cá nhân này quá dễ dàng để thấy ý thức nghề sẽ khác hẳn.
– Vậy Trần Tiến có ảnh hưởng nhiều đến tư tưởng âm nhạc của chị không?
Tôi chỉ tăng độ ẩm không khí để cây cầu vồng ấy hiển hiện rõ hơn
– Đó có phải là lý do khi sang Mỹ, âm nhạc Trần Tiến là thứ đầu tiên chị mang ra mổ xẻ?
– Khi định cư ở Mỹ, đĩa nhạc đầu tiên của tôi là “Đối thoại 06”, dùng đến 80% nhạc Trần Tiến. Đĩa thứ hai 100% là “Trần Tiến”, làm quà tặng sinh nhật 60 tuổi của chú. Nhạc Trần Tiến luôn là nguồn cảm hứng bất tận của tôi, và tôi muốn đưa ra những khái niệm chuẩn trước khi người khác muốn làm gì thì làm. Tôi cũng muốn thực hiện một album cho bố Hiếu, chính tay biên tập, sản xuất, nhưng cái số làm sao mà khi bố khỏe mạnh thì con lại bận rộn ở xa, khi con làm được thì bố lại bệnh tật không hát nổi.
– Hình ảnh ca sỹ Hà Trần đi về Việt Nam để tìm cảm hứng làm nghề và hình ảnh nhạc sỹ Trần Tiến cứ đi mãi về phía biển có giúp chị tìm thấy điểm gì chung, giữa hai con người?
– “Trần Tiến cứ đi mãi về phía biển”… ý này hay nhỉ, hoang hoải! Đi tìm mênh mông mãi không thành, đi đến bến bờ bất cập – điểm chung đấy!
– Là người duy nhất trong gia đình được “lục tủ” gia tài sáng tác của chú mình, theo chị, tại sao đa số những bài hát của nhạc sỹ Trần Tiến đều có âm hưởng buồn, ngay cả trong những sáng tác mà ca từ có vẻ nghịch ngợm lẫn giai điệu tươi vui?
– Người sâu sắc, thâm thúy và tinh anh thì phải buồn thôi, vui thế nào được? “Người buồn đi vòng quanh đời dài rộng cũ kỹ” (trích ca từ của nhạc sỹ Đỗ Bảo). Những người nghệ sỹ thâm trầm như chú Tiến, như Đỗ Bảo, cả chính tôi có đủ đầy, có hạnh phúc riêng tư thì vẫn luôn là những người buồn vì họ phức tạp. Cứ coi như là “buồn mãn tính” để khỏi thắc mắc đi nhé!
– Tình và đời là “đặc sản” âm nhạc của Trần Tiến. Thế còn trong gia đình, “đặc sản” của nhạc sỹ là gì?
– Trong nhà, chú là một thư viện sống. Chúng tôi luôn tìm thấy giải đáp hay bét nhất là gợi ý cho những thắc mắc của mình ở chú, từ nghệ thuật đến kinh doanh, từ việc viết một bài hát đến soạn một bản hợp đồng, từ nấu phở đến trị bệnh khi không có ai ở cạnh. Chú là con út, nhưng lại luôn làm “thủ lĩnh” trong các kế hoạch của đại gia đình. Giờ đây, gần 70 tuổi, đã chuyển giao trọng trách cho F2 rồi nhưng chú vẫn luôn cập nhật và tiếng nói vẫn còn trọng lượng.
– Với ca khúc “Tạm biệt chim én”, Trần Tiến được giới nhạc sỹ mệnh danh là người viết ra ca khúc pop Việt đầu tiên, chị có nghĩ thế? Chị đánh giá thế nào về gia tài âm nhạc của chú mình?
– Tôi vui vì chú được thừa nhận, dù tôi biết rằng, không có nó, chú vẫn say sưa và vui với công việc sáng tác. Gia tài Trần Tiến thuộc về nhân dân, hỏi một người thừa kế là không khách quan, bạn ạ.
– Nếu ví âm nhạc Trần Tiến là một chiếc cầu vồng đa sắc, chị nghĩ mình đã phết được bao nhiêu màu lên đó?
– Tôi chỉ tăng độ ẩm không khí để cây cầu vồng ấy hiển hiện rõ hơn.
Bài: Thục Khôi