Trong suốt nhiều năm quen biết nhau, tôi đã phỏng vấn Hà Trần nhiều lần, nên tôi nghĩ với bài viết lần này, nhân dịp Hà sắp có liveshow kỷ niệm 30 năm ca hát, tôi sẽ viết dễ như ăn kẹo. Nhưng hóa ra mọi chuyện không dễ chút nào. Những gì hay ho về Hà, suốt mấy chục năm qua, người ta, trong đó có tôi, đã viết, đã nói hết rồi. Tôi hỏi một số nghệ sĩ thân quen với Hà để họ chia sẻ thêm, họ cũng không biết phải nói gì hơn nữa. Tất nhiên, cuối cùng, bằng cách này cách khác, tôi cũng viết gần xong bài báo. Và rồi một câu nói của Hà Trần khi chúng tôi chat với nhau khiến tôi phải viết lại từ đầu, vì những lời có cánh trước đó đã không còn hợp nữa.
Tôi hỏi Hà rằng nhìn lại những mục tiêu Hà từng đề ra cho mình hơn 30 năm trước hoặc trong giai đoạn chuyển mình của sự nghiệp, Hà thấy mình đã đạt được những gì, đã bỏ qua những gì, đã nhận thấy những gì không còn hợp với con người mình nữa. Thay vì liệt kê ra “những gì” ấy, Hà chỉ nói ngắn gọn quan điểm về những gì từng mơ ước, và câu nói của Hà khiến tôi phải thay đổi bài viết là: “Nỗ lực cân bằng giữa những giấc mơ bay bổng của một nghệ sĩ tự do và một cá nhân tự sinh tồn để tiếp tục sống, mơ và thực hiện giấc mơ”.
Câu nói này của Hà khiến tôi nhớ lại 32 năm trước, khi Trần Thu Hà xuất hiện trong chương trình “Những bông hoa nhỏ” trên Đài truyền hình, hát chừng 4-5 bài cho tuổi mới lớn, có vài đoạn phỏng vấn nói về ước mơ ca hát, cùng với sự có mặt mang tính bảo chứng của bố – NSND Trần Hiếu. Hồi đó, cảm giác của tôi là bạn này có khi vì là con của nghệ sĩ Trần Hiếu nên được ưu tiên lên hẳn một chương trình riêng trên TV chăng? Sau này, khi đã làm báo, đã gặp và nói chuyện với Hà nhiều lần, mới biết là chẳng riêng tôi nghĩ thế. Hà đã chịu những lời bình luận ngay từ hồi đó, cùng với bao nghi ngờ về khả năng tiến xa trên con đường ca hát.
Mà không phải người ngoài, người trong gia đình có vẻ cũng không hy vọng nhiều, dù cũng biết con đường tiện lợi nhất cho Hà là nối nghiệp bố mẹ. Hơn 20 năm trước, Hà từng chia sẻ rằng trong mắt chú Trần Tiến, “lúc nào tôi cũng chỉ là một đứa con nít vắt mũi chưa sạch, ngay cả khả năng ca hát của tôi, chú hình như cũng không kỳ vọng gì”. Còn nhạc sĩ Trần Tiến thì trong một tâm sự về người anh Trần Hiếu của mình, nói một câu “đá” đứa cháu, đồng thời cũng nói luôn hoàn cảnh gia đình: “Công trường, nông trường, chiến trường, biên giới, hải đảo, sân khấu hợp tác xã, sân khấu trường đại học, sân khấu khắp ngũ châu lục địa đều có mặt Trần Hiếu. Chắc lúc đó anh đã quên cô con gái Trần Thu Hà bé bỏng, giọng như mèo kêu ở nhà, mẹ mất sớm không ai dạy dỗ chăm sóc…”. Còn bản thân Hà thì ý thức về xuất thân của mình như thế này: “Hà sinh trưởng trong một gia đình nghệ sĩ tự do tư tưởng, có lẽ tài sản lớn nhất đời mình là ước mơ. Có cái viển vông, có cái thiết thực, và vì là con nhà nghệ sĩ (đời cũ) nên chẳng bao giờ có tiền và chẳng bao giờ hiểu được giá trị hay sự trả giá để có kinh tế vững vàng”.
Những chuyện ấy giờ đã xa lắm rồi, cô bé giọng như mèo kêu ngày nào đã có một hành trình vô cùng ngoạn mục, tạo ra một trong những cuộc thăng hoa rực rỡ nhất của nhạc nhẹ Việt Nam đương đại, trở thành một diva nhạc Việt không ai có thể nghi ngờ về tài năng ca hát. Nhưng câu nói “một cá nhân tự sinh tồn để tiếp tục sống, mơ và thực hiện giấc mơ” cho tôi thấy Hà Trần lúc này không còn là một cô ca sĩ mạnh mẽ, một diva nói câu nào cũng mang tính lập ngôn như hồi trước, mà “đời” hơn, dễ xúc động hơn. Hà còn nói là “mình nén quá lâu nên giờ cái gì cũng dễ động lòng”, nghe bầu sô rủ làm liveshow 30 năm cũng động lòng muốn khóc, nghe nhắc lại những ước mơ một thời cũng rưng rưng, lên TV kể lại kỷ niệm đi hát thuở mới vào nghề cũng ngân ngấn nước mắt…
Chứng kiến một Hà Trần như thế lại khiến tôi nhớ quãng thời gian đầy sôi nổi nhiều năm trước, khi Hà mới lấy chồng, qua Mỹ sống, dần trở thành một “ca sĩ hải ngoại”. Hồi đó, mỗi lần Hà về là những cuộc nói chuyện cứ kéo dài miên man, có khi ở những quán cóc vỉa hè, thâu đêm. Hà nói về việc hát bằng tiếng Anh, về mong muốn và những cách thức đi vào thị trường âm nhạc quốc tế. Lúc đó, nhiều người cũng thấy là tố chất quốc tế trong âm nhạc của Hà nhiều, có những đĩa nhạc không phù hợp với thị trường Việt Nam, chẳng hạn album “Nhật thực”, hành trang lớn nhất của Hà trong cuộc chạm ngõ với thị trường ngoài biên giới. Hà cũng tỉnh táo để biết nên tìm sân chơi mới cho mình ở đâu, cũng biết kinh nghiệm từ một số nghệ sĩ gốc Việt đã từng có cơ hội ký hợp đồng với hãng đĩa Mỹ nhưng rồi vẫn phải quay về với khu vực cộng đồng người Việt.
Có lẽ khi ở gần cơ hội nhất lại là lúc một người vốn nhiều ước mơ như Hà biết cách dè sẻn cái tài sản lớn nhất của mình, là ước mơ, bởi đó là “tài sản”, không thể hoang phí. Thay vì lao vào một cuộc đua để thỏa mơ ước mà không biết sẽ đi tới đâu, Hà bình tĩnh quay trở lại với những gì phù hợp nhất với mình, với khán giả đông đảo nơi quê nhà. Những gì kinh điển được Hà thể hiện trên sân khấu hải ngoại khiến Hà có được lượng khán giả đại chúng khá hùng hậu, những người yêu sự đẹp đẽ, ngọt ngào của nhạc Việt; đồng thời, Hà tiếp tục con đường tiên phong của mình với những đĩa nhạc như “Đối thoại 06”, “Trần Tiến”, “Vi sinh”, “Mầm hạt”…, thậm chí còn xuất bản cả một tập thơ (“Thập kỷ yêu”), cho thấy một tâm hồn phong phú, nghệ thuật ngôn từ độc đáo cùng những ý tưởng táo bạo.
Chứng kiến sự nghiệp của Hà suốt từng ấy năm, tôi chỉ thấy hơi tiếc là Hà chưa phát triển khả năng sáng tác mạnh hơn. Một lần nói chuyện cùng Hà, tôi có nói là với cá tính âm nhạc mạnh thế, với những đòi hỏi cao cho mỗi sản phẩm cá nhân, những ý tưởng lạ và đi trước thời đại, sẽ rất khó để Hà tìm bài hát, chờ các cộng sự sáng tác đủ một đĩa nhạc cho mình, tốt nhất là Hà nên tập sáng tác đi. Không phải là Hà không nghĩ tới hướng phát triển thành một ca sĩ kết hợp với người sáng tác như các thần tượng của cô, mà có lẽ vẫn phải trở lại cái “tài sản” lớn mà cô luôn giữ, đó là ước mơ, nó cần phải được sử dụng một cách cẩn trọng. Hà vẫn phải duy trì sự nghiệp của một ngôi sao ca nhạc để lo được phần kinh tế, tức là đôi khi vẫn phải chịu cái tiếng “thị trường” khi tham gia gameshow, cover các bài hit nhạc trẻ hoặc hát lại nhạc xưa, đồng thời vẫn âm thầm theo đuổi những ước mơ riêng, ngày càng chắt lọc hơn. Trả lời cho câu hỏi của tôi về những gì đã làm được hoặc đã bỏ qua, Hà nói: “Những gì đạt được xin dành để mọi người nhìn nhận. Những gì bỏ qua hoặc không thấy phù hợp thì tôi dễ trả lời hơn. Chắc chắn là những nghi lễ rườm rà, sự màu mè hình thức của ý thức ‘xây dựng đền đài’, thổi phồng cái tôi lớn hơn bản thể. Mọi người coi tôi là diva hay có lúc gọi tôi là tượng đài âm nhạc, sự tôn vinh đó là niềm vinh hạnh lớn. Còn trong mắt chính tôi, thì Hà Trần suốt 30 năm qua vẫn là người lữ hành lang thang học từ trường lớp đến đời sống, những bài học cuộc đời cho đi, nhận lại”. Vậy nên những gì mà tôi và những người bạn, người hâm mộ chung thủy nhất của Hà chờ đợi chắc cũng vẫn nằm trên cái lộ trình của người lữ hành đi học kia, chưa biết khi nào sẽ học tới. Có lẽ vì nhận thức rõ hành trình đi học 30 năm ấy mà Hà mới suýt khóc khi người bầu sô nói là sẽ làm show 30 năm này để chị được… tốt nghiệp.
Thời gian qua, tôi có tìm lại được một số tư liệu rất hiếm hoi về tiếng hát Trần Thu Hà ở giai đoạn mà tôi gọi vui với Hà là thời kỳ “tiền tinh khôi”, tức là những bài hát ở giai đoạn Hà còn ở tuổi U20, rất trẻ, chưa được biết tới nhiều. Những bài hát ấy khi được chia sẻ trên mạng xã hội, không chỉ khiến nhiều fan của Hà bất ngờ (đa số họ chỉ biết đến và yêu thích Hà khi Hà đã nổi tiếng với “Em về tinh khôi”, “Sắc màu” hay khi đã lên ngôi diva nhạc Việt) mà còn gợi lại rất nhiều ký ức nơi những người bạn đã chứng kiến Hà từ những ngày đầu đi hát đầy gian khó. Và nếu nhìn vào mốc những bài hát ấy được thu âm thì mới thấy, chỉ trong vòng 2-3 năm, từ lúc là cô bé hát trong chương trình “Những bông hoa nhỏ” bị chê không hay, không đặc biệt, Hà đã đi một quãng đường dài với một nỗ lực phi thường đến thế nào để ở tuổi 17-18, có thể hát những bài hát kinh điển của nhạc Việt từ thời tiền chiến, kháng chiến lẫn những bài hát rất khó của các nhạc sĩ dự giải thưởng âm nhạc của Hội Nhạc sĩ. Những bài hát đó nếu tập hợp hết lại phải được hơn một album, cho thấy một chân dung Hà Trần vô cùng đặc sắc. Hào quang của một diva sau này đã khiến giai đoạn đó gần như bị quên lãng, trong khi quãng thời gian ấy góp phần quan trọng để làm nên “thiên hà tinh khôi” mà hôm nay Hà tự hào vinh danh.
Khi tôi hỏi điều tinh khôi nhất Hà còn giữ lại cho mình là gì, sau khi đã có một hành trình âm nhạc quá nhiều sắc màu, quá nhiều xê dịch? Câu trả lời của Hà khiến tôi cũng hơi ngạc nhiên, vì tôi đã nghĩ nó sẽ bay bổng và nhiều mỹ từ hơn, nhưng nó khá thật, hơi gai góc, nên tôi để nguyên vẹn, để khép lại câu chuyện về Hà, về hành trình sống và mơ của Hà:
“Cái tâm là kim chỉ nam của tôi. Đôi khi như canh bạc được ăn cả ngã về không, đánh cược với những giá trị, những con người mình tin tưởng và với cả bản thân mình mà không để được gì. Tâm đối đãi với bạn bè, đồng nghiệp, đàn em là cái tâm thương cảm, thấu hiểu khi mình từng đi qua những chặng đường khó và chịu khó đó. Cái tâm cũng luôn ứng xử kiểu ‘thần trừng’ trước những điều sai quấy. Tôi chấp nhận hết được mất, tai tiếng để hành xử cá nhân theo chữ tâm, và nó không phải lúc nào cũng được nhìn đúng. Nhưng tôi không bao giờ hổ thẹn với lòng”.
Hà Trần: Sống và mơ giữa thiên hà tinh khôi
Thanh Phương: “Làm nhạc cho Hà là nhàn nhất”
Tóc Tiên: Nghệ sĩ cần rất nhiều thời gian để tái tạo năng lượng
Sản xuất: Interstella & Aura Communication
Nhiếp ảnh: Milor Trần
Stylist: Như Oni
Trang điểm: An Nguyễn
Trợ lý stylist: Tranee, Kún
Trang phục: Phạm Minh Hiếu