Hà Trần: Hội nhập vào cộng đồng người Việt

Sau album “Hà Trần – Đối thoại ‘06” theo thể loại trip/ambient khá mới mẻ phát hành năm 2006 và ngay sau đó đoạt giải “Album của Năm” (giải Cống hiến) do các nhà báo bầu chọn, “con tắc kè hoa” năm 2007 chuyển sang một màu sắc mới khiến không ít người ngỡ ngàng.

Album “Trần Thu Hà – Tình ca qua thế kỷ” hợp tác giữa Hà Trần Productions và Trung tâm Thúy Nga, do Thúy Nga phát hành, đúng “hương vị Thúy Nga Paris” với những ca khúc trữ tình lãng mạn của Từ Công Phụng, Ngô Thụy Miên, Ngọc Bích… và hai bản hơi bị sến của Đức Huy là “Đừng xa em đêm nay” và “Đường xa ướt mưa”.

Gần 4 năm tham gia hoạt động ca hát ở Mỹ, từ chỗ đầy hy vọng chuyển sang băn khoăn về cơ hội ca sĩ Việt phát triển ra nước ngoài – cụ thể là ở Mỹ, đến bây giờ, Hà Trần đã nhìn thẳng vào thực tế để rút ra kết luận rằng “bước chân vào sân khấu giải trí Mỹ là điều không tưởng đối với ca sỹ Việt, không le lói một tia hy vọng nào”!

Sống ở Mỹ, làm việc với nhạc công Mỹ, thu âm trong phòng thu tiêu chuẩn Mỹ, hát tiếng Mỹ – tất cả những điều đó không đồng nghĩa với việc có thể đặt chân thị trường và guồng máy âm nhạc ở đây.

Mỹ là nơi hội tụ nhân tài nhiều nhất thế giới, cạnh tranh nhau khốc liệt, trong khi ca sỹ ta ra ngoài thực lực chẳng bằng ai… Ngay cả Bi-Rain, ngôi sao giải trí hàng đầu Hàn Quốc, với một ê-kíp và vốn đầu tư khổng lồ (thuê mướn cả những đạo diễn đã từng làm việc với Madonna), trong tour biểu diễn tại xứ sở cờ hoa này, công chúng cũng chỉ là dân gốc Hàn, gốc châu Á.

Hẳn nhiên với nhận thức ấy, những hoài bão, khát vọng hội nhập âm nhạc ở Mỹ của Hà đã tắt lịm, thay vào đó là sự “hội nhập triệt để” với âm nhạc hải ngoại (để mưu sinh?) mà điển hình là sự xuất hiện thường xuyên trên Thúy Nga Paris show và phát hành album nhạc xưa khá ăn khách chiều lòng người nghe Việt kiều.

Tất nhiên Hà thừa thông minh để hiểu sự “hội nhập triệt để” ở đẳng cấp Thúy Nga Paris chỉ là sự thức thời. Song song với việc đó, hiện tại, Hà đang dần chuyển mình theo xu hướng hoạt động độc lập, tự tìm kiếm quan hệ, chủ động phát hành băng đĩa, có những show diễn nhỏ như một số nghệ sỹ gốc Việt tại Mỹ.

Tiến xa hơn, cô thành lập Hà Trần Productions với mục đích phát triển sự nghiệp theo hướng sản xuất hơn là miệt mài chạy show khắp nơi. Hà Trần Productions tổ chức liên kết với Vietnamese Artists Network thiết lập mạng lưới nghệ sĩ gốc Việt thế giới, quy tụ gần 500 thành viên trên mọi lĩnh vực nghệ thuật.

Đây có thể xem là một động thái hội nhập tích cực – hội nhập giữa người Việt bản xứ với người Việt nước ngoài, giữa cộng đồng nghệ sỹ Việt kiều với nhau.

Những dự án sắp tới của Hà Trần như live-show (dự định tại Việt Nam), album Trần Tiến, hay sự kết hợp với các nhạc sỹ thế hệ mới như Nguyễn Xinh Xô, Hoàng Bích Ngọc… đều khá thú vị và lấy công chúng trẻ Việt Nam ở cả trong nước và nước ngoài làm tâm điểm.

Bất lợi của Hà hiện nay chính là điều từng được xem là thuận lợi trước đây. Như đã nói, Hà không còn cơ hội vào được guồng máy sản xuất âm nhạc lớn nhất thế giới (Mỹ).

Nhưng ngụp sâu trong dòng quẩn thiếu sinh khí của nhạc Việt tại hải ngoại, có thể chính những dự án táo bạo, thông minh của chị cũng trở nên thiếu sinh khí.

Đó là phán đoán của tôi. Có thể Trần Thu Hà vẫn còn những điều bí mật mà chúng ta chưa biết? (Mỗi lần đến lại mang theo bí mật).

 Hải Thủy
Ảnh: Danny Nguyên

 

 


From the same category