Hà Trần: “Điều nguy hiểm là tôi có thể sống một mình” - Tạp chí Đẹp

Hà Trần: “Điều nguy hiểm là tôi có thể sống một mình”

Sao

Cao tay ra thì phải hát nhẹ nhàng

– Đi đi về về không vì một… con số chẵn nào cả, chị khiến ngay cả những ai thường dõi theo chị cũng không nhớ nổi chị đã rời Việt Nam được bao lâu rồi. Bao lâu rồi ấy nhỉ?

– Tin không, mười năm rồi đấy! Năm nay là tròn đúng mười năm, nhanh nhỉ?

– Một “thập kỷ yêu” – như thơ chị viết! Một thập kỷ, mà không định làm gì sao?

– Thì cũng đang tính là sẽ làm một live show riêng, tất nhiên, là tại Việt Nam. Nhưng sợ là khó. Vì giờ toàn đi đi về về kiểu “chuồn chuồn thấp nước” thế này, chủ yếu là đi hát, mà chưa bao giờ đủ lâu để làm được một cái gì to tát hơn…

– Album đang làm với Đỗ Bảo thì sao?

– Thì cũng làm theo cách như lâu nay vẫn làm với Thanh Phương thôi, qua điện thoại, qua internet…

– Thiếu đi sự tương tác trực tiếp, cảm xúc liệu có nhẹ đi?

– Không. Riêng cái đấy thì không lo. Nếu như không muốn nói là ngược lại. Thực sự, tôi lại thường cảm thấy mình “đầy” nhất mỗi khi ngồi một mình trong phòng thu. Đối tác ngồi ở đâu với tôi không quan trọng, mà trên hết, là sợi dây nối giữa mình và họ tới mức nào.

 
– Không có chuyện “xa mặt, cách lòng” ở đây sao?

– Khoảng cách, nếu có, đó là lúc ca từ còn nằm trên mặt giấy. Lúc Đỗ Bảo chuyển nó cho tôi, thoạt tiên, đúng là tôi không cảm nhận được thật. Vì lần này vẻ như không có gì đặc biệt, thậm chí, gần như là hơi đơn giản quá, mà mình thì luôn mặc định trong đầu: Đã là với Đỗ Bảo thì phải có gì đặc biệt. Nhưng Bảo nói: Cứ nghe đi, không phải như những đĩa trước của Bảo đâu. Và cuối cùng, tôi thấy Bảo có lý. Đĩa này, tôi chắc sẽ là một đĩa hay đấy, theo kiểu sâu lắng, nhẹ nhàng. Và điều đặc biệt ở đây, có lẽ chính là: Nếu nghe hát thì thấy rất dễ, nhưng đố hát lại được đấy!

– Mới đây, Quang Dũng cũng vừa nói với tôi rằng: Để lại dấu ấn trên sự nhẹ nhàng khó hơn trên sự mãnh liệt nhiều, chị có nghĩ thế?

– Cái này thì tôi cũng đã nói từ rất lâu rồi. Giản dị bao giờ cũng là con đường khó nhất trong nghệ thuật. Cao tay ra thì đúng là phải hát nhẹ nhàng mà vẫn nặng ký. Thay vì sôi sùng sục, thì chỉ là sôi âm ỉ, cái sâu bền bỉ gặm nhấm từ từ mà hóa ra bỏng rẫy…

Sao không, nếu Văn Mai Hương có lợi cho tôi?

– Có cách này giúp giữ “nhiệt độ sôi” hiệu quả hơn nhé: Ghế nóng! Và Hà Trần thì chả biết lúc nào ngồi được, trong khi các diva kia thì đều đã không ít thì nhiều!

– Ghế nóng là gì hả chị?

– Là ngồi ghế giám khảo (hoặc huấn luyện viên) các game show truyền hình thực tế ấy!

– À, thế thì cũng có game đánh tiếng với tôi rồi đấy! Mới đây thôi!

– Là game nào? The Voice chăng?

– Thôi, biết thế thôi, vì đằng nào mình cũng từ chối rồi…


 

– Vì sao?

– Chịu! Muốn thế thì phải bốc cả nhà tôi về đây…

– Thấy sao chuyện Quốc Trung lúc này cũng chăm ngồi “ghế nóng” như ai?

– À, thì có sao đâu, làm cho vui! Anh Trung lợi khẩu quá còn gì, chuyên môn thì thế! Bác ấy ít nói thôi, nhưng biết nói những câu “ăn tiền”.

– Một Hà Trần – “bánh khảo” thì sẽ thế nào được nhỉ?

– Hoạt ngôn thì cũng có đấy! Chắc cũng đủ để làm “bánh khảo”. Nhưng phải cái, cô ấy bị thật thà quá. Bị ném “đá” như chơi!

– Ôi biết đâu là thiệt thòi nhất của Hà Trần lúc này là không… được “ném đá”, giữa thời buổi nhà nhà đều chạy sô truyền hình thực tế, không từ các diva!

– Ừ thì đúng rồi! Đã là “public” thì mọi tin tốt hay xấu cũng đều là… tốt cả! Và dĩ nhiên mỗi người tham gia truyền hình thực tế thì đều có những bài toán của riêng họ. Có người cần ủ nóng cái tên của họ. Cũng có người muốn tiếng nói của mình gây được một ảnh hưởng nào đó với đời sống âm nhạc. Quốc Trung, tôi nghĩ là một trường hợp như vậy. Có điều, tôi thấy ở ta hay có chuyện cực đoan này: Cứ hễ có gì tạm gọi là “mốt” là ngay lập tức rào rào cả lên…   

– Và cứ sau mỗi mùa game, là lại thấy ra đời một “tiểu diva mới”! Người chị vừa “cầm tay” cách đây không lâu cũng là sản phẩm của truyền hình thực tế đấy thôi!

– Là Uyên Linh ấy hả? Uyên Linh thì tôi thấy được đấy chứ! Sắc vóc, giọng hát… Tuy nhiên, nếu để trở thành một “danh ca”, thì tôi nghĩ Linh còn cần có thời gian trau dồi kỹ thuật và cả trải nghiệm sống nữa…

– Đứng chung sân với các thí sinh vừa chân ướt chân ráo bước ra khỏi các cuộc thi, một diva như chị có bao giờ cảm thấy “gợn”?

– Tôi thấy bình thường. Thị trường nào cũng vậy thôi và sẽ luôn là như vậy, vì nó là quy luật bề nổi của showbiz rồi. Và chưa biết chừng để tồn tại, diva còn khó khăn hơn nhiều, khi tuổi ngày càng dầy thêm, độ ì gia tăng. Đừng nghĩ ngày mai sẽ dễ hơn hôm nay, không có đâu!

– Nhưng nếu được mời đứng “chung sân” với… Văn Mai Hương, chị có nhận lời? Khi đó là “đương kim sở hữu” người cũ của chị?

– Nếu Văn Mai Hương có lợi cho tôi về mặt hình ảnh. Sao không?

 

– Quốc Trung từng hơn một lần ngán ngẩm nói rằng: Việt Nam không có một thị trường âm nhạc đúng nghĩa, chị thấy sao?

– Sao anh Trung lại nói thế nhỉ? Tôi thấy vẫn có đấy chứ! Thì thế mới có những phân khúc, thị phần… Điều đáng buồn hơn theo tôi là lúc này, các giá trị lên ngôi dễ dàng quá! Cứ lấy ví dụ Uyên Linh đi! Nếu tự Uyên Linh cảm thấy mình muốn đi xa hơn thì mới cần học hỏi thêm. Bằng không thì cô ấy vẫn đi sô tốt, vì có ai đòi hỏi nữa đâu nào: bầu sô không, các fan lại càng không. Sự thúc đẩy nếu không đến tự thân thì không mong có được từ môi trường. Khác với thời của chúng tôi, là không chỉ đòi hỏi tự thân, mà còn từ giới chuyên môn, từ bầu sô, truyền thông và cả những khán giả khó tính nữa. Trong một môi trường mà ai cũng có nội lực thì phải “bơi” cật lực để ngoi lên. Đơn giản bây giờ người ta đã quen ăn fast food rồi nên vào bếp hay vào nhà hàng lúc này, đâm ra lại thấy lích kích. Đó, điều đáng buồn nhất, lúc này, theo tôi, chính là chỗ đó…

– Hà Trần thì tìm về Đỗ Bảo, Thanh Phương, Tùng Dương thì đánh đường “qua bển” tìm Nguyên Lê, Phương Nam… – hai chuyển động đó có ngược chiều nhau không nhỉ?

– Không. Nó là cùng một cái đích đấy chứ: tìm cảm hứng mới. Có điều, người thì cần tìm cảm hứng từ bên trong, người lại muốn kéo nó về từ bên ngoài.

– Nhưng vì sao lại chưa bao giờ là Hà Trần – Nguyên Lê nhỉ? Chẳng phải là rất dễ gặp nhau sao?

– Nguyên Lê, tôi cũng đã từng có cơ hội làm việc chung trong một đêm nhạc từ thiện ở hải ngoại. Chưa kể, có thể nói, tôi còn là một trong những ca sĩ đầu tiên ở Việt Nam tìm nghe nhạc Nguyên Lê từ rất sớm. Ở góc độ một người thưởng thức thì phải nói là rất thích nhưng nếu để làm việc thì chắc còn cần phải có duyên, chứ không thể nói cứ thích là được. Tôi chưa tìm thấy nhiều điểm chung với Nguyên Lê, hoặc có thể tôi đã qua giai đoạn khác với lối tư duy âm nhạc khác.

Thanh Lam nóng, tôi lạnh

– Thanh Lam – Trần Thu Hà – tình thân ấy có từ lâu, hay chỉ là một… “đối trọng” với Mỹ Linh – Hồng Nhung?

– “Đối trọng”, là sao? Chuyện thực ra đơn giản hơn nhiều: Tôi là một fan lâu năm của Thanh Lam. Đấy, thế cho nên, vụ “cầm tay” vừa rồi, chả ai nhớ, chỉ mình tôi nhớ Lam từng hát “Biển cười” của Lan Doky, và chính tôi đã yêu cầu Lam hát lại cho tôi, trước hết là cho tôi, nghe bài đấy…Và trên hết, dù xa cách, dù đôi khi “trục trặc”,  tôi và Lam vẫn có cái kiểu cứ gặp nhau là như không có thời gian ở giữa, lại nối tiếp chuyện hôm qua. Tôi không nghĩ tình cảm ấy giả tạo được đâu.

– Ôi đến Đàm Vĩnh Hưng cũng từng là “fan lâu năm” của Thanh Lam đấy thôi!

– Tôi biết. Và cũng từng nghe nói về dự án hợp tác chung giữa hai người…

– Thấy sao? Quốc Trung từng nói với tôi là lựa chọn ấy của Lam khiến anh ấy thất vọng…

– Tôi cũng thấy thất vọng. Dù không nghe đĩa đó. Đã đành, Đàm Vĩnh Hưng là một ngôi sao gần gũi với số đông, nhưng Thanh Lam cũng có thị phần của riêng chị ấy, nên không thể tiếp cận đại chúng theo kiểu đó được. Và thực tế cũng đã trả lời cho chuyến phiêu du đó: Lam đâu có nhiều fan hơn sau cái “cầm tay” đó. Đâu phải kết hợp với một ngôi sao đại chúng là sẽ có nhiều fan hơn đâu! Không phải! Và ngược lại, những ai là fan của Thanh Lam cũng đâu vì thế mà kết Đàm Vĩnh Hưng hơn?

– Ngoài việc là “fan lâu năm”, trước khi cùng ngồi “một chiếu”, có phải còn vì Thanh Lam từng là… bà mai mát tay cho chị, đúng không?

– Công nhận chị nhớ dai thật đấy, nhưng chỉ đúng một phần thôi. Chỉ là, lần ấy, chị ấy có nhờ tôi cầm qua bên Mỹ một cái đĩa tặng ông bạn. Và chồng tôi quen ông bạn đấy! (cười).

– Hai đường thẳng song song hay hai đường thẳng cắt nhau thì sẽ phản ánh đúng nhất quan hệ giữa Thanh Lam và Hà Trần?

– Hai đường thẳng song song nhưng cùng chuyển động trong một quỹ đạo. Và vì thế, đến một lúc nào đó, nó sẽ gặp nhau.

– Hai cá tính “nổi loạn”, vậy mà trong hôn nhân, hình như Hà Trần thì luôn là con mèo ngoan, còn Thanh Lam thì là… con cóc (bỏ đĩa)?

– Chắc không? Dù Lam thì đúng là hơi nóng, và tôi thì đúng là hơi lạnh. Nhưng cũng chính vì thế mà điều “nguy hiểm” ở Hà là có thể sống một mình. Dù tất nhiên không ai muốn thế. Nhưng nếu chẳng may bị rơi vào hoàn cảnh đó, thì tôi nghĩ mình vẫn có thể chịu đựng được. Vì nhìn chung, tôi khá độc lập trong chuyện tình cảm. Còn Lam thì… e là không. Trông Lam mạnh mẽ thế thôi, nhưng dường như chị ấy luôn cần một bờ vai. Nói chung, Lam cảm tính, duy tình, còn tôi thì duy lý. Sống giàu tình cảm, nhưng cách thể hiện khác nhau một trời một vực.

 

– Có phải lạnh thì đàn ông sẽ sợ hơn? Hay ngược lại, lạnh thì sẽ hơi cứng?

– Cho đến lúc này thì vẫn chưa thấy có vấn đề gì lắm. Cũng có thể rắc rối chưa đến, là vì mình đang sống với một người giống mình. Lạnh thì cũng hơi cứng… đầu cứng cổ thật. Cũng phải bản lĩnh và rộng lượng lắm mới chịu nổi tôi!

– Hai người duy lý thì sẽ sống với nhau như thế nào?

– Thường thì họ làm gì cũng có lý do. Và họ cùng quả quyết với nhau rằng: Trong mỗi người sẽ có ít nhất 3 con người. Một, chính là bản chất con người đó. Hai, là con người mà xã hội muốn nhìn nhận họ. Và ba, là con người mà người đó muốn hướng tới. Tùy từng lúc, 1 trong 3 con người ấy sẽ là bề nổi hay bề chìm ở họ. Bằng cách này hay cách khác, họ tôn trọng cả 3 con người đó, ở vợ/chồng mình.

– Vậy, con người Hà muốn hướng tới lúc này là gì?

– Một nghệ sỹ độc lập, có thể tự viết nhạc cho mình. Và càng ngày càng có xu hướng lựa chọn những chương trình có ít người hát hơn, có concept rõ ràng.

– Kể chuyện làm mẹ đi! Trẻ con, nếu quả thật biết dạy người lớn, thì đó là bài học gì nhỉ, theo Hà?

– Ôi, nhiều lắm! Trong đó, bài học đáng giá nhất, đó là: Đừng mơ có sáng tạo đỉnh cao, trừ khi bạn là… tạo hóa! Phải đến khi sinh con ra, nhìn từng ngón tay, ngón chân, sợi tóc… của con, đủ hết, không thừa không thiếu một cái gì, tôi mới cảm nhận hết sự mờ nhạt trong những dấu ấn sáng tạo của mình trước bàn tay sáng tạo của tạo hóa. Làm sao lại có thể tạo ra được một phiên bản đi ra từ mình, giống hệt mình mà lại vẫn không phải là mình thế nhỉ? Một sinh linh bé nhỏ, mong manh, phụ thuộc vào mình hoàn toàn, nhưng vẫn lại khiến mình cảm thấy rằng chính mình mới là người lệ thuộc, mà không cần đến một sợi dây hay một cái điều khiển nào, mình đi tù một cách tự nguyện…

– Này, Hà nấu ăn có ngon không?

– Cũng… được. Được thôi! Ngon thì phải là Thanh Lam. Lam nấu ăn ngon lắm. Nói chung chị ấy đàn bà hết sức, chứ không nổi loạn như người ta tưởng đâu!

– Hà có biết thế mạnh của mình là… trẻ lâu không? Dường như luôn luôn có một chút gì đó gần như ngập ngừng rất trẻ thơ ở Hà, ngập ngừng mà không lập cập, ngay cả trong những di chuyển trên sân khấu, rất khó tả!

– Chị thấy thế à, lạ nhỉ? Tôi thì thực ra không được kỹ lưỡng cho lắm trong việc chăm chút bản thân đâu! Nhưng tôi luôn tin rằng có thể gìn giữ nhan sắc và sức khỏe bằng một đời sống khoa học và luyện tập thể thao. Thế nên, cứ “sểnh” ra là tập thể dục, đi bơi, luyện boxing và đạp xe ra biển. Tôi thích những bài tập hơi “man”, nhiều thách thức chứ mấy món aerobic của chị em thì không khoái lắm.

– Một tuần thường trôi qua thế nào?

– Cuối tuần thì làm ca sĩ. Còn ngày thường thì làm… phụ nữ, chăm con và chơi với chồng. Nhà tôi chẳng có ai hầu ai cả. Chỉ hầu cái “bà” bé nhất nhưng cháu cũng được dạy tính tự lập sớm lắm. Chưa đầy 17 tháng nhưng cháu đã có thể tự xúc ăn, ngủ riêng một mình, sáng đánh răng cùng mẹ, tự chọn quần áo và đi bộ đến nhà trẻ… Dĩ nhiên, cũng có những khoảng lặng để tự nạp năng lượng cho mình, để cái mình có luôn luôn là hai thế giới…

Bài: Thư An – Ảnh: Trọng Đức
Trang điểm: Thạc Cutie

Thực hiện: depweb

03/06/2013, 11:46