Hà Trần

“Tôi như sống bằng hai con người. Ban ngày là cuộc sống của một người phụ nữ có gia đình hạnh phúc, bình yên và hãnh diện. Còn mỗi đêm, những giấc mộng chập chờn và từng gương mặt quen thuộc đi qua, trộn lẫn và nhòa mờ. Tỉnh dậy sau những giấc mơ chập chờn ấy, tôi phải ngồi mãi mới tỉnh táo lại, yên ổn và hạnh phúc khi thấy bên cạnh là người đàn ông mình tin yêu”


Dường như những lời âu yếm nhất, Hà Trần đã nói hết để dành cho ông xã của mình?

Tôi lấy chồng là một quyết định rất nhanh chóng, thậm chí nhiều bạn bè bất ngờ và không hiểu chú rể là ai. Đó là một chuyện vui và thực sự là một điều may mắn. Tôi đã chọn đúng và không ân hận về bến đỗ cuộc đời này. Tôi và ông xã là bạn tâm giao, đồng cảm với nhau rất nhiều ngay từ lúc tôi còn hoang mang và trộn lẫn nhiều cảm xúc về tình yêu. Tôi chia tay một người bạn khác để đến với anh Bình và yêu như lần đầu tiên. Bình là người đàn ông mà tôi mơ ước. Anh ấy có sự ngây thơ và hồn nhiên như đứa trẻ của bố tôi. Có cả sự từng trải mạnh mẽ như chú tôi. Và có cả sự tin cậy và bao dung của anh trai tôi.

Vậy mà nhiều lời bình luận rằng, Hà đã lựa chọn Bình để có một bước tiến nữa trong sự nghiệp và sang Mỹ định cư?

Khi cưới anh Bình rồi tôi mới biết chuyện hôn nhân đúng là duyên số và không thể tính toán được. Trước khi cưới anh Bình tôi đã quen nhiều người bạn ngoại quốc, đã đi nhiều nước, biểu diễn ở nhiều nơi và cũng có kỳ vọng về một cuộc chinh phục nào đó. Cũng rất khó để như Anggun đến gõ cửa nhà sản xuất ở Pháp mà phải bằng một cách nào khác mà tôi chưa nghĩ ra. Nhưng bạn thấy đấy, dù tôi đã đến Mỹ nhưng tôi vẫn phải làm theo cách của tôi mà sống. Sống ở đây có nghĩa là làm việc đấy.

Cuộc sống của Hà ở Mỹ?

Vợ chồng tôi ở riêng. Hàng ngày tôi đi làm cho văn phòng của chồng. Những ngày khác có thể đi thu thanh với ban nhạc. Ngày cuối tuần đi diễn. Ở Mỹ, hợp đồng biểu diễn của tôi ký kéo dài trong một năm. Nếu nghỉ buổi nào sẽ phải diễn bù buổi đó. Chính vì thế tôi cũng không thể về thăm nhà nhiều được.

Một ca sĩ cá tính và hát lạ như Hà Trần có cạnh tranh được với các ca sĩ hải ngoại bên đó?

Tôi cho rằng mình là người dễ thích nghi với mọi điều kiện làm việc. Tôi vẫn làm được những việc mình thích. Nhưng ở Mỹ, tôi vẫn phải chú ý chọn những bài hát phù hợp với người nghe bên đó như nhạc tiền chiến, nhạc Trịnh Công Sơn… Anh thấy đấy, người ta vẫn còn mời tôi hát thì chắc chắn phải có người nghe.

Đi hát và kiếm tiền ở bên đó có phải là một áp lực đối với Hà?

Cuộc sống của tôi không đến mức chịu áp lực gì cả. Thù lao đêm diễn của tôi không cao, 3000USD. Tôi tự đề ra cho mình mỗi tháng chỉ đi hát 4 show, mỗi tuần một show. Nếu tháng này không làm đủ thì tháng sau phải bù.





“Thú thực, tôi như một ngọn núi lửa, có thể hiền lành đấy mà bùng cháy lúc nào không biết. Nhưng cuộc sống hạnh phúc đã cho tôi lại cảm giác muốn được làm việc và thực sự là đã làm rất hiệu quả trong thời gian qua. Tại sao CD mới của tôi lại làm mất nhiều thời gian đến thế. Đó là thời gian mà tôi đã hoang mang về bản thân mình, về tình yêu và đâm ra đứng lại trong công việc. Là một người đàn bà, có một điểm tựa về tinh thần là một người đàn ông thực sự quan trọng”.
Xa rời môi trường làm việc ở Việt Nam và thành một nhân viên văn phòng có phải là một nguy cơ xa rời nghiệp hát đối với Hà?

Chính những ngày về Việt Nam tôi thấy mình lười biếng và tiếc thời gian. Ở nhà làm việc gì cũng chậm. Còn ở bên này, đi làm văn phòng là công việc tôi muốn giúp chồng. Còn môi trường làm việc mới rất văn minh. Ban nhạc mà chúng tôi cộng tác người Mỹ, có người chơi trống và bass rất hay. Chúng tôi có phòng thu riêng và làm việc liên tục. Điều kiện làm việc và tư duy âm nhạc mới là điều đáng quan tâm trong nghề nghiệp của tôi.

Hà nói nhiều về hạnh phúc. Sự hưởng thụ có làm người ta giảm bớt những khát vọng chinh phục?

Thú thực, tôi như một ngọn núi lửa, có thể hiền lành đấy mà bùng cháy lúc nào không biết. Nhưng cuộc sống hạnh phúc đã cho tôi lại cảm giác muốn được làm việc và thực sự là đã làm rất hiệu quả trong thời gian qua. Tại sao CD mới của tôi lại làm mất nhiều thời gian đến thế. Đó là thời gian mà tôi đã hoang mang về bản thân mình, về tình yêu và đâm ra đứng lại trong công việc. Là một người đàn bà, có một điểm tựa về tinh thần là một người đàn ông thực sự quan trọng.

Tiếp chuyện về album mới của Hà nhé, đó là một sản phẩm mang nợ đã 2 năm, từ khi Hà chưa lập gia đình. Vậy liệu Hà có đặt cho nó một áp lực về mặt chuyên môn so với “Nhật thực”?

Như đã nói, thời gian trước khi lập gia đình và nhất là sau khi thực hiện xong “Nhật thực”, tôi hoang mang nhiều. Nửa muốn làm việc nửa muốn dừng lại. Một khoảng lặng cần có và cần nhắc đến. Album mới phát hành tròn 2 năm tôi xa rời với bản thân mình. Nó chẳng có một áp lực nào ngoài tôi thấy mình thiếu trách nhiệm bản thân vì lẽ ra tôi phải làm được nhiều hơn thế.

Điều đáng mừng nhất CD đó là chị đã tìm thêm được những cộng sự mới?
Thanh Phương là người thân của gia đình tôi và chúng tôi có chung những ý tưởng âm nhạc. Dự định cộng tác lâu dài với Phương từ lâu mà chưa có điều kiện vì trước đấy anh ấy có quá nhiều việc với Thanh Lam và Hồng Nhung. Còn ban nhạc Bflat ở Mỹ là những người bạn của chồng tôi. Họ thật sự là những người bạn mới, đồng cảm với tôi và cho tôi nhiều bài học mới về âm nhạc. Tôi mong muốn nhất là làm sao có thể đưa họ về Việt Nam trình diễn trước khán giả Việt Nam.

Ê kíp mới không có tên Quốc Bảo, một cộng sự đáng nói nhất của Hà Trần giai đoạn 9803?


Album có tới 3 ca khúc của Quốc Bảo, nhiều nhất trong album.

Nghe nói, Hà bỏ một nửa bản phối của Quốc Bảo và mối quan hệ đó cũng không còn thân tình?

Bản phối của anh Bảo tặng tôi là để cảm ơn tôi đã thu thanh cho album của anh ấy. Còn mối quan hệ riêng, tôi hơi buồn về cách hành xử của anh ấy sau này. Tôi giận chuyện Quốc Bảo đem phần thu thanh ca khúc “Cho em” của tôi ra làm bè hát nền cho Ngô Thanh Vân trong album của Vân.

Có lẽ không chỉ Quốc Bảo và cả Ngọc Đại sẽ cảm thấy thiếu nhất khi Hà Trần không còn ở VN?

Tôi cho rằng, đã đến lúc cả tôi lẫn chú Đại, anh Bảo đều phải cần tìm cho mình những “phần thiếu” khác. Nhưng nếu để làm việc, tôi vẫn sẵn sàng. Ngay như với Đỗ Bảo khi làm album, cậu ấy đã gửi bài qua Mỹ để tôi thu thanh đấy chứ.

Nhưng nhiều khi cả tác giả lẫn người nghe đều lấy Hà ra làm một áp lực cho người đi sau. Lấy ví dụ nhé, “Nhật thực 2” chẳng hạn. Gánh nặng thực sự khi Khánh Linh và Tùng Dương thể hiện dưới cái bóng của Nhật thực – Trần Thu Hà?

Theo quan điểm của Hà thì Nhật thực là một mảng âm nhạc khá u tối và rất âm tính của Nhạc sĩ Ngọc Đại. Cũng không hiểu chú Đại lắm khi để cho Dương và Linh thể hiện mảng sáng tác này. Như vậy là ít có điều kiện cho họ phát huy sở trường. Nếu quan tâm đến Tùng Dương và Khánh Linh nên quan tâm đến những album cá nhân của họ thì hơn. Ở góc độ khán giả, Hà thích album của Tùng Dương đặc biệt là bài “Trăng khuyết”.

Thêm những cá nhân ca sĩ cá tính như Tùng Dương, Khánh Linh, Ngọc Khuê… liệu Hà Trần có mất đi vị trí độc tôn về cá tính sáng tạo?

Đã là cá tính thì chẳng ai giống ai. Có thêm nhiều những ca sĩ cá tính chắc chắn, sự sáng tạo sẽ không còn bị cô độc.

Hiện tại, Hà muốn phấn đấu trong nghề nghiệp?

Muốn được làm việc, âm thầm và không quá lệ thuộc vào những chi phối bên ngoài. Những cú nổ của ngọn núi lửa trong tôi không biết sẽ bùng dậy lúc nào. Chừng nào mọi người thấy tôi hát không đáng nghe, sự xuất hiện của tôi không có ý nghĩa thì tôi mới thôi không làm việc./.

(Kiều Phong)


From the same category